Trang chủ Triết học Quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với lực lượng sản xuất

Quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với lực lượng sản xuất

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 685 views

Mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất quy định sự vận động, phát triển cùa các phương thức sản xuất trong lịch sử. Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là hai mặt của một phương thức sản xuất có tác động biện chứng, trong đó lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất, còn quan hệ sản xuất tác động trở lại to lớn đối với lực lượng sản xuất. Nếu quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất thì thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, ngược lại, nếu không phù hợp sẽ kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất. Đây là quy luật cơ bản của sự vận động và phát triển xã hội.

1. Vai trò quyết định của lực lượng sản xuất đối với quan hệ sản xuất

Sự vận động và phát triển của phương thức sản xuất bắt đầu từ sự biến đổi của lực lượng sản xuất. Lực lượng sản xuất là nội dung của quá trình sản xuất có tính năng động, cách mạng, thường xuyên vận động và phát triển; quan hệ sản xuất là hình thức xã hội của quá trình sản xuất có tính ổn định tương đối. Trong sự vận động của mâu thuẫn biện chứng đó, lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất. Cơ sở khách quan quy định sự vận động, phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất là do biện chứng giữa sản xuất và nhu cầu con người; do tính năng động và cách mạng của sự phát triển công cụ lao động; do vai trò của người lao động là chủ thể sáng tạo, là lực lượng sản xuất hàng đầu; do tính kế thừa khách quan của sự phát triển lực lượng sản xuất trong tiến trình lịch sử.

Sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là đòi hỏi khách quan của nền sản xuất. Lực lượng sản xuất vận động, phát triển không ngừng sẽ mâu thuẫn với tính “đứng im” tương đối của quan hệ sản xuất. Quan hệ sản xuất từ chỗ là “hình thức phù hợp”, “tạo địa bàn” phát triển của lực lượng sản xuất trờ thành “xiềng xích” kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất. Đòi hỏi tất yếu của nền sản xuất xã hội là phải xoá bỏ quan hệ sản xuất cũ, thiết lập quan hệ sản xuất mới phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất đã phát triển. C.Mác đã nêu tư tưởng về vai trò của sự phát triển lực lượng sản xuất đối với việc thay đổi các quan hệ xã hội: “Những quan hệ xã hội đều gắn liền mật thiết với những lực lượng sản xuất. Do có những lực lượng sản xuất mới, loài người thay đổi phương thức sản xuất của mình, và do thay đổi phương thức sản xuất, cách kiếm sống của mình, loài người thay đổi tất cả những quan hệ xã hội của mình. Cái cối xay quay băng tay đưa lại xã hội có lãnh chúa, các cối xay chạy bằng hơi nước đưa lại xã hội có nhà tư bản công nghiệp”.

Lực lượng sản xuất quyết định sự ra đời của một kiểu quan hệ sản xuất mới trong lịch sử, quyết định đến nội dung và tính chất của quan hệ sản xuất. Con người bằng năng lực nhận thức và thực tiễn, phát hiện và giải quyết mâu thuẫn, thiết lập sự phù hợp mới làm cho quá trình sản xuất phát triển đạt tới một nấc thang cao hơn.

2. Sự tác động trở lại của quan hệ sản xuất đối với lực lượng sản xuất

Do quan hệ sản xuất là hình thức xã hội của quá trình sản xuất có tính độc lập tương đối nên tác động mạnh mẽ trở lại đối với lực lượng sản xuất. Vai trò của quan hệ sản xuất đối với lực lượng sản xuất được thực hiện thông qua sự phù hợp biện chứng giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

Sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là đòi hỏi khách quan của nền sản xuất. Sự phù hợp của quan hệ sản xuất với lực lượng sản xuất là một trạng thái trong đó quan hệ sản xuất là “hình thức phát triển” của lực lượng sản xuất và “tạo địa bàn đầy đủ” cho lực lượng sản xuất phát triển. Sự phù hợp bao gồm sự kết hợp đúng đắn giữa các yếu tổ cấu thành lực lượng sản xuất; sự kết hợp đúng đắn giữa các yếu tố
cấu thành quan hệ sản xuất; sự kết hợp đúng đắn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất. Sự phù hợp bao gồm cả việc tạo điều kiện tối ưu cho việc sử dụng và kết hợp giữa người lao động và tư liệu sản xuất; tạo điều kiện hợp lý cho người lao động sáng tạo trong sản xuất và hưởng thụ thành quả vật chất, tinh thần của lao động.

