Trang chủ Kinh tế và Kinh doanh Học thuyết kinh tế của David Ricardo

Học thuyết kinh tế của David Ricardo

by Ngo Thinh
700 views

1. Tiểu sử David Ricardo

David Ricardo (1772-1823)

David Ricardo (1772-1823)

David Ricardo (1772-1823) sinh ra tại một gia đình giàu có ở nước Anh. Bố là người Hà Lan di cư sang Anh, một nhà kinh doanh chứng khoán Châu Âu. Năm 12 tuổi ông vào học ở trường trung học thương nghiệp, sau đó làm việc trong lĩnh vực buôn bán chứng khoán. Nhờ có tài trong công việc này, ông trở nên giàu có nhanh chóng, phải nói rằng ông là người giàu nhất nước Anh lúc bấy giờ.

Ông nghiên cứu nhiều lĩnh vực như toán học, địa chất. Tuy nhiên, sở trường của ông là kinh tế chính trị học. Ông xuất bản nhiều tác phẩm, nổi tiếng nhất là “Những nguyên lý cơ bản của chính sách kinh tế và thuế khoá” hay “Những nguyên lý của kinh tế chính trị học” (1817).
Nếu như Adam Smith sống trong thời kỳ công trường, thủ công phát triển mạnh mẽ thì David Ricardo sống trong thời kỳ cách mạng công nghiệp. Đó là điều kiện khách quan cho việc nghiên cứu của ông để ông giải thích sâu sắc hơn đầy đủ hơn Adam Smith.

Theo K.Marx, Adam Smith là nhà kinh tế của giai đoạn công trường thủ công. Còn David Ricardo là nhà kinh tế của thời đại công nghiệp.

2. Một số lý thuyết kinh tế của D. Ricardo

2.1. Lý thuyết về giá trị

Trong lý thuyết giá trị, D. Ricardo dựa vào lý thuyết của Adam Smith, kế thừa và phát triển của ông. Ông phân biệt rõ hai thuộc tính của hàng hoá là giá trị sử dụng và giá trị trao đổi và chỉ rõ giá trị sử dụng là điều kiện cần thiết cho giá trị trao đổi, nhưng không phải là thước đo của nó. Trừ một số ít hàng hoá khan hiếm thì giá trị sử dụng quyết định giá trị trao đổi còn đại đa số hàng hoá khác, giá trị do lao động quyết định.

D. Ricardo xem xét lại lý luận giá trị của Adam Smith gạt bỏ những chỗ thừa và mâu thuẫn trong lý thuyết kinh tế của Adamsmith. Ông cho rằng trong hai định nghĩa về giá trị của Adam Smith thì định nghĩa (1) là đúng, còn định nghĩa (2) là sai cần vứt bỏ nó đi.

Về cơ cấu giá trị hàng hoá phải bao gồm ba bộ phận là C + V + m, chứ không thể loại C ra khỏi giá trị sản phẩm như Adam Smith. Tuy nhiên ông chưa phân tích được sự chuyển dịch của C vào sản phẩm mới diễn ra như thế nào?

D. Ricardo cũng đã đề cập đến lao động phức tạp, lao động giản đơn nhưng ông chưa lý giải việc quy lao động phức tạp thành lao động giản đơn. Ông giải thích lao động xã hội cần thiết quyết định lượng giá trị hàng hoá, song lại cho rằng, lao động xã hội cần thiết do điều kiện sản xuất xấu nhất quyết định.

Về quan hệ giữa giá trị và giá cả, D. Ricardo cho rằng giá trị là tuyệt đối, còn giá trị trao đổi hay giá cả là tương đối và “Cái có tính chất điều tiết giá cả là hao phí lao động sản xuất”.

Những hạn chế của David Ricardo trong lý luận về giá trị mãi sau này mới được C.Mác khắc phục và hoàn thiện.

2.2. Lý thuyết về tiền lương

Ông coi tiền lương là giá cả của lao động. Ông phân biệt giá cả tự nhiên với giá cả thị trường của lao động. Giá cả tự nhiên của lao động là giá trị những tư liệu sinh hoạt nuôi sống người công nhân và gia đình anh ta. Giá cả đó tăng lên khi giá tư liệu sinh hoạt tăng và hạ xuống khi giá những thứ đó hạ xuống. Giá cả tự nhiên của lao động còn phụ thuộc vào phong tục tập quán của nhân dân.

Giá cả thị trường của lao động chịu ảnh hưởng của quan hệ cung cầu về lao động, “Lao động đắt khi nó hiếm và rẻ khi nó nhiều”…

Ông cho rằng, tiền lương lúc nào cũng nên ở mức thấp nhất, tối thiểu vừa đủ sống, đó là quy luật chung tự nhiên cho mọi xã hội. Ông lý giải nếu tiền lương cao công nhân có khuynh hướng sinh đẻ nhiều và nếu đời sống sung túc thì tỉ lệ chết cũng giảm xuống mức tối thiểu, do đó số công nhân cần việc làm sẽ gia tăng, trong khi sức cầu về lao động tương đối không thay đổi và điều này sẽ làm cho tiền lương trở lại mức tối thiểu.

