Khái niệm và phân loại dự án đầu tư.
1. Khái niệm
Dự án đầu tư là một tập hợp các hoạt động có liên quan với nhau được kế hoạch hoá, nhằm đạt được các mục tiêu đã định trong một thời hạn nhất định, thông qua việc sử dụng các nguồn lực nhất định.
Về hình thức: Dự án đầu tư là một tập hồ sơ tài liệu trình bày một cách chi tiết và có hệ thống các hoạt động và chi phí theo kế hoạch để đạt được những kết quả và thực hiện được những mục tiêu nhất định trong tương lai.
Trên góc độ kế hoạch hoá: Dự án đầu tư là một công cụ thể hiện kế hoạch chi tiết của một hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội, làm tiền đề cho các quyết định đầu tư và tài trợ.
Trên góc độ quản lý: Dự án đầu tư là một công cụ quản lý việc sử dụng vốn, vật tư, lao động (các nguồn lực) để tạo ra kết quả tài chính, kinh tế – xã hội trong một thời gian dài.
Thông thường một dự án đầu tư có một số đặc trưng cơ bản sau:
– Mục tiêu của dự án: Mỗi dự án luôn gắn với yêu cầu cần mang lại những lợi ích kinh tế – xã hội và những mục đích cụ thể cần đạt được về mặt tài chính. Nói cách khác: Vì mục tiêu và chỉ vì mục tiêu mà có dự án.
– Kết quả của dự án: Đó là những sản phẩm, dịch vụ được tạo ra nhằm thực hiện các mục tiêu của dự án, cụ thể là khối lượng các sản phẩm, dịch vụ được sản xuất ra và tiêu thụ trên thị trường hàng năm khi dự án đi vào hoạt động.
– Các hoạt động của dự án: Những nhiệm vụ hoặc hành động được thực hiện trong dự án để tạo ra các kết quả nhất định. Những nhiệm vụ, hoặc hành động này cùng với một tiến độ thực hiện và trách nhiệm cụ thể của các bộ phận liên quan tạo thành kế hoạch hàng động của dự án.
– Nguồn lực thực hiện dự án: Phản ánh quy mô vật tư, lao động và các nguồn thiên nhiên khác… cần thiết để thực hiện các hoạt động của dự án. Giá trị các nguồn lực này chính là vốn đầu tư cần thiết cho dự án.
2. Phân loại dự án đầu tư
Tuỳ theo góc độ xem xét mà có nhiều cách phân loại dự án đầu tư khác nhau. Dựa vào mục đích, các dự án đầu tư có thể được chia thành:
– Dự án đầu tư mới tài sản cố định;
– Dự án thay thế nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc cắt giảm chi phí;
– Dự án mở rộng sản phẩm (hoặc thị trường) hiện có sang sản phẩm (hoặc thị trường) mới;
– Dự án an toàn lao động, hoặc bảo vệ môi trường.
– Dự án khác.
Ý tưởng của một dự án đầu tư thường xuất phát từ mục đích của dự án đó. Tuy nhiên, khi đánh giá có nên hay không nên đầu tư vào một dự án, người ta không chỉ xem xét đến mục đích, mà còn tính đến hiệu quả về mặt tài chính của dự án. Đôi khi, nhiều dự án đều có hiệu quả tài chính được đề xuất cùng một lúc. Khi đó, việc phân loại các dự án đầu tư theo mục đích để phân tích và ra quyết định đầu tư không quan trọng bằng việc phân loại dự án đầu tư dựa vào mối quan hệ giữa các dự án. Theo đó, các dự án đầu tư có thể phân chia ra thành:
– Dự án độc lập: Là loại dự án mà khi chấp nhận thực hiện hay loại bỏ nó thì không ảnh hưởng đến các dự án khác đang được xem xét. Ví dụ: Dự án mua một số xe ô tô chuyên dụng để chở vật tư, hàng hoá và dự án trang bị hệ thống máy vi tính dùng cho bộ phận quản lý công ty.
– Dự án đầu tư loại trừ nhau (Dự án xung khắc): Là những dự án không thể được chấp nhận đồng thời, tức là chỉ được lựa chọn một trong số những dự án đó mà thôi. Nói cách khác, khi dự án này được thực hiện thì những dự án khác còn lại sẽ bị loại bỏ. Ví dụ: Khi Doanh nghiệp cân nhắc việc mua hệ thống máy in vi tính của hàng HP hay Canon…
– Dự án phụ thuộc: Là loại dự án mà việc chấp nhận một dự án phụ thuộc vào việc chấp nhận một dự án khác. Ví dụ, dự án làm cầu và dự án làm đường dẫn đến cầu. Nếu đã quyết định làm cầu thì phải làm đường dẫn đến cầu. Ngược lại, nếu không làm cầu thì cũng không cần đến dự án làm đường dẫn đến cầu.