Trang chủ Kinh tế và Kinh doanh Học thuyết kinh tế của Adam Smith

Học thuyết kinh tế của Adam Smith

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 1,K views

1. Tiểu sử, tác phẩm và phương pháp luận của Adam Smith

Adam Smith (1723 - 1790)

Adam Smith (1723 – 1790)

Adam Smith (1723 – 1790) là nhà lý luận kinh tế chính trị cổ điển nổi tiếng ở Anh và trên thế giới. Ông là con của một quan chức trong ngành thuế. Adam Smith đã học ở trường đại học Glasgow và Oxford. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông nghiên cứu và giảng dạy ở Edinburgh và Glasgow 13 năm về thần học, luân lý học, luật học, lôgíc, triết học và cả văn học.

Năm 1763 ông ngừng giảng dạy và đi du lịch các nước Châu Âu, chủ yếu là sang Pháp. Và ở đó, ông đã tiếp xúc với các nhà trọng nông. Năm 1766, ông về nước tập trung nghiên cứu và xuất bản tác phẩm “Nghiên cứu về bản chất và nguyên nhân sự giàu có của các dân tộc”. Tác phẩm này làm ông nổi tiếng và trở thành một trong những nhà lý luận kinh tế vĩ đại. Với bản chất giản dị, khiêm tốn, mười bốn năm cuối đời, ông chỉ là một quan chức nhỏ trong ngành thuế ở địa phương.

Quá trình nghiên cứu của Adam Smith gắn liền với giai đoạn đầu cuộc cách mạng công nghiệp ở nước Anh đã trở thành công xưởng của cả thế giới; giai cấp tư sản thương nghiệp đã thay thế vị trí của tầng lớp thương nhân. Thực tiễn đó chứng tỏ nguồn gốc giàu có của nước Anh không phải ở ngoại thương mà là công nghiệp. Do vậy học thuyết trọng thương không còn căn cứ đứng vững. Đồng thời, thuyết trọng nông với luận điểm về tính chất không sinh ra sản phẩm thuần tuý của ngành công nghiệp cũng không phù hợp, đòi hỏi phải có một cương lĩnh kinh tế mới và học thuyết của Adam smith ra đời.

Thế giới quan của Adam Smith về cơ bản là duy vật. Tuy nhiên, chủ nghĩa duy vật của ông còn mang tính chất tự phát, máy móc, vì xa lạ với phép biện chứng. Phương pháp luận của Adam Smith có tính hai mặt rõ rệt: một mặt vừa đi sâu tìm hiểu về bản chất bên trong của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, mặt khác lại vừa mô tả những hiện tượng biểu hiện ra bên ngoài của nền sản xuất này. Vì vậy, học thuyết của ông hầu như mọi vấn đề nêu ra đều chứa đựng đầy mâu thuẫn.

2. Những nội dùng chủ yếu trong học thuyết kinh tế của Adam Smith

2.1. Lý thuyết “bàn tay vô hình” (invisible hand)

Adam Smith cho rằng, trong xã hội luôn có sự điều tiết tự nhiên giữa lợi ích của mỗi cá nhân với lợi ích chung của toàn xã hội. Mỗi cá nhân luôn có khuynh hướng cải thiện số phận của mình do động lực xuất phát từ lợi ích vi kỷ của họ. Và chính sự cố gắng của cá nhân đó sẽ làm xuất hiện sự hoà nhập trong xã hội.

Chẳng hạn, khi mỗi người sản xuất cố gắng làm thế nào để sản phẩm của mình tốt thêm thì lúc đó anh ta nghĩ đến lợi ích riêng của mình mà thôi, tức là anh ta chỉ bết tư lợi, chỉ làm theo tư lợi, nhưng vô tình anh ta đã làm một việc có ích đối với xã hội.

