Trang chủ Triết học Cuộc khủng hoảng vật lý học cuối thế kỷ 19 và Sự phân tích của Lênin

Cuộc khủng hoảng vật lý học cuối thế kỷ 19 và Sự phân tích của Lênin

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 1,1K views

Tên đề tài: Lênin đã đẩy lùi cuộc khủng hoảng về thế giới quan của các nhà khoa học vật lý như thế nào? Tác giả:Trần Ngọc Diệu – Triết K31, 2011; Lytuong.net: Sưu tầm.

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài:

Chủ nghĩa Mác-Lênin luôn xem triết học, cũng như các bộ môn của khoa học tự nhiên (KHTN) là những hình thái đặc thù của sự nhận thức của con người về thế giới. Sự ra đời, phát triển của triết học, nhất là sự ra đời và phát triển của triết học duy vật luôn gắn bó khăng khít với sự ra đời, phát triển của KHTN và ngược lại. Song đối với từng trường phái triết học, cũng như đối với bản thân từng nhà KHTN thì cách nhìn nhận về liên minh đó mang nhiều lập trường khác nhau, thậm chí là đối lập nhau. Ở đây, chúng ta đặc biệt quan tâm đến cách nhìn về mối quan hệ giữa triết học duy vật và KHTN. Ngay từ rất sớm trong lịch sử nhân loại, giữa triết học duy vật và KHTN đã hình thành nên một liên minh vững chắc: liên minh triết học duy vật – khoa học tự nhiên.

Trong liên minh ấy, triết học duy vật được KHTN cung cấp cho những tài liệu nhận thức về tự nhiên, và mỗi lần có một phát minh vạch thời đại trong lĩnh vực KHTN thì triết học buộc phải thay đổi hình thức của nó cho phù hợp. Ph.Ăngghen từng khái quát mối quan hệ đó như sau: “Mỗi lần có một phát minh vạch thời đại, ngay cả trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, thì chủ nghĩa duy vật không tránh khỏi phải thay đổi hình thức của nó”[20; 606]. Còn KHTN thì ngay từ đầu đã được xây dựng trên cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của triết học, đặc biệt là triết học duy vật; bằng chứng là KHTN luôn được triết học cung cấp cho phương pháp nghiên cứu và sự nhận thức chung về thế giới thông qua những phạm trù, những khái niệm,…của triết học. Hơn thế, với tư cách là thế giới quan và phương pháp luận chung, triết học còn có khả năng đi trước KHTN trên một số lĩnh vực và bằng những tiên đoán của mình, triết học đã không ngừng vạch đường cho KHTN tiến lên. Như vậy liên minh triết học duy vật – khoa học tự nhiên thì có tính tự nhiên, tất yếu trong lịch sử nhận thức của nhân loại.

Triết học Mác-Lênin ra đời vào những năm 40 của thế kỉ XIX đã là “sản phẩm” của mối quan hệ mật thiết giữa triết học duy vật với KHTN lúc bấy giờ. Trong nhiều tác phẩm của mình, cả C.Mác và Ph.Ăngghen đã nhấn mạnh nhiều lần rằng một trong những tiền đề để hai ông xây dựng nên hệ thống lý luận của mình chính là những phát minh khoa học vĩ đại trong KHTN ở thế kỉ XIX. Ngược lại, kể từ khi ra đời cho đến nay, triết học Mác-Lênin đã luôn là “kim chỉ nam” cho toàn bộ nền KHTN, trong đó có vật lý học hiện đại. Ngày nay, KHTN đã và đang lớn mạnh theo nhịp phát triển của triết học duy vật biện chứng (DVBC).

Song những tri thức mà KHTN đã đạt được từ trước đến nay không phải là những trái cây thơm ngọt sẵn có trên cành, tức là những tri thức của KHTN chưa bao giờ là cái có sẵn, hay là cái đã hoàn chỉnh; ngược lại, chúng chỉ được hình thành theo từng nấc thang một trong một quá trình phát triển dài lâu và gian khổ. Trong quá trình lớn lên của mình, KHTN không thể tránh khỏi những cuộc ốm đau và bệnh tật ngắn ngủi. Hiện nay cũng như trong tương lai gần, KHTN vẫn còn nằm trong một quá trình tiến hóa theo một con đường mà nó đã đi trong hàng ngàn năm qua. Do đó, không ai có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng trong tương lai sẽ không có những “trận ốm đau” xảy ra trong một ngành nào đó của KHTN hoặc đối với toàn bộ nền KHTN.

Đó không phải là một lời cảnh báo suông của những nhà tương lai học bi quan. Hãy nhìn vào quá khứ của ngành vật lý học thì sẽ rõ về mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Vào cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, vật lý học đã phải chứng kiến một cuộc “khủng hoảng” về thế giới quan bởi sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa duy tâm “vật lý học”. Thứ chủ nghĩa duy tâm (CNDT) nguy hiểm đó đã lôi kéo hầu hết các nhà vật lý học đi theo con đường triết học phản động nhất. Cuộc “khủng hoảng” đó được Lênin coi như một bước giật lùi, một “trận ốm” ngắn ngủi trong sự trưởng thành của ngành vật lý học. Song, nếu nó không được nhanh chóng dập tắt thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, vì cuộc khủng hoảng đó không chỉ có tác hại xấu đến sự tiến triển của bản thân ngành vật lý học nói riêng, KHTN nói chung mà còn có nguy cơ làm sụp đổ cả hệ thống triết học duy vật, trong đó có cả triết học DVBC của Mác. Vì vậy, đẩy lùi cuộc khủng hoảng đó là một nhiệm vụ mang tính cấp thiết trong thời điểm lịch sử bấy giờ. Để đẩy lùi cuộc khủng hoảng thế giới quan của những nhà vật lý học lúc đó Lênin đã viết tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán”.

Tác phẩm này được Lênin viết năm 1908, xuất bản lần đầu ở Nga năm 1909. Tác phẩm này ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt, khi đó KHTN, mà nhất là vật lý học đang có nhiều phát hiện mang tính “đột phá và cách mạng” trong sự khám phá tự nhiên. Nhiều phát hiện mới của vật lý học đã bác bỏ những quan niệm cũ cứng nhắc đã tồn tại hàng trăm năm, thậm chí là hàng ngàn năm trong tư tưởng nhân loại. Điều đó đã khiến cho nhiều nhà bác học vật lý trượt dài từ chủ nghĩa duy vật (CNDV) siêu hình sang chủ nghĩa tương đối, hoài nghi, rồi rơi “tõm” vào chủ nghĩa duy tâm (CNDT), từ đó gây nên một cuộc “khủng hoảng” về thế giới quan trong vật lý học mà trong lịch sử ngành này chưa từng chứng kiến. Do ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt như vậy cho nên tác phẩm này có đầy đủ tính chất của một tác phẩm luận chiến kinh điển trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về tính chất mẫu mực trong việc bảo vệ và phát triển triết học Mác lẫn KHTN trên hai phương diện: nội dung và phương pháp.

Ngày nay, khi nhân loại đã bước vào một thiên niên kỉ mới (thiên niên kỉ thứ III) với một nền văn minh mới (nền “văn minh trí tuệ”, “văn minh tri thức”) thì KHTN càng có điều kiện để phát triển một cách vũ bão với tốc độ “một ngày bằng hai mươi năm” hoặc lớn hơn nữa. Điều đó đã và đang gây ra những biến đổi lớn lao đối với thế giới quan của những nhà triết học lẫn các nhà KHTN. Ngày nay không khó để nhận ra và khẳng định một cách chắc chắn về việc nhân loại đã đạt tới những khối lượng tri thức khổng lồ trong sự hiểu biết về tự nhiên. Sự biến đổi quá ư nhanh chóng đó đã làm cho nhiều nhà KHTN (và cả những người quan tâm đến lĩnh vực này) phải sững sờ và thảng thốt, do đó họ dễ dàng rơi vào trạng thái mất thăng bằng, khủng hoảng về mặt thế giới quan. Cùng với đó là sự trỗi dậy mạnh mẽ của những kẻ thù “cũ” của chủ nghĩa Mác-Lênin, chúng đang ra sức hoạt động rốt ráo và tấn công vào thành lũy lý luận của Chủ nghĩa Cộng sản, tức là chủ nghĩa Mác-Lênin. Từ hiện thực đó, một cuộc “khủng hoảng” về thế giới quan như đã từng xảy ra trong ngành vật lý học trong thời kì của Lênin thì hoàn toàn có cơ hội để quay trở lại, tức là sẽ lại có một số nhà KHTN do đánh mất niềm tin vào thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng nên không thể đứng vững trước sự lôi kéo của kẻ thù và họ sẽ lại trượt dần sang chủ nghĩa tương đối, rồi rơi vào CNDT. Đó chắc hẳn là một vấn đề lý luận rất lớn mà chúng ta còn cần có nhiều sự nghiên cứu công phu, kĩ lưỡng hơn nữa trong thời gian tới để giải quyết trọn vẹn vấn đề .

Mặt khác, hiện nay dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, đất nước ta đang kiên định với con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội, mà trước mắt là phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, muốn vậy chúng ta càng cần phải hiểu đúng và nắm vững chủ nghĩa Mác-Lênin hơn gấp nhiều lần trước đây. Khi sinh thời Bác Hồ vẫn thường nhắc nhở: “Học tập chủ nghĩa Mác-Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc,.. là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta…”[21; 292]. Do đó, nếu muốn thể hiện được sự trung thành đối với học thuyết Mác-Lênin thì chúng ta không những phải nắm vững thực chất tư tưởng của C.Mác, Ph. Ăngghen, V.I.Lênin và các nhà mác-xít đi trước mà còn cần phải dựa trên những nguyên tắc căn bản có ý nghĩa phương pháp luận mà các bậc tiền nhân đã chỉ ra để nỗ lực sáng tạo thêm trong thực tiễn .

Đến đây chúng ta chợt nhớ lời người xưa: “Ôn cố, tri tân”, nghĩa là: học mới nhưng phải ôn cũ. Thiết nghĩ học chủ nghĩa Mác-Lênin là học cái tinh thần xử trí mọi việc một cách sáng tạo, song muốn sáng tạo cái mới thì phải biết cách của người xưa đã làm ra “cái cũ” để mà rút ra những kinh nghiệm cho bản thân. Về điều này thì rõ ràng tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” của Lênin là một quyển sách có nhiều giá trị vì nó chứa đựng trong mình cái phương pháp mà Lênin đã dùng để phân tích cuộc “khủng hoảng” vật lý học hồi đầu thế kỉ XX. Rõ ràng cái phương pháp đó cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị và việc học tập nó vẫn là một việc làm thiết thực.

Trên tinh thần “ôn cố tri tân” và sự cảm phục Lênin một cách sâu sắc, tác giả đã ôm ấp ước vọng muốn học được cái tinh thần “xử trí” và “xử lý” công việc của Người nên đã chọn đề tài: “Lênin đã đẩy lùi cuộc khủng hoảng về thế giới quan của các nhà khoa học vật lý học như thế nào qua tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán”” làm đề tài khóa luận tốt nghiệp đại học của mình. Đây chưa hẳn là một đề tài quá cấp bách hiện nay, song theo tác giả thì việc nghiên cứu đề tài này vẫn có nhiều giá trị thiết thực cả về lý luận và thực tiễn.

2. Lịch sử nghiên cứu của vấn đề:

Ngay từ khi mới được xuất bản, tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” của Lênin đã gây được tiếng vang lớn và được các nhà nghiên cứu thuộc cả giới mác xít lẫn “phi mác xít” chú ý khá nhiều, vì qua tác phẩm này, Lênin đã đặt ra và giải quyết hàng loạt các vấn đề triết học quan trọng, trong đó có vấn đề về cuộc khủng hoảng của ngành vật lý học cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX.

Đã có không ít bài viết và công trình nghiên cứu bàn đến tác phẩm này trên nhiều bình diện và góc độ khác nhau, trong đó phải kể đến một số bài viết và công trình tiêu biểu như: C.Mác, F.Engen, V.I.Lênin: Về mối quan hệ giữa triết học và khoa học tự nhiên, Nxb KHXH, HN, 1973; E.Côn-man: Lênin và vật lý học hiện đại, Nxb ST, HN, 1960; PGS.TS Doãn Chính, PGS.TS Đinh Ngọc Thạch: Vấn đề triết học trong tác phẩm của C.Mác- Ph.Ăng-ghen-Lênin, Nxb CTQG, HN, 2008; GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn, PTS Đặng Hữu Toàn (đồng chủ biên): Sức sống của một tác phẩm triết học, Nxb CTQG, HN, 2000. Trong đó, quyển sách “C.Mác, F.Engen, V.I.Lênin: Về mối quan hệ giữa triết học và khoa học tự nhiên” là quyển sách trích dẫn lại những đoạn văn hay có liên quan đến từng chủ đề của triết học và KHTN nên đã giúp tác giả khóa luận tiết kiệm nhiều thời gian trong việc tìm kiếm các văn bản gốc trong các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin có liên quan tới đề tài. Còn cuốn sách của E.côn-man cũng là quyển sách có nhiều giá trị sử dụng, vì qua đó có thể tìm thấy một tầm nhìn khái quát về mối quan hệ của từng luận điểm triết học mà Lênin đã trình bày trong tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” với những luận cứ và luận chứng đến từ những thành tựu của vật lý học hiện đại. PGS.TS Doãn Chính và PGS.TS Đinh Ngọc Thạch trong phần bàn về tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” đã phân tích cuộc khủng hoảng thế giới quan trong vật lý học và khả năng khắc phục cuộc khủng hoảng đó. Song đặc biệt nhất vẫn là tác phẩm “Sức sống của một tác phẩm triết học” do GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn và PTS Đặng Hữu Toàn đồng chủ biên, vì toàn bộ những vấn đề của tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” đều có thể tìm thấy ở đây. Trong tác phẩm lớn này, tác giả khóa luận đặc biệt chú ý tới bài viết của PTS Nguyễn Cảnh Hồ với tựa đề “V.I.Lênin và cuộc khủng hoảng của vật lý học cuối thế kỉ XIX”.

Như vậy mặc dù số lượng tài liệu tham khảo là chưa nhiều, song đó đều là những tài liệu chuyên sâu đủ để tác giả khóa luận hoàn thành những mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu được đặt ra. Trên tinh thần kế thừa và phát huy những tài liệu đã có, tác giả chỉ làm được một việc là khái quát lại toàn bộ vấn đề theo cách hiểu của bản thân tác giả. Nhưng với vốn kiến thức và nguồn tài liệu có được, cũng như khả năng có hạn của người làm khóa luận nên khóa luận này cũng chỉ dừng lại ở việc bàn về cuộc khủng hoảng thế giới quan trong ngành vật lý học ở cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX và những việc mà Lênin đã làm để đẩy lùi cuộc khủng hoảng đó.

3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu của khóa luận:

– Mục tiêu của khóa luận là xác định đúng thực chất và nguyên nhân gây nên cuộc khủng hoảng trong ngành vật lý học đầu thế kỉ XX và con đường, cách thức mà Lênin đã sử dụng để đẩy lùi cuộc khủng hoảng đó. Từ đó đi đến kết luận: Trong thời đại ngày nay, chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn xứng đáng là triết học tiên phong, là đỉnh cao tinh thần của thời đại, là công cụ nhận thức vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân loại. Đồng thời thông qua đó góp phần khẳng định công lao của Lênin đối với sự phát triển của triết học Mác và KHTN.

– Nhiệm vụ của khóa luận là đi vào phân tích các mặt của cuộc khủng hoảng trong ngành vật lý học và cuộc đấu tranh mà Lênin đã tiến hành nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng đó.

4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của khóa luận:

Khóa luận này được thực hiện dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, đặc biệt là các tác phẩm kinh điển của Ph.Ăngghen và V.I.Lênin, trong đó phải kể đến “Biện chứng của tự nhiên” và “Chống Đuy-rinh” của Ph.Ăngghen và “Chủ nghĩa duy vật và Chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” của Lênin. Mặt khác, khóa luận này cũng là kết quả của sự khái quát nhiều kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học có liên quan.

Để hoàn thành những mục tiêu và nhiệm vụ tự đặt ra cho bản thân, thì trong quá trình nghiên cứu tác giả đã sử dụng một tổ hợp các phương pháp như: phân tích – tổng hợp, so sánh – đối chiếu, lôgich – lịch sử, thống kê,… Những phương pháp đó luôn được sử dụng trên nền tảng của một thế giới quan và nhận thức luận duy vật triệt để.

5. Ý nghĩa của khóa luận:

Với đề tài đã lựa chọn như trên, bản thân tác giả không có tham vọng gì lớn. Đề tài này được tác giả lựa chọn theo đúng sở thích của bản thân với một mong muốn nhỏ là góp phần nào công sức của mình nhằm làm rõ một vấn đề đã đi vào lịch sử của ngành vật lý học – cuộc khủng hoảng về thế giới quan của các nhà vật lý học hồi đầu thế kỉ XX. Mặc dù cuộc khủng hoảng đó đã lùi vào lịch sử khá xa, song theo nhận định của tác giả thì nó hoàn toàn có cơ hội để lại bùng phát trong tương lai và lần này có thể là với một cường độ còn lớn hơn trước nhiều lần. Vì vậy, tác giả rất muốn nắm vững cách thức mà những nhà kinh điển của triết học mác-xít đã tiến hành để đẩy lùi nó trong lịch sử, để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu cho bản thân trong việc nhìn nhận, đánh giá các thành tựu mới nhất của ngành vật lý học hiện đại nói riêng và KHTN ngày nay nói chung.

Mặc dù đây không phải là lần đầu tác giả thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học, song đây là một đề tài không dễ vì mang tính lý luận cao và có liên quan nhiều tới kiến thức của các ngành KHTN, đặc biệt là khoa học vật lý học. Hơn nữa việc đi sâu nghiên cứu một tác phẩm kinh điển luôn luôn là một vấn đề khó vì nó luôn đòi hỏi tính tích cực, cần cù, chăm chỉ, sáng tạo và một thời gian đủ dài để đọc và hiểu tác phẩm, cho nên dù đã cố gắng hết sức song chắc chắn khóa luận này không tránh khỏi những sai sót và hạn chế. Với sự cầu tiến cao nhất để ngày càng hoàn thiện đề tài này, bản thân tác giả mong nhận được từ quý thầy cô và các bạn những sự cảm thông và nhiều sự góp ý, giúp đỡ. Tác giả xin chân thành cảm ơn.

6. Kết cấu của khóa luận: 

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và danh mục các từ viết tắt, khóa luận này gồm có 2 chương và 5 tiết:

Chương 1: Vài nét về cuộc khủng hoảng thế giới quan trong vật lý học cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX

  • 1.1. Bối cảnh lịch sử
  • 1.1.1 Sơ lược quá trình phát triển của vật lý học và các cơ sở triết học của nó trước khi cuộc khủng hoảng về thế giới quan bùng nổ
  •  1.1.2. Cuộc khủng hoảng thế giới quan trong vật lý học bùng nổ
  • 1.2. Thực chất và nguyên nhân của cuộc khủng hoảng thế giới quan trong vật lý học
  • 1.2.1. Thực chất của cuộc khủng hoảng
  • 1.2.2. Nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng

Chương 2: Lênin đẩy lùi cuộc khủng hoảng về thế giới quan của các nhà khoa học vật lý

  • 2.1. Lênin đấu tranh chống lại các trào lưu triết học “phi mác- xít” ở Nga vào năm 1908
  • 2.2. Một số nguyên tắc cơ bản để giải quyết cuộc khủng hoảng vật lý học
  • 2.2.1 Xây dựng một liên minh triết học duy vật biện chứng và khoa học tự nhiên vững mạnh
  • 2.2.2 Các nhà vật lý học nói riêng và khoa học tự nhiên nói chung có cần tính đảng không?
  • 2.3. Định nghĩa vật chất của Lênin.

Chương 1: VÀI NÉT VỀ CUỘC KHỦNG HOẢNG THẾ GIỚI QUAN TRONG VẬT LÝ HỌC CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX

1.1 Bối cảnh lịch sử

1.1.1. Sơ lược quá trình phát triển của vật lý học và các cơ sở triết học của nó trước khi cuộc khủng hoảng về thế giới quan bùng nổ:

Giữa vật lý học và triết học có mối quan hệ rất mật thiết mặc dù mỗi ngành có đối tượng nghiên cứu riêng của mình. Đối với vật lý học thì đối tượng nghiên cứu của nó là thế giới vật chất với các quá trình vật lý xảy ra trong các vật thể cũng như sự tác động qua lại giữa chúng. Còn đối với triết học thì đối tượng nghiên cứu của nó trước hết là các vấn đề và quy luật chung, mang tính khái quát nhất của các quá trình vận động và phát triển của thế giới, ví như về mối quan hệ giữa vật chất và ý thức,…Mối quan hệ chặt chẽ giữa triết học và vật lý học được biểu hiện ở chỗ triết học luôn phải dựa vào những thành tựu của KHTN, nhất là của vật lý học để khái quát thành những khái niệm, phạm trù, quy luật, nguyên lý của mình; bằng chứng là trong triết học có khá nhiều các khái niệm cơ bản tương ứng với các khái niệm của vật lý học như: vật chất, không gian, thời gian, vận động,… Ngược lại, vật lý học cũng như mọi ngành khoa học khác luôn cần đến sự định hướng của triết học với tư cách là một thế giới quan và phương pháp luận chung nhất.

Nếu chỉ bàn riêng về vấn đề của ngành vật lý học thì chúng ta đều đồng ý rằng những tri thức vật lý học của con người không phải tự nhiên mà có, nó đã trải qua một quá trình hình thành, phát triển lâu dài, đi lên từng bước một. Điều đó được thể hiện trong cách phân kì lịch sử vật lý học. Về cách phân kì lịch sử vật lý học thì có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng khái quát nhất vẫn là chia ra làm 03 thời kì lớn, và trong mỗi thời kì như vậy lại bao gồm một số giai đoạn khác nhau. 03 thời kì lớn đó là:

– Thời kì hình thành khoa học vật lý: Kéo dài suốt từ thời cổ Hy Lạp đến gần cuối thế kỉ XVII, khi xuất hiện các công trình của Newtơn.

– Thời kì vật lý cổ điển: Kéo dài từ cuối thế kỉ XVII đến cuối thế kỉ XIX.

– Thời kì vật lý học hiện đại: Bắt đầu từ cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX cho đến nay.

Nhưng dù trong giai đoạn nào đi chăng nữa thì vật lý học vẫn phải luôn “sánh bước” cùng triết học, vì một lẽ tự nhiên là ngay từ đầu chúng đã là bạn đồng hành tự nhiên của nhau, không thể tách rời nhau, không thể không bổ sung cho nhau để nhằm một mục đích là cùng khám phá thế giới, cùng làm cho trình độ nhận thức của con người về thế giới ngày một sâu sắc và hoàn chỉnh hơn. Song mối quan hệ giữa triết học và vật lý học không phải là bất biến, ngược lại nó luôn biến đổi trong quá trình phát triển của mỗi ngành. Tương ứng với mỗi thời kì phát triển khác nhau của ngành vật lý học là các hình thức triết học khác nhau và trên những cơ sở triết học khác nhau ấy lại mở ra những giai đoạn phát triển khác nhau cho vật lý học. Cụ thể:

Ở thời kì Cổ đại, khi mà những tri thức mà con người có được về tự nhiên đều đến từ “triết học tự nhiên” chứ không phải từ các bộ môn của KHTN thì những tư tưởng về vật lý học chỉ tồn tại ở dạng mầm mống, vì trong nền “triết học tự nhiên” tri thức triết học sẽ chiếm ưu thế chứ không phải là tri thức của vật lý học hay của bất kì một bộ môn khoa học nào khác. Trong thời kì này cũng đã xuất hiện một số luận điểm cơ bản làm nền tảng cho sự phát triển về sau của ngành vật lý, đặc biệt là những phán đoán của các nhà triết học duy vật cổ đại về cấu tạo vật chất của thế giới (mà đúng hơn là của những vật thể), trong đó tiêu biểu nhất cho khuynh hướng này không ai khác ngoài Đêmôcrit với học thuyết nguyên tử luận. Cũng như hầu hết các nhà triết học duy vật cổ đại khác, Đêmôcrit đã xây dựng toàn bộ lý luận của mình từ một nguyên lý nổi tiếng “không có cái gì phát sinh từ cái không có gì, không có gì đang tồn tại lại có thể bị hủy diệt, mọi sự biến đổi đều do các bộ phận hợp lại với nhau hoặc tách khỏi nhau” và “không có cái gì là ngẫu nhiên xảy ra, mọi cái đều có nguyên nhân và tất yếu”. Có thể khái quát lại toàn bộ những vấn đề cơ bản trong học thuyết nguyên tử mà Đêmôcrit đã bàn đến là: Khi xét về bản thể thế giới thì chỉ có nguyên tử và chân không là tồn tại thật, còn mọi cái khác đều là sản phẩm của sự tưởng tượng của con người; trong tự nhiên, các nguyên tử nhiều vô tận về số lượng và phong phú về hình dạng, rơi vĩnh viễn trong không gian và thời gian, hạt to rơi nhanh hơn, rồi va đập vào các hạt nhỏ hơn gây ra những chuyển động xuyên và xoáy, tạo thành các thế giới, có vô số thế giới sinh ra và mất đi theo cách đó; xét về hình dạng thì các nguyên tử hoàn toàn không giống nhau, song chúng có những đặc tính chung như nhỏ nhất, không thể phân chia, cùng là nền tảng xây dựng nên tòa lâu đài thế giới; các vật thể khác nhau thì được tạo nên từ các nguyên tử có hình dạng, số lượng, độ lớn và cách sắp xếp khác nhau, cho nên theo Đêmôcrit thì không có cái gì là “phi nguyên tử”, ngay cả thần linh và linh hồn của con người.

