1. Khái niệm tổng cầu
Tổng cầu là giá trị của toàn bộ lượng hàng hóa và dịch vụ nội địa mà các chủ thể trong nền kinh tế sẵn sàng mua tại mỗi mức giá, trong một thời kỳ nhất định, với các điều kiện khác không đổi.
Các chủ thể mà kinh tế vĩ mô nghiên cứu bao gồm: các hộ gia đình, các doanh nghiệp, chính phủ và người nước ngoài.
Để biểu thị mối quan hệ giữa tổng cầu và mức giá, người ta dùng đồ thị tổng cầu theo mức giá. Trên đồ thị, trục tung biểu diễn mức giá chung, trục hoành biểu diễn lượng cầu, đường tổng cầu có dạng dốc xuống từ trái sang phải.
Đường tổng cầu dốc xuống phản ánh mối quan hệ nghịch biến giữa mức giá chung và lượng cầu. Khi các yếu tố khác không đổi, sự sụt giảm mức giá chung của nền kinh tế sẽ làm cho lượng cầu về hàng hóa và dịch vụ tăng lên, và ngược lại.
Xem thêm: Tổng cung
2. Những yếu tố ảnh hưởng đến tổng cầu
Như ta đã tìm hiểu ở trên, tổng cầu có quan hệ nghịch biến với mức giá chung, khi mức giá giảm sẽ làm tăng lượng cầu về hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, bên cạnh mức giá chung, còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lượng cầu về hàng hóa và dịch vụ tại mỗi mức giá cho trước. Đó là:
Những yếu tố làm thay đổi tiêu dùng của hộ gia đình như thu nhập của người dân, lãi suất, kỳ vọng về điều kiện kinh tế trong tương lai. Ví dụ, thu nhập của người dân tăng lên hay việc người dân kỳ vọng trong tương lai nền kinh tế trở nên tốt hơn, sẽ khiến họ tiêu dùng nhiều hơn, làm tăng tổng cầu.
Những yếu tố làm thay đổi đầu tư như lãi suất, khối lượng tiền cung ứng, chính sách thuế của chính phủ hay lợi nhuận kỳ vọng của doanh nghiệp. Ví dụ, lãi suất giảm kích thích đầu tư làm tăng tổng cầu, hay chính sách giảm thuế đầu tư cũng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tăng đầu tư làm tổng cầu tăng.
Thay đổi chi tiêu của chính phủ. Vì chính phủ là một chủ thể trong nền kinh tế nên quyết định chi tiêu của chính phủ sẽ trực tiếp tác động đến tổng cầu. Nếu chính phủ tăng chi tiêu như xây dựng đường xá, bệnh viện, trường học hay tăng chi tiêu cho quốc phòng… sẽ làm tăng tổng cầu. Ngược lại, nếu chính phủ giảm chi tiêu sẽ làm giảm tổng cầu.
Những yếu tố làm thay đổi xuất khẩu ròng. Những yếu tố đó có thể là tỷ giá hối đoái, chính sách xuất nhập khẩu hay điều kiện kinh tế thế giới. Ví dụ, Châu Âu rơi vào suy thoái làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất từ Việt Nam làm xuất khẩu của Việt Nam giảm dẫn đến suy giảm tổng cầu. Tỷ giá hối đoái cũng là nhân tố tác động đến xuất khẩu ròng. Nếu các yếu tố khác không thay đổi, khi tỷ giá hối đoái tăng sẽ làm cho hàng hóa trong nước rẻ hơn đối với người nước ngoài, vì vậy làm tăng nhu cầu của người nước ngoài đối với hàng hóa trong nước, đồng thời làm giá hàng hóa nước ngoài đắt hơn đối với người trong nước, điều này làm tăng nhu cầu đối với hàng hóa trong nước làm tổng cầu tăng.
3. Sự di chuyển và dịch chuyển của đường tổng cầu
Vì đường tổng cầu biểu diễn mối quan hệ giữa tổng cầu về hàng hóa, dịch vụ và mức giá chung nên khi mức giá chung thay đổi sẽ làm tổng cầu di chuyển dọc theo đường tổng cầu. Ta gọi đây là hiện tượng trượt cầu hay sự di chuyển của đường tổng cầu.
Nếu các yếu tố khác mức giá tác động sẽ làm đường tổng cầu dịch chuyển, như những yếu tố làm thay đổi tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu của chính phủ, xuất khẩu ròng đã phân tích ở trên.
Nguyên tắc dịch chuyển: nếu các nhân tố tác động làm tăng tổng cầu sẽ làm đường tổng cầu dịch chuyển sang phải; nếu các nhân tố tác động làm giảm tổng cầu sẽ làm đường tổng cầu dịch chuyển sang trái.
(Nguồn tài liệu: Trần Nguyễn Ngọc Anh Thư, Bài giảng kinh tế vĩ mô 2021)