Quản lý kinh tế là gì? Thực chất và bản chất của quản lý kinh tế là gì? Vai trò của quản lý kinh tế trong cuộc sống?
1. Quản lý kinh tế là gì?
* Khái niệm:
Quản lý kinh tế là quản lý các hệ thống kinh tế, nói một cách khác, quản lý kinh tế là sự tác động liên tục, có tổ chức, có hướng đích của chủ thể quản lý lên đối tượng và khách thể quản lý, để sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, các cơ hội của hệ thống kinh tế nhằm đạt được mọi mục tiêu trước mắt và lâu dài.
* Nhiệm vụ của quản lý kinh tế:
Nghiên cứu các quy luật về sự hình thành, biến đổi của các hệ thống của con người trong môi trường cùng các phương pháp, nghệ thuật để thực hiện có hiệu quả nhất các đòi hỏi của các quy luật này nhằm đạt được mục tiêu quản lý đặt ra.
* Đối tượng nghiên cứu của quản lý kinh tế:
Là các quy luật về các mối quan hệ quản lý nảy sinh trong hoạt động kinh tế và các quy luật công nghệ, tổ chức và thị trường có liên quan đến sự tồn tại và phát triển của hệ thống.
2. Thực chất của quản lý kinh tế
Xét về mặt tổ chức và kỹ thuật, quản lý kinh tế chính là sự kết hợp được mọi nỗ lực chung của con người trong hệ thống hoặc việc sử dụng tốt nhất của cải vật chất thuộc phạm vi sở hữu của hệ thống để đạt tới mục tiêu chung của hệ thống và mục tiêu riêng của mỗi người theo một cách khôn khéo và có hiệu quả nhất.
Như vậy, quản lý phải trả lời các câu hỏi sau:
- Phải đặt mục tiêu nào để thu hút, lôi kéo thêm ai và bằng cách nào?
- Phải đấu tranh với những thế lực nào và đấu tranh như thế nào?
- Những rủi ro nào có thể xảy ra và cách xử lý?
- Mục tiêu đặt ra có chính nghĩa hay không?
Tóm lại, thực chất của quản lý kinh tế là quản lý con người trong hệ thống, thông qua đó sử dụng có hiệu quả nhất mọi tiềm năng và cơ hội của hệ thống.
3. Bản chất của quản lý kinh tế
Xét về mặt kinh tế – xã hội, quản lý kinh tế là các hoạt động chủ quan của chủ thể quản lý vì mục tiêu lợi ích của hệ thống, bảo đảm cho hệ thống tồn tại và phát triển lâu dài.
Mục tiêu của hệ thống do chủ thể quản lý đảm nhận, họ là thủ lĩnh của tổ chức và là người nắm giữ quyền lực của hệ thống.
Nói cách khác, bản chất của quản lý kinh tế phụ thuộc vào ý tưởng, thủ đoạn, nhân cách của các thủ lĩnh hệ thống.
Bản chất của quản lý kinh tế trả lời câu hỏi “đạt được mục đích, kết quả quản lý kinh tế để làm gì?”, tức là bản chất của quản lý kinh tế là tính văn hóa của mục tiêu quản lý.
4. Quản lý kinh tế – một diễn trình năng động
Quản lý kinh tế là nhằm đạt tới mục tiêu chung trong tương lai, mà tương lai lại luôn biến động nên nếu chủ thể quản lý không đủ năng lực và bản lĩnh sẽ khó có thể thích ứng và tất yếu dẫn tới thất bại.
Diễn trình năng động của quản lý kinh tế chịu tác động của nhiều yếu tố như:
- Sự thay đổi nhận thức, kinh nghiệm, ý muốn, tham vọng, đặc điểm tâm,sinh lý của các nhà lãnh đạo trong quá trình quản lý.
- Sự biến đổi trong nội bộ hệ thống và mức độ phối hợp của những ngườidưới quyền là tốt hay xấu, là hợp lý hay không hợp lý.
- Sự biến đổi khác thường, các rủi ro hay cơ hội;
- Sự điều chỉnh các mục tiêu ngắn hạn để thích nghi với thực trạng hệ thống.