Đó là một tư tưởng tiến bộ của cả một thời đại, nhưng ngay từ đầu nó đã bị chống đối quyết liệt bởi CNDT và tôn giáo, để rồi nó bị chôn vùi trong thời Trung cổ vì bị nhà thờ cấm đoán nghiêm ngặt. Song một lần nữa những tư tưởng tiến bộ ấy đã sống dậy và phát triển mạnh mẽ hơn dưới thời kì Phục hưng – Cận đại, nhất là ở nửa đầu thế kỉ XIX. Học thuyết nguyên tử của Đêmôcrit đã là cơ sở cho sự phát triển của vật lý học nguyên tử trong một thời gian khá dài trước khi ngành này lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng.

Sang thời Trung cổ – một thời kì đen tối nhất trong lịch sử phương Tây không chỉ về mặt chính trị – xã hội mà cả về mặt khoa học, nhất là KHTN – khi mà những tư tưởng của Platôn và sau đó là của Arixtôt được xem như những giáo điều bất khả xâm phạm, thì những tác phẩm của Đêmôcrit và của các nhà duy vật khác bị cấm ngặt, bị đốt bỏ hoặc chôn vùi trong các thư viện và ngay cả những tư tưởng ủng hộ thuyết nguyên tử luận hay một điều gì đó tương tự đều bị thẳng tay trừng trị. Trong thời kì này, KHTN chỉ còn là một cái xác không hồn, cho nên trải qua 2000 năm trong đêm trường Trung cổ mà vật lý học chẳng tiến được là bao nhiêu.

Mãi cho đến thế kỉ XV-XVI, nhờ có Côpecnic, rồi Brunô, Galilê, trước đó nữa là Lêôna Đơ Vinci,… – những người đã dũng cảm đứng lên chống lại Nhà thờ và Giáo hội- để nhen lên ngọn lửa sinh khí cho KHTN nảy nở mạnh mẽ trong các thế kỉ sau. Đó là thời kì mà những xiềng xích của triết học kinh viện áp đặt lên KHTN mới bắt đầu được tháo tung để báo hiệu cho một sự trỗi dậy không gì có thể ngăn cản nổi của khoa học. Cũng từ thời điểm đó, vật lý học mới bắt đầu thoát khỏi cái bóng của triết học để tồn tại với tư cách là một trong những bộ môn khoa học độc lập. Trong giai đoạn này, chúng ta thấy nổi lên vai trò đặc biệt của nhà bác học Galilê, ông được coi là người mở đầu cho phong trào thực nghiệm trong khoa học với thí nghiệm nổi tiếng tại tháp nghiêng Pida và là người đã chế tạo ra chiếc kính thiên văn đầu tiên trên thế giới. Galilê đã đánh đổ Arixtốt ở dưới đất bằng thí nghiệm Pida, và ở trên trời bằng kính thiên văn.

Tới thế kỉ XVII vật lý học nói riêng và KHTN nói chung mới thực sự tách khỏi triết học thông qua một cuộc cách mạng chưa từng có, nhất là ở hai ngành: thiên văn học và cơ học. Có người còn nói: “Cùng với Newtơn, vật lý học đã vĩnh viễn tách ra khỏi triết học”. Sự lớn mạnh nhanh chóng của KHTN trong hai thế kỉ này đi liền với sự xuất hiện và trưởng thành của giai cấp tư sản đang lên. Chính nhu cầu phát triển sản xuất công nghiệp và thương nghiệp của một giai cấp mới ra đời- giai cấp tư sản- đã đòi hỏi các bộ môn khoa học cụ thể phải tách khỏi triết học. Người ta bắt đầu chia nhỏ thế giới thành những phần khác nhau để dễ dàng nghiên cứu và mỗi chuyên ngành khác nhau của khoa học chỉ đi sâu nghiên cứu từng bộ phận nhỏ lẻ của thế giới chứ không nghiên cứu thế giới như là một tổng thể nữa. Việc này là cần thiết để thúc đẩy sản xuất phát triển, nhưng một hệ quả tất yếu là nó dẫn tới sự ra đời và dần chiếm ưu thế của phương pháp siêu hình trong vấn đề nhận thức thế giới. Đặc biệt, ảnh hưởng của nhà bác học vật lý Newtơn trong giai đoạn này là quá lớn, cái bóng của ông trùm lên mọi lĩnh vực của khoa học và trở thành khuôn mẫu cho ngành vật lý học cổ điển (kéo dài gần 300 năm cho mãi đến cuối thế kỉ XIX). Khi còn sống dường như Newtơn đã thấy được tác hại của một cách nhìn cứng nhắc về thế giới nên ông đã cảnh báo: “Vật lý học hãy đề phòng siêu hình học”(song đúng ra là “Vật lý học hãy đề phòng triết học”- TG). Mặc dù vậy thì chính Newtơn lại là nhà siêu hình lớn nhất của thời đại mà ông sống. Cuối thời kì này nhiều nhà khoa học vật lý chỉ còn là những “tiến sĩ nhai lại”, họ không dám vượt qua cái bóng của những người đi trước, vì tư duy của họ đã bị cái phương pháp siêu hình, máy móc làm cho tê liệt. Kiểu tư duy siêu hình như vậy đã tạo ra quá nhiều cơ hội thuận lợi để CNDT lợi dụng mà xâm nhập vào KHTN để từ đó phá hoại CNDV từ bên trong, ví như một khi các nhà khoa học đã chấp nhận giả thuyết cho rằng trạng thái hiện tại của thế giới là vĩnh cửu thì họ buộc phải thừa nhận rằng có một lực đẩy nguyên thủy (hay chính là Thượng đế) đã làm cho thế giới này vận động, để rồi sẽ vận động mãi mãi. Đây là chìa khóa để có thể hiểu được nguyên nhân vì sau mà trong các thế kỉ tiếp sau, CNDT đã trỗi dậy mạnh mẽ và dần dần áp đảo CNDV.

Tới thế kỉ XVIII, phát súng đầu tiên chọc thủng cái quan niệm cứng nhắc về tự nhiên đã đến từ không phải các nhà KHTN mà lại đến từ một nhà triết học, đó là I.Kant với giả thuyết tinh vân nổi tiếng của ông, sau I.Kant một chút là Láplát. Tương ứng với trình độ của KHTN lúc này là một hình thức triết học mới – CNDV Pháp (những nhà nghiên cứu KHTN của Pháp cuối thế kỉ XVIII đều là những người duy vật và vô thần, đồng thời họ cũng tin vào khả năng vô hạn của con người có thể nhận thức tự nhiên, do đó họ không công nhận chủ nghĩa bất khả tri). Trong hình thức triết học mới này, các vấn đề có tính chất chuyên môn của triết học tự nhiên hầu như đã không được bàn đến nữa (tức là triết học chủ động tách rời khỏi KHTN, hay đúng hơn là một thứ triết học không còn “cần” đến KHTN), tuy vậy nó vẫn chưa biết cách tự giới hạn đối tượng nghiên cứu của mình nên trong nhiều trường hợp nó vẫn tìm cách giải quyết những vẫn đề thuộc đối tượng nghiên cứu của KHTN. Nó vẫn tự coi mình là môn khoa học duy nhất nắm được chân lý tuyệt đối, có quyền nói lên tiếng nói cuối cùng về chân lý khoa học, có quyền can thiệp sâu vào các vấn đề cụ thể của các KHTN nếu nó thích và bắt các thành tựu của KHTN phải phù hợp với những sơ đồ định sẵn của nó, do đó nó tự nhận mình là “khoa học của mọi khoa học”.

Sang nửa đầu thế kỉ XIX, những thành tựu mới nhất của vật lý học, hóa học, sinh vật học,…đã chứng minh cho một quá trình phát triển biện chứng của thế giới. Giờ đây những quan niệm cứng nhắc, bất biến, tách rời, cô lập lẫn nhau về thế giới đã bắt đầu bị lung lay. Thế là CNDV Pháp mất dần ảnh hưởng, thay vào đó là triết học cổ điển Đức. Song ảnh hưởng của thứ triết học đó đối với vật lý học ở đầu thế kỉ XIX là khá mâu thuẫn, trong đó nó đem lại kết quả xấu thì nhiều hơn. Hêghen, người đã xây dựng nên hệ thống phép biện chứng lại cũng chính là người đứng chắn đường không cho các nhà KHTN tiếp thu phép biện chứng, do đó triết học của Hêghen không những đã không thúc đẩy khoa học phát triển mà còn kìm hãm nó. Và phải chờ đến Mác và Ăngghen thì phép biện chứng mới phát huy được tính tích cực của nó. Dựa vào tất cả những tài liệu mới nhất lúc đó của KHTN, Mác và Ăngghen đã xây dựng nên một hình thức triết học mới có tính chất vừa khoa học vừa cách mạng hơn tất cả các hình thức triết học đã từng tồn tại trong lịch sử, đó là triết học DVBC. Triết học mới này đã từ bỏ việc giải quyết các vấn đề cụ thể của KHTN; ngay từ khi mới ra đời, nó đã tự xác định đối tượng nghiên cứu của nó là mối quan hệ giữa nhận thức và tồn tại, là những quy luật vận động và phát triển tổng quát của tự nhiên, xã hội và tư duy; nó cũng xác định đúng mối quan hệ giữa nó với KHTN, trong đó có vật lý học. Song do một số nguyên nhân khách quan mà từ khi ra đời cho đến cuối thế kỉ XIX, triết học DVBC vẫn chưa được phổ biến sâu rộng trong đông đảo các nhà KHTN, hơn nữa trong thời kì này vật lý học cơ giới vẫn còn gặt hái được nhiều thắng lợi nên đây vẫn là thời kì mà tư duy siêu hình vẫn còn chiếm ưu thế trong vật lý học. Sự ràng buộc của tư tưởng về một chất liệu cơ bản “đầu tiên” cấu thành toàn bộ thế giới vẫn lớn tới mức hầu như không nhà vật lý học nào thoát khỏi nó. Do chỉ nhìn thấy cây mà chẳng thấy rừng, nên vật lý học vào cuối thế kỉ XIX đã tự coi mình là hình thức “hoàn bị” cuối cùng trong toàn bộ tiến trình phát triển của vật lý học không những từ trước cho đến lúc đó mà còn cho mãi về sau. Sự ngạo mạn đó đã được thể hiện đầy đủ trong lời nói của nhà vật lý học lão thành kiêm Huân tước nước Anh là Kenvin. Ông này cho rằng vật lý học cuối thế kỷ XIX không còn cái gì để phát minh nữa mà chỉ còn nhiệm vụ là tìm cách ứng dụng thật tốt những cái đã phát minh. Chưa hết, một nhà vật lý học khác là Maikenxơn còn nói thẳng ra rằng khoa học trong tương lai sẽ không tìm ra cái mới, cái chưa biết mà sẽ chỉ làm cho những cái đã biết ngày thêm chính xác. Tư tưởng siêu hình và máy móc như vậy đã ngăn cản các nhà vật lý học lúc đó hiểu rằng thế giới vật chất ngoài kia là vô cùng phong phú và đa dạng, rằng vẫn còn nhiều điều mà họ vẫn chưa biết, hoặc chưa có khả năng vươn tới.

Tóm lại, trong hàng ngàn năm phát triển của mình trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng, ngành vật lý cũng đã trải qua nhiều cuộc “lật đổ” ngoạn mục những lý thuyết cũ của nó. Con người đã phải phấn đấu không mệt mỏi trong suốt 20 thế kỉ để đến được với cơ học cổ điển của Newtơn, dĩ nhiên tham vọng của con người vẫn còn rất lớn nên sẽ không chịu dừng chân ở đó, con người sẽ tiếp tục cuộc hành trình “hỏi – đáp – khám phá” để ngày càng đạt tới sự nhận thức đúng đắn hơn về bản chất của thế giới.

Trong quá trình đó, vận mệnh của ngành vật lý học đã luôn gắn chặt vào vận mệnh của triết học. Mặc dù trong lịch sử đã qua không phải không có những lần giữa triết học và vật lý học nổ ra những cuộc tranh cãi với nhau, song đó chẳng qua chỉ là sự phủ định thuộc về sự phát triển của sự vật. Còn xét một cách tổng thể thì mỗi giai đoạn phát triển của ngành vật lý học đều bị chi phối mạnh mẽ bởi một hình thức triết học tương ứng. Cho nên mới nói, tóm tắt lịch sử của ngành vật lý học cũng đồng nghĩa với việc tóm tắt toàn bộ lịch sử của triết học là như vậy.

1.1.2. Cuộc khủng hoảng thế giới quan trong vật lý học bùng nổ:

Bộ phận vật lý học được hình thành cuối thế kỉ XVII (khi những nguyên lý cơ học của Newtơn bắt đầu xác lập được địa vị thống trị của nó trong vật lý học) đến cuối thế kỉ XIX mà chúng ta vừa tìm hiểu ở mục trước được gọi là nền vật lý học cổ điển, đây là nền vật lý học nghiên cứu các đối tượng thuộc về thế giới vĩ mô. Còn bắt đầu từ những năm cuối cùng của thế kỉ XIX và những năm đầu thế kỉ XX cho đến nay, đối tượng nghiên cứu của ngành này đã có nhiều thay đổi, nó đã chuyển hướng nghiên cứu sang các đối tượng thuộc thế giới vi mô, tức là từ nguyên tử trở xuống, người ta gọi nó là nền vật lý học hiện đại. Nếu nhìn vào toàn bộ lịch sử của vật lý học, nhất là từ khi ngành này hoàn toàn tách ra khỏi triết học cho đến đầu thế kỉ XX, thì chưa bao giờ trong một thời gian ngắn ngủi chỉ có 10 năm (nếu coi năm 1895 là cái mốc đánh dấu cho sự khởi đầu của toàn bộ cuộc tiến công vào thế giới vi mô và năm 1905 là năm mà Anh-xtanh công bố thuyết tương đối hẹp) người ta lại được chứng kiến một sự bùng nổ dồn dập của nhiều phát minh vĩ đại đến như vậy.

Mọi chuyện được bắt đầu vào năm 1895 khi nhà bác học Đức Rơn-ghen đã tình cờ tìm ra tia X (hay còn gọi là tia Rơn-ghen). Về đặc tính thì những tia này có bước sóng rất ngắn vào khoảng 10-8 cm và tương ứng với tần số dao động rất lớn trong một giây. Như vậy về bản chất thì nó là một bức xạ phát ra từ bên trong lòng của nguyên tử và có thể xuyên qua mọi vật cản. Chính phát hiện này đã gợi ý rằng nguyên tử thì không phải là cái gì đó giản đơn như người ta thường nghĩ, phát hiện này còn cho phép một sự suy luận lôgich về sự tồn tại của một thế giới có kích thước với không gian và thời gian vô cùng nhỏ bé, song nó vẫn có khối lượng, điện tích và vận tốc có thể xác định được. Thế giới đó được các nhà vật lý học sau này đặt tên là thế giới vi mô, còn đối với hầu hết các nhà khoa học lúc đó thì đây vẫn là một phát hiện ngẫu nhiên và còn nhiều tranh cãi xoay quanh tính có phù hợp của nó hay không với những quan niệm sẵn có trước kia của vật lý học cổ điển. Sau đó ít lâu, Rơnghen đã nhận được giải Nôben vật lý học cho phát hiện này, nhưng dù sao thì sự phát hiện ra tia X cũng chỉ là một sự ngẫu nhiên không có chủ đích của chính người đã tìm ra nó. Nhưng sẽ không còn là những sự ngẫu nhiên nữa khi mà hàng loạt các phát hiện quan trọng khác về thế giới vi mô đã dồn dập được công bố dựa trên các kết quả thí nghiệm công phu của các nhà bác học đã thành danh ở nhiều nước khác nhau.

Một năm sau phát hiện của Rơnghen, nhà bác học Pháp Béccơren đã khám phá ra hiện tượng phóng xạ của nguyên tố Uranium, và từ đó đã rút ra kết luận: trong quá trình phóng xạ thì một nguyên tố phóng xạ sẽ có sự bức xạ hạt an-pha ra khỏi nguyên tố đó cho nên nguyên tố phóng xạ đó sẽ biến thành một nguyên tố khác. Phát minh này có ý nghĩa to lớn về mặt triết học vì nó đã chứng minh được nguyên tố hóa học không phải là bất biến và tồn tại vĩnh viễn như người ta vẫn nghĩ mà nó có thể chuyển hóa lẫn nhau, nghĩa là nguyên tử của nguyên tố này hoàn toàn có thể biến đổi thành nguyên tử của các nguyên tố khác. Nguyên nhân của sự biến đổi ấy là do tính không bền vững của nguyên tử gây ra, điều đó hoàn toàn bác bỏ quan niệm siêu hình vốn tồn tại trước đó hàng trăm năm cho rằng nguyên tố hóa học là bất biến.

Những nhà bác học vật lý tất nhiên không chịu dừng lại ở đó, vào năm 1897, những nghi ngờ về sự tồn tại của một thế giới hạt vi mô phong phú và đa dạng đã được chứng minh một cách chắc chắn bằng phát hiện của nhà vật lý học người Anh tên là Tômxơn khi ông phát hiện ra điện tử và chứng minh được điện tử đúng là một trong những thành phần cấu tạo nên nguyên tử. Điều đó đã hoàn toàn xác nhận rằng nguyên tử thì có thể bị phân chia chứ không phải là một khối vững chắc “bé nhất, không phân chia, không xuyên thấu, không bị phá vỡ”. Nguyên tử giờ đây không còn là “viên gạch cuối cùng” của tòa lâu đài vật chất, dưới nguyên tử vẫn còn có những hạt bé hơn nữa.

Bẵng đi một thời gian cực kì ngắn ngủi, ngành vật lý học lại rung chuyển với phát minh của nhà vật lý học Đức Kaufman vào năm 1901. Với phát minh của mình, ông đã chứng minh được khối lượng của điện tử không phải là bất biến mà nó cũng biến đổi tùy theo vận tốc chuyển động của điện tử, rằng trong quá trình vận động của điện tử thì khối lượng của điện tử sẽ tăng lên khi vận tốc chuyển động tăng lên. Phát kiến này đã bác bỏ quan điểm siêu hình coi khối lượng là bất biến và đồng nhất với vật chất.

Đến năm 1905, Anhxtanh đề ra thuyết tương đối hẹp, trong đó có công thức nổi tiếng “E= mc2”, từ đó chứng tỏ khối lượng và năng lượng không phải là hai thực thể tách biệt nhau hoàn toàn mà khối lượng cũng là năng lượng, ngược lại, năng lượng cũng là khối lượng. Một hệ quả quan trọng nữa được rút ra từ thuyết tương đối hẹp của Anhxtanh là: không gian và thời gian không phải là những hình thức tuyệt đối và tách rời nhau, mà không gian và thời gian chỉ là tương đối, nó phụ thuộc vào vận động, trong vận động của các vật thể thì chúng luôn gắn chặt với nhau tạo nên một không – thời gian thống nhất 4 chiều: 3 chiều của không gian và 1 chiều của thời gian.

Tất cả những phát minh ấy đã đưa lại cho con người những hiểu biết mới sâu sắc hơn về cấu trúc bên trong của nguyên tử, rằng nguyên tử thì vô cùng phức tạp, nó chưa phải là đơn vị nhỏ nhất như những gì người ta đã “tưởng tượng” về nó trong hàng ngàn năm đã qua, nó hoàn toàn có thể bị phân rã và chuyển hóa. Điều đó đã đánh dấu cho sự sụp đổ của hàng loạt các nguyên lý của cơ học cổ điển do không thể áp dụng để giải thích một cách có hiệu quả đối với những thành tựu mới vừa đạt được trong ngành vật lý học. Điều đó đã làm cho nhiều nhà bác học “giỏi khoa học nhưng kém cỏi về triết học” rơi vào sự hụt hẫng về thế giới quan. Như vậy những phát minh khoa học mới không những không đem lại những sự thay đổi tích cực trong tư duy mà còn tạo ra sự hụt hẫng trong cách giải thích, đánh giá các thành tựu mới. Sự mất phương hướng về thế giới quan của các nhà vật lý học trong việc sử dụng các thành quả của vật lý học hiện đại để phân tích bản chất của thế giới hiện thực sẽ là ngòi nổ của một cuộc “khủng hoảng” về thế giới quan trong ngành vật lý. Ví như Poanhcarê (1854-1912), một nhà toán học lớn “quan tâm” tới vật lý học, một Viện sĩ của Viện hàn lâm khoa học Pari đã không ngừng kêu ca và than vãn về việc vật lý học “có những triệu chứng của một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng”, từ đó ông ta trở nên hoài nghi tất cả và vô cùng chán ghét CNDV, ông ta kêu gọi CNDV hãy nhường chỗ cho CNDT trong vật lý học vì theo ông “phàm cái gì không phải là tư tưởng đều là hư vô thuần túy”[13; 254]. Còn nhà hóa học và triết học Đức Ôxtơvanđơ (1853-1932) thì cho rằng có lẽ năng lượng chứ không phải là vật chất mới là thực thể duy nhất đích thực của thế giới, do đó cần thay thế các khái niệm “vật chất’ và cả “tinh thần” bằng cùng một khái niệm là “năng lượng”. Những quan niệm tương tự thì đầy rẫy trên các sách báo khoa học và triết học, đại loại như: “nguyên tử đã bị phá vỡ”, “vật chất đã tiêu biến”, “chủ nghĩa duy vật đã sụp đổ”,…tất cả đã châm ngòi cho sự bùng nổ của cuộc khủng hoảng về thế giới quan trong ngành vật lý học vào đầu thế kỉ XX. Như vậy, ngay trong những năm đầu của thế kỉ XX, ngành vật lý học đã chứng kiến một bước đi “giật lùi” về thế giới quan của các nhà vật lý ngay trong lúc mà ngành vật lý học đạt tới trình độ của một cuộc cách mạng chưa từng có với những phát hiện vĩ đại nhất trong lịch sử từng trải qua của nó cho đến lúc đó.

Bàn về bối cảnh lịch sử mà cuộc khủng hoảng thế giới quan của các nhà vật lý học đã bùng nổ, chúng ta còn phải lưu ý tới cả hoàn cảnh chính trị – xã hội vô cùng phức tạp và nhạy cảm hồi đầu thế kỉ XX. Trên thế giới thì chủ nghĩa tư bản đã chuyển mình trở thành chủ nghĩa đế quốc với bộ mặt cực kì phản động. Riêng ở Nga thì từ năm 1905-1907, cách mạng vô sản Nga tạm thời bị thất bại, chính quyền chuyên chế Nga hoàng đang ra sức tấn công phong trào cách mạng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế lẫn tư tưởng. Không gắn cuộc khủng hoảng vật lý học cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX với những biến động dữ dội về chính trị – xã hội lúc ấy thì không thể hiểu trọn vẹn thực chất và nguyên nhân của cuộc khủng hoảng ấy là gì.