Nếu quan hệ sản xuất “đi sau” hay “vượt trước” trình độ phát triển của lực lượng sản xuất đều là không phù hợp. Sự phù hợp không có nghĩa là đồng nhất tuyệt đối mà chỉ là tương đối, trong đó chứa đựng cả sự khác biệt. Sự phù hợp diễn ra trong sự vận động phát triển, là một quá trình thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn.

Sự phù hợp của quan hệ sản xuất với lực lượng sản xuất quy định mục đích, xu hướng phát triển của nền sản xuất xã hội; hình thành hệ thống động lực thúc đẩy sản xuất phát triển; đem lại năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền sản xuất.

Sự tác động của quan hệ sản xuất đối với lực lượng sản xuất diễn ra theo hai chiều hướng, đó là thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất. Khi quan hệ sản xuất phù hợp với lực lượng sản xuất thì nền sản xuất phát triển đúng hướng, quy mô sản xuất được mở rộng; những thành tựu khoa học công nghệ được áp dụng nhanh chóng; người lao động nhiệt tình hăng hái sản xuất, lợi ích của người lao động được đảm bảo và thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Nếu quan hệ sản xuất không phù hợp thì sẽ kìm hãm, thậm chí phá hoại lực lượng sản xuất. Tuy nhiên, sự kìm hãm đó chỉ diễn ra trong những giới hạn, với những điều kiện nhất định.

Trạng thái vận động của mâu thuẫn biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất diễn ra là từ phù hợp đến không phù hợp, rồi đến sự phù hợp mới ở trình độ cao hơn. Con người bằng năng lực nhận thức và thực tiễn, phát hiện và giải quyết mâu thuẫn, thiết lập sự phù hợp mới làm cho quá trình sản xuất phát triển đạt tới một nấc thang cao hơn. C.Mác khẳng định; “Tới một giai đoạn phát triển nào đó của chúng, các lực lượng sản xuất vật chất của xã hội mâu thuẫn với những quan hệ sản xuất hiện có… trong đó từ trước tới nay các lực lượng sản xuất vẫn phát triển. Từ chỗ là các hình thức phát triển của lực lượng sản xuất, những quan hệ ấy trở thành những xiềng xích của các lực lượng sản xuất. Khi đó bắt đầu thời đại một cuộc cách mạng xã hội”.

Quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là quy luật phổ biến tác động trong toàn bộ tiến trình lịch sử nhân loại. Sự tác động biện chứng giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất làm cho lịch sử xã hội loài người là lịch sử kế tiếp nhau của các phương thức sản xuất, từ phương thức sản xuất cộng sản nguyên thủy qua phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ, phương thức sản xuất phong kiến, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và đang phát triển đến phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa.

Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, do những điều kiện khách quan và chủ quan quy định, quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất có những đặc điểm tác động riêng, Sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất đòi hỏi tất yếu thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu. Phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa dần dần loại trừ đối kháng xã hội. Sự phù hợp không diễn ra “tự động”, đòi hỏi trình độ tự giác cao trong nhận thức và vận dụng quy luật. Quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong xã hội xã hội chủ nghĩa có thể bị “biến dạng” do nhận thức và vận dụng không đúng quy luật.

3. Ý nghĩa trong đời sống xã hội

Quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất có ý nghĩa phương pháp luận rất quan trọng. Trong thực tiễn, muốn phát triển kinh tế phải bắt đầu từ phát triển lực lượng sản xuất, trước hết là phát triển lực lượng lao động và công cụ lao động. Muốn xóa bỏ một quan hệ sản xuất cũ, thiết lập một quan hệ sản xuất mới phải căn cứ từ trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, không phải là két quả của mệnh lệnh hành chính, của mọi sắc lệnh từ trên ban xuống, mà từ tính tất yếu kinh tế, yêu cầu khách quan của quy luật kinh tế, chống tuỳ tiện, chủ quan, duy tâm, duy ý chí.

Nhận thức đúng đắn quy luật này có ý nghĩa rất quan trọng trong quán triệt, vận dụng quan điểm, đường lối, chính sách, là cơ sở khoa học để nhận thức sâu sắc sự đổi mới tư duy kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong quá trình cách mạng Việt Nam, đặc biệt trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn quan tâm hàng đầu đến việc nhận thức và vận dụng đúng đắn sáng tạo quy luật này, đã đem lại hiệu quả to lớn trong thực tiễn. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát, là sự vận dụng quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trong phát triển kinh tế ở Việt Nam hiện nay.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net