Các yếu tố trên liên tục thay đổi và tác động tầng tầng lớp lớp lên hệ thống. Để có thể quản lý được thì chủ thể quản lý phải nắm bắt đầy đủ thông tin, kịp thời dẫn dắt hệ thống theo các mục tiêu cụ thể của hành trình vận động vì mục tiêu tồn tại và phát triển.
5. Đặc điểm của quản lý kinh tế
5.1. Quản lý kinh tế bao giờ cũng được chia thành chủ thể quản lý và đối tượng quản lý
Đây là đặc điểm cơ bản, đầu tiên của quản lý kinh tế.
Để quản lý kinh tế diễn ra thì chủ thể quản lý phải thực hiện các hoạt động quản lý của mình.
– Nếu không có chủ thể quản lý hoặc đối tượng quản lý thì việc quản lý đặt ra là vô nghĩa.
– Khi có chủ thể quản lý và đối tượng quản lý thì không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được việc quản lý.
+ Khi chủ thể quản lý chỉ đứng trên danh nghĩa (bất lực về tiềm năng, về lực lượng vật chất, về pháp lý, về nhân cách…).;
+ Xuất hiện nhiều chủ thể quản lý mà các chủ thể này thế lực tương đồng nhau, nhưng mục tiêu của họ lại khác nhau thì việc quản lý sẽ rất phức tạp, đối tượng quản lý sẽ gặp muôn vàn trở ngại, khó có thể tồn tại và phát triển bình thường;
+ Tiềm lực của đối tượng quản lý quá lớn tới mức lấn át cả chủ thể quản lý.
Như vậy, có thể thấy việc quản lý không chỉ đơn thuần là sự tác động qua lại giữa chủ thể quản lý và đối tượng quản lý mà nó còn chịu sự ảnh hưởng không nhỏ của môi trường xung quanh.
5.2. Quản lý kinh tế bao giờ cũng liên quan đến việc trao đổi thông tin và đều có mối liên hệ ngược
* Thông tin:
Thông tin chính là các tín hiệu mới, được thu nhận, được cảm thụ và được đánh giá là có ích cho việc ra quyết định hoặc giải quyết một nhiệm vụ nào đó trong quản lý kinh tế.
* Trao đổi thông tin:
Chủ thể quản lý muốn tác động lên đối tượng quản lý thì phải đưa ra các thông tin (mệnh lệnh, chỉ thị, nghị quyết, quyết định…). Đó chính là các thông tin điểu khiển.
Đối tượng quản lý muốn định hướng hoạt động của mình thì phải tiếp nhận các thông tin điều khiển của cấp trên cùng các bảo đảm vật chất khác để tính toán tự điểu khiển mình (nhằm thực thi mệnh lệnh của chủ thể quản lý).
* Mối liên hệ ngược:
Sau khi đã đưa ra các quyết định cùng các đảm bảo vật chất cho đối tượng quản lý thực hiện, thì chủ thể quản lý phải thường xuyên theo dõi kết quả thực hiện các quyết định của đối tượng quản lý thông qua các thông tin phản hồi (được gọi là mối liên hệ ngược).
* Các thông tin cần thu thập:
Thuận lợi, khó khăn, tiến độ thực hiện, chất lượng công việc, khả năng thành công…
5.3. Quản lý kinh tế có khả năng thích nghi
Nếu chủ thể quản lý và đối tượng quản lý phát triển phù hợp với nhau thì việc quản lý sẽ diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý kinh tế luôn diễn ra hiện tượng hoặc đối tượng quản lý phát triển quá nhanh so với chủ thể quản lý hoặc là chủ thể quản lý trở nên xơ cứng.
Trong trường hợp đối tượng quản lý phát triển quá nhanh so với chủ thể quản lý thì không phải chủ thể quản lý chịu bó tay. Khi đó chủ thể quản lý vẫn có thể quản lý hiệu quả. Trường hợp ngược lại, khi chủ thể quản lý trở lên xơ cứng, quan liêu, đưa ra những tác động quản lý độc đoán, lỗi thời, phi lý thì không phải tất cả mọi đối tượng quản lý đều chịu bó tay, mà họ vẫn có thể thích nghi tồn tại theo hai cách sau:
- Họ có thể xé rào để tồn tại tương ứng với các tác động quản lý phi lý, bảo thủ của chủ thể quản lý.