1.2. Thực chất và nguyên nhân của cuộc khủng hoảng thế giới quan trong vật lý học

1.2.1. Thực chất của cuộc khủng hoảng:

Những ai quan tâm đến cuộc khủng hoảng của ngành vật lý đã từng xảy ra ở đầu thế kỉ XX thì luôn tự đặt câu hỏi: cái gì là sự thật ẩn giấu đằng sau cuộc khủng hoảng ấy hay nội dung chủ yếu, cơ bản nhất của cuộc khủng hoảng ấy là gì? Phải chăng nó đúng như lời của những học giả “giỏi khoa học nhưng kém cỏi về triết học” đã hô hoán lên rằng “vật chất tiêu tan”, “chủ nghĩa duy vật sụp đổ”? Hơn nữa, việc tìm hiểu về thực chất của cuộc khủng hoảng là việc không thể bỏ qua vì có nắm bắt được bản chất của đối tượng thì mới có thể cải biến đối tượng được, đó cũng là điều mà Ăngghen đã dạy cho chúng ta, rằng “một khi nắm được bản chất sự vật, nó có thể biến đổi từ chỗ là những bà chủ quỷ quái mà trở thành cô đày tớ ngoan ngoãn”[2; 476]. Song song với việc tìm hiểu thực chất cũng như nguyên nhân của cuộc khủng hoảng vật lý, chúng ta sẽ lần lượt làm rõ một số khái niệm có liên quan đến cuộc khủng hoảng đó như: “cuộc cách mạng trong vật lý học”, chủ nghĩa duy tâm “vật lý học” và từ đó chỉ ra mối quan hệ giữa chúng với cuộc “khủng hoảng” vật lý lúc bấy giờ.

Trong tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán”, Lênin đã chỉ rõ thực chất của cuộc khủng hoảng đó là gì, theo Lênin thì “thực chất của cuộc khủng hoảng của vật lý học hiện đại là ở sự đảo lộn của những quy luật cũ và của những nguyên lý cơ bản, ở sự gạt bỏ thực tại khách quan ở bên ngoài ý thức, tức là ở sự thay thế chủ nghĩa duy vật bằng chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa bất khả tri. “Vật chất đã tiêu tan mất”,- người ta có thể dùng câu nói đó để diễn đạt cái khó khăn cơ bản và điển hình đối với nhiều vấn đề riêng biệt, khó khăn đã gây ra cuộc khủng hoảng ấy”[13; 259].

Quan điểm đó của Lênin đã vạch rõ thực chất của cuộc khủng hoảng từ cả hai phía: vật lý học và triết học. Như vậy về hình thức thì cuộc khủng hoảng đó là một cuộc khủng hoảng “kép”. Chính vì là một cuộc khủng hoảng “kép” như vậy nên chúng ta buộc phải đồng thời làm sáng tỏ thực chất của cuộc khủng hoảng về mặt vật lý học, cũng như thực chất cuộc khủng hoảng về mặt triết học và cả mối quan hệ giữa chúng. Cụ thể:

a. Thực chất của cuộc khủng hoảng xét về mặt vật lý học:

Nếu xét riêng các sự biến của bản thân ngành vật lý học thì rõ ràng lúc ấy trong ngành này đang diễn ra những “sự đảo lộn của những quy luật cũ và những nguyên lý cơ bản”. Lênin dẫn lại lời của một nhà vật lý lúc đó: “trong quyển “Giá trị của khoa học”, nhà vật lý học Pháp nổi tiếng Hăng-ri Poanh-ca-rê nói rằng vật lý học có “những triệu chứng của một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng”, và đã dành cả một chương…để viết về cuộc khủng hoảng ấy. Cuộc khủng hoảng ấy không phải chỉ có nghĩa là “chất ra-đi-um, nhà cách mạng vĩ đại ấy”, đã lật đổ nguyên lý bảo tồn năng lượng. [Mà] “Tất cả các nguyên lý khác cũng đều lâm nguy”. Ví dụ như nguyên lý La-voa-đi-ê, tức là nguyên lý bảo tồn khối lượng, cũng bị thuyết điện tử về vật chất đánh đổ”[13; 253]. “Chúng ta, Poanh-ca-rê nói, đang đứng trước “những xác chết” của những nguyên lý cũ của vật lý học, trước “sự phá sản phổ biến của các nguyên lý”[13; 254] . Thêm vào đó, các quan niệm cũ về cấu tạo nguyên tử như “là cái bé nhất, là đơn vị cuối cùng không thể phân chia, là bản nguyên đại diện cho thế giới” cũng đã tan tành theo mây khói, “khối lượng tiêu tan mất. Nền tảng của cơ học sụp đổ. Nguyên lý Niu-tơn về sự ngang bằng giữa tác động và phản tác động,…cũng sụp đổ nốt”[13; 254]. Song, nếu chỉ vin vào sự xuất hiện và thay thế của “những cái mới” cho “những cái cũ” đang mất đi thì có đủ để nói lên toàn bộ thực chất của cuộc khủng hoảng?

Lịch sử ngành vật lý học đã tự nó hé mở cho ta nhiều điều để hiểu cái gì là sự thật của cuộc khủng hoảng nếu xem xét về những bước tiến trong những thành tựu vật lý học mới nhất. Sự thật là cho mãi đến cuối thế kỉ XIX, các nhà vật lý học vẫn còn tin tưởng tuyệt đối vào những quy luật và nguyên lý của cơ học cổ điển và khẳng định một cách chắc chắn rằng thế giới vật chất này đã bị đóng khuôn trong những quy luật đó mà không cần có thêm bất kì một quy luật nào nữa. Lênin viết: “Trong thời gian hai phần ba đầu thế kỉ XIX, các nhà vật lý học đều nhất trí với nhau về những điểm chủ yếu. Người ta tin vào sự giải thích về tự nhiên một cách thuần túy máy móc; người ta thừa nhận rằng vật lý học chỉ là một thứ cơ học phức tạp hơn, tức là cơ học phân tử. Người ta chỉ có ý kiến khác nhau trong vấn đề những phương pháp dùng để quy vật lý học thành cơ học, trong vấn đề những chi tiết của cơ giới luận mà thôi”[13; 255]. Cho nên một khi các nhà vật lý được tiếp xúc với hàng loạt các phát minh mới và thấy chúng cứ “bướng bỉnh” không chịu ăn khớp với những gì có sẵn từ trước thì họ hết sức hoang mang từ đó có sự xáo động lớn về tư tưởng, vốn dĩ họ là những người duy vật – mặc dù là duy vật siêu hình – thì nay họ sẵn sàng chấp nhận CNDT và bất khả tri như một sự cứu cánh. Như vậy, sự “khủng hoảng” của vật lý học bắt đầu từ một đống hoang tàn của những nguyên lý cũ đã tan rã toàn diện. Nhiều nhà bác học – như Poanhcarê – đã lấy đó làm dấu hiệu cho một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Vấn đề là họ đã không hiểu những phát hiện mới trong vật lý học là bước phát triển mới của nhân loại trong việc nhận thức và từng bước làm chủ thế giới tự nhiên. Theo lẽ thường thì các quan niệm siêu hình, cũ kĩ, cứng nhắc về thế giới trước kia không tránh khỏi phải sụp đổ khi tiếp xúc với những gì được coi là cách mạng và tiến bộ. Vấn đề là ở chỗ, trong nhận thức trước kia người ta vẫn thường coi nguyên tử là cái gì đó không thể phân chia, còn các hạt điện tích và trường điện từ thì không thể tồn tại, còn bây giờ thì hoàn toàn ngược lại. Họ không hiểu được sự thay thế một số khái niệm và nguyên lý này bằng một số khái niệm và nguyên lý khác sau những khám phá mới trong khoa học chỉ chứng tỏ cho sự hoàn thiện của khoa học, chứng tỏ trình độ hiểu biết của con người ngày một sâu sắc thêm. Theo nghĩa đó thì vật lý học cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX đang trải qua một “bước trưởng thành”, một “cuộc cách mạng” chứ không phải là một cuộc khủng hoảng như người ta tưởng tượng về nó. Cuộc cách mạng trong vật lý học cũng chính là sự đảo lộn những qui luật cũ, những khái niệm cũ, những nguyên lý cơ bản của vật lý học cổ điển, sự đảo lộn đó được thực hiện thông qua những phát minh vĩ đại trong vật lý học.

Có phải “cuộc cách mạng” của vật lý học đến từ một sự ngẫu nhiên? Như đã tìm hiểu trong mục 1.1 thì lịch sử vật lý học là một quá trình phát triển luân phiên giữa những thời kì tiến hóa yên tĩnh và những thời kì biến đổi cách mạng. Trong thời kì tiến hóa, vật lý học phát triển một cách êm ả tuân theo những quan điểm chung và một phương pháp luận chung nào đó. Nhưng đến một giai đoạn nhất định thì các quan điểm chung và phương pháp luận chung đó không thể giải thích được một số hiện tượng quan trọng mới được phát hiện nữa thì lúc đó thời kì tiến hóa chấm dứt và thời kì cách mạng bắt đầu. Đầu thế kỉ XX, một cuộc cách mạng như vậy đã bùng nổ trong lòng vật lý học. Mặc dù những luận điểm cơ bản của lý thuyết cũ thì không còn phù hợp với trình độ lúc đó nhưng những lý thuyết cũ vẫn chứa đựng trong nó những hạt nhân hợp lý nào đó và vẫn phản ánh đúng thực tại khách quan ở một mức độ nhất định, do đó chúng ta cũng phải chú ý tới tính kế thừa của lý thuyết vật lý “mới” đối với những lý thuyết vật lý “cũ” chứ không nên mù quáng tin vào những lời hô hào vứt bỏ hoàn toàn những lý thuyết “cũ”. Điều đó là hoàn toàn phù hợp với lý luận nhận thức của chủ nghĩa duy vật biện chứng (CNDVBC), rằng quá trình nhận thức là một quá trình tịnh tiến dần đến chân lí tuyệt đối thông qua những chân lý tương đối, cả lý thuyết cũ và mới đều chỉ là những bậc thang trong quá trình phát triển của vật lý. Theo đó thì sự phát triển tiếp theo của vật lý học thế kỉ XX đã chứng tỏ tình hình là: Những quan niệm mới lúc đầu có vẻ trái ngược với những quan niệm cũ, nhưng thực ra chúng không bác bỏ, mà chỉ mở rộng những quan niệm đó sang một lĩnh vực nghiên cứu mới – thế giới vi mô. Bộ phận vật lý mới được xây dựng hồi đầu thế kỉ XX không xóa bỏ bộ phận vật lý cũ, mà chỉ nêu lên phạm vi ứng dụng của bộ phận vật lý cũ, trong giới hạn đó, vật lý học cũ vẫn giữ nguyên giá trị của nó. Đó là những điều không thể hiểu được đối với những ai không biết tới phép biện chứng của CNDV.

Chính sự đảo lộn mang tính cách mạng của những thành tựu mới trong ngành vật lý đã dẫn tới cuộc khủng hoảng tinh thần trong những nhà vật lý học không hiểu được lý luận nhận thức của CNDVBC. Như vậy cuộc khủng hoảng của vật lý học không phải là cuộc khủng hoảng tất yếu trong sự phát triển của vật lý học, không phải do sự phát triển của khoa học đem lại mà chính là do có một số nhà vật lý học khi lý giải những phát minh mới đã không đứng trên quan điểm DVBC mà lại rút ra những kết luận sai lầm mang tính duy tâm, đi tới chỗ gạt bỏ thực tại khách quan tồn tại ngoài ý thức và đi tới chỗ thay thế CNDV bằng chủ nghĩa bất khả tri.

b. Thực chất cuộc khủng hoảng xét về mặt triết học:

Vì giữa triết học và KHTN có mối quan hệ hỗ tương cho nên trong cuộc “khủng hoảng” về vật lý học không thể “thiếu” sự tác động đến từ phía triết học. Để hiểu trọn vẹn vấn đề ta cần gắn cuộc khủng hoảng về thế giới quan của các nhà vật lý học với cuộc đấu tranh triết học giữa CNDV với CNDT trong giai đoạn này. Chính Lênin đã cho chúng ta những lời chỉ dẫn trong vấn đề này, rằng chỉ có những người như “Poanh-ca-rê không phát triển những kết luận ấy một cách triệt để, không quan tâm gì lắm đến phương diện triết học của vấn đề”[13; 254] mới có thể rút ra những kết luận duy tâm từ cuộc cách mạng của vật lý học.

Rõ ràng trong suốt nhiều thế kỉ, CNDV siêu hình đã hoàn toàn thống trị trong khoa học nói chung và vật lý học cổ điển nói riêng làm cho “vật lý học này đã đem lại cho những lý luận của mình một ý nghĩa bản thể luận. Và những lý luận này đều có tính chất cơ giới luận”[13; 256]. Vốn dĩ, phép siêu hình luôn có những hạn chế mà bản thân nó không thể khắc phục được như Ăngghen đã cảnh báo: “Phương pháp nhận thức siêu hình dù được coi là chính đáng và thậm chí là cần thiết trong những lĩnh vực nhất định ít nhiều rộng lớn tùy theo tính chất của đối tượng nghiên cứu, nhưng chóng hay chày nó cũng sẽ gặp phải một ranh giới mà nếu nó vượt quá thì nó trở thành phiến diện, hạn chế, trừu tượng, và sa vào những mâu thuẫn không thể nào giải quyết được”[6; 352]. Chính những mâu thuẫn không thể giải quyết được đó đã đem lại “sự phá sản chung của các nguyên lý”, và khi Poanhcarê phát hiện ra điều đó ông đã la toáng lên rằng: “thời kì hoài nghi” đã đến rồi! Sau đó, ông nêu câu hỏi: “Liệu khoa học có vạch ra cho chúng ta bản chất chân thật của sự vật không?” và ông tự trả lời: “Chắc chẳng có ai ngần ngại mà không trả lời một cách phủ định. Tôi nghĩ rằng còn có thể đi xa hơn nữa: không những khoa học không thể vạch ra cho chúng ta bản chất của sự vật, mà không có cái gì vạch ra nổi bản chất đó” [22; 225-226]. Đó cũng là suy nghĩ chung của những người chịu ảnh hưởng của thực chứng luận lúc đó (hay chủ nghĩa Makhơ), tức là họ đều cho rằng không hề có một thực tại khách quan nào tồn tại độc lập với ý thức con người, không phải thiên nhiên cung cấp cho con người những quy luật mà chính chúng ta đặt ra các quy luật đó, và nói chung bất kì những quy luật nào cũng chỉ là sự sắp xếp có trật tự những cảm giác của ta mà thôi. Vì vậy nhà khoa học chỉ cần ghi nhận những cái mà thực nghiệm cung cấp chứ không nên phí công sức tìm tòi nguyên nhân sâu xa của các hiện tượng. Từ “thời kì hoài nghi” đó, Poanhcarê và nhiều người khác đã đưa ra các kết luận sai lầm về mặt nhận thức như sau: “Không phải tự nhiên đem lại cho chúng ta (hay ép buộc chúng ta phải nhận) những khái niệm về không gian và thời gian, mà chính chúng ta đem những khái niệm ấy cho tự nhiên”; “phàm cái gì không phải là tư tưởng đều là hư vô thuần túy”[13; 254]. Lênin đã vạch rõ: “…đó là những kết luận duy tâm. Sự đảo lộn những nguyên lý cơ bản chứng minh (quá trình tư tưởng của ông Poanh-ca-rê là như vậy) rằng những nguyên lý ấy không phải là những bản sao chép, những bức ảnh nào đó của giới tự nhiên, không phải là những sự phản ảnh của cái gì đó ở bên ngoài ý thức con người, mà là những sản phẩm của ý thức ấy”[13; 254]

Trong hai vế (hai khía cạnh) của cuộc khủng hoảng mà Lênin đã đề cập thì vế nào (khía cạnh nào) là vế trung tâm? Theo ý kiến của bản thân tác giả khóa luận thì vế sau mới thực sự là vế trung tâm, nghĩa là bản chất của cuộc khủng hoảng không gì ngoài việc các nhà vật lý không nắm được lý luận triết học DVBC. Lịch sử ngành vật lý học đã luôn chứng minh rằng một sự bừng tỉnh của tư duy thường được khởi đầu bằng sự từ bỏ một định kiến nào đó. Tức nhiên quá trình để từ bỏ một định luôn là một cuộc đấu tranh vô cùng cam go và đầy thử thách. Anh-xtanh từng ví việc “phá vỡ một định kiến trong khoa học khó hơn phá vỡ một hạt nhân nguyên tử”. Sự đảo lộn những quy luật cũ và những nguyên lý cơ bản thì đâu phải là lần đầu mới thấy trong lịch sử vật lý học, cách đó mấy trăm năm Côpecnic đã làm rồi khi ông đưa ra thuyết nhật tâm để đánh đổ thuyết địa tâm tồn tại trong hơn hai ngàn năm, song nó đã không đưa lại bất kì một cuộc khủng hoảng nào về mặt thế giới quan. Vậy sự khác nhau giữa hai thời điểm lịch sử này là gì? Đó là giờ đây có quá nhiều nhà bác học giỏi chuyên môn nhưng không phải là những nhà duy vật, rõ ràng hồi đó tuy cũng là lý thuyết mới đánh đổ lý thuyết cũ nhưng cái thế giới quan và nhận thức luận duy vật thông qua đó mà được củng cố, đó là quá trình thay thế CNDT bằng CNDV, còn giờ đây thì sự việc lại diễn biến theo hướng hoàn toàn ngược lại, tức là CNDV bị thay thế bởi CNDT và chủ nghĩa bất khả tri. Những phần tử phản động nhất trong triết học đã lợi dụng và đã làm cho cuộc khủng hoảng này trở nên nghiêm trọng bằng cách “từ cuộc “khủng hoảng của vật lý học hiện đại”, người ta đã vội rút ra những kết luận hoài nghi luận”[13; 255]

Từ sự phân tích đó, ta thấy rõ quan điểm của Lênin cho rằng cuộc “khủng hoảng” vật lý học ấy thực ra là cuộc khủng hoảng về thế giới quan và nhận thức luận của triết học, ở đây không có lỗi của khoa học, không có lỗi của người phát minh ra nó mà cái lỗi lớn nhất lại thuộc về những người giải thích nó một cách lệch lạc do khiếm khuyết của họ trong nhận thức hoặc vì những mưu đồ riêng về chính trị. Chính Lênin đã tổng kết những điều đó như sau: “Cho nên, về mặt triết học, thực chất “cuộc khủng hoảng của vật lý học hiện đại” là ở chỗ vật lý học cũ coi lý luận của mình là sự “nhận thức hiện thực về thế giới vật chất”, tức là sự phản ánh hiện thực khách quan. Trào lưu mới trong vật lý học coi lý luận chỉ là những tượng trưng, những dấu hiệu, những ký hiệu cho thực tiễn, tức là nó phủ nhận sự tồn tại của thực tại khách quan độc lập với ý thức chúng ta và do ý thức chúng ta phản ánh… lý luận duy vật về nhận thức mà vật lý học cũ thừa nhận một cách tự phát đã bị lý luận duy tâm và bất khả tri về nhận thức thay thế; điều đó đã bị chủ nghĩa tín ngưỡng lợi dụng bát kể nguyện vọng của những người duy tâm và những người bất khả tri là như thế nào”[13; 258]. Như vậy lời tuyên bố “nguyên tử tan rã”, “vật chất tiêu tan” rõ ràng là không đúng, vì như Lênin đã vạch rõ nó chỉ là sản phẩm của một số nhà vật lý đã “không thừa nhận một cách thẳng thắng, dứt khoát và kiên quyết giá trị khách quan của những lý luận của mình”[19; 119].Vậy là mọi vấn đề có thể coi như được sáng tỏ.

Tóm lại, theo Lênin thì thực chất sâu xa hơn của toàn bộ cuộc khủng hoảng phải nằm ở mặt triết học chứ không phải ở mặt vật lý học; chính mặt triết học sẽ nói lên bản chất của cuộc khủng hoảng vật lý học, còn mặt vật lý học chẳng qua chỉ là cái cớ; không thể hiểu được thực chất của cuộc khủng hoảng từ việc xem xét các phát minh khoa học, mà việc mất phương hướng về thế giới quan của nhiều nhà vật lý phải bắt đầu khi họ bước sang lĩnh vực của triết học…Thực chất của vấn đề nằm “ở sự gạt bỏ thực tại khách quan ở bên ngoài ý thức, tức là ở sự thay thế chủ nghĩa duy vật bằng chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa bất khả tri” thông qua sự xâm nhập của chủ nghĩa duy tâm “vật lý học” – một trào lưu mới trong vật lý học chỉ coi những khám phá mới như là những tượng trưng, những dấu hiệu, những kí hiệu có ích lợi thực tiễn, tức là nó phủ nhận sự tồn tại khách quan, độc lập của thế giới vật chất, phủ nhận thực tại khách quan được đem lại cho chúng ta trong cảm giác và do ý thức của chúng ta phản ánh. Những nhà triết học kiêm vật lý học có quan hệ mật thiết nhất với chủ nghĩa duy tâm “vật lý học” mà tiêu biểu là Makhơ, Avênariut và các đồ đệ của họ ở Nga đã lợi dụng những thành tựu mới nhất của KHTN để chống lại CNDV và làm sống lại CNDT và hoài nghi luận của Béccli, của Hium và của I.Kant. Có những bằng chứng cho thấy việc một số nhà vật lý ngả theo CNDT, chủ nghĩa Kant và chủ nghĩa bất khả tri Hium là những tác giả chính gây ra “sự nhầm lẫn” trong việc tìm hiểu và giải thích những thành tựu của vật lý học lúc bấy giờ. Cho nên có thể nói việc tìm kiếm nguyên nhân và con đường để giải quyết cuộc khủng hoảng vật lý học đó cũng chính là quá trình tìm kiếm nguyên nhân và cách thức để đẩy lùi và đánh bật những người chủ nghĩa duy tâm “vật lý học” ra khỏi vật lý học.

Như vậy, mặc dù được gọi là cuộc “khủng hoảng” vật lý học song thật ra chẳng có một cuộc khủng hoảng nào hết về mặt vật lý mà chỉ có một cuộc khủng hoảng về mặt thế giới quan và nhận thức luận triết học trong bản thân các nhà vật lý học. Bằng chứng là đã có hàng loạt những cách hiểu sai, giải thích sai về những phát minh mới. Phải chăng do họ ngốc ngếch? Chắc là không. Nguyên nhân thì có nhiều và sẽ được bàn đến ở mục sau, nhưng ngay bây giờ chúng ta có thể khẳng định ngay một điều là việc giải thích sai lệch những thành tựu mới của vật lý học có một sự tác động không nhỏ đến từ CNDT và chủ nghĩa hoài nghi đang hoành hành trong một bộ phận các nhà triết học và các nhà KHTN lúc đó. Bởi vậy, Lênin mới đặt tựa đề cho chương V của quyển sách “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” là “Cuộc cách mạng mới nhất trong khoa học tự nhiên và chủ nghĩa duy tâm triết học”. Song, chúng ta phải ghi nhớ rằng cuộc khủng hoảng đó “chỉ là một bước dao động nhất thời, một thời kì ốm đau ngắn ngủi trong lịch sử khoa học, một chứng bệnh của trưởng thành, phần lớn là do sự đảo lộn đột ngột của những khái niệm cũ, đã được xác định, sinh ra”[13; 309]; vì chủ nghĩa duy tâm “vật lý học” thì cũng chỉ làm người ta nhất thời say mê mà thôi. Đó cũng là câu trả lời của Lênin đối với câu hỏi của A.Rây: “Phải chăng cuộc khủng hoảng hiện nay của vật lý học là một biến cố nhất thời và bề ngoài trong sự phát triển của khoa học, hay là khoa học đột nhiên quay lại đằng sau và hoàn toàn rời bỏ con đường đã đi theo từ trước”[13; 257].

Việc Lênin chỉ ra đâu là thực chất của cuộc khủng hoảng đã tạo điều kiện thuận lợi để nắm bắt được các nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng, từ đó đề ra con đường đúng đắn nhất để khắc phục và đẩy lùi cuộc khủng hoảng đó.

1.2.2. Nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng:

Một câu hỏi cần làm sáng tỏ ở mục này là: Cái gì đã làm nảy sinh ra cuộc khủng hoảng trong vật lý học hồi đầu thế kỉ XX?. Đây không phải là câu hỏi khó trả lời, song bắt buộc chúng ta phải tìm hiểu vì có như vậy chúng ta mới có thể hiểu được cách thức giải quyết vấn đề của Lênin mà chương sau của khóa luận sẽ phải bàn tới.

