Vai trò của dân số đối với sự phát triển của xã hội?
Dân số – điều kiện thường xuyên, tất yếu đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội
Dân số xét trong sự tồn tại và phát triển của xã hội bao gồm nhiều mặt: số lượng dân cư, việc phân bố dân cư và chất, lượng trình độ dân cư còn được thể hiện với tính cách là lực lượng lao động xã hội. Sự phát triển dân số và sự tăng, giảm mật độ dân số ở các vùng địa lý khác nhau, một mặt nó tuân theo quy luật tự nhiên, nhưng mặt khác nó lại chi phối bởi các quy luật xã hội.
Số lượng dân cư và mật độ dân cư ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lao động xã hội, đến tổ chức phân công lao động xã hội, đến quá trình sản xuất vật chất của xã hội. Đồng thời nó cũng ảnh hưởng đến các mặt của đời sống của xã hội do tính phù hợp hay không phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – chính trị xã hội.
Sự phù hợp hay không phù hợp trong phân bố dân cư, trong phân công lao động xã hội, cũng như tốc độ tăng dân số nhanh hoặc chậm đều ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế – chính trị, văn hóa xã hội. Thông thường sự phát triển kinh tế – văn hóa xã hội quy định quá trình phát triển dân số.
Sự bùng nổ dân số hiện nay ở trên thế giới đang đặt cho các nước, nhất là các nước chậm phát triển phải có chính sách đúng đắn về vấn đề dân số so với tốc độ tăng trưởng kinh tế xã hội và sự phát triển của văn hóa. Vai trò của dân số và mật độ dân số không thể giữ vai trò quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự phát triển về dân số ảnh hưởng trực tiếp đến lực lượng lao động xã hội, đến sự phát triển của một cộng đồng dân tộc, của mỗi quốc gia nhất định về những vấn đề chung nào đó.
Trong lịch sử triết học vẫn tồn tại quan niệm đề cao vấn đề dân số và vấn đề giải quyết sự gia tăng dân số tự nhiên theo học thuyết Mantuýt bằng chiến tranh. Quan niệm của Mantuýt là không đúng. Bởi vì, của cải vật chất của xã hội không thiếu mà thực chất là sự không công bằng trong việc phân chia của cải vật chất của xã hội. Mặt khác, với sự phát triển của cách mạng khoa học công nghệ hiện nay, con người có khả năng tạo ra của cải dư thừa cho mọi người trên thế giới. Vấn đề đặt ra ở chỗ là con người phải chống lại và xóa bỏ quan hệ bóc lột dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, là một trong những nguồn gốc của sự nghèo đói, dốt nát và bất bình đẳng xã hội.