Tìm hiểu Học thuyết Kinh tế của William Petty.
1. Tiểu sử William Petty
William Petty sinh ra trong một gia đình làm nghề thủ công. Ông là người học rộng, biết nhiều và có tài trên nhiều lĩnh vực, có trình độ tiến sĩ vật lý, là nhạc trưởng, là người phát minh ra máy móc, là bác sĩ trong quân đội. Ông vừa là một đại địa chủ vừa là một nhà công nghiệp, ông còn cha đẻ của khoa học thống kê. Ông viết nhiều tác phẩm như “Điều ước về thuế và thu thuế”(1962), ” Số học chính trị”(1676), ” Bàn về tiền tệ” (1682)
Trong những tác phẩm đầu tiên, W. Petty còn mang nặng những tư tưởng trọng thương, nhưng đến tác phẩm xuất bản cuối cùng của ông (1682) thì không còn dấu vết của chủ nghĩa trọng thương.
2. Một số nội dung cơ bản trong học thuyết Kinh tế của W. Petty
a. Lý thuyết giá trị – lao động:
Khi nghiên cứu về giá trị lao động, ông dùng thuật ngữ “giá cả” và chia thành “giá cả chính trị” và “giá cả tự nhiên”. Theo ông giá cả chính trị là “giá cả thị trường” nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố ngẫu nhiên, thường xuyên thay đổi nên rất khó xác định. Còn giá cả tự nhiên (tức giá trị) là do thời gian lao động hao phí quyết định và năng suất lao động có ảnh hưởng đến mức hao phí đó.
Như vậy, W. Petty là người đầu tiên tìm thấy cơ sở của giá cả tự nhiên là lao động. Ông kết luận rằng: số lượng lao động bằng nhau bỏ vào sản xuất là cơ sở để so sánh giá trị hàng hoá. Giá cả tự nhiên (giá trị) tỉ lệ nghịch với năng suất lao động khai thác bạc hay vàng. W. Petty đặt vấn đề nghiên cứu lao động giản đơn và lao động phức tạp nhưng không thành.
Tuy nhiên, lý thuyết giá trị lao động của ông còn chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa trọng thương. Ông chỉ thừa nhận lao động khai thác vàng bạc là nguồn gốc của giá trị, còn giá trị các hàng hoá khác chỉ được xác định nhờ quá trình trao đổi với vàng bạc, nói một cách khác là lao động trong các ngành khác chỉ tạo nên của cải khi so sánh với lao động tạo ra tiền. Mặt khác ông có luận điểm nổi tiếng là: “Lao động là cha, còn đất là mẹ của mọi của cải vật chất”. Về phương diện của cải vật chất, đó là công lao to lớn của ông. Nhưng sai lầm là ông đã coi hai yếu tố cả lao động và đất đai là nguồn gốc của giá trị.
b. Lý thuyết về tiền tệ:
W. Petty nghiên cứu hai thứ kim loại giữ vai trò tiền tệ là vàng và bạc. Giá trị của chúng dựa trên cơ sở lao động khai thác ra chúng quyết định. Ông phê phán chế độ song bản vị lấy vàng và bạc làm đơn vị tiền tệ và ủng hộ chế độ đơn bản vị. Ông là người đầu tiên đưa ra quy luật lưu thông tiền tệ mà nội dùng của nó là số lượng tiền cần thiết cho lưu thông được xác định trên cơ sở số lượng hàng hoá và tốc độ chu chuyển của tiền tệ. Ông chỉ ra ảnh hưởng của thời gian thanh toán với số lượng tiền tệ cần thiết trong lưu thông; thời gian thanh toán càng dài thì số lưọng cần thiết cho lưu thông càng nhiều. Nhìn chung quan điểm tiền tệ của ông có nhiều điểm mà sau này các nhà kinh tế học theo quan điểm giá trị- lao động tiếp tục phát triển.
c. Lý thuyết về tiền lương:
W. Petty không định nghĩa khái niệm tiền lương mà chỉ nêu lên quan điểm về mức lương. Ông xác định tiền lương là khoản giá trị tư liệu sinh hoạt cần thiết tối thiểu cho công nhân. Tiền lương không thể vượt quá những tư liệu sinh hoạt cần thiết tối thiểu.
Theo ông tiền lương cao thì công nhân không muốn làm việc mà họ thích uống rượu say. Muốn cho công nhân làm việc thì phải hạ thấp tiền lương đến mức ít nhất. Ông cũng đi sâu phân tích mối quan hệ tiền lương với lợi nhuận, với giá cả về tư liệu sinh hoạt, với cung cầu về lao động. Ông cho rằng tiền lương cao thì lợi nhuận giảm và ngược lại; nếu giá cả lúa mì tăng lên (trong trường hợp mất mùa) thì sự bần cùng của công nhân tăng lên; số lượng lao động tăng lên thì tiền lương sẽ thụt xuống.
d. Lý thuyết về địa tô, lợi tức và giá cả ruộng đất
+ Về địa tô: W. Petty đã nghiên cứu và tìm thấy nguồn gốc của địa tô ở trong lĩnh vực sản xuất. Ông định nghĩa địa tô là số chênh lệch giữa giá trị của sản phẩm và chi phí sản xuất (bao gồm chi phí tiền lương và chi phí giống má). Theo lôgíc phân tích của ông chúng ta cũng dễ dàng rút ra kết luận rằng, công nhân chỉ nhận được tiền lương tối thiểu, số còn lại là lợi nhuận và địa tô của địa chủ. K.Marx nhận xét, W. Petty là người nêu ra mầm mống của lý luận về chế độ bóc lột, dự đoán đúng đắn bản chất của giá trị thặng dư.
+ Về lợi tức: ông cho rằng lợi tức là địa tô của tiền (thu nhập do cho vay bầng tiền), mức lợi tức phụ thuộc vào mức địa tô. Theo ông, người có tiền có thể sử dụng nó bằng hai cách để đem lại thu nhập. Cách thứ nhất là mua ruộng đất để cho thuê và thu địa tô, đó là cách sử dụng tiền tệ tốt nhất. Cách thứ hai là cho vay để thu lợi tức. Như vậy lợi tức là thu nhập phát sinh của địa tô. Muốn xác định lợi tức phải dựa vào địa tô. Mức cao hay thấp của lợi tức phụ thuộc vào điều kiện sản xuất của nông nghiệp quyết định.
+ Về giá cả ruộng đất: Công lao to lớn của W. Petty là ông đã dùng lý luận giá trị lao động để giải thích giá cả ruộng đất. Ông cho rằng bán ruộng đất là bán quyền nhận địa tô. Vì vậy, giá cả ruộng đất do địa tô quyết định. Ông đưa ra công thức tính giá cả ruộng đất là: giá của ruộng đất = địa tô x 20. Con số 20 là do ông dựa vào tài liệu thống kê dân số. Ông thấy trong một gia đình có con 7 tuổi, cha 27 tuổi, ông 47 tuổi. Họ cách nhau 20 tuổivà còn sống với nhau 20 năm nữa. Do vậy, ông đã lấy con số 20 để tính giá cả ruộng đất. Trong cách tính này, xác định giá cả ruộng đất trên cơ sở địa tô là đúng; song dùng con số 20 để nhân là không có cơ sở khoa học.
* Đánh giá khái quát về W. Petty: F.Engels viết: “Bóng của W. Petty đã bao trùm lên khoa học kinh tế chính trị trong suốt hơn nửa thế kỷ, từ 1691 đến 1752, tất cả các nhà kinh tế chính trị học dù tán thành hay phản đối ông, đều lấy ông làm điểm xuất phát…”