Về vấn đề nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng thì cũng đã có rất nhiều nhà nghiên cứu đề cập rồi, hơn nữa Lênin cũng đã trình bày vấn đề này rất cặn kẽ trong tác phẩm, vì vậy, ở mục này tác giả chỉ xin khái quát lại và có thêm một số dẫn chứng để bổ sung mà thôi.

Đầu tiên, chúng ta đều đồng ý với Lênin về nguồn gốc sâu xa của cuộc khủng hoảng thế giới quan trong ngành vật lý nằm ở ngay cách đặt vấn đề về vật chất như là “viên gạch đầu tiên” của thế giới. Lênin viết: ““Vật chất đã tiêu tan mất”, – người ta có thể dùng câu nói đó để diễn đạt cái khó khăn cơ bản và điển hình đối với nhiều vấn đề riêng biệt, khó khăn đã gây ra cuộc khủng hoảng ấy”[13; 259]. Trong hàng ngàn năm trước đó, đa phần các nhà khoa học đã luôn tin tưởng vào sự tồn tại của một “bản nguyên” vật chất chung của thế giới. Cũng trong hàng ngàn năm đó, họ đã cố công truy tìm cái “bản nguyên” đó và cứ mỗi lần đạt được một sự tiến bộ nào đó thì họ không những coi đó là “bản nguyên đại diện cho thời đại” của mình mà còn là cái “bản nguyên chân thật của thế giới”. Sự không ngừng truy tìm bản nguyên vật chất của thế giới như vậy đã khiến trình độ nhận thức của con người không ngừng vượt lên phía trước, song mỗi lần khoa học tạo ra được một bước đột phá mới là tư duy của cả nhân loại lại rơi vào trạng thái hụt hẫng mới. Rõ ràng “cú sốc” về thế giới quan hồi đầu thế kỉ XX trong triết học và vật lý học đâu phải là sự ngẫu nhiên, nó là kết quả của một cuộc cách mạng mới trong khoa học vật lý trong việc truy tìm cái “bản nguyên” vật chất của thế giới.

Tiếp theo, trong cùng tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán”, Lênin cũng đã chỉ rõ: cuộc khủng hoảng của vật lý học hiện đại mà xét về mặt thế giới quan thì gắn liền với sự ra đời của chủ nghĩa duy tâm “vật lý học” nên những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự ra đời của chủ nghĩa duy tâm “vật lý học” thì cũng chính là các nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng thế giới quan của các nhà vật lý học. Theo Lênin thì có hai nguyên nhân chính “đẻ” ra chủ nghĩa duy tâm “vật lý học” :

– Nguyên nhân thứ nhất: “Cuộc khủng hoảng của vật lý học là ở chỗ tinh thần toán học đã chinh phục vật lý học” [13; 311].

Trong vấn đề này, Lênin đặc biệt lưu ý đến mặt tiến bộ của vật lý học hiện đại là sử dụng rộng rãi các phương pháp toán học trong các nghiên cứu của mình. Những tiến bộ của toán học đã được ứng dụng rộng rãi vào trong vật lý học và làm cho vật lý học “lý thuyết” trở thành vật lý học “toán học”. Trong vật lý học “toán học” thì sự ham mê phiến diện các mối quan hệ số đã dẫn đến hệ quả là các quan hệ số này dần tách khỏi các cơ sở vật chất của chúng, có nghĩa là các nhà bác học chỉ hướng sự chú ý của mình vào những con số thuần túy, do đó các công thức vật lý sẽ không còn phản ánh được sự phụ thuộc của các con số vào ý nghĩa và giá trị thực tại của chúng và điều đó sẽ trở thành thức ăn cho chủ nghĩa duy tâm “vật lý học”, thế là bắt đầu thời kì vật lý học “hình thức” (hay là thời kì vật lý học “toán học”); nếu xét về bản chất thì vật lý học “toán học” chẳng qua chỉ là một bộ môn toán học thuần túy, nó không còn là một nhánh của vật lý học nữa mà nó đã trở thành một ngành của toán học, còn bản thân những nhà vật lý học cũng đã trở thành những nhà toán học thuần túy với những phép toán trừu tượng. Vấn đề là: vật lý học “lý thuyết” trước đó có phải cũng là một hình thức vật lý học mà “khái niệm, khái niệm thuần túy đã thay thế những yếu tố thực tại”[13; 312]?. Dĩ nhiên là không phải như vậy, Lênin đã chỉ rõ: “Nếu nhà toán học không bị công việc có tính chất xây dựng của trí tuệ mình lừa dối…, thì ông ta mới tìm thấy được mối liên hệ của vật lý học lý thuyết với thực nghiệm…” [13; 312]. Như vậy về bản chất thì vật lý học lý thuyết hoàn toàn khác với vật lý học toán học. Vật lý học toán học là một giai đoạn mới mẻ của vật lý học, mà thực ra là của toán học mới đúng.

Trong giai đoạn mới mẻ này, nhà vật lý học kiêm nhà toán học thường quen với các yếu tố khái niệm thuần túy lôgich và coi đó là những yếu tố duy nhất được dùng làm tài liệu cho công tác nghiên cứu của mình, do đó họ cảm thấy vướng víu với những yếu tố “thô kệch”, hay những yếu tố vật chất mà họ cho là không dễ uốn nắn lắm, nên tất nhiên họ phải luôn luôn đem trừu tượng hóa chúng đi và hình dung chúng là hoàn toàn phi vật chất và thuần túy lôgich, hoặc thậm chí còn hoàn toàn coi thường chúng nữa. Những yếu tố được coi là tài liệu thực tại, khách quan, tức là yếu tố vật lý, thì hoàn toàn biến đi mất. Còn lại chỉ là những liên hệ hình thức biểu thị bằng những phương trình vi phân. Điều đó hoàn toàn đúng với nhận định của Lênin: “ Cuộc khủng hoảng của vật lý học là ở chỗ tinh thần toán học đã chinh phục vật lý học”[13; 311], các nhà vật lý học trở thành những nhà toán học, những qui luật vận động của vật chất đều được đem diễn giải bằng toán học, họ đã quên mất vật chất, nên ““vật chất tiêu tan mất” chỉ còn lại những phương trình”[13; 312].

Như vậy, chủ nghĩa duy tâm “vật lý học” với tư cách là một trào lưu phản động trong vật lý học đã nảy sinh từ chính sự tiến bộ của vật lý học toán học chứ không phải là vật lý học lý thuyết. Chính việc “tinh thần toán học đã chinh phục vật lý học” là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự ra đời của chủ nghĩa duy tâm “vật lý học”, đồng thời cũng là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng của vật lý học. Trước đó mấy chục năm, Ăngghen cũng đã từng tiên đoán: “…một khi các nhà toán học đã rút lui vào trong các thành lũy trừu tượng bất khả xâm phạm của họ, tức là vào trong cái mà người ta gọi là toán học thuần túy thì tất cả những cái tương đồng như thế đều sẽ bị lãng quên đi, cái vô cực đã trở thành một cái gì hoàn toàn thần bí và cách mà người ta dùng cái vô cực đó trong sự phân tích cũng trở thành một cái gì hoàn toàn khó hiểu, một cái gì mâu thuẫn với mọi kinh nghiệm và mọi tri thức…Họ quên rằng toàn bộ cái mà người ta gọi là toán học thuần túy đều nghiên cứu những điều trừu tượng, rằng tất cả những đại lượng của họ, nói một cách chặt chẽ, đều là những đại lượng tưởng tượng, và tất cả những sự trừu tượng đẩy đến cực độ đều biến thành những điều vô lý, thành những cái đối lập” [19; 164], hay có thể nói một cách hình tượng đơn giản: Vì các nhà vật lý học mải vùi đầu tính toán nên đã dần mất đi thói quen suy nghĩ!. Cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, tiên đoán đó của Ăngghen đã trở thành hiện thực, nó đã trở thành một trong các nguyên nhân “đẻ” ra chủ nghĩa duy tâm “vật lý học” nói riêng, cũng tức là một trong các nguyên nhân trực tiếp dẫn dến cuộc khủng hoảng trong vật lý học nói chung như Lênin đã phân tích.

– Nguyên nhân thứ hai: Theo Lênin thì “một nguyên nhân khác sinh ra chủ nghĩa duy tâm “vật lý” là nguyên lý của chủ nghĩa tương đối, tức là nguyên lý về tính tương đối của tri thức của chúng ta. Trong thời kì các lý luận cũ sụp đổ đột ngột, nguyên lý này có một sức mạnh đặc biệt buộc các nhà vật lý học phải tuân theo,­ – và trong tình trạng không hiểu biết phép biện chứng, nguyên lý này, tất nhiên dẫn đến chủ nghĩa duy tâm ”[13; 313]

Theo Lênin, nếu xét trên khía cạnh nhận thức luận thì “vấn đề quan hệ giữa chủ nghĩa tương đối và phép biện chứng có lẽ là vấn đề quan trọng nhất” [19; 121]. Bởi vì “lấy chủ nghĩa tương đối làm cơ sở cho lý luận về nhận thức, có nghĩa là không tránh khỏi tự hãm mình vào thuyết hoài nghi tuyệt đối, vào thuyết bất khả tri và vào thuyết ngụy biện, hoặc vào chủ nghĩa chủ quan.”[13; 127]. Lênin lưu ý: “Phép biện chứng duy vật của Mác và Ăng-ghen tất nhiên là có bao hàm chủ nghĩa tương đối nhưng không quy thành chủ nghĩa tương đối…”[13; 127]. Và “vật lý học mới sở dĩ đi trệch sang phía chủ nghĩa duy tâm, chủ yếu là vì các nhà vật lý học không hiểu được phép biện chứng. Họ đã công kích luôn chủ nghĩa duy vật siêu hình (hiểu theo nghĩa mà Ăng-ghen dùng, chứ không phải theo nghĩa thực chứng luận, tức là theo nghĩa của Hi-um) cùng với “tính cơ giới” phiến diện của nó, và đã hắt luôn đứa trẻ cùng với chậu nước đã dùng để tắm cho nó. Trong khi phủ nhận tính bất biến của những đặc tính và nguyên tố của vật chất mà đến nay ai ai cũng biết, họ đã đi đến chỗ phủ nhận vật chất, nghĩa là phủ nhận tính thực tại khách quan của thế giới vật lý. Trong khi phủ nhận tính tuyệt đối của những quy luật cơ bản quan trọng nhất, họ đã đi dến chỗ phủ nhận bất cứ qui luật khách quan nào trong tự nhiên, họ tuyên bố rằng qui luật tự nhiên chỉ là những qui ước, là “hạn chế sự chờ đợi”, là “tính tất nhiên lôgic”,…Trong khi kiên quyết nói về tính chất gần đúng và tương đối của những tri thức của chúng ta, họ đã đi đến chỗ phủ nhận khách thể độc lập của nhận thức, khách thể được nhận thức phản ánh lại một cách gần đúng và tương đối đúng”[Xem 19; 121-122]. Rõ ràng chủ nghĩa tương đối đã mở rộng cửa trước cho CNDT xâm nhập vào vật lý học, vì không thể đem lại cho chủ nghĩa tương đối một định nghĩa chính xác, nên họ sa vào CNDT. Hơn nữa, “vì không hiểu phép biện chứng, nên họ thường thông qua chủ nghĩa tương đối mà rơi vào chủ nghĩa chủ quan và chủ nghĩa duy tâm. Họ không hiểu một điều rằng hậu quả của sự khinh thường phép biện chứng sẽ đưa một số người tỉnh táo nhất sa vào chỗ dị đoan ngu xuẩn nhất, sa vào thần linh học cận đại”[19; 27], rằng “chỉ có phép biện chứng duy vật của Mác và Engen mới giải quyết được vấn đề chủ nghĩa tương đối bằng một lý luận đúng, và người nào không hiểu phép biện chứng duy vật thì nhất định sẽ đi từ chủ nghĩa tương đối sang chủ nghĩa duy tâm triết học”[19; 121]

Như vậy, sở dĩ diễn ra tình trạng mất phương hướng ở ngay cả các nhà bác học lớn là vì họ thiếu một phương pháp tư duy biện chứng. Từ khi vật lý học bước sang thời kì hiện đại với đối tượng nghiên cứu mới là thế giới vi mô với những đặc điểm hoàn toàn khác với thế giới vĩ mô trước kia thì cơ sở triết học của cơ học cổ điển không còn khả năng phản ánh đúng đắn thế giới vi mô nữa. Các thành tựu mới trong KHTN đã phá vỡ tính tách biệt giữa thế giới vô cơ và thế giới hữu cơ, cũng như tính tách biệt giữa tự nhiên với xã hội. Giờ đây giữa những sự vật, hiện tượng được coi là tách biệt hoàn toàn trước đây lại có sự gắn bó hữu cơ với nhau, tác động biện chứng với nhau, bây giờ người ta biết chắc chắn nhiệt có thể biến thành điện, điện có thể sinh ra cơ năng, hóa năng, nhiệt năng…Giờ đây cái gì là máy móc, siêu hình thì không còn phù hợp nữa, do đó bức tranh siêu hình về thế giới của vật lý học cổ điển đã trở thành hàng rào cản trở sự phát triển của khoa học. Sự phát triển mới của KHTN đòi hỏi phải có một phương pháp luận mới thay thế cho phương pháp luận siêu hình. Một quan niệm mới về tự nhiên đã dược hình thành trên những nét lớn: Tất cả những cái gì có tính cứng nhắc đã bị tiêu tan, tất cả những gì có tính chất cố định đã biến mất và tất cả những cái gì mà người ta cho là có tính chất vĩnh viễn đã trở nên tiêu vong. Một nhu cầu tất yếu của vật lý học hiện đại lúc đó là cần có một cơ sở triết học mới làm cơ sở cho nó, đó là CNDVBC. Song, vì một số lý do mà triết học DVBC đó vẫn chưa thể phổ biến sâu rộng trong vật lý học được. Còn các nhà vật lý học lúc bấy giờ thì vẫn quen suy nghĩ theo lối cơ học cổ điển, chỉ chấp nhận cách nói “điều này sẽ xảy ra hoặc điều này không thể xảy ra” và rất khó để chấp nhận cách nói “điều này sẽ xảy ra với một xác suất cao”, vì nói như vậy cũng có nghĩa là điều đó vẫn có thể không xảy ra. Cái cách nghĩ siêu hình đó đã từng giúp cho khoa học phát triển trong một thời gian dài, song nó cũng để lại cái thói quen xem xét sự vật một cách phiến diện mà không chú ý gì tới sự biến hóa của sự vật. Đối với nó “có là có, không là không”, ngoài ra không còn cái gì cả. Chúng ta phải luôn ghi nhớ rằng CNDT chưa bao giờ bỏ cuộc trong sự đua tranh giành giật tầm ảnh hưởng của CNDV đối với KHTN. Hễ lúc nào nhà khoa học dao động và không còn đứng vững trên lập trường duy vật là sẽ rơi ngay vào vòng tay của CNDT. Thậm chí chừng nào một nhà khoa học tuy có thế giới quan duy vật nhưng còn nhận thức một chiều, phiến diện, chủ quan như thế thì chừng ấy CNDT vẫn còn có điều kiện để phục hồi và phát triển.

Nếu đi sâu hơn nữa tìm hiểu nguồn gốc của chủ nghĩa tương đối, cũng như chủ nghĩa bất khả tri trong vật lý học thì chúng ta sẽ phát hiện ra rằng chúng được sinh ra từ việc không hiểu biết phép biện chứng giữa chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối, cũng như không hiểu vai trò của các giả thuyết khoa học. Nếu trước đây, CNDV siêu hình thừa nhận mọi tri thức khoa học như là một sự bất biến, tuyệt đối thì đến đầu thế kỉ XX, khi vật lý học hiện đại chứng tỏ điều hoàn toàn ngược lại, tức chúng chỉ là những tri thức tương đối thì những người siêu hình hoang mang, người ta nghi ngờ về sự tồn tại khách quan của những quy luật, những nguyên lý nói chung. Họ không hiểu rằng trong thế giới này, lỗi lầm của người đi trước chính là sự mở đường cho người đi sau đạt tới chân lý, vì lỗi lầm đã là một nửa của chân lý đang còn lóng ngóng.

Khi còn sống, Ăngghen đã rất đề cao vai trò của giả thuyết khoa học, ông phê phán những kẻ coi thường giả thuyết mà cứ chờ đợi quy luật thuần khiết, họ không hiểu rằng một hành động như vậy sẽ đồng nghĩa với việc “đình chỉ” những sự tìm tòi của tư duy cho tới lúc đạt được quy luật, và như thế cũng đủ cho chúng ta không bao giờ có được quy luật. Ngay cả Newtơn, người đã nhiều lần tuyên bố “Tôi không đề ra giả thuyết” song viện sĩ Liên xô Va-vi-lôp lại khẳng định Newtơn là một tay thợ sản xuất giả thuyết xuất sắc, vượt xa nhiều người đương thời. Như vậy, để đi đến được một quy luật bất kì thì chắc hẳn phải có nhiều giả thuyết bị đánh đổ và gạt bỏ, song sự thay thế và đổ vỡ ấy có đẻ ra chủ nghĩa hoài nghi hay CNDT hay không thì lại hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân các nhà KHTN có được rèn luyện về phép biện chứng hay không, rằng họ có sự hiểu biết về mối quan hệ giữa chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối không, rằng họ có biết khái quát những phát minh khoa học mới nhất để nhận thức được rằng sự thay đổi các quan niệm như vậy không hề phủ nhận chân lý khách quan chứa đựng trong các quan niệm, mà chỉ chứng tỏ tính phức tạp, mâu thuẫn trong quá trình nhận thức, chứng tỏ tính tương đối trong nhận thức của con người.

Sai lầm dễ nhận thấy nhất của chủ nghĩa tương đối và hoài nghi là không hiểu chân lý như là một quá trình lịch sử vận động từ chưa đầy đủ đến đầy đủ hơn, sâu sắc hơn. Có những cái là chân lý trong những điều kiện lịch sử này thì cũng có thể không còn là chân lý trong điều kiện lịch sử khác. Đáng lẽ mỗi khái niệm, mỗi quy luật, mỗi nguyên lý,…phải được coi là chính xác khi nó được đặt trong một bối cảnh không gian, thời gian nhất định và có quan điểm lịch sử cụ thể khi giải thích nó thì những kẻ cơ hội chủ nghĩa lại dùng một thủ đoạn hèn hạ như thế này để xem xét vấn đề: Đầu tiên chúng đem những gì là của quá khứ, những gì đã lỗi thời đặt vào hoàn cảnh hiện tại, rồi sau đó chúng la toáng lên về sự không thích dụng được của những cái cũ đó với hiện tại. Còn những gì là của hiện tại thì bị áp đặt trong cùng một cái khuôn chật hẹp đã bị rạn nứt của quá khứ. Hậu quả là trước mắt của họ chỉ còn lại những đống hoang tàn và đổ nát của cả cái cũ lẫn cái mới, của cả cái đúng lẫn cái sai, của cái tiến bộ và lạc hậu,…đó là mảnh đất màu mỡ để những hạt mầm của CNDT được ươm mầm rồi còn gì.

Rõ ràng chủ nghĩa tương đối và hoài nghi đã góp công lớn gây ra cuộc khủng hoảng và đẻ ra chủ nghĩa duy tâm “vật lý học”. Điều này đã được Lênin khái quát lại và coi như nguyên nhân thứ hai của cuộc khủng hoảng vật lý đầu thế kỉ XX.

Ngoài các nguyên nhân nhận thức luận, sự khủng hoảng của vật lý học còn có nguyên nhân chính trị – xã hội và tín ngưỡng, đây là những nguyên nhân gián tiếp. Những diễn biến trong đời sống xã hội, những xáo trộn trong sinh hoạt chính trị đã cách li các nhà khoa học khỏi CNDVBC của Mác, nhất là phương pháp BCDV. Trong lịch sử, CNDT luôn là công cụ để các giai cấp thống trị – bóc lột và các lực lượng phản động khác trong xã hội lợi dụng để mê hoặc quần chúng, để tách quần chúng ra khỏi ảnh hưởng của CNDV tiến bộ. Từ lâu lắm rồi, giai cấp tư sản đã đánh rơi ngọn cờ duy vật và tìm mọi thủ đoạn tinh vi nhất để khôi phục, duy trì, truyền bá CNDT. Sự bùng nổ của cuộc cách mạng trong ngành vật lý học đã bị kẻ thù của giai cấp vô sản lợi dụng triệt để để mở một cuộc tiến công lớn nhắm vào lý luận của chủ nghĩa Mác để thanh toán kẻ thù nguy hiểm nhất của chúng về mặt lý luận là chủ nghĩa Mác. Ví như luận điểm “vật chất đã tiêu tan” mà những nhà khoa học và triết học phản động đã rêu rao thì ngoài việc phô diễn sự ngu ngốc của họ nó còn thể hiện một động cơ chính trị hơn là vì một sự tiến bộ chân chính của nền vật lý học.

Ngoài ra, cái trình trạng mà nhiều nhà bác học tuy là những nhà duy vật vững vàng trong lĩnh vực khoa học của họ nhưng bên ngoài lĩnh vực đó thì họ có thể là những người duy tâm, thậm chí còn là những tín đồ chính thống và ngoan đạo của đạo Thiên Chúa cũng là một trong các nguyên nhân gián tiếp dẫn tới cuộc khủng hoảng trong vật lý học.

Tóm lại: CNDT là kẻ thù của khoa học. Nó luôn luôn lợi dụng những thành tựu và những khó khăn của KHTN vào những mục tiêu phản động nhất nhằm chống lại triết học duy vật và cả KHTN; còn phương pháp tư duy siêu hình thì gây ra nhiều sự cản trở trong quá trình phát triển của KHTN: “Chủ nghĩa siêu hình triết chung thông thường đã làm cho khoa học tự nhiên bị chặn đứng lại một cách tuyệt vọng trong những yêu cầu về lý luận của nó” [1; 81]. Còn những lý thuyết như thuyết năng lượng của Ôxtơvanđơ chỉ là cái cớ cho nhà triết học và khoa học dao động về tư tưởng chạy trốn khỏi CNDV để sang với CNDT. Chừng nào CNDT, chủ nghĩa kinh nghiệm và phương pháp tư duy siêu hình còn thống trị trong KHTN thì chừng ấy chưa thể tránh khỏi việc có những cuộc khủng hoảng bùng nổ trong KHTN nói chung và vật lý học nói riêng .

Trong lưới trời ai dệt, tác giả Nguyễn Tường Bách đã nêu lên một gợi mở thú vị: “..ngành vật lý đã đi rất xa trong việc tìm hiểu thế giới khách quan, nhưng con người đã gặp phải một chướng ngại tự nhiên. Đó là sự nhận biết thế giới của mình có giới hạn về mặt nguyên tắc vì tư duy của mình bị thế giới ba chiều qui định. Câu nói của Socrates cách đây 25 thế kỉ bỗng nhiên vang vọng lại trong một ý nghĩa mới: “Tôi biết mình không biết gì cả”[3; 201]. Liệu chỉ một câu nói “Tôi biết mình không biết gì cả” có thể giải quyết toàn bộ những khó khăn mà ngành vật lý học đã gặp phải hay không?.

Chương 2: LÊNIN ĐẨY LÙI CUỘC KHỦNG HOẢNG VỀ THẾ GIỚI QUAN CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC VẬT LÝ

2.1. Lênin đấu tranh chống lại các trào lưu triết học phi mac-xit ở Nga vào năm 1908

Như đã phân tích thì cuộc khủng hoảng vật lý học thực ra là một cuộc khủng hoảng “kép”, nên muốn giải quyết nó triệt để thì phải giải quyết đồng thời trên cả hai mặt: vật lý học và triết học, song trọng tâm vẫn là trên địa hạt của triết học. Hơn nữa Lênin ngay từ đầu đã giới hạn công việc của mình chỉ trong lĩnh vực triết học chứ không có ý định “lấn sân” sang lĩnh vực của vật lý học: “Đương nhiên, khi phân tích vấn đề mối liên hệ giữa một trường phái của các nhà vật lý học mới nhất với sự phục hồi của chủ nghĩa duy tâm triết học, chúng ta không hề có ý đề cập đến những học thuyết chuyên môn của vật lý học. Chúng ta chỉ quan tâm đến những kết luận về nhận thức luận, rút ra từ một số mệnh đề nhất định nào đó và từ những phát minh mà mọi người đều biết”[13; 253]. Trong công cuộc giải quyết cuộc khủng hoảng về mặt triết học thì Lênin là người có đóng góp quan trọng nhất, tức nhiên quá trình Lênin giải quyết cuộc khủng hoảng ấy về mặt triết học cũng phải đồng thời là quá trình đấu tranh quyết liệt của ông trong việc chống lại các trào lưu triết học phi mác-xít nhằm bảo vệ và phát triển triết học Mác, đây cũng là một nhiệm vụ thường xuyên, bắt buộc đối với bất kì nhà triết học mác-xít nào khác.