Như vậy trong mọi trường hợp khi chạy theo lợi ích cá nhân “người kinh tế” bị một bàn tay vô hình chi phối. “Bàn tay vô hình” đó chính là các quy luật kinh tế khách quan tự phát hoạt động, chi phối hành động con người. Ông gọi hệ thống các quy luật khách quan đó là “trật tự tự nhiên”. Để có sự hoạt động của hoạt động tự nhiên này thì cần phải có những điều kiện nhất định. Đó là sự tồn tại và phát triển của sản xuất hàng hoá và trao đổi hàng hoá. Nền kinh tế phải được phát triển trên cơ sở tự do kinh tế. Cần thiết phải có tự do sản xuất, tự do liên doanh, liên kết, tự do mậu dịch. Trên cơ sở đó hình thành mối quan hệ giữa người là phụ thuộc vào nhau. Trong xã hội, với sự tồn tại và phát triển của kinh tế hàng hoá, người ta luôn luôn có quan hệ kinh tế với nhau.

Adam Smith cho rằng cần phải tôn trọng trật tự tự nhiên, tôn trọng “bàn tay vô hình”. Hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hoá được phát triển theo sự điều tiết của bàn tay vô hình. Nhà nước không nên can thiệp vào kinh tế.

Theo Adam Smith, Nhà nước có các chức năng bảo vệ quyền sở hữu của các nhà tư bản, đấu tranh chống thù trong giặc ngoài. Tuy nhiên đôi khi nhà nước có nhiệm vụ kinh tế, khi nhiệm vụ này vượt quá khả năng của các doanh nghiệp như xây dựng đường sá, đào sông, xây dựng các công trình kinh tế lớn. Ông cho rằng quy luật kinh tế là vô địch, mặc dù chính sách kinh tế của Nhà nước có thể kìm hãm hoặc thúc đẩy sự hoạt động các quy luật kinh tế. Khi được hỏi: “Chính sách kinh tế nào phù hợp với trật tự tự nhiên?”. Ông trả lời: Tự do cạnh tranh. Xã hội muốn giàu có phải phát triển kinh tế theo tinh thần tự do.

2.2. Lý thuyết giá trị – lao động

Trước hết theo ông tất cả các loại lao động đều tạo ra giá trị và lao động là thước đo cuối cùng của giá trị, lao động là tiêu chuẩn tuyệt đối, cái duy nhất, cái chính xác nhất để đo lường giá trị. Ông phân biệt rõ sự khác nhau giữa giá trị sử dụng và giá trị trao đổi và cho rằng giá trị sử dụng hay ích lợi không liên quan và không quyết định gì đến giá trị trao đổi. Ví dụ” không có gì hữu ích bằng nước, nhưng với nó thì không thể mua được gì”. Theo ông giá trị trao đổi là do lao động quyết định, giá trị là do hao phí lao động để sản xuất ra hàng hóa quyết định. Đó là khái niệm đúng đắn về giá trị.

Ông chỉ ra, lượng giá trị hàng hóa là do hao phí lao động trung bình cần thiết quyết định. Lao động giản đơn và lao động phức tạp ảnh hưởng khác nhau đến lượng giá trị hàng hóa. Trong cùng một thời gian , lao động phức tạp sẽ tạo ra một lượng giá trị nhiều hơn lao động giản đơn.

Adam Smith còn nêu định nghĩa thứ hai về giá trị hàng hóa: giá trị hàng hóa bằng số lượng lao động mà người ta có thể mua được nhờ hàng hóa đó. Đây là điều luẩn quẫn và sai lầm của Adam Smith. Về cấu thành giá trị của hàng hóa, ông cho rằng trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa giá trị do các nguồn thu nhập hợp thành, nó bằng tiền lương cộng với lợi nhuận và địa tô. Tư tưởng này xa rời lý thuyết giá trị lao động. Ông đã lẫn lộn hai vấn đề hình thành giá trị và phân phối giá trị, ông đã bỏ qua (c) coi giá trị chỉ có (v + m) nên bế tắc khi phân tích tái sản xuất.