2.3. Lý thuyết về lợi nhuận

Ông coi lợi nhuận là khoản khấu trừ từ sản phẩm lao động của công nhân, tức là khoản dôi ra ngoài tiền lương của công nhân. Ông thấy được quan hệ mâu thuẫn giữa tiền lương và lợi nhuận. Ông cho rằng sự thay đổi của lợi nhuận tuỳ thuộc vào thay đổi của tiền lương chứ không phải ngược lại. Ông nêu ra hai xu hướng trái ngược nhau sự vận động của tiền lương, việc hạ thấp tiền lương làm cho lợi nhuận tăng lên và ngược lại tiền lương tăng làm cho lợi nhuận giảm. Như vậy, D. Ricardo đã nhận thấy sự đối lập giữa tiền lương và lợi nhuận, tức là đối lập giữa lợi ích kinh tế của công nhân và các nhà tư bản.

Ông đặc biệt lo ngại về xu hướng tăng tiền lương vì nó làm giảm mức lợi nhuận của các nhà tư bản và như vậy kiềm hãm sản xuất

2.4. Lý thuyết về tiền tệ:

Đặc trưng nổi bật trong lý thuyết tiền tệ của D. Ricardo mang tính hai mặt. Một mặt ông coi giá trị của tiền là do giá trị vật liệu (vàng, bạc) làm ra tiền quết định. Nó bằng số lượng lao động hao phí để khai thác vàng, bạc. Theo ông, giá cả hàng hoá phụ thuộc vào giá trị tiền tệ, nếu vật liệu làm ra tiền đắt thì giá cả hàng hoá giảm xuống.

Song mặt khác ông lại đi theo lập trường của thuyết “Số lượng tiền tệ”. Theo thuyết này, giá trị của tiền phụ thuộc vào khối lượng của nó. Nếu số lượng tiền càng nhiều, thì giá trị của tiền tệ càng ít và ngược lại. Còn bản thân tiền tệ không có giá trị nội tại. Thực tế ở đây là hai quy luật lưu thông tiền tệ vận dụng cho các loại tiền khác nhau. Một loại là ứng với lưu thông tiền vàng, một ứng với lưu thông tiền giấy.

2.5. Lý thuyết về địa tô

Ông bác bỏ lý luận cho rằng địa tô là những sản vật của lực lượng tự nhiên hoặc do năng suất lao động đặc biệt trong nông nghiệp mạng lại. Ông hoàn toàn đựa vào quy luật giá trị để giải thích địa tô, nhấn mạnh rằng địa tô hình thành không ngược với quy luật giá trị mà theo quy luật giá trị. Ông lập luận rằng, vì số lượng đất đai không phải là vô hạn chất lượng của nó không giống nhau. Dân số càng tăng nên xã hội phải canh tác trên ruộng đất xấu. Vì canh tác trên ruộng đất xấu, nên giá trị nông sản phẩm do hao phí lao động trên ruộng đất xấu nhất quyết định. Vì vậy ở những ruộng đất tốt, trung bình cùng với mức đầu tư chi phí, sẽ thu được lượng sản phẩm nhiều hơn so với ruộng đất xấu. Khoản chênh lệch đó trả cho địa chủ gọi là địa tô.

Cũng như Adam Smith, David Ricardo đã phân biệt được địa tô và tiền tô. Địa tô là việc trả công cho những khả năng thuần tuý tự nhiên. Ngoài địa tô, tiền tô còn bao gồm cả lợi nhuận do tư bản đầu tư vào ruộng đất.

Hạn chế quan trọng nhất trong lý thuyết địa tô của David Ricardo là ông chưa đề cập đến địa tô chênh lệch II và phủ nhận địa tô tuyệt đối.

2.6. Lý thuyết về mậu dịch quốc tế

Theo lý thuyết này thì D. Ricardo cho rằng một quốc gia sẽ có lợi hơn nếu mua được những gì bên ngoài mà trong nước sản xuất tốn kém hơn, đó là nguyên tắc cơ bản của mậu dịch quốc tế. Ông đưa ra ví dụ: có 2 quốc gia A và B, cùng với 100 giờ lao động. Trường hợp thứ nhất, quốc gia A sẽ sản xuất 100 tấn lúa hoặc 200 tấn than, quốc gia B sẽ sản xuất 80 tấn lúa hoặc hơn 400 tấn than. Nếu không có phân công và trao đổi giữa A và B thì sức sản xuất chung sẽ là 180 tấn lúa và 600 tấn than cho 400 giờ lao động, còn nếu có phân công quốc gia A chuyên sản xuất lúa với 200 giờ lao động sẽ sản xuất 200 tấn lúa và cũng với 200 giờ lao động, B sản xuất 800 tấn than. Như vậy sức sản xuất chung rõ ràng có lợi . Ở A, 1 tấn lúa đổi 2 tấn than và ở B 1 tấn lúa đổi 5 tấn than. Nếu A và B trao đổi cho nhau thì cả 2 bên cùng có lợi.

D. Ricardo còn nói thêm, đối với 1 quốc gia, những món tiền thu vào và những món nợ cần thanh toán sẽ tự động ở một trạng thái quân bình bởi một cơ chế tự nhiên. Từ đó, theo ông cần huỷ bỏ mọi hàng rào thuế quan, thực hiện chính sách tự do mậu dịch sẽ có lợi cho mọi quốc gia.

Tóm lại, kinh tế chính trị tư sản cổ điển đến giai đoạn của D. Ricardo đã đạt đến mức cao nhất và tiến gần đến chân lý khoa học. Sở dĩ như vậy là nhờ hai điều kiện:

+ Nền sản xuất TBCN đang lên, nên lợi ích của giai cấp tư bản còn phù hợp với lợi ích xã hội.

+ Sự đối kháng giai cấp giữa giai cấp tư sản và vô sản chưa trở thành mối đe doạ trực tiếp đối với tư bản, còn cho phép xem xét các vấn đề kinh tế một cách vô tư và khách quan hơn.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net