Như chúng ta đã biết, cuối thế kỉ XIX, Chủ nghĩa Tư bản đã bắt đầu bước vào con đường đi lên Chủ nghĩa Đế quốc và giai cấp tư sản ở tất cả các nước thì cũng nhanh chóng vứt bỏ nền dân chủ hình thức để chuyển hẳn sang lập trường phản động nhất; vì vậy, về mặt triết học chúng đã mở ra một cuộc đấu tranh mới chống CNDV một cách toàn diện với những “vũ khí” mới, mà một trong những vũ khí mới được sử dụng lúc này chính là triết học kinh nghiệm hay chủ nghĩa Makhơ – một thứ triết học về thực chất là CNDT chủ quan, một biến dạng của chủ nghĩa thực chứng, nhưng ngoài mặt lại làm ra vẻ như một thứ triết học “tối tân”, “hiện đại” đã khắc phục được sự phiến diện của cả CNDV lẫn CNDT. Còn tại nước Nga, tình hình chính trị sau sự thất bại của cuộc cách mạng 1905 là hết sức căng thẳng, chế độ Nga hoàng ra sức đàn áp cách mạng. Trong Đảng dân chủ xã hội Nga, một số phần tử cơ hội đã ngả nghiêng về mặt triết học nên có xu hướng ngày càng ngả theo triết học duy tâm và tôn giáo. Lợi dụng tình hình rối ren đó, phái Makhơ ở Nga tiến hành sự xét lại công khai triết học Mác nhằm khôi phục triết học duy tâm bằng cách làm giả nhận thức luận DVBC một cách tinh vi thông qua việc dùng các thuật ngữ tựa hồ như là duy vật để che đậy CNDT, nhưng thực tế là họ đã hoàn toàn rời bỏ CNDV rồi.

Toàn bộ tính chất phức tạp của vấn đề đã được PTS.Nguyễn Cảnh Hồ khái quát như sau: “Trong tình hình quốc tế và ở nước Nga như vậy, cuộc đấu tranh triết học diễn ra rất phức tạp. Nó không diễn ra mặt đối mặt giữa hai phái, mà là sự đan xen vào nhau, đối phương lại có nhiều thủ đoạn xảo quyệt, có sự hỗ trợ của bọn xét lại, làm lu mờ trận tuyến, làm cho người ta khó phân biệt đúng sai và qua đó khéo léo đưa ý thức hệ duy tâm vào. Ở Nga, cuộc đấu tranh triết học lại gắn với cuộc đấu tranh chính trị: những phần tử mensêvich và cả một số người trong phái bônsêvich, không những xét lại những nguyên tắc triết học mà còn xét lại những nguyên tắc sách lược của đảng vô sản” [6; 342]

Có thể coi Makhơ là người đại diện cho thực chứng luận đầu thế kỉ XX, vì ông có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong vật lý học và triết học lúc đó. Về phần vật lý, Makhơ chống lại nguyên tử luận, không công nhận vật lý học tồn tại với tư cách là một khoa học nghiên cứu về “thực tại khách quan”, đồng thời ông cũng công kích mạnh mẽ thuyết động lực học phân tử cho nên lúc đầu rất ít nhà vật lý ủng hộ ông ta, nhưng do sự phát triển của vật lý học, khi mà những quan điểm siêu hình, máy móc ngày càng vấp phải những nan giải thì nhiều nhà vật lý học cũng bắt đầu xa lánh CNDV mà chịu sự ảnh hưởng của chủ nghĩa thực chứng (trong đó có cả Anhxtanh). Các tác phẩm của Makhơ về sau này được nhiều nhà vật lý học đón đọc vì ở đó có trình bày các phương án để giải quyết cuộc khủng hoảng trong vật lý học thông qua các kết luận của vật lý học cổ điển và những tư tưởng triết học thời kì trước – tức là từ Béccơli đến Hium và I.Kant. Thông qua các tác phẩm đó, Makhơ đã lén đưa CNDT chủ quan và bất khả tri vào trong khoa học, điều này chẳng những không khắc phục được sự khủng hoảng thế giới quan trong khoa học mà còn như “đổ thêm dầu vào lửa” làm cho cuộc khủng hoảng thêm gay gắt.

Lúc bấy giờ cũng có khá nhiều người thực tâm muốn bảo vệ chủ nghĩa Mác nên đã đứng ra phê phán chủ nghĩa Makhơ, song vì sự phê phán không quyết liệt lại phạm phải nhiều sai lầm trong khi trình bày triết học DVBC nên hiệu quả đạt được thấp và còn gây ra một số tổn hại khác cho triết học Mác nói chung.

Đứng trước tình hình đó, Lênin đã viết tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” dưới dạng một tác phẩm luận chiến để vừa có thể trình bày những nội dung cốt lõi của triết học DVBC vừa có thể trình bày cả về mặt phương pháp luận để tiến hành cuộc đấu tranh toàn diện chống lại các trào lưu triết học phản động, mà cụ thể ở đây là chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán hay còn được biết dưới cái tên chủ nghĩa Makhơ.

Qua các phần đã phân tích ở trên ta thấy rõ tác hại của các trào lưu triết học phi mác-xít đối với KHTN và CNDVBC, hay nói cách khác, chúng là kẻ tử thù của liên minh triết học DVBC và KHTN, cho nên để đẩy lùi cuộc khủng hoảng thế giới quan của các nhà vật lý học đương thời, Lênin đã quyết liệt đấu tranh chống lại tất cả các trào lưu triết học phản động và trên cơ sở các kết quả của cuộc đấu tranh đó, Lênin mới lại vận dụng vào việc phân tích những vấn đề triết học của vật lý trong thời kì khủng hoảng và rút ra những kết luận quan trọng. Vì vậy khi nói đến những đóng góp của Lênin trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng vật lý học thì cần phải trình bày vắn tắt cuộc đấu tranh mà ông đã tiến hành nhằm chống lại các trào lưu triết học phi mác-xít ở Nga vào năm 1905. Cuộc đấu tranh này bao gồm hai khía cạnh: nội dung và phương pháp.

Về mặt nội dung: Cuộc đấu tranh mà Lênin đã tiến hành có một nội dung sâu rộng, bắt đầu từ nguồn gốc lý luận của chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán đến phê phán lý luận của chủ nghĩa đó về vấn đề chân lý và vai trò của thực tiễn đối với sự nhận thức chân lý,…Song trọng tâm của cuộc đấu tranh đó vẫn luôn luôn xoay quanh vấn đề cơ bản của triết học, nhất là những vấn đề liên quan tới nhận thức luận, vì đó là vấn đề mấu chốt để phân định giữa một bên là triết học mác-xít và bên kia là những ý tưởng phi mác-xít của các trường phái duy tâm và xét lại. Đây là “hòn đá thử vàng” để xác định đâu là triết học tiến bộ còn đâu là triết học phản động, phản tiến bộ, vì như Ăngghen đã lưu ý thì cuộc đấu tranh giữa CNDV và CNDT xét đến cùng là phải giải quyết vấn đề cơ bản của triết học. Để làm sáng tỏ những vấn đề trên, nhất là về vấn đề lý luận về nhận thức, Lênin đã dành đến ba chương sách (Ba chương đầu của quyển sách đều bàn về lý luận nhận thức của chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán và của CNDVBC). Với những lý luận sắc bén và dẫn chứng sinh động, xác thực, Lênin đã lần lượt đập tan thuyết “Yếu tố” của Makhơ, rồi thuyết “Khảm nhập” của Avênariut và hàng loạt các thuyết khác của những người theo chân Makhơ và Avênariut; Lênin phát hiện giữa họ có một điểm chung dễ nhận biết là “cùng thù ghét chủ nghĩa duy vật biện chứng, đồng thời họ vẫn tự mệnh danh là những người mác-xít về triết học”[13; 3].

Các quan điểm duy vật và biện chứng quan trọng nhất được Lênin tóm tắt lại trong ba kết luận về nhận thức luận:

“1. Có những vật tồn tại độc lập với ý thức của chúng ta, độc lập với cảm giác của chúng ta, ở ngoài chúng ta,…

2. Dứt khoát là không có và không thể có bất kì sự khác nhau nào về nguyên tắc giữa hiện tượng và vật tự nó. Chỉ có sự khác nhau giữa cái đã được nhận thức và cái chưa được nhận thức…

3. Trong lý luận nhận thức, cũng như trong tất cả các lĩnh vực khác của khoa học, cần suy luận một cách biện chứng, nghĩa là đừng giả định rằng nhận thức của chúng ta là bất di bất dịch và có sẵn rồi, mà phải phân tích xem sự hiểu biết nảy sinh từ sự không hiểu biết như thế nào, sự hiểu biết không đầy đủ và không chính xác trở thành đầy đủ và chính xác hơn như thế nào” [13; 91]

Các kết luận này là cơ sở triết học để Lênin phê phán Makhơ, Avênariút và những người theo phái Makhơ,… Đồng thời nó cũng là căn cứ triết học vững chắc để Lênin phân tích và vạch ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng của vật lý học.

Về mặt phương pháp: Toàn bộ cuộc đấu tranh toàn diện của Lênin đối với mọi màu sắc của triết học duy tâm đã được tiến hành dựa trên những nguyên tắc nhất định mà trong phần kết luận của tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán”, Lênin đã tổng kết thành bốn luận điểm quan trọng, được coi như bốn phương pháp có tính nguyên tắc chung khi xem xét, đánh giá, phân tích, phê phán bất kì một trào lưu triết học nào:

Nguyên tắc 1: Một là và trước tiên cần phải so sánh những cơ sở lý luận của triết học đó với những cơ sở lý luận của CNDVBC. Sự so sánh như vậy đã được Lênin tiến hành trên từng luận điểm xuyên suốt trong tác phẩm (rõ nhất là ở 03 chương đầu), song vẫn phải tập trung vào vấn đề cơ bản của triết học, gồm hai mặt: Thứ nhất, giữa vật chất và ý thức cái nào có trước và cái nào có sau, cái nào quyết định cái nào? Thứ hai, con người có khả năng nhận thức được thế giới hay không? Nếu có thì khả năng ấy có bị giới hạn hay không? Căn cứ vào câu trả lời các câu hỏi đó mà ta có thể phân biệt được thực chất khuynh hướng của các trào lưu triết học. Song phải lưu ý rằng mối quan hệ giữa quan điểm của một nhà khoa học với lý thuyết của họ cũng không phải là đơn giản. Có những trường hợp lí thuyết khoa học không có chút dính dáng nào tới CNDT nhưng khi sang lĩnh vực triết học thì nhà khoa học lại cố gán ghép cho nó một ý nghĩa duy tâm nào đó. Vì vậy khi đánh giá một giả thuyết khoa học thì phải nhìn vào thực chất của nó, không thể chỉ căn cứ vào các quan điểm triết học hoặc cách giải thích của tác giả để đi tới các kết luận vội vàng. Ví như, chủ nghĩa Makhơ có khá nhiều danh xưng được họ “kiêu ngạo” viện ra như “thuyết thực chứng”, “triết học về kinh nghiệm thuần túy”, “thuyết nhất nguyên”, “thuyết kinh nghiệm nhất nguyên”, “triết học của khoa học tự nhiên hiện đại”, “triết học tối tân”, “triết học của khoa học tự nhiên thế kỷ XX”,…Song họ lại tỏ ra lập lờ trong việc xác định đối tượng nghiên cứu của mình nhằm giấu đi sự liên hệ của họ với CNDT chủ quan của Becli, chủ nghĩa Cantơ và chủ nghĩa Hium.

Nguyên tắc 2: Cần phải xem xét vị trí của trường phái triết học đó với các trào lưu triết học khác để vạch ra được bản chất và giá trị của trường phái triết học đó. Nhờ làm như vậy nên Lênin đã xác định được địa vị của chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán với tính cách là một trường phái hết sức nhỏ bé của những nhà triết học chuyên môn trong số các trường phái triết học và khoa học của thời kì hiện đại, nghĩa là nó chỉ có liên hệ mật thiết với chủ nghĩa duy tâm “vật lý học” chứ không phải với toàn bộ KHTN (nguyên tắc này thể hiện rõ nhất trong chương IV: “Các nhà triết học duy tâm, bạn chiến đấu và kẻ kế thừa của chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán), do đó Lênin yêu cầu mọi người không được khuếch đại nó lên. Và phải làm như vậy mới thấy được “Makhơ và Avênariút, bắt đầu từ Can-tơ, nhưng không phải để đi đến chủ nghĩa duy vật, mà là đi theo chiều ngược lại, đến với Hi-um và Bec-cli… Toàn bộ môn phái Ma-khơ và A-vê-na-ri-ut…đang đi tới chủ nghĩa duy tâm một cách ngày càng rõ rệt”[13; 365]

Nguyên tắc 3: Cần xem xét thái độ của trào lưu triết học đó đối với các thành tựu của KHTN. Nguyên tắc này được Lênin thể hiện rõ trong chương V khi ông vạch rõ: “Tuyệt đại đa số các nhà khoa học tự nhiên nói chung, cũng như trong một ngành chuyên môn nhất định, cụ thể là trong vật lý học, đều hoàn toàn đứng về phía chủ nghĩa duy vật. Một số ít nhà vật lý học mới, dưới ảnh hưởng của sự sụp đổ của những lý luận cũ do những phát hiện vĩ đại trong những năm gần đây gây ra, dưới ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng của vật lý học mới… đã thông qua chủ nghĩa tương đối mà rơi vào chủ nghĩa duy tâm do không hiểu phép biện chứng…”[13; 365-366]. Ví như Makhơ và các đồng đảng của ông ta đã lợi dụng các thành tựu của khoa học để bài xích CNDV và cả bản thân vật lý học. Trong điều kiện cách mạng khoa học kĩ thuật ngày nay thì nguyên tắc này có một ý nghĩa quan trọng về mặt phương pháp luận trong cuộc đấu tranh chống các trào lưu triết học tư sản phản động hiện đại.

Nguyên tắc 4: Nguyên tắc tính đảng trong triết học. Trong triết học chỉ có hai đảng phái (hai trào lưu, hai đường lối) cơ bản là CNDV và CNDT nếu xét trên vấn đề cơ bản của triết học, ngoài ra không có đường lối thứ ba nào khác. Lênin khẳng định: “triết học hiện đại cũng có tính đảng như triết học hai ngàn năm về trước”[13; 366], nghĩa là: “trong triết học có một đường lối duy vật và một đường lối duy tâm, và giữa hai đường lối đó, thì có những màu sắc khác nhau của thuyết bất khả tri”[13; 138]. Vậy phải hiểu việc Makhơ thường rêu rao rằng triết học của ông ta là một thứ triết học hoàn toàn mới, nó là triết học thuộc “đường lối thứ ba” trong triết học là như thế nào? Và “con đường thứ ba” trong triết học là gì? Thật ra, “con đường thứ ba” chỉ là một hình thức của CNDT. Trước đà phát triển của khoa học, trước sự thắng lợi ngày càng rộng lớn của CNDVBC, CNDT không còn chỗ đứng trong triết học lẫn KHTN, để bảo vệ CNDT và phản công lại CNDV, các nhà triết học duy tâm của giai cấp tư sản lúc đó và cả hiện nay đề xướng ra cái gọi là “con đường thứ ba trong triết học”. Đó là một trào lưu lớn của triết học tư sản hiện đại, theo họ các yếu tố được coi là cơ sở tồn tại của mọi sự vật, hiện tượng không phải là vật chất hay tinh thần mà là những yếu tố trung gian. Họ cố tình không đả động gì tới vấn đề cơ bản của triết học, phủ nhận sự đối lập giữa CNDT và CNDV, tuyên bố đứng trên cả duy vật lẫn duy tâm nhưng kì thực họ đang chống lại CNDV, chống chủ nghĩa Mác-Lênin để dành chỗ cho CNDT. Đó có thể coi là tính đặc thù của CNDT hiện đại, vì khác với các nhà duy tâm trước đây, các nhà duy tâm hiện đại không dám công khai gọi mình là người duy tâm vì lý luận của họ tỏ ra mâu thuẫn không còn có thể điều hòa được với các sự kiện mới của khoa học và đời sống xã hội, nên họ buộc phải che đậy nội dung duy tâm của mình. Điều đó giống như cái cách mà Makhơ đã lảng tránh vấn đề cơ bản của triết học để xây dựng một thứ triết học lẫn lộn giữa duy vật và duy tâm, nhưng xét đến cùng thì nó cũng chỉ là một nhánh nhỏ của CNDT, một sự nhai lại những học thuyết đã lỗi thời.

Tóm lại, tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” của Lênin có tác dụng lớn trong việc phê phán CNDT , khôi phục lại niềm tin khoa học, đòi hỏi phải có thái độ khoa học đối với khoa học nói chung và các thành tựu của khoa học nói riêng. Từ cuộc đấu tranh của Lênin chống lại các trào lưu triết học phi mác-xít, chúng ta có thể rút ra một kết luận: Sự phát triển của khoa học không tách rời thế giới quan và phương pháp luận của triết học. Đây cũng chính là cơ sở để Lênin tìm ra con đường duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng vật lý học đang diễn ra lúc bấy giờ dưới ánh sáng của triết học. Thêm vào đó tác phẩm còn để lại những nguyên tắc phê phán triết học phi mác-xít mà cho đến nay ý nghĩa của những nguyên tắc đó vẫn còn nguyên giá trị.

Mục đích cuối cùng của Lênin đã đạt được, Lênin đã làm cho các nhà vật lý học nhận rõ chân tướng của chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán (hay chủ nghĩa Makhơ) là một trong những trào lưu triết học phản động, biến tướng của chủ nghĩa thực chứng, CNDT chủ quan. Nó đứng trên quan điểm thực chứng luận “tối tân” và “hiện đại”, hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm bị xuyên tạc theo ý nghĩa duy tâm chủ quan để chống lại CNDV. Rõ ràng: “Vật lý học hiện đại đang nằm trên giường đẻ. Nó đang đẻ ra chủ nghĩa duy vật biện chứng… Toàn bộ chủ nghĩa duy tâm vật lý học, toàn bộ triết học kinh nghiệm phê phán, cũng như thuyết kinh nghiệm tượng trưng, thuyết kinh nghiệm nhất nguyên…đều là những thứ cặn bã phải vứt bỏ đi”[13; 318]. Đến năm 1920, Anh-xtanh, người trước đây rất sùng bái Makhơ, đã không ngần ngại gọi Makhơ là “một triết gia đáng thương”, điều đó đã đánh dấu chấm hết cho một trường phái triết học duy tâm phản động. Nhưng dẫu sao thì chúng ta cũng nên cảm thông phần nào cho Makhơ và đảng của ông, vì ngay cả Lênin, một nhà triết học mác-xít chân chính, còn tự nhận mình là ““kẻ đang tìm tòi” về triết học”[13; 4], còn họ quá lắm cũng chỉ là những người chẳng hiểu chút gì về triết học Mác mà lại núp dưới chiêu bài của chủ nghĩa Mác để viết về phép biện chứng mác-xít trong KHTN.

2.2. Một số nguyên tắc cơ bản để giải quyết cuộc khủng hoảng về thế giới quan của vật lý học

2.2.1. Xây dựng một liên minh triết học duy vật biện chứng và khoa học tự nhiên vững mạnh:

Sau khi Lênin tiến hành phê phán các trào lưu triết học phi mác-xít thì khả năng khắc phục cuộc khủng hoảng trong vật lý học đã rõ ràng, khả năng duy nhất để thoát khỏi tình trạng khủng hoảng đó chính là phải làm sao để chiến thắng được tính hạn chế siêu hình và cơ giới trong quá trình nhận thức thế giới, làm sao để các nhà vật lý học nắm vững thế giới quan và phương pháp nhận thức DVBC. Sau này, trong tác phẩm “Về tác dụng của chủ nghĩa duy vật chiến đấu” (được Lênin viết năm 1922 in trong tập 45, Lênin toàn tập), Lênin một lần nữa chỉ rõ rằng sự liên minh giữa CNDV chiến đấu và các đại biểu của KHTN là điều kiện đảm bảo cho cả triết học lẫn KHTN không lâm vào những cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai. Trong tác phẩm “Về tác dụng của chủ nghĩa duy vật chiến đấu”, Lênin viết: “Ngoài sự liên minh với những người duy vật chủ nghĩa triệt để, không ở trong Đảng cộng sản, thì một điều không kém quan trọng, nếu không phải là quan trọng hơn đối với sự nghiệp mà chủ nghĩa duy vật chiến đấu sẽ phải làm tròn, đó là sự liên minh với những đại biểu của các ngành khoa học tự nhiên hiện đại đang ngả về chủ nghĩa duy vật, có can đảm bảo vệ và truyền bá chủ nghĩa này chống những khuynh hướng triết học duy tâm chủ nghĩa và hoài nghi chủ nghĩa là những khuynh hướng đang thịnh hành trong cái mà người ta gọi là “giới có học thức”[14; 34]. Song một điều thú vị là trong tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” cũng như trong tác phẩm “Về tác dụng của chủ nghĩa duy vật chiến đấu”, Lênin chỉ tập trung phân tích vai trò của triết học DVBC đối với các nhà KHTN hơn là vai trò của KHTN đối với triết học DVBC, theo tác giả khóa luận thì điều đó đúng như nhận định của PGS,TS Doãn Chính và PGS,TS Đinh Ngọc Thạch: “V.I.Lênin chưa nhấn mạnh sự tác động của khoa học tự nhiên đến triết học nói chung, đến triết học duy vật biện chứng nói riêng, phải chăng vì Ph.Ăngghen đã nêu ra rồi”[5; 583]. Như vậy theo tác giả khóa luận thì để làm sáng tỏ con đường thoát khỏi khủng hoảng của vật lý học, chúng ta phải đồng thời kết hợp quan điểm của Lênin trong tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” với những quan niệm mà “Ph.Ăngghen đã nêu ra rồi”. Như vậy, để xây dựng thành công liên minh triết học DVBC và KHTN thì cần đồng thời làm tốt hai việc:

Thứ nhất, về phía các nhà triết học DVBC thì phải thường xuyên theo dõi sự phát triển của KHTN. Đó là yêu cầu căn bản với bất kì một ai đi theo con đường mà Mác, Ăngghen, Lênin đã đi, vì chỉ có làm được như vậy thì mỗi nhà triết học mác-xít mới làm giàu tri thức của mình. Ngược lại, nếu không làm tốt nhiệm vụ này, các nhà triết học tự xưng mình là “mác-xít” sẽ chỉ còn lại cái “mác” trên danh nghĩa chứ nội dung lý luận thì vô cùng nhàm chán và trống rỗng. Ăngghen đã từng nhắc chúng ta: “…Một quan niệm vừa biện chứng vừa duy vật về tự nhiên đòi hỏi người ta phải thông thạo toán học và khoa học tự nhiên”[19; 196]

Chính sự gắn bó mật thiết của triết học duy vật, nhất là triết học DVBC với các khoa học cụ thể là điều kiện cho sự phát triển của triết học nói chung. Thành quả của các khoa học cụ thể là những tư liệu để triết học rút ra những kết luận của mình, rồi những kết luận ấy lại đưa lại một thế giới quan và phương pháp luận định hướng cho sự phát triển đúng đắn của các khoa học. Chính vì vậy sự hợp tác chặt chẽ giữa triết học DVBC với KHTN là cần thiết. Sự hợp tác này sẽ giúp triết học tránh được sự khô cứng và lạc hậu, còn các KHTN sẽ không còn mất phương hướng và đạt được nhiều thành tựu mới nhờ có một triết học khoa học và cách mạng dẫn đường.