- Họ phải biến đổi cấu trúc của bản thân để thích nghi với các mệnh lệnhquản lý phi lý của chủ thể quản lý.
Trường hợp nào chủ thể quản lý hay đối tượng quản lý không thích nghi được thì họ sẽ bị đào thải và xuất hiện một quá trình quản lý mới.
5.4. Quản lý kinh tế vừa là một khoa học, vừa là một nghề, vừa là một nghệ thuật
– Quản lý kinh tế là một khoa học vì nó có đối tượng nghiên cứu riêng là các mối quan hệ quản lý kinh tế; có phương pháp luận nghiên cứu riêng và chung đó là quan điểm triết học Mác – Lênin, là quan điểm hệ thống. Quản lý kinh tế có những phương pháp cụ thể được sử dụng để nghiên cứu như: các phương pháp phân tích, các phương pháp toán kinh tế, các phương pháp tổ chức, các phương pháp xã hội học, các phương pháp tâm lý, các phương pháp lịch sử…
– Quản lý kinh tế là một nghề với nghĩa là các nhà lãnh đạo phải có tri thức quản lý, có niềm tin và lương tâm nghề nghiệp.
– Quản lý kinh tế là một nghệ thuật vì sự thành bại của quản lý kinh tế phụ thuộc khá lớn vào tài nghệ, bản lĩnh, kinh nghiệm và các mối quan hệ của người lãnh đạo.
5.5. Quản lý kinh tế gắn với quyền lực, lợi ích và danh tiếng
Điều này giải thích vì sao con người muốn trở thành lãnh đạo của hệ thống.
- Quyền lực: Người lãnh đạo có ưu thế quan trọng trong tổ chức, họ có khả năng điều khiển người khác đồng thời có thể chi phối nguồn lực và tài sản của hệ thống.
- Lợi ích: Người lãnh đạo còn có điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện các mong muốn của mình thông qua việc sử dụng những người khác trong quá trình dẫn dắt, thu hút, lôi kéo họ nhằm thực hiện mục tiêu chung của hệ thống.
- Danh tiếng: Người lãnh đạo cũng dễ để lại danh tiếng cho người khác và cộng đồng nếu họ lãnh đạo hệ thống của mình phát triển và đạt được mục tiêu của hệ thống. Tuy nhiên, danh tiếng cũng dễ trở thành bia miệng nếu họ đem lại tai họa cho hệ thống.
6. Vai trò, chức năng của quản lý kinh tế
6.1. Vai trò của quản lý kinh tế
Quản lý kinh tế là nhân tố cơ bản quyết định sự tồn tại, phát triển hoặc trì trệ, diệt vong của mọi hệ thống kinh tế.
Quản lý kinh tế đúng đắn sẽ giúp hạn chế những nhược điểm của hệ thống, liên kết gắn bó mọi người, tạo ra niềm tin, sức mạnh của hệ thống, tận dụng được cơ hội và sức mạnh của bên ngoài.
Quản lý kinh tế đúng đắn sẽ giúp hệ thống đương đầu với mọi hệ thống thù địch khác.
6.2. Chức năng của quản lý kinh tế
Chức năng quản lý kinh tế là hình thức biểu thị sự tác động có chủ đích của chủ thể quản lý kinh tế lên đối tượng quản lý và khách thể quản lý. Chức năng quản lý kinh tế còn là tập hợp những nhiệm vụ khác nhau mà chủ thể quản lý kinh tế phải tiến hành trong quá trình quản lý.
7. Kỹ năng quản lý kinh tế
* Kỹ năng quản lý kinh tế
Là năng lực vận dụng có hiệu quả các tri thức về phương thức hành động trong quá trình lãnh đạo, quản lý.