Adam Smith đã phân biệt giá cả tự nhiên và giá cả thị trường. Ông cho rằng giá cả tự nhiên là trung tâm, giá cả thị trường là giá bán thực tế của tự nhiên khi hàng hóa đưa ra thị trường với số lượng đủ “thoả mãn nhu cầu thực tế”. Nhưng do biến động của cung cầu làm cho giá cả thị trường chênh lệch với giá cả trung tâm.

 2.3. Lý thuyết về tiền tệ

Ông phê phán quan điểm của những người trọng thương, ông cho rằng tiền là công cụ thuận tiện cho lưu thông và trao đổi hàng hóa. Ông gọi nó là ” phương tiện kỷ thuật ” , ông so sánh tiền với con đường rộng lớn , trên đó người ta chở cỏ khô và lúa mì, con đường không làm tăng thêm cỏ khô và lúa mì. Như vậy, ông đánh giá không đúng về tiền tệ, coi tiền chỉ là môi giới giản đơn. Ông coi tiền là ” bánh xe vĩ đại của lưu thông ” là công cụ đăc biệt của trao đổi và thương mại”. Ông chỉ ra việc thay thế tiền vàng và tiền bạc bằng tiền giấy là hoàn toàn hợp lý vì tiền giấy có nhiều ưu điểm và phát hành tiền giấy cần phải do ngân hàng đảm nhận. Ông nêu lên quy luật phát hành tiền giấy: số lượng tiền giấy phải tương ứng với số lượng tiền vàng mà tiền giấy thay thế trong lưu thông.

Adam Smith chống lại thuyết số lượng tiền tệ ông giải thích như sau: “Không phải số lượng tiền tệ quyết định giá cả, mà giá cả quyết định số lượng tiền tệ”, số lượng tiền tệ được quyết định bởi giá trị của khối lượng hàng hóa trong lưu thông.

2.4. Lý thuyết về tiền lương

Ông cho rằng trước chủ nghĩa tư bản, thì toàn bộ sản phẩm thuộc về người lao động. Trong xã hội tư bản tiền lương là một phần thu nhập của công nhân làm thuê, là một phần của sản phẩm lao động. Những nhân tố trực tiếp quyết định đến tiền lương: Một là, giá trị của các tư liệu sinh hoạt, hai là lượng cầu về lao động. Adam Smith tuyên bố rằng, tiền lương cao là một điều tốt đẹp. Ông không tin rằng lương cao sẽ làm cho người công nhân lười biếng như quan niệm của một số tác giả đương thời . Trái lại, ông coi tiền lương cao sẽ tạo khả năng tăng trưởng kinh tế và mức lương cao hơn tương đối là nhân tố kích thích vạch rõ rằng nhà tư bản không sợ gì việc trả lương cao cho công nhân. Vì cơ chế thị trường lao động sẽ điều chỉnh mức tiền lương thích hợp.

Adam Smith cũng đã phân biệt một cách có lý tiền công danh nghĩa và tiền công thực tế (giá cả bằng tiền và giá cả thực tế của công lao động). Adam Smith không phủ nhận mâu thuẫn xã hội khi ông chỉ ra rằng ” công nhân muốn lĩnh được càng nhiều tiền càng tốt, còn người chủ thì muốn trả càng ít càng hay”

2.5. Lý luận về lợi nhuận

Ông coi lợi tức là một bộ phận của lợi nhuận đẻ ra từ lợi nhuận, còn lợi nhuận là một bộ phận của sản phẩm do công nhân sản xuất tạo ra. Đây là luận điểm đúng đắn và khoa học. Mặt khác Adam Smith cũng cho rằng nguồn gốc của lợi nhuận là do toàn bộ tư bản đầu tư đẻ ra, cả lĩnh vực sản xuất lẫn lưu thông đều tạo ra lợi nhuận như nhau, đây là điểm hạn chế của ông.