V.I.Lênin là một tấm gương mẫu mực trong vấn đề này. Thử giả định Lênin đã không theo dõi sự tiến triển của vật lý học hiện đại, nhất là những khám phá mới về nguyên tử thì liệu Lênin có đủ khả năng để phát hiện ra thực chất và vạch ra được nguyên nhân của cuộc khủng hoảng đó là gì không? Chắc chắn là không, thậm chí ông cũng không thể chỉ ra được đâu là sai lầm của các nhà vật lý, đâu là sai lầm của các nhà triết học và lẽ dĩ nhiên là ông không thể bảo vệ được những nguyên lý cơ bản của triết học Mác, chứ chưa nói tới việc phát triển chúng. Như vậy, từ tấm gương của Lênin ta có thể rút ra một kết luận rằng chỉ có bằng cách thường xuyên cập nhật thông tin về sự biến đổi của KHTN hiện đại thì nhà triết học DVBC mới có thể đứng vững trước sự tấn công của các thế giới quan đối lập, từ đó niềm tin vào CNDVBC mới càng thêm củng cố, để rồi nó biến thành những hành động cụ thể là ra sức bảo vệ hệ lý luận khoa học cách mạng mà mình đang theo đuổi, đồng thời nhà triết học ấy mới có đủ điều kiện để có thể bổ sung, mở rộng và làm sâu sắc hơn những nguyên lý, quy luật, phạm trù của mình.

Thứ hai, để góp phần xây dựng một liên minh triết học duy vật biện chứng – khoa học tự nhiên vững mạnh thì về phía các nhà KHTN nói chung và các nhà vật lý học nói riêng, họ phải biết vươn lên thành nhà DVBC.

Thường thì các nhà KHTN rất ít quan tâm đến triết học, thậm chí họ còn khinh miệt triết học, nhất là các nhà vật lý học thì hầu như không muốn trả lời các câu hỏi của triết học, họ chỉ muốn im lặng giải các bài toán của mình, bởi vì thực hành khoa học thì dễ dàng hơn là hiểu nó. Song trong quá trình nghiên cứu và ngay cả trong lúc giải thích các phát minh khoa học ấy họ không thể không động chạm đến các vấn đề của triết học, nhất là vấn đề cơ bản. Cụ thể:

Đối với mặt thứ nhất của vấn đề cơ bản, các nhà KHTN buộc phải tỏ rõ chính kiến trước câu hỏi: có hay không sự tồn tại của một thế giới khách quan bên ngoài ý thức?. Nếu thừa nhận, dĩ nhiên họ sẽ là người đứng trên lập trường thế giới quan duy vật, do đó quá trình nghiên cứu của họ sẽ rút ra được những kết luận khách quan về bản chất của thế giới các sự vật hiện tượng; ngược lại, nếu không thừa nhận sự tồn tại của một thế giới khách quan thì đồng nghĩa với việc họ chấp nhận sự tồn tại của thần linh, của đấng tối cao, của những lực lượng siêu nhiên thần bí, vì vậy họ là những người duy tâm về triết học, lúc đó, không những niềm tin trong họ về khả năng khám phá thế giới bị giảm đi mà ngay cả sau khi đã có những phát minh khám phá mới, họ cũng luôn giải thích nó chệch sang quỹ đạo của CNDT và tôn giáo.

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao vẫn có một số nhà KHTN tuyên bố mình là người của giáo hội mà vẫn đạt được một số phát minh tầm cỡ trong khoa học, ví như Anh-xtanh trước 1905 vẫn là một con chiên ngoan đạo và một tín đồ theo chủ nghĩa Makhơ nhưng vẫn có những phát hiện chấn động thế giới như thuyết lượng tử và thuyết tương đối hẹp? Điều này chỉ có thể hiểu trên cơ sở nhận định rằng lời tuyên bố về lập trường thế giới quan của họ là hoàn toàn không đáng tin. Tuy họ tìm mọi cách xa rời chủ CNDV, thậm chí công khai ra mặt chống lại CNDV, song họ lại “tự phát” hoặc “lén lút” đứng trên lập trường của CNDV trong quá trình nghiên cứu của mình. Nếu họ thật sự giữ vững niềm tin của họ vào sự xác thật của Chúa hoặc của một thế lực siêu nhiên nào đó họ đã không có bất kì một chút thành tựu gì .

Về mặt thứ hai của vấn đề cơ bản của triết học thì dù muốn dù không, dù là người vô thần hay hữu thần thì mỗi nhà khoa học đều phải đồng ý với nhau rằng con người hoàn toàn có khả năng nhận thức thế giới. Nếu một nhà khoa học nào đó nói “không” thì rõ ràng là anh ta đang tự coi cái việc mình làm từ trước tới giờ là một điều ngu xuẩn và tốn thời gian vô ích. Một khi đã thừa nhận khả năng nhận thức của con người thì các nhà khoa học lại tiếp tục phân làm hai phe tranh cãi nhau xem đối tượng của nhận thức là gì. Đối với những ai thừa nhận thế giới quan duy vật thì hẳn nhiên đối tượng của nhận thức là thế giới vật chất tồn tại khách quan đối với ý thức con người và cả những quy luật sinh tồn và vận động của nó nữa. Thừa nhận thế giới quan duy vật thì dĩ nhiên họ cũng sẽ thừa nhận lý luận nhận thức của CNDV, tức là họ thừa nhận khả năng nhận thức con người là vô hạn, rằng nhận thức là một quá trình đi từ chưa biết tới biết, từ biết ít tới biết nhiều, biết bề ngoài tới biết bản chất bên trong, nắm vững lần lượt các bản chất cấp một, cấp hai, cấp ba,…Điều đó sẽ giúp cho nhà khoa học dám vượt bỏ các “mốc giới hạn” của nhận thức để tạo ra nhiều hơn nữa những cuộc cách mạng trong khoa học.

Như vậy yêu cầu đầu tiên bức thiết đối với các nhà KHTN là họ phải trở thành những người duy vật triệt để, tự giác. Song như vậy vẫn là chưa đủ, họ còn cần tiến thêm một bước nữa để từ CNDV siêu hình trở thành CNDVBC.

Sau khi đã xác định thực chất và nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng vật lý học mới là do đi chệch sang CNDT, chủ yếu là vì các nhà vật lý học không hiểu được phép biện chứng, Lênin đã đưa ra phương hướng giải quyết cuộc khủng hoảng như sau: “Tinh thần duy vật cơ bản của vật lý học, cũng như của tất cả các khoa hoc tự nhiên hiện đại sẽ chiến thắng tất cả mọi thứ khủng hoảng, nhưng với điều kiện tất yếu là chủ nghĩa duy vật biện chứng phải thay thế cho chủ nghĩa duy vật siêu hình”[13; 310]

Lênin yêu cầu nhà KHTN phải phấn đấu để trở thành “nhà duy vật hiện đại”[14; 35] – nghĩa là họ phải là nhà duy vật biện chứng – hoặc chí ít cũng phải là người có cảm tình với CNDVBC. Muốn tiến hành cuộc đấu tranh ấy và đưa nó đến thắng lợi cuối cùng, nhà KHTN phải là một nhà duy vật hiện đại, một đồ đệ tự giác của CNDV mà Mác là người đại diện, nghĩa là nhà KHTN ấy phải là một người nắm được triết học DVBC. Vì sao? Vì Lênin trong khi phê phán các trào lưu triết học tư sản và bóc trần thực chất của vô số các trường phái triết học tối tân hiện đại đã phát hiện ra con đường mà CNDT đã dùng để xâm nhập vào một trong các địa hạt của CNDV – tức các nhà KHTN – là thông qua CNDV siêu hình, một hình thức của CNDV còn nhiều hạn chế và đang trải qua cuộc khủng hoảng sâu sắc sau khi xuất hiện CNDVBC với tư cách là một hình thức CNDV khoa học hơn và cách mạng hơn. Cái thiếu và yếu nhất của các nhà KHTN lúc đó là phép biện chứng, còn cái kìm hãm sự phát triển của khoa học lúc đó là phép siêu hình. Chỉ có phép biện chứng mới có thể giúp cho KHTN vượt khỏi những khó khăn về lý luận. Vì vậy con đường thoát khỏi cuộc khủng hoảng đó là KHTN phải tự giác đến với CNDVBC và khắc phục “chủ nghĩa tương đối”, và CNDT.

Theo Lênin, nếu một nhà vật lý học không biết trực tiếp và ngay lập tức vươn lên từ CNDV siêu hình để đến với CNDVBC thì họ sẽ rơi ngay vào chủ nghĩa duy tâm “vật lý học”. Lênin viết: “vật lý học hiện đại đang đi và sẽ đi (tới chủ nghĩa duy vật biện chứng) tới phương pháp duy nhất đúng và tới triết học duy nhất đúng của khoa học tự nhiên, không phải theo con đường thẳng, mà theo con đường khúc khuỷu, không phải tự giác mà tự phát, không nhìn thấy rõ “mục đích cuối cùng” của mình mà tiến gần đến nó một cách mò mẫm, chệnh choạng và thậm chí đôi khi đi giật lùi nữa. “Vật lý học hiện đại đang nằm trên giường đẻ. Nó đang đẻ ra chủ nghĩa duy vật biện chứng. Đẻ thì đau, kèm theo sinh vật sống và có sức sống, không tránh khỏi có một vài sản phẩm chết, một vài thứ cặn bã nào đó phải vứt bỏ đi vào trong đống rác. Toàn bộ chủ nghĩa duy tâm vật lý học, toàn bộ triết học kinh nghiệm phê phán, cũng như thuyết kinh nghiệm tượng trưng, thuyết kinh nghiệm nhất nguyên,… đều thuộc những thứ cặn bã phải vứt bỏ ấy”[13; 318]

Tóm lại, giữa KHTN và triết học DVBC cần hình thành nên một liên minh vững chắc để kẻ thù chung của chúng là liên minh CNDT – tôn giáo không thể chia rẽ, xâm nhập và phá hoại.

Lịch sử và lôgic học của sự phát triển bên trong của cả triết học lẫn KHTN ngày càng chứng minh cho những nhận định trên của Ph.Ăngghen và V.I.Lênin là đúng đắn; rằng triết học không tồn tại đơn thuần tách rời khỏi KHTN, cũng như KHTN không thể đứng vững và phát triển thuận lợi nếu thiếu đi lập trường DVBC với tư cách là thế giới quan và phương pháp luận đúng đắn duy nhất của KHTN hiện đại. Ngày nay không còn ai nghi ngờ gì về tính cần thiết và giá trị của việc liên kết triết học DVBC và KHTN lại với nhau. Ngay cả CNDT và tôn giáo cũng đang ra sức lôi kéo, phá hoại cái liên minh đó, và một khi chúng hạ bệ được triết học DVBC thì không có lý do gì để chúng không buộc khoa học trở thành nô lệ cho mình như ở thời Trung cổ.

Ngày nay, trong xu thế phát triển vũ bão của khoa học hiện đại thì vai trò thế giới quan và phương pháp luận của triết học lại càng tăng lên, bởi vì như Anh-xtanh đã chỉ rõ: “Các khái quát triết học cần phải dựa trên các kết quả khoa học. Tuy nhiên, một khi đã xuất hiện và được truyền bá rộng rãi, chúng thường rất ảnh hưởng đến sự phát triển tiếp tục của tư tưởng khoa học khi chúng chỉ ra một trong rất nhiều phương hướng phát triển có thể có”[20; 208-209]. Hiện nay đang có một xu thế lớn trong các nhà KHTN, mà tiên phong là các nhà vật lý học, là họ rất quan tâm tới những câu hỏi của triết học. Nhà vật lý Hawking trong cuốn “Lược sử thời gian” đã đặt ra và gải quyết khá nhiều câu hỏi liên quan tới triết học như: Vũ trụ tới từ đâu và nó sẽ đi về đâu? Vũ trụ có điểm bắt đầu không, nếu có thì điều gì xảy ra trước đó? Bản chất của thời gian là gì? Nó có điểm tận cùng không?,…Điều đó càng chứng minh cho tính cần thiết của triết học DVBC với vật lý học hiện đại.

Sự phát triển của KHTN còn chỉ rõ, vai trò của phép biện chứng đối với KHTN là tỉ lệ thuận với trình độ phát triển của nó. Để phát triển lành mạnh, KHTN không chỉ phải đoạn tuyệt với tôn giáo và CNDT mà phải đoạn tuyệt với cả chủ nghĩa siêu hình. Chính cái tinh thần cách mạng và khoa học của phép biện chứng duy vật sẽ cổ vũ các nhà KHTN không ngừng khám phá thế giới với tư cách là những nhà khoa học cách mạng nhất. Hiểu được điều đó thì nhiệm vụ của mỗi người làm công tác triết học là phải ra sức học tập tìm hiểu và vận dụng những thành tựu mới nhất của KHTN, cũng như mỗi người làm công tác nghiên cứu KHTN nếu không muốn dừng lại ở việc đơn thuần là “một người lao công khoa học” chỉ biết thu nhặt các tài liệu khoa học thì phải đồng thời là một nhà triết học, nghĩa là họ phải quan tâm, tìm hiểu và gắng sức vận dụng thuần thục một cách đúng đắn, sáng tạo những nguyên lý của phép biện chứng duy vật.

2.2.2. Các nhà vật lý học nói riêng và khoa học tự nhiên nói chung có cần tính đảng không?

Mục này được viết ra như một sự bổ sung cho mục 2.1 và 2.2.1 về phần tính đảng trong triết học và KHTN. Tại mục 2.1, chúng ta đã bàn về tính đảng trong triết học, còn trong mục 2.2.1 chúng ta cũng đã thống nhất với nhau về việc các nhà vật lý học phải vươn lên để trở thành những người DVBC, còn ở mục này chúng ta sẽ bàn thêm về thực chất vấn đề tính đảng trong KHTN và ý nghĩa của nó đối với việc ngăn chặn và đẩy lùi những cuộc khủng hoảng tương tự như cuộc khủng hoảng vật lý học cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX.

Có thể khẳng định, Lênin có sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề tiến hành một cách nhất quán và có nguyên tắc đường lối duy vật trong cả triết học lẫn KHTN, vì CNDV siêu hình và gần gũi với nó là “chủ nghĩa duy vật khoa học tự nhiên” đã có nhiều thiếu sót và hạn chế lớn trong quá trình nhận thức thế giới làm cho sang đầu thế kỉ XX, CNDV nói chung và CNDVBC nói riêng bị CNDT tấn công mạnh mẽ trên cả hai lĩnh vực triết học và KHTN.

Đặc trưng dễ nhận biết của các nhà vật lý học là sự tin tưởng tuyệt đối mang tính “vô thức” của họ vào một thế giới vật chất khách quan, độc lập với ý thức con người. Nói như A-ben Rây (một nhà thực chứng luận người Pháp) thì “vật lý học “dùng những vật liệu thực tại và xi-măng thực tại để xây dựng một tòa lâu đài thực tại. Nhà vật lý học đã nắm lấy những nguyên tố vật chất, những nguyên nhân và phương thức của sự tác động của chúng, …”[13; 258-259]. Các nhà vật lý học không ngừng truy tìm cái “thực tại khách quan” bên ngoài ý thức đó, tức là nghiên cứu cái được gọi là “vật chất”. Mỗi nhà vật lý học luôn luôn nổ lực tìm hiểu và mô tả thiên nhiên, luôn luôn mong muốn và chờ đợi công trình của mình phản ánh đúng bộ mặt thực của thế giới. Ngoài ra tâm lý thông thường của mỗi người đều nghĩ hiện tượng trước mắt mình phải là thực tại khách quan, ít nhất nó cũng phải xuất phát từ một thực tại độc lập với ý thức của mình. Vì vậy mà trong bất kì thời đại nào thì những quan niệm duy vật cũng luôn luôn thắng thế trong vật lý học nói riêng và KHTN nói chung. Thật ra nếu họ không tin rằng có một “thực tại” vật chất nằm ngoài ý thức con người và con người có thể nắm bắt nó thì có lẽ đã không có nền vật lý học ngày nay. Nhưng vấn đề là đại đa số các nhà vật lý học đều “vô thức và tự phát” theo quan niệm duy vật chứ không phải là niềm tin tự giác và chỉ có những đầu óc quan tâm đến ý nghĩa triết học trong khoa học thì mới có một cái nhìn “tự phản tỉnh” để nhận ra được điều đó. Cho nên chúng ta có thể gọi những biểu hiện đó là “chủ nghĩa duy vật khoa học tự nhiên” (đây là cách gọi mà chính Lênin đã dùng). “Chủ nghĩa duy vật khoa học tự nhiên” thực chất là lòng tin tự phát, không tự giác, lờ mờ và không có ý thức về mặt triết học của tuyệt đại đa số các nhà khoa học tự nhiên vào thực tại khách quan ở bên ngoài ý thức và do ý thức của con người phản ánh. “Chủ nghĩa duy vật trong khoa học tự nhiên” đó còn thể hiện ở chỗ nhà KHTN là nhà duy vật vững vàng trong lĩnh vực khoa học của họ, nhưng bên ngoài lĩnh vực ấy thì họ không chỉ là những người duy tâm, mà thậm chí còn là những đồ đệ chính thống và ngoan đạo của thiên chúa giáo.

Song dù cho niềm tin của mình là niềm tin tự phát đi chăng nữa thì hầu hết các nhà vật lý học đều tự động hiểu thế giới này như là một sự tồn tại độc lập với con người, còn ý thức của con người chỉ là sự phản ánh lại thế giới đó, và họ coi thế giới đó như là đối tượng của nhận thức vật lý. Vậy là các nhà vật lý có tính đảng duy vật? Chưa phải. Vì nếu so sánh niềm tin đó của các nhà vật lý với niềm tin của các nhà triết học duy vật thì ta sẽ thấy rõ đó chỉ là một niềm tin tự phát mà thôi, mà tính đảng thì không bao giờ là tự nhiên mà có, nó phải là kết quả gắn liền với tính giai cấp, nghĩa là nó phải mang tính tự giác như Lênin đã chỉ rõ: “Chủ nghĩa duy vật bao hàm tính đảng, nghĩa là bắt buộc chúng ta mỗi khi đánh giá một sự biến, phải trực tiếp và công khai đứng trên quan điểm của một tập đoàn xã hội nhất định”. Như vậy bản chất của KHTN là không có tính đảng phái và nếu nói rằng “có” thì chỉ có một đảng duy nhất – nếu nói theo ngôn ngữ triết học – là một đảng duy vật, mặc dù đó có thể là một đảng duy vật không tự giác. Điều đó thì không có gì khó hiểu hay phức tạp cả, thế mà năm 1900, Makhơ và Avênariút tuyên bố: “Các nhà khoa học tự nhiên đều hoàn toàn nhiễm phải siêu hình học”[19; 101] (mà đúng ra là “các nhà khoa học tự nhiên đều hoàn toàn nhiễm phải chủ nghĩa duy vật). Nhưng cũng chính Makhơ – có thể là một người quỷ quyệt về mặt triết học – nhưng trong khi xử lý các vấn đề vật lý học, ông ta lại quên bén đi cái lý luận duy tâm triết học của mình và suy nghĩ một cách giản đơn như nhiều nhà vật lý học khác, tức là ông ta đã suy luận như một nhà duy vật. Còn Hécken, một nhà vật lý không ưa thích người duy vật thì cũng đã lấy quan điểm của “người duy vật không tự giác” để chế giễu các nhà triết học duy vật “tự giác” mà không thấy rằng chính mình đã đứng trên quan điểm duy vật rồi.[Xem 19; 96]

Vậy bản thân KHTN là không có tính đảng. Song do giữa KHTN, mà cụ thể ở đây là vật lý học và triết học luôn có mối quan hệ mật thiết cho nên rất tự nhiên cuộc đấu tranh về tính đảng trong triết học đã lan sang cả lĩnh lực vật lý học nói riêng và KHTN nói chung. Trong cuộc tranh giành sự ảnh hưởng của CNDV và CNDT triết học đối với KHTN thì các nhà KHTN không thể không thể hiện lập trường dứt khoát đứng về phía bên này hoặc phía bên kia như E.Cônman đã chỉ rõ: “các nhà vật lý học là những người làm công tác khoa học, họ phải nghiên cứu nguyên tắc tính đảng của triết học, và phải có ý thức đứng về phía triết học của giai cấp duy nhất tiến bộ, đó là giai cấp vô sản” [7; 37].

Như vậy tính đảng phái trong KHTN là do cuộc đấu tranh trong triết học xâm nhập vào mà thành. Một vấn đề lý thú là nếu trong triết học có hai đảng lớn (xét trên vấn đề cơ bản của triết học) thì KHTN chỉ có một đảng lớn là “chủ nghĩa duy vật khoa học tự nhiên”, còn những đảng đối lập như chủ nghĩa duy tâm “vật lý học”, hoặc trước nữa là chủ nghĩa duy tâm “sinh vật học” thì chỉ là những trường phái hết sức nhỏ bé trong KHTN, chúng chỉ tồn tại với tư cách là một “thiên hướng triết học phản động biểu hiện ra ở một phái nhà khoa học tự nhiên trong một ngành khoa học tự nhiên, chỉ là một bước ngoặc nhất thời, một thời kì ốm đau ngắn ngủi trong lịch sử khoa học, một chứng bệnh của trưởng thành, phần lớn là do sự đảo lộn đột ngột những quan niệm cổ truyền cũ kĩ mà có”[Xem 13; 309]. Song chỉ cần nhà vật lý xa rời tính đảng duy vật vốn có của mình là họ sẽ rơi ngay vào sự mê hoặc của CNDT. Đương nhiên mỗi khi có một phát minh khoa học phá vỡ những giới hạn nhận thức cũ thì thường là cơ hội để CNDT triết học lợi dụng để chống lại CNDV trong triết học lẫn KHTN.

Chính trong tình hình đó, như lịch sử từng nhiều lần chứng minh, nhà khoa học phải luôn đứng vững trên lập trường duy vật thì mới không bị mất phương hướng , để không rút ra những kết luận sai lầm, hoặc sa vào chỗ dị đoan ngu xuẩn nhất và thần linh học. Thế giới quan của nhà nghiên cứu có tính quyết định khuynh hướng nghiên cứu của nhà nghiên cứu, vì vậy trong quá trình nghiên cứu, các nhà KHTN phải luôn giữ vững tinh thần duy vật, mà điều cốt yếu nhất là: thế giới xung quanh ta cho dù có tồn tại dưới các dạng cụ thể muôn màu muôn vẻ nhưng tất cả lại chỉ có một bản chất vật chất chung và thống nhất ở chính bản chất ấy. Họ phải hoàn toàn tin vào lời của Ăngghen: “Tính thống nhất chân chính của thế giới là ở tính vật chất của nó, tính vật chất ấy được chứng minh không phải bằng vài ba lời lẽ khéo léo của kẻ làm trò ảo thuật, mà do một sự phát triển lâu dài, khó khăn của triết học và khoa học tự nhiên” [2; 74].

Ngày nay khi mà trình độ của khoa học đã phát triển thì những quan niệm duy tâm không còn dám trực tiếp đối đầu hoặc bén mãng tới gần với KHTN nữa. Song CNDT chưa chịu thừa nhận sự thất bại của nó, do đó các nhà KHTN vẫn cần căn cứ vào đời sống thực tiễn và sự phát triển của khoa học để tiếp tục kiên định lập trường duy vật của mình, vì trong quá khứ các nhà KHTN luôn đi đến CNDT, chủ nghĩa thần linh bởi sự hạn chế của tính tự phát trong CNDV của họ. Ngày nay nếu không có thế giới quan duy vật vững vàng thì các nhà KHTN càng không thể chống nổi sự lấn bước của những tư tưởng tư sản vào trong các lĩnh vực của KHTN.

