1. Tỷ suất lợi nhuận
Trên thực tế, các nhà tư bản không chỉ quan tâm đến lợi nhuận, mà còn quan tâm đến tỷ suất lợi nhuận.
Tỷ suất lợi nhuận là tỷ số tính theo phần trăm giữa giá trị thặng dư và toàn bộ tư bản ứng trước.
Nếu ký hiệu tỷ suất lợi nhuận là p’ ta có:
Lợi nhuận là hình thức chuyển hoá của giá trị thặng dư, nên tỷ suất lợi nhuận cũng là sự chuyển hoá của tỷ suất giá trị thặng dư, vì vậy chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nhưng giữa m’ và p’ lại có sự khác nhau cả về lượng và chất.
Về mặt lượng: p’ luôn luôn nhỏ hơn m’, vì:
Về mặt chất: m’ phản ánh trình độ bóc lột của nhà tư bản đối với công nhân làm thuê. Còn p’ không thể phản ánh được điều đó, mà chỉ nói lên mức doanh lợi của việc đầu tư tư bản.
Tỷ suất lợi nhuận chỉ cho nhà tư bản biết tư bản của họ đầu tư vào đâu thì có lợi hơn. Do đó, việc thu lợi nhuận và theo đuổi tỷ suất lợi nhuận là động lực thúc đẩy các nhà tư bản, là mục tiêu cạnh tranh của các nhà tư bản.
2. Những nhân tố ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận
Sự thèm khát lợi nhuận của các nhà tư bản là không có giới hạn. Mức tỷ suất lợi nhuận cao bao nhiêu cũng không thoả mãn được lòng tham vô đáy của chúng. Nhưng mức tỷ suất lợi nhuận cao hay thấp không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của các nhà tư bản, mà phụ thuộc vào những nhân tố khách quan sau đây:
– Tỷ suất giá trị thặng dư:
Tỷ suất giá trị thặng dư càng cao thì tỷ suất lợi nhuận càng lớn và ngược lại. Ví dụ:
+ Nếu cơ cấu giá trị hàng hoá là: 800 c + 200 v + 200 m, thì m’ = 100% và p’= 20%.
+ Nếu cơ cấu giá trị hàng hoá là: 800 c + 200 v + 400 m, thì m’ = 200% và p’ = 40%.
Do đó, tất cả những thủ đoạn nhằm nâng cao trình độ bóc lột giá trị thặng dư, cũng chính là những thủ đoạn nhằm nâng cao tỷ suất lợi nhuận.
– Cấu tạo hữu cơ của tư bản:
Trong điều kiện tỷ suất giá trị thặng dư không đổi, nếu cấu tạo hữu cơ tư bản càng cao thì tỷ suất lợi nhuận càng giảm và ngược lại.
Ví dụ:
+ Nếu cấu tạo hữu cơ tư bản là 7/3 thì :
W = 70c + 30v + 30m và p’ = 30%
+ Nếu cấu tạo hữu cơ tư bản là 8/2 thì:
W = 80c +20v + 20m và p’ = 20%.
Thông thường, khi cấu tạo hữu cơ của tư bản tăng, thì tỷ suất giá trị thặng dư cũng có thể tăng lên, nhưng không thể tăng đủ bù đắp mức giảm của tỷ suất lợi nhuận.
– Tốc độ chu chuyển của tư bản:
+ Nếu tốc độ chu chuyển của tư bản càng lớn, thì tỷ suất giá trị thặng dư hàng năm càng tăng lên, do đó tỷ suất lợi nhuận cũng càng tăng.
Ví dụ:
+ Nếu tốc độ chu chuyển của tư bản một năm 1 vòng:
80c + 20v + 20m, thì p’ = 20%.
+ Nếu tốc độ chu chuyển của tư bản một năm 2 vòng:
80c + 20v + (20 + 20)m, thì p’ = 40%.
Vậy tỷ suất lợi nhuận tỷ lệ thuận với số vòng chu chuyển của tư bản và tỷ lệ nghịch với thời gian chu chuyển của tư bản.
– Tiết kiệm tư bản bất biến
Trong điều kiện tỷ suất giá trị thặng dư và tư bản khả biến không đổi, nếu tư bản bất biến càng nhỏ thì tỷ suất lợi nhuận càng lớn.
Vì theo công thức:
Rõ ràng khi m và v không đổi, nếu c càng nhỏ thì p’ càng lớn.
Vì vậy, trong thực tế, để nâng cao tỷ suất lợi nhuận, các nhà tư bản đã tìm mọi cách để tiết kiệm tư bản bất biến như sử dụng máy móc, thiết bị, nhà xưởng, nhà kho, phương tiện vận tải với hiệu quả cao nhất; kéo dài ngày lao động, tăng cường độ lao động; thay thế nguyên liệu đắt tiền bằng nguyên liệu rẻ tiền, giảm những chi tiêu bảo hiểm lao động, bảo vệ môi trường, giảm tiêu hao vật tư năng lượng và tận dụng phế liệu, phế phẩm, phế thải để sản xuất hàng hoá.
Bốn nhân tố trên đây đều được các nhà tư bản sử dụng khai thác một cách triệt để, để thu tỷ suất lợi nhuận cao nhất. Song, với những đặc điểm, điều kiện khác nhau, nên cùng một lượng tư bản như nhau đầu tư vào các ngành sản xuất khác nhau, mà tỷ suất lợi nhuận thu được lại khác nhau. Vì vậy, các nhà tư bản ra sức cạnh tranh kịch liệt với nhau và dẫn tới việc hình thành lợi nhuận bình quân.
Liên quan: