Trang chủ Kinh tế và Kinh doanh Kinh tế là gì? Vai trò của kinh tế trong sự phát triển chung

Kinh tế là gì? Vai trò của kinh tế trong sự phát triển chung

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 170 views

Kinh tế là gì? Vai trò của kinh tế trong sự phát triển chung? Vì sao nói cốt lõi của kinh tế là vấn đề sở hữu và vấn đề lợi ích?

1. Khái niệm kinh tế

Kinh tế bao hàm nhiều nội dung nên cũng có rất nhiều cách hiểu khác nhau về kinh tế:

  • Kinh tế là tài sản quý hiếm.
  • Kinh tế là phúc lợi.
  • Kinh tế là tiết kiệm và hiệu quả.
  • Kinh tế đồng nghĩa với điều kiện sống, việc làm, thất nghiệp, mức độ tự do của con người.
  • Kinh tế là hoạt động sinh sống.

Từ những cách hiểu nêu trên, có thể đưa ra kết luận như sau:

Kinh tế là tổng thể (hoặc một bộ phận) các yếu tố sản xuất, các điều kiện vật chất của đời sống con người và các mối quan hệ vật chất giữa con người với con người trong quá trình sản xuất và tái sản xuất xã hội ở một giai đoạn lịch sử nhất định mà mấu chốt là vấn đề sở hữu và vấn đề lợi ích.

Sơ đồ: Cấu trúc kinh tế

Sơ đồ 1: Cấu trúc kinh tế

1.1. Các yếu tố sản xuất

Đó là những đầu vào trực tiếp hoặc gián tiếp mà sản xuất xã hội cần được đáp ứng ở mỗi giai đoạn của sự phát triển xã hội, nó có thể được gộp thành bảy nhóm lớn:

  • Các nguồn tài nguyên, nhiên liệu;
  • Sức lao động của con người;
  • Công nghệ, trang thiết bị;
  • Các khoản vốn bằng tiền;
  • Thông tin phục vụ sản xuất;
  • Thiết chế quản lý vĩ mô xã hội;
  • Kết cấu hạ tầng xã hội.

1.2. Các điều kiện vật chất của đời sống con người

Là tổng thể các yếu tố mà con người cần được đáp ứng để tồn tại, phát triển, phục vụ sản xuất xã hội và tái sinh sản giống nòi, bao gồm:

  • Công ăn việc làm và điều kiện làm việc
  • Tiền của;
  • Đất đai, nhà ở;
  • Kỹ năng lao động;
  • An ninh, an toàn xã;
  • Phương tiện đi lại, giao;
  • Phương tiện nuôi dưỡng gia đình.

Các yếu tố sản xuất và các điều kiện vật chất của đời sống con người phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề sở hữu của con người trong xã hội; vì thế sở hữu là một trong những nội dung cốt lõi của kinh tế.

1.3. Quan hệ vật chất giữa con người với con người trong quá trình sản xuất xã hội

Các mối quan hệ vật chất giữa con người với nhau được diễn ra trên sáu lĩnh vực:

  • Trong sản xuất;
  • Trong lưu thông;
  • Trong phân phối, trao đổi;
  • Trong tiêu dùng và tích lũy;
  • Trong đối ngoại;
  • Trong môi trường sống.

2. Vai trò của kinh tế

2.1. Kinh tế là nền tảng, là điều kiện của sự tồn tại và phát triển xã hội

Con người muốn sống thì việc đầu tiên là phải ăn, uống để duy trì sự sống của mình, tiếp đó phải thỏa mãn các nhu cầu tiêu dùng khác (mặc, ở, bảo vệ an toàn, văn hóa, v.v.). Chính nhờ hoạt động sản xuất của con người mà tất cả các nhu cầu nói trên của con người đều được đáp ứng.

Để sản xuất, con người cần phải có đầy đủ các yếu tố cần thiết phục vụ những hoạt động này, đó chính là kinh tế. Kinh tế tồn tại với vai trò là các đầu vào của quá trình sản xuất xã hội và sau quá trình sản xuất, kinh tế lại là đầu ra của hoạt động sản xuất.