Đến đây chúng ta lại phải nhắc lại lời chỉ dẫn của Lênin: “Tinh thần duy vật cơ bản của vật lý học, cũng như của tất cả các khoa học tự nhiên hiện đại, sẽ chiến thắng được tất cả mọi thứ khủng hoảng, nhưng với điều kiện tất yếu là chủ nghĩa duy vật biện chứng phải thay thế cho chủ nghĩa duy vật siêu hình”[19; 163]. Niềm tin tưởng tuyệt đối của Lênin còn là: Dù cho KHTN có nhiều sự dao động và mò mẫm, dù cho CNDV của các KHTN có tính không tự giác, dù cho hôm qua có say mê “chủ nghĩa duy tâm sinh học”, còn hôm nay là “chủ nghĩa duy tâm vật lý học” thì quá trình phát triển của KHTN cũng sẽ cứ quét sạch mọi mánh khóe xảo quyệt, rồi hết lần này đến lần khác, quá trình đó sẽ làm cho “siêu hình học” của CNDV của các KHTN nổi bật lên hàng đầu. Và cái nền tảng CNDV của KHTN “vẫn ngày một rộng lớn và vững mạnh khiến cho muôn vàng học phái của chủ nghĩa duy tâm triết học, của thuyết thực chứng, của thuyết thực tại, của chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán và của hết thảy mọi thuyết hồ đồ khác hễ cứ ra sức húc vào nền tảng đó là sẽ bị tan vỡ” [Xem 19; 98]

Tóm lại, nguyên tắc tính đảng đem áp dụng vào KHTN thì được hiểu cô đọng là: Hoặc là theo CNDV triệt để từ đầu đến cuối, hoặc là nói những điều dối tra và mơ hồ của CNDT triết học. KHTN ngay từ đầu đã được xây dựng trên cơ sở nhận thức luận duy vật, nhưng đó vẫn còn là CNDV tự phát xuất phát từ một lòng tin không ý thức về mặt triết học của tuyệt đại đa số các nhà KHTN vì một trong các khuyết điểm căn bản của các nhà vật lý học trước kia cũng như bây giờ là họ đã không kiên trì lập trường duy vật một cách tự giác. Nhiều nhà bác học trong lĩnh vực KHTN là người duy vật song ra bên ngoài lĩnh vực ấy thì họ sợ không dám tự xưng danh mình là người duy vật và không dám phủ nhận Thượng Đế. Họ chọn cách lý giải chệch đi các kết quả khoa học khi đụng phải những vấn đề như vậy. Cho nên họ cần kiên trì và thủy chung về tính đảng, cũng giống như “về mặt triết học, Mác và Ăngghen, thủy chung là những người có tính đảng”, chỉ có cách đó họ mới có thể như Mác và Ăngghen phát hiện ra những thiên hướng xa rời CNDV và những sự dung túng CNDT và chủ nghĩa tín ngưỡng trong tất cả mọi khuynh hướng “tối tân”,… Nhờ tính đảng vững chắc ấy mà họ sẽ nhận ra rằng dù cho khoa học có phát hiện ra thêm biết bao điều lạ lẫm nữa thì nó chỉ là bằng chứng củng cố cái tinh thần duy vật ở họ. Chỉ có đứng vững trên lập trường tính đảng DVBC thì một khi có thêm những phát hiện mới họ mới không bị hoang mang, dao động. Lúc đó họ không phải băn khoăn vì những câu hỏi như: Chúng có tồn tại ở ngoài ý thức con người với tính cách là thực tại khách quan hay không? Lúc đó họ sẽ nhanh chóng và dứt khoát trả lời không chút do dự là “có”. Theo Ăngghen đến khi họ nhận ra được ý nghĩa việc làm của mình thì họ sẽ phải đi tìm sự an ủi từ ông Giuôcđanh của Môlie vì cả đời ông làm văn xuôi mà không biết mình đã làm văn xuôi, còn họ thì cả đời là người duy vật mà không biết mình là người duy vật, nhưng dù sao thì thà chậm vẫn hơn không.

2.3. Định nghĩa vật chất của Lênin

Vật chất là “cửa ải” mà tất cả các nhà vật lý học phải đi qua và bất kì một luận đề nào của vật lý học cũng đều được xây dựng từ đó. Vật chất có thể coi là khái niệm cơ sở, là viên gạch đầu tiên để xây dựng tòa lâu đài vật lý học. Do đó các nhà vật lý phải hiểu đúng về khái niệm đó thì mới có thể giúp vật lý học tiến xa được; ngược lại, nếu hiểu sai hoặc hiểu chưa đầy đủ thì những khám phá và những phát minh mới sẽ không được lý giải một cách thấu đáo và điều đó là nguyên nhân trực tiếp đưa lại cuộc khủng hoảng trong vật lý học cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Như Lênin đã vạch rõ: ““Vật chất đã tiêu tan mất”, – người ta có thể dùng câu nói đó để diễn đạt cái khó khăn cơ bản và điển hình đối với nhiều vấn đề riêng biệt, khó khăn đã gây ra cuộc khủng hoảng ấy”[13; 259]. Cho nên trong khi tranh luận với phái Makhơ xung quanh cuộc khủng hoảng của vật lý học, đặc biệt ở cách khắc phục cuộc khủng hoảng đó, Lênin đã phải xác lập một cách hiểu mới về khái niệm “vật chất” để tránh cho cả KHTN lẫn triết học những vấn đề nan giải do cách hiểu không đúng trước đó về khái niệm này gây ra.

Rõ ràng việc khắc phục cuộc khủng hoảng trong vật lý học đã gắn liền với việc Lênin đưa ra định nghĩa mới về vật chất, điểm đặc biệt là định nghĩa vật chất này của Lênin được nêu ra ở chương II và sang tiết 1 chương III thì có bàn thêm “Vật chất là gì?,…”, còn phần mà Lênin bàn về cuộc khủng hoảng của vật lý học lại nằm ở chương V của cùng tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán”. Điều đó đã nói lên lôgich của vấn đề mà Lênin đã tiến hành là: lấy định nghĩa vật chất đó làm cơ sở quy chiếu cho toàn bộ các vấn đề của cuộc khủng hoảng, nghĩa là thông qua đó ta có thể tìm thấy thực chất, nguyên nhân và cả lối thoát cho cuộc khủng hoảng vật lý học lúc đó.

Để hiểu hơn về giá trị của định nghĩa vật chất của Lênin, chúng ta buộc phải điểm lại một cách sơ lược những cách hiểu về “vật chất” của các nhà triết học và vật lý học trước khi Lênin đưa ra định nghĩa ấy. Từ thời Cổ đại, trong cuộc đấu tranh chống lại những quan điểm duy tâm, tất cả các nhà triết học duy vật (kiêm nhà vật lý học) luôn khẳng định bản chất thế giới là vật chất, song vật chất là gì thì họ không thể thống nhất với nhau vì có quá nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng tựu chung lại thì có thể chia thành hai quan điểm lớn:

– Quan điểm đa nguyên thể phổ biến ở đầu thời cổ đại, quan điểm này cho rằng thế giới sự vật hiện tượng do một số các yếu tố vật chất đầu tiên hợp thành. Chẳng hạn như nhà triết học cổ đại Empêđôclơ và trường phái triết học không chính thống Lôkayata của Ấn Độ cổ đều cho rằng bốn yếu tố: đất, nước, lửa, không khí sinh ra mọi vật; còn triết học Trung Quốc cổ đại lại cho rằng ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) là những yếu tố khởi nguyên tạo nên mọi vật.

– Quan điểm nhất nguyên thể cho rằng mọi sự vật, hiện tượng được bắt nguồn từ cùng một nguyên thể đầu tiên nào đó. Với Talét đó là nước, Anaximen cho đó là không khí, Hêraclit cho đó là lửa…Bước tiến quan trọng nhất trong những quan điểm nhất nguyên là học thuyết nguyên tử của hai thầy trò Lơxip và Đêmôcrit, trong thuyết này hai ông coi nguyên tử cũng là vật chất.

Dù đã rất cố gắng song các thuyết trên vẫn còn nhiều hạn chế như quy vật chất về vật thể, chưa đạt tới cách hiểu có hệ thống và mang tính khái quát về vật chất, đó vẫn chỉ là những giả thuyết thuần túy mang tính triết học dựa trên niềm tin và sự suy đoán chứ chưa được mô tả và chứng thực bằng những kết quả của thực nghiệm khoa học. Nhưng dù sao thì học thuyết nguyên tử cũng đã tạo ra một bước ngoặt trên con đường hình thành phạm trù vật chất; trong một thời gian dài, nó được mặc nhiên thừa nhận như một “cột mốc” cho KHTN, nhất là vật lý học phấn đấu đạt tới. Trong khi các giả thuyết khác về vật chất lần lượt bị đào thải thì thuyết nguyên tử lại đứng vững và được bổ sung phát triển mạnh vào thời Phục hưng và Cận đại với những tên tuổi lớn trong ngành vật lý và triết học như Galilê, Điđrô, Niutơn, …Thậm chí vào cuối thế kỉ XIX, hầu hết các nhà triết học duy vật lẫn KHTN vẫn còn rất say sưa với giả thuyết nguyên tử, họ vẫn coi nguyên tử như là viên gạch cuối cùng cần khám phá của tòa lâu đài thế giới.

Mọi chuyện bắt đầu thay đổi với phát minh tình cờ của Rơnghen vào năm 1895, kể từ đó cho đến nay đã có một loạt các phát minh quan trọng khác chứng tỏ nguyên tử có cấu trúc phức tạp, có thể bị chia nhỏ và chuyển hóa. Điều đó là cái cớ trực tiếp gây ra một cuộc khủng hoảng về thế giới quan trong các nhà vật lý học, khiến cho các nhà vật lý học giỏi khoa học nhưng kém cỏi về triết học trượt từ CNDV siêu hình, máy móc đến chủ nghĩa tương đối, hoài nghi và cuối cùng rơi vào quan điểm của CNDT. “Vật chất tiêu tan” và niềm tin vào CNDV của một bộ phận các nhà khoa học vật lý cũng tiêu tan, lợi dụng cơ hội này CNDT triết học la lối lên rằng CNDV dựa trên nền tảng vật chất đang tiêu tan ấy cũng phải bị biến mất theo. “Vật chất tiêu tan” đó là lời của những nhà KHTN yếu bóng vía, còn “chủ nghĩa duy vật sụp đổ” là lời cầu nguyện của những nhà triết học duy tâm.

Tình hình đó đã buộc Lênin đưa ra một định nghĩa mới và khoa học về vật chất. Trên cơ sở phân tích và khái quát những thành tựu mới nhất của KHTN, kế thừa những di sản lý luận của Mác và Ăngghen về sự đối lập giữa ý thức và vật chất, về bản chất và tính thống nhất vật chất của thế giới,…Lênin đã đưa ra được định nghĩa kinh điển về vật chất: “Vật chất là một phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác”.[13; 119]

Trong phạm vi khóa luận này, tác giả sẽ không đi sâu phân tích nội dung của định nghĩa mà tập trung chỉ ra ý nghĩa của định nghĩa đó đối với việc giải quyết cuộc khủng hoảng thế giới quan đối với các nhà vật lý học. Đương nhiên, ý nghĩa của định nghĩa vật chất của Lênin đã được nhiều nhà nghiên cứu mổ xẻ rồi, ở đây tác giả khóa luận đặc biệt dựa vào các ý kiến của Vũ Trọng Phụng, tác giả bài viết “Định nghĩa “vật chất” của V.I.Lênin và ý nghĩa thế giới quan, phương pháp luận của nó” in trong cuốn “Sức sống của một tác phẩm triết học”.

Đầu tiên, Lênin đã sử dụng một phương pháp định nghĩa đặc biệt đối với phạm trù vật chất, nghĩa là Lênin đã không quy khái niệm cần định nghĩa (vật chất) vào một khái niệm rộng hơn để rồi từ đó chỉ ra đặc điểm riêng của nó. Vì sao? Vì phạm trù này được xét theo nghĩa triết học chứ không phải theo cách hiểu của các nhà vật lý học, cho nên nó là một phạm trù rộng lớn nhất, không thể có phạm trù nào sâu rộng hơn nó, do đó về mặt phương pháp luận Lênin chỉ có thể định nghĩa vật chất bằng cách đặt nó trong mối quan hệ đối lập với “ý thức”, một phạm trù đối lập với nó và chỉ rõ vật chất có trước, ý thức có sau, vật chất quyết định ý thức. Lênin viết: “…thử hỏi trong những khái niệm mà lý luận về nhận thức có thể sử dụng, có những khái niệm nào rộng hơn những khái niệm: tồn tại và tư duy, vật chất và cảm giác, cái vật lý và cái tâm lý, hay không? Không có. Đó là những khái niệm rộng đến cùng cực, rộng nhất, cho đến nay nhận thức luận vẫn chưa vượt quá được (trừ những thay đổi luôn luôn có thể có về mặt thuật ngữ)”[13;137]. Như vậy ngay từ đầu, Lênin đã “hoàn toàn không cho phép lẫn lộn, như những người theo phái Ma-khơ, những học thuyết về kết cấu nào đó của vật chất với phạm trù nhận thức luận,…”[13; 119], nghĩa là phải tránh sự lẫn lộn từ trước cho đến lúc đó trong cách hiểu về cùng một khái niệm “vật chất” của triết học và vật lý học. Trong triết học, khái niệm “vật chất” được hiểu với tư cách là một phạm trù, còn trong KHTN, khái niệm ấy có nghĩa là vật thể. Đó là điều mà trong hơn hai ngàn năm đã qua không ai phát hiện ra.

Tiếp đến, từ trong định nghĩa ấy ta có thể rút ra thêm một số kết luận như:

Một, “vật chất là một phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan”. Vật chất với tư cách là một phạm trù triết học thì đã là một sự trừu tượng, song trong sự trừu tượng đó lại bao hàm một đặc tính chung nhất và bản chất nhất mà mọi sự vật hiện tượng cụ thể đều có, đó là đặc tính tồn tại khách quan độc lập với ý thức con người. Đặc tính này là tiêu chuẩn số một để phân biệt cái gì là vật chất, cái gì không phải vật chất. Để hiểu vấn đề này thì cần nắm vững phép biện chứng giữa tính trừu tượng và tính cụ thể của vật chất. Nếu chỉ thấy tính trừu tượng mà quên mất những biểu hiện cụ thể thì không thấy vật chất đâu cả, sẽ rơi vào lập trường duy tâm. Theo đó thì chúng ta hoàn toàn có thể nhận thức được vật chất bằng cách nghiên cứu những vật thể riêng biệt; song nếu chỉ thấy tính hiện thực cụ thể thì vật chất sẽ bị đồng nhất với vật thể cụ thể.

V.I.Lênin đã vạch rõ sai lầm của chủ nghĩa Makhơ, cũng như của vật lý học mới là ở chỗ không tính đến luận điểm của CNDVBC về tính chất cơ bản nhất của vật chất. Lênin viết: “Trong khi phủ nhận tính bất biến của những nguyên tố và của những đặc tính của vật chất đã được biết cho đến nay, họ đã rơi vào chỗ phủ nhận vật chất, nghĩa là phủ nhận tính thực tại khác quan của thế giới vật lý. Trong khi phủ nhận tính chất tuyệt đối của những quy luật quan trọng nhất và cơ bản, họ rơi vào chỗ phủ nhận mọi quy luật khách quan trong tự nhiên, rơi vào chỗ tuyên bố rằng quy luật của giới tự nhiên là ước lệ đơn thuần, là “sự hạn chế việc chờ đợi, là “tất yếu lôgic”,… Nhấn mạnh tính chất gần đúng và tương đối của những tri thức của chúng ta, họ đã rơi vào chỗ phủ nhận khách thể độc lập đối với nhận thức, được nhận thức ấy phản ánh một cách gần chân thực, tương đối đúng” [Xem 13; 264]

Quan điểm của Lênin coi “vật chất là một phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan” đã khắc phục được sai lầm cơ bản của CNDV trước Mác là thường qui “vật chất” về vật thể hay một dạng cụ thể của vật chất. Chính sự phát triển mạnh mẽ của vật lý học cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX đã đặt ra một câu hỏi về bản thể học sâu xa nhất “thực tại là gì?”, tức nhiên đây là một luận đề đã được đem ra tranh cãi mấy ngàn năm trước đó. Trước đây các nhà vật lý học đã hy vọng tìm ra “vật chất” có hình dạng đồng nhất như việc nó muốn có trái cây với tính cách trái cây chứ không phải là trái anh đào, trái lê, trái mận. Còn giờ đây định nghĩa đó đã cổ vũ các nhà khoa học đi sâu khám phá bản chất thế giới vật chất như là một sự vô cùng, vô tận vì Lênin đã không đưa ra bất kì giá trị nhỏ nhất nào. Ngày nay, khoa học tiếp tục phát hiện thêm ngày càng nhiều những dạng hạt, phản hạt,…, song tất cả chúng chỉ thể hiện cho tính đa dạng, sinh động của một thế giới vật chất vô cùng phong phú đa dạng. Nói cách khác chúng chỉ minh chứng thêm cho tính đúng đắn của định nghĩa vật chất của Lênin.

Hai, “thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác”. Với nội dung này Lênin đã làm rõ mối quan hệ giữa thực tại khách quan và cảm giác (ý thức), trong đó thực tại khách quan là cái có trước và không phụ thuộc vào cảm giác (ý thức). Vật chất là nội dung, là nguồn gốc, là nguyên nhân phát sinh ra ý thức, không có cái bị phản ánh là vật chất thì sẽ không có cái phản ánh là ý thức. Theo Lênin thì “Chủ nghĩa duy vật, hoàn toàn nhất trí với khoa học tự nhiên, coi vật chất là tính thứ nhất, coi ý thức, tư duy, cảm giác là tính thứ hai…”[13; 31]. Ý nghĩa của vấn đề nằm ở chỗ nó chống lại những luận điệu sai lầm của CNDT dưới mọi hình thức khi chúng cố luận giải và khẳng định tinh thần là cái quyết định mọi sự vật và hiện tượng trong thế giới xung quanh chúng ta. Việc thừa nhận tính có trước của vật chất đã hàm chứa các yếu tố lịch sử – tự nhiên, bởi lẽ cách hiểu như thế có nghĩa là trong lịch sử thì giới tự nhiên tồn tại trước ý thức con người và cả con người nữa. Dễ hiểu là vì sao cái câu hỏi tưởng đâu là rất dễ trả lời: “Giới tự nhiên có tồn tại trước loài người hay không?” (mục đề tiết 4 chương I của tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán”) lại khó khăn với những người theo phái Makhơ đến nỗi họ không dám thẳng thắng trả lời câu hỏi đó. Song phải chú ý rằng sự đối lập vật chất và ý thức với tư cách là “cái có trước” và “cái có sau” chỉ được Lênin xét trong một phạm vi hết sức hạn chế, đó là trong phạm vi giải quyết vấn đề cơ bản của triết học. Lênin nhắc chúng ta: “Đương nhiên, sự đối lập giữa vật chất và ý thức chỉ có ý nghĩa tuyệt đối trong những phạm vi hết sức hạn chế; ở đây, thì chỉ vẻn vẹn trong giới hạn của vấn đề nhận thức luận cơ bản: thừa nhận cái gì là cái có trước và cái gì là cái có sau. Ngoài những giới hạn đó ra, tính tương đối của sự đối lập đó không còn nghi ngờ gì nữa”[13; 138-139].

Ba, thực tại khách quan được cảm giác của chúng ta chép, chụp, phản ánh. Với nội dung này, Lênin đã chứng minh vật chất tồn tại khách quan nhưng không phải thần bí như Lơphevơrơ, một kẻ xét lại chủ nghĩa Mác từng tuyên bố: “Chỉ có thể nói vật chất tồn tại nhưng không thể nói nó như thế nào”[7; 206]; ai cũng thấy vật chất thì tồn tại một cách hiện thực dưới dạng các sự vật, hiện tượng cụ thể mà con người bằng các giác quan (hoặc các dụng cụ nghiên cứu trong khoa học) có thể trực tiếp hoặc gián tiếp nhận thức được chúng. Nghĩa là ngoài dấu hiệu tồn tại khách quan, vật chất còn có một dấu hiệu quan trọng nữa là có thể nhận thức được, vì vậy về nguyên tắc không có đối tượng nào không thể nhận thức, chỉ có những đối tượng chưa được nhận thức mà thôi. Lênin viết: “…giới tự nhiên là vô tận cũng như các hạt nhỏ nhất của nó (kể cả điện tử) đều là vô tận, nhưng lý tính cũng đem chuyển hóa “vật tự nó” thành “vật cho ta” một cách cũng vô tận như thế” [13; 316]. Ý nghĩa: Nội dung này đã hoàn toàn bác bỏ thuyết không thể biết để cổ vũ, động viên các nhà khoa học ngày càng đi sâu hơn vào thế giới vật chất, phát hiện ra kết cấu mới, những thuộc tính mới cũng như những quy luật vận động và phát triển mới của thế giới, từ đó làm giàu thêm kho tàng tri thức của nhân loại. Như vậy định nghĩa đã khẳng định khả năng nhận thức thế giới của con người là vô hạn, chống lại bất khả tri luận, giải quyết mặt thứ hai của vấn đề cơ bản trong triết học dựa trên quan điểm duy vật triệt để. Song chúng ta cũng phải hiểu rằng khả năng nhận thức của con người có thể có được trong một ý nghĩa không giới hạn, nhưng nội dung khoa học đang tồn tại lúc nào cũng lại rất hạn chế trong phạm vi của một phần thực tại và các phần khác của thực tại chưa được biết đến thì là vô hạn.

Tóm lại: Định nghĩa vật chất của Lênin đã giải đáp đúng đắn, sâu sắc cả hai mặt của vấn đề cơ bản của triết học. Nó có ý nghĩa thế giới quan và phương pháp luận khoa học sâu sắc trong nhận thức khoa học. Nó vừa chống lại những quan điểm của CNDT và thuyết bất khả tri, vừa khắc phục những quan điểm siêu hình, máy móc trong quan điểm về vật chất của CNDV trước Mác. Có thể nói như tác giả Ngô Đình Xây: “Đặc biệt, thông qua định nghĩa vật chất, Lênin cũng đã đồng thời giải quyết một cách triệt để, duy lý những bộ phận cấu thành cơ bản của triết học duy vật biện chứng: thế giới quan (quan điểm chung nhất, toàn diện nhất, đầy đủ nhất về vật chất), bản thể luận (lý luận về tồn tại của vật chất, tồn tại tự nó không phụ thuộc vào bất kỳ ý muốn chủ quan nào), nhận thức luận (vật chất có trước, sinh ra và quyết định ý thức, ý thức là ánh phản của vật chất), phương pháp luận (là tiền đề, là điểm tựa, là kim chỉ nam để đấu tranh chống lại tất cả các quan điểm duy tâm – siêu hình khác về vật chất, về ý thức và mối quan hệ giữa chúng)[6; 44-45]

Theo nhận định riêng của tác giả khóa luận thì cái có ý nghĩa nhất trong định nghĩa vật chất của Lênin nếu xét về tác dụng đối với việc giải quyết cuộc khủng hoảng vật lý học lúc bấy giờ chính là việc định nghĩa này đã khắc phục được những thiếu sót cơ bản của chủ nghĩa duy vật trước Mác, đó là tính chất máy móc, cứng nhắc trong quan niệm về vật chất đã khiến cho CNDV siêu hình không thể đứng vững được trước những phát minh mới của vật lý học vào cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, vì sự hạn chế đó đã tạo nên kẽ hở cho CNDT đủ mọi loại có cơ hội tấn công nhằm bác bỏ CNDV nói chung. Với định nghĩa vật chất của mình, Lênin đã khắc phục được những thiếu sót ấy bằng cách kết hợp chặt chẽ và nhuần nhuyễn một thế giới quan duy vật với một tinh thần biện chứng, nhờ đó định nghĩa vật chất của Lênin có một độ “giãn” tuyệt vời vượt qua cả những giới hạn về không gian và thời gian, nó đã đưa triết học DVBC tiến lên một bước dài về phía trước, sẵn sàng đáp ứng được mọi đòi hỏi mới do những phát minh mới nhất của vật lý học đề ra. Vật chất bây giờ không còn được đồng nhất với một dạng cụ thể cảm tính hay với một thuộc tính cụ thể nào đó của nó nữa (ví dụ như khối lượng), mà đã trở thành một phạm trù triết học trừu tượng và bao quát tất cả những gì tồn tại khách quan, nghĩa là tồn tại ở bên ngoài và độc lập với ý thức của con người. Như vậy vật chất không chỉ bao gồm những gì đang tồn tại mà chúng ta đã và đang biết, mà còn bao gồm tất cả những gì đang tồn tại ở ngoài ta và độc lập với chúng ta, mặc dù chúng ta chưa biết về nó. Do đó, dù KHTN có phát hiện ra phản nguyên tử, phản vật chất, các hạt cơ bản,… thì tất cả các phát hiện đó chỉ chứng tỏ rằng KHTN đã và đang phát hiện ra những dạng mới hay những thộc tính mới của vật chất chứ chúng tuyệt nhiên không hề làm thay đổi “hòn đá tảng” của triết học DVBC về vật chất, không hề làm thay đổi đặc tính cơ bản nhất của vật chất là “thực tại khách quan”.