Kỹ năng quản lý kinh tế của người lãnh đạo thực chất là khả năng biết tận dụng các tri thức của khoa học quản lý vào điều khiển, dẫn dắt hệ thống hoạt động.
Kỹ năng quản lý kinh tế giúp người lãnh đạo hiểu rõ muốn quản lý kinh tế phải làm gì và cách thức làm như thế nào.
* Nhiệm vụ của người lãnh đạo (người quản lý)
– Phải lôi kéo hệ thống những người dưới quyền thành tổ chức chặt chẽ với các quy chế tổ chức hợp lý và mục tiêu rõ ràng, đúng đắn mang tính hiện thực. Hệ thống này phải thích nghi với mọi tình huống;
– Người lãnh đạo phải điều khiển hệ thống hoàn thành tốt mọi mục tiêu đề ra.
Từ hai nhiệm vụ trên, kỹ năng quản lý kinh tế của người lãnh đạo các hệ thống kinh tế bao gồm:
a. Kỹ năng tư duy
Đây là kỹ năng cơ bản, khởi đầu, cần có của người lãnh đạo trong quản lý kinh tế.
Người lãnh đạo là bộ óc của hệ thống do đó họ phải biết tư duy đúng, phân tích tình hình hoàn cảnh chính xác, sắc sảo, so sánh tương quan lực lượng, tính toán giữa thế và lực, phân loại đối thủ và các vật cản…
Người quản lý không được nôn nóng, chủ quan, duy y chí nhưng cũng không được nhu nhược, chần chừ trong hoạt động.
Phải biết tư duy hệ thống, đặt các hiện tượng, sự kiện trong mối quan hệ biện chứng với nhau để xem xét, phân tích, vạch ra đường lối chủ trương chiến lược, mục tiêu, kế hoạch cho sự phát triển của hệ thống.
b. Kỹ năng tổ chức
Là kỹ năng làm việc với con người và phương tiện, nắm bắt được thông tin nhanh chóng, chính xác để đưa ra quyết định điều phối, sử dụng, liên kết, cô lập hay phân rã con người ở trong và ngoài tổ chức.
Để có được kỹ năng này đòi hỏi người quản lý phải có được tri thức tâm lý xã hội học nhất định, biết sáng tạo và không bao giờ chịu bó tay trước mọi trở ngại, biết tập hợp và sử dụng nhân tài đồng thời cũng phải có được một nền tảng đạo đức nhất định.
c. Kỹ năng nhiệm vụ
Đó là kỹ năng hiểu biết được nghiệp vụ chuyên môn của hệ thống, các hiểu biết này mang tính kỹ thuật. Họ phải hiểu sâu sắc công việc chuyên môn của hệ thống để dẫn dắt hệ thống hoạt động thành công.
8. Niềm tin quản lý
Quản lý kinh tế là một sự nghiệp to lớn, lâu dài với nhiều thành bại… do đó người quản lý kinh tế phải có niềm tin.
Niềm tin quản lý kinh tế là nghị lực, tâm trí, hoài bão to lớn của người quản lý, nhờ đó tạo ra động cơ làm việc mãnh liệt cho người quản lý.
Niềm tin quản lý, tạo cho nhà quản lý kinh tế một hoài bão lớn lao, nhờ đó không làm cho họ sớm thỏa mãn trước những thành tựu nhỏ mà dừng lại. Người xưa đã nói: Người quân tử được ngôi cao là để hành đạo, kẻ tiểu nhân được ngôi sao chỉ để kiếm lời. Người quân tử khác kẻ tiểu nhân chính là ở chỗ họ có hoài bão lớn và họ nuôi một mục tiêu lớn.
Sự nghiệp quản lý kinh tế là sự nghiệp to lớn, vĩnh hằng. Nó là con đường xa vô tận, phát triển vô cùng và cũng dễ trở thành bế tắc, đổ vỡ. Chỉ với một niềm tin to lớn, một hoài bão cao cả mới làm cho nhà quản lý kinh tế không bao giờ tự mãn hay bằng lòng với kết quả đạt được.
(Nguồn tài liệu: Giáo trình Lý thuyết quản trị kinh doanh, Trường Cao đẳng Lào Cai)