Sơ đồ 2: Kinh tế là nền tảng của sự tồn tại và phát triển xã hội

2.2. Kinh tế là mục tiêu của sự phát triển

Kinh tế tạo tiền đề cho các mục tiêu phát triển của con người, của xã hội, trong đó có một vấn đề đặc biệt mà kinh tế đưa lại đó là quyền lực của hệ thống. Nhờ kinh tế, người ta có thể phát triển nhanh chóng sức mạnh của bạo lực chiến tranh ở một quốc gia hoặc sức mạnh của một tổ chức mang tính xã hội đen. Cũng chính nhờ kinh tế mà con người có điều kiện để nhanh chóng phát triển tư duy, trí tuệ, đặc biệt tạo ra sức mạnh to lớn về thông tin.

2.3. Quan hệ biện chứng giữa kinh tế và chính trị

Xét trên phạm vi một quốc gia và giữa các quốc gia, quan hệ giữa kinh tế và chính trị thể hiện tập trung nhất ở mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng xã hội. Bên nào khống chế kinh tế thì bên đó có thể chi phối vấn đề về chính trị. Nhưng ngược lại, chính trị cũng có tác động trở lại với kinh tế, có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của kinh tế.

2.4. Kinh tế có mối quan hệ biện chứng với văn hóa trong sự phát triển

Văn hóa là một phức thể – tổng thể các đặc trưng – diện mạo về tinh thần, vật chất, tri thức và tình cảm… khắc họa nên bản sắc của một gia đình, làng xóm, vùng miền, quốc gia, xã hội… bao gồm văn chương, nghệ thuật, lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống giá trị, những truyền thống, tín ngưỡng… Nhờ có văn hóa, kinh tế mới có cơ sở để phát triển và ngược lại, kinh tế phát triển sẽ giúp cho văn hóa phát triển hoặc phản phát triển.

Sơ đồ: Quan hệ giữa kinh tế và văn hóa trong phát triển

2.5. Kinh tế là động lực của sự phát triển

Kinh tế là động lực của sự phát triển của mọi quốc gia với hai khuynh hướng: Một là giành độc lập tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia nhỏ và yếu; hai là sự thôn tính, khống chế, chi phối của các quốc gia lớn, mạnh có đặc trưng phát triển phi văn hóa đối với các quốc gia nhỏ, yếu.

Ở phạm vi giữa các quốc gia, do muốn phát triển kinh tế để khống chế các nước khác mà các quốc gia lớn mạnh thường một mặt đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế trong nước, mặt khác lại tìm cách gây xung đột, chiến tranh ở khu vực hoặc quốc gia để các nước đó phải mua vũ khí của họ để tự bảo vệ sự sống còn của mình.

Ở phạm vi doanh nghiệp, vì mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế, các doanh nghiệp mạnh đều có chung một hoài bão trở thành tập đoàn lớn để khống chế thị trường. Vì thế họ phải tìm cách vận dụng thành tựu khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế đồng thời gắn kết với các thế lực và nhiều hoạt động khác để không ngừng bành trướng thế lực của mình.

2.6. Kinh tế là cốt lõi của cơ sở hạ tầng xã hội

Kinh tế quyết định chính trị và chính trị tác động trở lại kinh tế. Điều này thấy rõ ở các cường quốc có kinh tế phát triển luôn luôn sử dụng công cụ kinh tế (đi kèm bạo lực và thông tin) để khống chế các quốc gia yếu kém khác, buộc các quốc gia này phải lệ thuộc về kinh tế và sau đó là vấn đề chính trị.

3. Sở hữu kinh tế

3.1. Sở hữu là một phạm trù kinh tế

Sở hữu là một phạm trù kinh tế, biểu thị tổng thể các quan hệ kinh tế, xã hội và pháp lý của việc con người chiếm hữu, sử dụng, định đoạt các đối tượng sở hữu (bao gồm các tư liệu sản xuất, tài sản, tiền vốn, nhân lực, thông tin, trí tuệ, v.v.) trong mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử.

Sơ đồ: Cấu trúc của khái niệm sở hữu

Sở hữu bao gồm hai khía cạnh gắn bó hữu cơ với nhau là quan hệ sở hữu và nội dung sở hữu.