Định nghĩa đã bác bỏ mọi sự giải thích sai lệch đối với phạm trù vật chất, ví như cái quan niệm “vật chất tiêu tan” mà Lênin đã từng lưu ý chúng ta thì không phải “vật chất tiêu tan” mà chính là giới hạn hiểu biết cũ của con người về vật chất đã tiêu tan, cái mất đi không phải là “vật chất” mà là những gì là khô khan, cứng nhắc trong quan niệm về vật chất trước đó. Nhờ có các thành tựu vật lý học mới mà con người biết rằng sự hiểu biết của con người về vật chất còn nhiều hạn chế, giới hạn nhận thức của con người về vật chất ngày hôm qua chỉ là nguyên tử, hôm nay là các hạt cơ bản, còn ngày mai thì không thể đoán trước, chỉ biết chắc một điều là cái giới hạn hôm nay sẽ lại mất đi mà thôi.

Hơn một trăm năm đã qua, định nghĩa kinh điển về vật chất của Lênin vẫn còn nguyên vẹn các ý nghĩa về thế giới quan và phương pháp luận. Trong thời đại ngày nay, định nghĩa ấy vẫn là cơ sở cho các nhà triết học mác-xít đấu tranh chống lại mọi sai lầm trong các trào lưu của triết học tư sản hiện đại, chống lại chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa xét lại, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin; còn các nhà KHTN thì cũng từ đó cho tới nay đã có một cơ sở triết học khoa học làm “kim chỉ nam” hành động trong sự nghiệp khám phá và cải biến thế giới của họ.

Sau khi tìm hiểu định nghĩa vật chất của Lênin, chúng ta chợt nảy ra một suy ngẫm: Tại sao cuộc khủng hoảng vật lý học đầu thế kỉ XX lại được giải quyết thông qua một phạm trù của triết học – phạm trù “vật chất”? Phải chăng điều này nói lên đầy đủ cái vai trò “mở đường” của triết học đối với KHTN, rằng chúng ta khám phá và củng cố sự hiểu biết của chúng ta về bản chất thế giới thông qua từng nấc thang phát triển của các khái niệm, phạm trù triết học. Có hiểu được ý nghĩa của định nhĩa vật chất của Lênin, chúng ta mới không lấy làm ngạc nhiên vì sao trong thời đại ngày nay, khi mà sự phát triển của khoa học hiện đại còn nhanh, mạnh gấp nhiều lần ngày trước nhưng vẫn chưa có thêm một cuộc khủng hoảng nào tương tự như cuộc khủng hoảng trong vật lý học hồi đầu thế kỉ XX.

KẾT LUẬN

Hơn một thế kỉ đã đi qua kể từ khi tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” ra đời, khoảng thời gian đó là đủ dài để chứng minh cho những tư tưởng mà Lênin đã nêu lên trong tác phẩm ấy là đúng đắn. Tất cả những luận điểm có liên quan tới đề tài mà chúng ta đang xét như “chủ nghĩa duy tâm vật lý”, thực chất và nguyên nhân của cuộc khủng hoảng thế giới quan của những nhà khoa học trong ngành vật lý ở đầu thế kỉ XX, con đường để chấm dứt sự khủng hoảng đó,… Tất cả những điều đó đều đã được xác nhận hoàn toàn bằng chính những bước tiến mới nhất của KHTN và ở trong từng luận điểm nêu trên, chúng ta đều thấy được tính chất thiên tài của V.I.Lênin như là một nhà triết học mác-xít lỗi lạc nhất trong thế kỉ XX.

Trong “Chủ nghĩa duy vật và Chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán”, Lênin tỏ ra là người kế tục xuất sắc sự nghiệp của Ph.Ăngghen trong “Chống Đuy-rinh” và “Biện chứng của tự nhiên” khi Lênin đã hoàn thành việc phân tích những vấn đề quan trọng do KHTN cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX đặt ra đối với triết học DVBC. Vì vậy nhiều người đã gọi “Chủ nghĩa duy vật và Chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” là “tác phẩm đánh dấu cả một thời đại”, “một mẫu mực” về cách phân tích những vấn đề triết học của vật lý học nói riêng và của KHTN nói chung. Cái hay của Lênin khi phân tích cuộc khủng hoảng của vật lý học nằm ở chỗ trong khi làm sáng tỏ vấn đề, ông đã không sa vào việc liệt kê các thành tựu của nó. Trong toàn bộ tác phẩm, Lênin luôn biết rõ ông là ai và đang làm gì. Với tư cách là một nhà triết học mác-xít, ông đã phân tích những vấn đề mới do vật lý học hiện đại đặt ra và giải quyết cuộc khủng hoảng đó bằng cách khái quát chính những thành tựu mới nhất của nó, rồi từ đó rút ra những kết luận sâu sắc trên cả 03 phương diện: thế giới quan, nhận thức luận và phương pháp luận, nhờ đó Lênin không những đã đẩy lùi cuộc khủng hoảng về mặt thế giới quan trong nhận thức của các nhà vật lý học mà quan trọng hơn là thông qua đó Lênin đã đánh tan mọi luận điệu xuyên tạc của kẻ thù đối với chủ nghĩa Mác và chỉ cho vật lý học nói riêng và KHTN nói chung con đường đúng đắn và duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng, Lênin đã cứu vãn được sự đổ vỡ tưởng đâu đã cận kề không tránh khỏi của CNDV nói chung và triết học Mác nói riêng. Và trong lúc đập tan những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù để bảo vệ triết học Mác thì Lênin vẫn không quên phát triển CNDVBC đến một trình độ hoàn thiện so với lịch sử lúc bấy giờ. Tất cả những điều đó chỉ có thể được hoàn thành bởi một thiên tài và thiên tài đó không ai khác chính là V.I.Lênin.

Một trong những cống hiến lớn của Lênin trong tác phẩm chính là định nghĩa về vật chất. Định nghĩa vật chất của Lênin trong tác phẩm có thể ví như là một “quả bộc phá” ngàn cân đã hất đổ mọi thành lũy của CNDT khách quan lẫn CNDT chủ quan, từ đó mở đường cho KHTN không ngừng tiến sâu hơn vào thế giới hạ nguyên tử để tìm kiếm ngày càng nhiều những “điều kì quái”. Trí tuệ con người ngày càng tìm ra thêm nhiều bí mật của tự nhiên, song dù cho nhận thức của con người có tiến lên mức trừu tượng cao hơn nữa, và dù cho có khám phá thêm ngày càng nhiều những hiện tượng “bí ẩn và kì quái” đến mấy thì nó vẫn chỉ tăng cường thêm quyền lực của con người với tự nhiên, chứ nó không thể biến giới tự nhiên thành ra một sản phẩm thuần túy của “ý thức con người” hoặc của “tinh thần vũ trụ” như CNDT và tôn giáo vẫn thường hay rao giảng.

Song một thực tế là dù cho trình độ của ngành vật lý học hiện nay đã có nhiều bước tiến vượt bậc so với hồi đầu thế kỉ XX thì cũng không ai dám khẳng định các hạt cơ bản đã thực sự cơ bản. Điều đó vẫn phải chờ sự phát triển của KHTN trong một thời gian tương đối dài nữa. Còn ngay lúc này chúng ta chỉ dám khẳng định một điều chắc chắn rằng, nhận thức của con người về thế giới vẫn còn quá nhiều “lỗ hổng”, nhiều “khoảng trống” mà kẻ thù của triết học Mác-Lênin lẫn KHTN có thể lợi dụng để gây nên những đợt khủng hoảng mới. Xét về cơ bản thì tình trạng hiện nay của ngành vật lý “hạt cơ bản” cũng giống như tình hình trong vật lý học ở đêm trước của cuộc khủng hoảng đầu thế kỉ XX. Nghĩa là hiện thời vật lý học các hạt cơ bản cũng đang trên bước đường xa rời các hạt cơ bản, nhưng vẫn chưa đạt tới một cách chuẩn xác việc nghiên cứu trực tiếp về các bộ phận cấu thành của các hạt cơ bản ấy. Do đó ngay trong lòng ngành vật lý học hiện nay cũng đang vấp phải khá nhiều mâu thuẫn, có một thực tế là các hình thức tư duy vật lý học vốn đã xuất hiện và tồn tại lâu dài, có cơ sở là những luận cứ chắc chắn trong lịch sử thì nay đang tỏ ra không còn hiệu quả để lý giải những đặc tính “kì lạ” trái với “lẽ phải thông thường” về vật chất mà những lý thuyết mới vừa phát hiện trong thời gian gần đây, mà vấn đề “phản vật chất” và “phản hạt” là một ví dụ điển hình. Hiện tại vẫn còn đâu đó một số nhà KHTN do không nắm bắt được phép biện chứng duy vật hoặc do khinh thường triết học mà trong một số trường hợp vẫn còn đi đến những kết luận hoặc siêu hình hoặc duy tâm khi khái quát những thành tựu mới nhất của khoa học và đó thật sự là nguy cơ tiềm ẩn đối với sự tiến triển của bản thân KHTN và cả triết học duy vật nữa. Chính những điều đó đã và đang nhen nhóm những mâu thuẫn trong nhận thức và lý giải những thành tựu mới mà nếu không được giải quyết tốt thì chỉ cần một mồi lửa nhỏ là đủ để làm bùng lên một đám cháy lớn như hồi đầu thế kỉ XX. Một vấn đề khó khăn được đặt ra là: Liệu sẽ có một cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai hay không? Khi bàn về vấn đề này, E.Côn-man, tác giả cuốn “Lê-nin và vật lý học hiện đại” đã cho rằng sự khủng hoảng của KHTN đã được Lênin phân tích và giải quyết tận gốc rễ rồi, hơn nữa KHTN cũng đã trải qua những bước cải cách nhanh chóng nên một cuộc khủng hoảng như xưa sẽ không có cơ hội để quay lại, do đó kết luận cuối cùng của ông là “ngày nay vật lý học không có khủng hoảng nữa”[7; 45]. Tuy vậy, ông cũng đã thừa nhận chủ nghĩa duy tâm “vật lý” vẫn còn là bóng ma sống bám vào các nhà khoa học và bây giờ cũng như trước kia vẫn còn không ít các nhà vật lý học tư sản lạc đường theo CNDT và hiện nay trong vật lý học vẫn còn nhiều vấn đề chưa giải quyết. Ý kiến đó của ông đã đúng với nửa sau của thế kỉ XX vì trong suốt thời gian đó nhân loại đã không phải trải qua thêm bất kì một cuộc khủng hoảng khoa học nào nữa. Nhưng theo tác giả khóa luận này thì trong hoàn cảnh bây giờ, ý kiến ấy cần phải được suy xét lại. Thứ nhất, vì E.Côn-man đã khẳng định điều đó vào năm 1959 chứ không phải là 2009, ngày nay KHTN đang tiến những bước rất dài và chỉ trong một tương lai gần nó sẽ đạt tới những điều mà không ai có thể suy tính trước. Thứ hai, kết luận đó của E.Cônman có thể là một sự lạc quan quá sớm. Điều đó cũng có thể giống như việc ở thời điểm đó chẳng ai dám nghĩ về một sự sụp đổ chóng vánh của hệ thống Chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới chỉ sau đó có 30 năm. Bởi vậy theo nhận thức của tác giả thì một cuộc khủng hoảng mới hoàn toàn có thể nổ ra bất kì ở đâu và trong lĩnh vực gì nếu như những nguy cơ dẫn đến điều đó không được kiềm chế và giải quyết tốt.

Đứng trước thực tế này thì rõ ràng căn cứ triết học duy nhất đúng đắn để có thể vận dụng vào sự đánh giá bối cảnh mới trong sự phát triển mạnh mẽ của vật lý học nói riêng và KHTN nói chung ngày nay vẫn không đổi, nó vẫn là các nguyên tắc mà V.I.Lênin đã đưa ra khi ông phân tích cuộc cách mạng trong KHTN đầu thế kỉ XX. Một trong các nguyên tắc mà chúng ta phải nắm vững đó là: ““Thực chất” của sự vật hay “thực thể” cũng đều là tương đối, chúng chỉ biểu hiện sự đi sâu của nhận thức của con người về khách thể, và nếu như sự đi sâu đó hôm qua chưa vượt quá nguyên tử, hôm nay chưa vượt quá điện tử và ê-te, thì chủ nghĩa duy vật biện chứng nhấn mạnh tính chất tạm thời, tương đối, gần đúng của tất cả những cái mốc đó của sự nhận thức thế giới tự nhiên bởi khoa học ngày càng phát triển của con người. Điện tử cũng vô cùng như nguyên tử; tự nhiên là vô cùng tận…”[13; 264]

Triết học Mác-Lênin vẫn đang đòi hỏi chúng ta tìm kiếm những giải pháp mới cho những vấn đề trong hiện tại từ chính thực tiễn của ngày hôm nay. Thời đại ngày nay đang có nhiều biến động sâu sắc trong bản thân ngành vật lý học nói riêng và KHTN nói chung. Ngày nay cũng như trước đây – năm 1909 – triết học duy tâm, kể cả duy tâm “vật lý học”, duy tâm “sinh học”,… vẫn luôn lợi dụng từng sơ hở nhỏ nhặt nhất của KHTN nhằm triệt hạ CNDV và sau đó là bắt KHTN làm nô lệ cho nó. Không phải ngẫu nhiên mà hiện nay CNDT chủ quan lại phát triển mạnh hơn CNDT khách quan. Vì CNDT khách quan ra mặt đối đầu với khoa học nên dễ dàng bị khoa học phản bác và hạ gục; ngược lại, CNDT chủ quan thì biết cách tranh thủ từng cơ hội nhỏ nhất mà nó vớ được để ẩn náu trong thế giới nội tâm của con người – dù đó có là nhà KHTN chân chính – đồng thời nó cũng ẩn náu cả trong thế giới vi mô, nơi mà mọi vấn đề không thể nhanh chóng được làm sáng tỏ trong một sớm một chiều. Cộng thêm việc trình độ của các bộ môn KHTN cũng như những thế giới quan và phương pháp luận của các nhà khoa học hiện nay đã có những bước tiến dài, bỏ xa tình trạng khoa học và những quan điểm của các nhà KHTN đầu thế kỉ XX. Tất cả những điều đó đã buộc chúng ta, những người kế tục CNDVBC của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin phải học tập CNDVBC một cách sáng tạo, tức là chúng ta phải không ngừng bổ sung, phát triển những nguyên lý cơ bản của triết học Mác-Lênin. Chỉ có như vậy CNDVBC mới giữ được vai trò là thế giới quan và phương pháp luận mẫu mực đối với toàn bộ nền KHTN tiên tiến.

Như vậy, chính sự phát triển của khoa học đang đòi hỏi từng người mác-xít khi nghiên cứu các luận điểm cụ thể của triết học Mác-Lênin thì phải lưu ý đến các thành tựu mới nhất của KHTN hiện đại, bởi vì mỗi khái niệm, phạm trù, nguyên lý, quy luật của triết học DVBC luôn luôn là kết quả của một quá trình chưng cất và chắc lọc từ một hệ tri thức liên ngành, chúng chưa bao giờ và không bao giờ chỉ đơn thuần là kết quả của một sự đào bới, tìm tòi, vắt nặn từ một cái đầu trống rỗng. Bởi vì nếu như vậy thì cho dù có được khoác lên mình những danh từ mỹ miều hoặc những từ có tính chất “đao to búa lớn” thì một thứ triết học rỗng tếch như vậy sẽ không thể xứng đáng được coi là “tinh hoa” tư tưởng của thời đại mà nó được sinh ra và tồn tại. Thứ lý luận chỉ chứa đựng một màu xám ấy chắc chắn sẽ nhanh chóng lụi tàn và không giúp ích gì cho đời.

Là những mẫu mực trong việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa triết học với KHTN, C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã cung cấp cho các nhà KHTN những nguyên tắc nhận thức luận để giải quyết các vấn đề đó. Các nhà mác-xít chân chính chưa bao giờ có mảy may ý định thay thế các bộ môn khoa học chuyên sâu bằng một thứ triết học đứng trên mọi khoa học. Triết học DVBC không bao giờ là “khoa học của mọi khoa học”, theo đó thì sự nghiên cứu về những hình thức cụ thể của vật chất phải là công việc trước hết của toán học, vật lý học, thiên văn học, sinh vật học,.. và cuối cùng mới là công việc của triết học. Các nhà triết học mác-xít không bao giờ được phép giải quyết sự tranh chấp giữa các quan điểm lý luận khác nhau trong bất kỳ phân ngành KHTN nào bằng cách cho rằng quan điểm này là “mác-xít” và quan điểm kia là “phản mác-xít”.

Còn bản thân các nhà vật lý học thì phải không được tự mãng với những nhận thức đã đạt được. Họ cần phải dựa vào thế giới quan và phương pháp luận mác-xít mà dũng cảm tìm tòi những cái mới. Họ cần phải miệt mài nghiên cứu các phạm trù, các nguyên lý, quy luật triết học để theo kịp sự phát triển của KHTN. Đặc biệt việc được trang bị phép biện chứng duy vật có một ý nghĩa quyết định đối với thế giới quan của nhà khoa học. Phép biện chứng phải được trang bị cho từng nhà KHTN và họ phải biết cách sử dụng thuần thục nó trong khi nghiên cứu các lĩnh vực vật chất cụ thể. Bởi vì như Lênin đã lưu ý chúng ta rằng chúng ta có thể phải hoàn toàn đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào các kết quả trong lĩnh vực chuyên môn của các nhà KHTN, song khi sang lĩnh vực triết học thì ta “không thể tin họ một chữ nào cả”. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi mà tòa lâu đài của KHTN ngày một phình to ra về bề rộng và cả chiều cao (vì nó ngày càng bao gồm nhiều lĩnh vực mới) thì nó càng cần có một nền móng vững chắc hơn, tức là các khái niệm và phạm trù xuất phát của nó phải được đào sâu hơn và gia cố vững chắc hơn, nghĩa là nó cần đến nhiều sự hỗ trợ hơn nữa từ phía triết học. Và dĩ nhiên thứ triết học mà KHTN cần phải liên minh vẫn phải là CNDVBC, vì chỉ có duy nhất thứ triết học đó mới có thể thích dụng với một nền KHTN tiên tiến.

Sau sự sụp đổ của hệ thống CNXH ở Đông Âu và Liên Xô, kẻ thù của chủ nghĩa Mác-Lênin đã không ngừng rêu rao về sự “cũ kĩ” và “lỗi thời” của triết học Mác-Lênin. Thật ra, đó chỉ là một sự xuyên tạc, một lời nói vu vơ không căn cứ. Chính sự không ngừng lớn mạnh của KHTN đã góp phần khẳng định giá trị vững bền của triết học Mác-Lênin, rằng nó không những đúng với trước kia và bây giờ mà còn tiếp tục có giá trị trong tương lai. Nó không phải “đã đi vào trong lịch sử” mà là “đang đi cùng lịch sử”. Lịch sử triết học và KHTN càng tiến lên thì nhận thức của chúng ta lại càng phải hướng về con đường mà V.I.Lênin đã vạch ra, tức là chúng ta phải tuân thủ theo những cách thức và nguyên tắc mà Người đã từng tiến hành trong thế kỉ trước nhằm xây dựng một liên minh CNDVBC – KHTN vững chắc, chỉ có như vậy chúng ta mới có thêm sức sáng tạo và bổ sung cho học thuyết đó ngày một hoàn thiện. Chúng ta luôn luôn ghi nhớ rằng, con đường do Mác, Ăngghen, Lênin mở ra không bao giờ là con đường đã xong xuôi, trái lại nó là con đường của sự sáng tạo và sáng tạo. Con đường đó bắt đầu từ Mác và Ăngghen khi mà con người mới chỉ có những hiểu biết ban đầu về thế giới vĩ mô, rồi đến Lênin, Người đã viết cuốn “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” sau khi những công trình chuyên môn đầu tiên về thuyết lượng tử và thuyết tương đối mới ra đời. Còn thời đại mà chúng ta đang sống thì có đầy ắp những tri thức về thế giới siêu vĩ mô và siêu vi mô, vậy chúng ta phải làm gì để trở thành những người kế thừa xứng đáng di sản mà Mác, Ăngghen, Lênin đã để lại?. Đó không những là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ của chúng ta với các bậc tiền nhân đi trước vậy.

Cuối cùng, chúng ta (bao gồm những nhà triết học mác-xít và cả những nhà KHTN) phải luôn phấn đấu vì một liên minh triết học DVBC và KHTN vững mạnh, vì đó chính là “con đê” ngăn chặn những cuộc khủng hoảng tương tự như cuộc khủng hoảng từng xảy ra đối với ngành vật lý học; đồng thời, nó cũng là “liều thuốc” chữa trị duy nhất nếu như một cuộc khủng hoảng như vậy lại nổ ra. Có một liên minh vững chắc như vậy làm nền tảng thì vòng xoáy “Hỏi – Đáp”, “Nghi vấn – Khám phá” trong nhận thức của con người sẽ không ngừng đưa con người đến những chân trời tri thức mới thay vì đưa người ta đến những sai lầm và ngõ cụt.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ph.Ăngghen, Biện chứng của tự nhiên, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1963.

2. Ph.Ăngghen, Chống Đuy-rinh, Nxb CTQG, HN, 1971.

3. Nguyễn Tường Bách, Lưới trời ai dệt ?, Nxb Trẻ, 2006.

4. Phùng Văn Bộ (chủ biên), Một số vấn đề về phương pháp giảng dạy và nghiên cứu triết học, Nxb GD, 2001.

5. PGS,TS Doãn Chính- PGS,TS Đinh Ngọc Thạch, Vấn đề triết học trong tác phẩm của C.Mác- Ph.Ăng-ghen- V.I.Lê-nin, Nxb CTQG, HN, 2008.

6. GS, PTS Nguyễn Trọng Chuẩn, PTS Đặng Hữu Toàn, Sức sống của một tác phẩm triết học, Nxb CTQG, HN, 2000.

7. E.Côn-man, Lê-nin và vật lý học hiện đại, Nxb ST, HN,1960.

8. PGS Lê Cảnh Đại, Một số vấn đề triết học trong vật lý học, Khoa Triết, trường Đại học KHXH & NV,1997.

9. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Triết học, Nxb CTQG, HN, 1993, tập 2.

10. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Triết học, Nxb CTQG, HN, 1995, tập 3.

11. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo trình Triết học Mác- Lênin, Nxb CTQG, HN, 2003.

12. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo trình Triết học , Nxb CT-HC, HN, 2010.

13. V.I. Lênin, Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán. Bút ký phê phán một triết học phản động, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1976.

14. V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1978, tập 45.

15. V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1980, tập 21.

16. V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1981, tập 18.

17. V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1981, tập 29.

18. C.Mác-Ph.Ăng-ghen, Tuyển tập, Nxb ST, HN,1962, tập 2.

19. C.Mác-Ph.Ăng-ghen-V.I.Lênin, Về mối quan hệ giữa triết học và khoa học tự nhiên, Nxb KHXH, HN, 1973.

20. Đại học Huế – Trường Đại học Khoa học – Khoa Mác-Lênin, Triết học trong khoa học tự nhiên, Huế, 2005.

21. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 1996, tập 9.

22. Vũ Ngọc Pha, Lịch sử triết học, Nxb GD, 1997.

23. Đào Văn Phúc, Lịch sử vật lý học, Nxb GD, 2003.

24. Từ điển Triết học, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1986.

25. Học viện Nguyễn Ái Quốc- Khoa Triết, Triết học Mác- Lênin (phần CNDVBC), Nxb Tuyên Huấn, HN, 1990.

26. Đại học Quốc gia Hà Nội – Trường Đại học KHXH&NV – Khoa Triết, Học thuyết Mác với sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam, Nxb CTQG, HN, 2003.

27. Hội đồng Trung Ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đào Duy Tùng (chủ tịch hội đồng), Giáo trình triết học Mác-Lênin, Nxb CTQG, HN, 2008.

28. Th.s Hoàng Ngọc Vĩnh, Giới thiệu tác phẩm kinh điển triết học, Nxb Đại học Huế, 2002.

29. GS.TS Nguyễn Hữu Vui (chủ biên), Lịch sử triết học, Nxb CTQG, HN, 2007.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net