Adam Smith chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng đến lợi nhuận: tiền lương tăng thì lợi nhuận giảm và ngược lại. Ông còn phát hiện xu hướng bình quân hóa tỉ suất lợi nhuận giữa các ngành và khuynh tỉ suất lợi nhuận có xu hướng giảm sút. Theo ông tư bản đầu tư càng nhiều thì tỉ suất lợi nhuận càng thấp. Tuy nhiên, ông chưa thấy được vai trò cấu tạo hữu cơ của tư bản tăng làm chậm tốc độ chu chuyển của tư bản đã dẫn tới tỉ suất lợi nhuận giảm.

2.6. Lý luận về địa tô

Adam Smith coi địa tô cũng giống như lợi nhuận, là “khoản khấu trừ vào sản phẩm của lao động tạo ra”. Ông coi địa tô như là “Tiền trả về việc sử dụng đất đai”. Như vậy, ông đã phát hiện điều quan trọng: Độc quyền tư hữu ruộng đất là điều kiện chiếm hữu địa tô.

Ông cho rằng quy mô của địa tô nhiều hay ít là kết quả của giá cả sản phẩm, ông coi địa tô là kết quả của giá cả độc quyền, là kết quả của giá cả cao chứ không phải là nguyên nhân của giá cả cao. Ông đã phân biệt địa tô và tiền tô (tiền thuê ruộng). Theo ông, tiền tô bằng địa tô cộng với lợi tức của tư bản chi phí vào việc cải tạo đất đai.

Theo Adam Smith mức địa tô trên mảnh ruộng là do thu nhập của mảnh ruộng đó đưa lại và chỉ một cách tài tình rằng địa tô trên những ruộng canh tác cây chủ yếu (lương thực và thức ăn cho súc vật) quyết định địa tô trên ruộng trồng cây khác.

Về mặt hạn chế lý luận về địa tô như: Ông coi địa tô là phạm trù vĩnh viễn. Ông chưa hiểu được đại tô chênh lệch II và phủ nhận địa tô tuyệt đối; do ảnh hưởng của chủ nghĩa trọng nông. Adam Smith cho rằng: năng suất lao động nông nghiệp cao hơn năng suất lao động công nghiệp, vì trong nông nghiệp còn có sự giúp đỡ của tự nhiên.

2.7. Lý luận về tư bản

Khác với học thuyết trọng nông coi mọi của cải là tư bản, Adam Smith cho rằng vật phẩm tiêu dùng không thể là tư bản và cũng không phải mọi tư liệu sản xuất đều là tư bản, chỉ có bộ phận tài sản mang lại lợi nhuận mới là tư bản.

Ông phân biệt tư bản cố định và tư bản lưu động, ông cho rằng là tư bản mang lại thu nhập cho người chủ của nó do kết quả của việc thực hiện tiêu thụ hàng hoá. Tư bản lưu động bao gồm: tiền, dự trữ lương thực, nguyên liệu, hàng hoá ở trong kho. Theo ông, tư bản thương nhân thuộc về tư bản lưu động. Tư bản cố định là tư bản đem lại lợi nhuận mà không chuyển quyền sở hữu. Tư bản cố định bao gồm: máy móc, công cụ, công trình xây dựng..v.v…

Điều quý giá trong lý luận của Adam Smith là quan điểm tiết kiệm. Ông cho rằng, muốn có tư bản phải tiết kiệm, nhà tư bản phải dành một phần thu nhập của mình để mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm.

Tóm lại, những tư tưởng kinh tế của ông đều có mâu thuẫn, song đã gây một tiếng vang sâu đậm trong giới học giả tư sản và đặt nền móng cho học thuyết kinh tế tư sản cổ điển. Ông được các học giả hậu bối suy tôn là cha đẻ của kinh tế học.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net