3.2. Quan hệ sở hữu

Là quan hệ vật chất giữa người với người đối với tài sản kinh tế, quan hệ sở hữu đó chỉ rõ tài sản thuộc về ai và được sử dụng, định đoạt như thế nào? Quan hệ sở hữu là quan hệ kinh tế, tồn tại khách quan biểu hiện cụ thể mối quan hệ giữa con người với con người trong việc chiếm hữu của cải vật chất nói riêng, tư liệu sản xuất nói chung. Nó tồn tại trong mọi chế độ xã hội và gắn liền với quan hệ sản xuất, là một trong những hình thức biểu hiện chủ yếu của quan hệ sản xuất.

Lịch sử phát triển xã hội loài người cho thấy, mỗi chế độ xã hội có một cách xử lý khác nhau về quan hệ sở hữu (gọi là chế độ sở hữu) nhất định, một phương thức chiếm hữu tư liệu sản xuất nhất định.

Quan hệ sơ hữu thể hiện mối quan hệ giữa chủ sở hữu và đối tượng sở hữu. Chủ thể sở hữu là người sở hữu, chủ động của các quan hệ sở hữu, bao giờ cũng thể hiện thành những con người cụ thể. Còn đối tượng bị sở hữu là phía thụ động của các quan hệ sở hữu, dưới dạng vật chất tự nhiên, những đồ vật, năng lượng, thông tin, của cải, trí tuệ… thuộc về chủ thể một phần hoặc hoàn toàn.

3.3. Nội dung sở hữu

Là bản chất của khái niệm sở hữu, nội dung sở hữu chỉ rõ các quyền sở hữu mà chủ thể sở hữu có được đối với đối tượng bị sở hữu mà luật pháp cho phép. Nội dung sở hữu bao gồm các quyền: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt.

– Quyền chiếm hữu là quyền giữ lấy đối tượng bị sở hữu (tài sản) về mình. Đây là quyền đầu tiên cần phải có của chủ sở hữu, nó thể hiện ở sự chi phối của chủ sở hữu đối với tài sản, được cụ thể ở các quyền thừa kế, thế chấp, chuyển đổi…

Quyền chiếm hữu có tính chất tĩnh, nó là quyền về danh nghĩa mà không phải là sự thực hiện cụ thể, về thực chất. Người sở hữu có thể có quyền chiếm hữu nhưng không thực hiện nó. Một số người có quyền sở hữu từ lâu đã giao quyền chiếm hữu, quyền sử dụng cho những người khác và chỉ lấy quyền thu nhập về sở hữu.

Riêng quyền chiếm hữu chưa phải là sở hữu theo ý nghĩa xã hội – kinh tế của từ này. Cũng có trường hợp quyền chiếm hữu biến thành một quyền hình thức mà người sở hữu không sử dụng và cũng không biết sử dụng hay không muốn sử dụng nó. Đó là trường hợp “sở hữu toàn dân” ở các nước xã hội chủ nghĩa dưới cơ chế quản lý kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp. Khi đó, người chiếm hữu về tài sản là người dân, nhưng không sử dụng và định đoạt, còn người sử dụng và định đoạt (là các cơ quan nhà nước) lại không có quyền chiếm hữu.

– Quyền sử dụng là quyền khai thác lợi ích của tài sản trong phạm vi luật định nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt hoặc sản xuất. Chủ sở hữu có thể trực tiếp sử dụng quyền sử dụng tài sản nhưng cũng có thể chuyển quyền sử dụng tài sản cho người khác dưới dạng cho thuê, mượn tài sản…

– Quyền định đoạt là quyền quyết định tài sản về mặt pháp lý trên thực tế thông qua việc sửa đổi tính pháp lý của quyền chiếm hữu và quyền sử dụng, như đem bán, đánh đổi, cho thuê hoặc cho mượn… Quyền định đoạt được thực hiện thông qua các hợp đồng mua bán, cho thuê, cho mượn…

Khi định đoạt tài sản, chủ sở hữu đã thực sự tham gia vào một quan hệ pháp luật nhất định đối với người khác. Ví dụ như quan hệ hợp đồng mua bán, cho thuê…

Bằng việc thực hiện quyền định đoạt, chủ sở hữu có thể tạm thời chuyển dịch quyền chiếm hữu tài sản cho người khác trong một thời gian nhất định hoặc chuyển dịch cả quyền chiếm hữu và quyền sử dụng tài sản hoặc chuyển dịch cả ba quyền: chiếm hữu, sử dụng, định đoạt.

Quyền sở hữu được phân chia thành hai loại khác nhau, đó là quyền sở hữu riêng và quyền sở hữu chung.

Quyền sở hữu chung là quyền sở hữu của từ hai người trở lên. Quyền sở hữu chung có đặc điểm: thứ nhất, quyền sở hữu chung bao giờ cũng là sở hữu của từ hai người trở lên; thứ hai, quyền sở hữu chung bao giờ cũng là quyền sở hữu đối với một khách thể thống nhất.

3.4. Chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu

Công hữu là chế độ sở hữu mà các đối tượng bị sở hữu thuộc về sở hữu của toàn dân do mọi người dân (chế độ cộng sản nguyên thủy) hoặc do Nhà nước là người thay mặt để làm chủ quyền sở hữu đó. Đây là chế độ sở hữu đang được các nước xã hội chủ nghĩa thực hiện và biến thành hiện thực.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc làn thứ VII Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định xã hội xã hội chủ nghĩa là xã hội:

  • Do nhân dân lao động làm chủ;
  • Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu;
  • Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;
  • Con người phải được giải phóng khỏi áp bức bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân;
  • Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ;
  • Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới.

Như vậy, cốt lõi của chế độ xã hội chủ nghĩa là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu. Chủ sở hữu là toàn thể nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp tri thức. “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”

Chế độ công hữu nói trên là điều tối kỵ đối với các nhà tư bản, những người tôn thờ sở hữu tư nhân cực đoan, chấp nhận bóc lột, chấp nhận sự chênh lệch giàu nghèo phi lý (giữa con người với con người, giữa các dân tộc, giữa các quốc gia…).

Sơ đồ: Cấu trúc chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu ở Việt Nam

Sơ đồ: Cấu trúc chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu ở Việt Nam

4. Lợi ích

Lợi ích là kết quả mà con người hoặc hệ thống có thể nhận được thông qua các hoạt động của bản thân, cộng đồng, tập thể, xã hội… nhằm thỏa mãn nhu cầu của bản thân và hệ thống. Nói cách khác, lợi ích là thực tế khách quan nhằm duy trì sự tồn tại và phát triển của con người.

Lợi ích có nhiều loại, song có thể chia lợi ích thành hai nhóm lớn là lợi ích kinh tế và lợi ích phi kinh tế trong đó cốt lõi là lợi ích kinh tế.

Lợi ích kinh tế được hình thành trên cơ sở của sở hữu kinh tế, có sở hữu kinh tế thì dễ có khả năng thu được lợi ích kinh tế. Chính vì lý do này mà người ta đưa ra kết luận quan trọng: vấn đề cỗt lõi của kinh tế chính là vấn đề sở hữu và lợi ích.

Lợi ích nói chung và lợi ích kinh tế nói riêng có vai trò quan trọng trong sự phát triển (cá nhân, xã hội, quốc tế) vì nó tạo ra động lực làm việc của con người. Mọi vấn đề phức tạp tranh chấp giữa con người với con người, giữa hệ thống này với hệ thống kia, giữa quốc gia này với quốc gia khác cũng là do sự bất bình đẳng về lợi ích, trách nhiệm, quyền hạn gây ra.

Liên quan:

(Nguồn tài liệu: Giáo trình Lý thuyết quản trị kinh doanh, Trường Cao đẳng Lào Cai)

5/5 - (1 bình chọn)

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net

Link xoilac 1 anstad.com, Link xoilac 2 sosmap.net, Link xoilac 3 cultureandyouth.org, Link xoilac 4 xoilac1.site, Link xoilac 5 phongkhamago.com, Link xoilac 6 myphamtocso1.com, Link xoilac 7 greenparkhadong.com, Link xoilac 8 xmx21.com, Link 6686 design 686.design, Link 6686 blog 6686.blog, Link 6686 express 6686.express,