Trang chủ Khoa học Chính trị Chính trị quốc tế là gì? Cấu trúc của chính trị quốc tế

Chính trị quốc tế là gì? Cấu trúc của chính trị quốc tế

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 835 views

Chính trị quốc tế là gì? Trình bày cấu trúc của chính trị quốc tế?

Khái niệm

Chính trị quốc tế (chính trị thế giới) là nền chính trị được triển khai trên quy mô hành tinh, toàn thế giới, vượt khỏi phạm vi mỗi quốc gia.

Nền chính trị của xã hội chính trị quốc tế thời kỳ trước Chiến tranh thế giới II được hình thành chủ yếu bởi kết quả của quá trình hình thành các nhà nước – dân tộc.

Từ sau Chiến tranh thế giới II, xã hội quốc tế bao gồm gần 200 quốc gia độc lập có chủ quyền, hàng chục vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế. Mặc dù nền chính trị quốc tế được tạo bởi sự tác động tương tác của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, nhưng về thực chất là trật tự thế giới hai cực : Xô – Mỹ.

Sau sự sụp đổ của chế độ CNXH ở Liên Xô và sự tan rã của các nước Đông Âu, trật tự thế giới 2 cực được thay bằng trật tự đa cực.

Như vậy, chính trị quốc tế (chính trị thế giới) là nền chính trị được triển khai trên quy mô toàn hành tinh, toàn thế giới bởi sự tương tác của các quốc gia, dân tộc có chủ quyền, các tổ chức quốc tế, các phong trào chính trị, các công ty quốc gia vì một trật tự thế giới mới – trật tự thế giới đa cực.

Cấu trúc của chính trị quốc tế

Các nhà nước – dân tộc:

Nhà nước dân tộc là những đơn vị cơ bản tạo nên nền chính trị quốc tế đương đại. Chính sự hoạt động của các nhà nước – dân tộc thực hiện các chức năng đối nội – đối ngoại vì lợi ích dân tộc, quốc gia và quốc tế đã tạo nên những quan hệ thuận chiều với nền hòa bình, ổn định và phát triển chung của nhân loại.

Việc bảo đảm tính độc lập của dân tộc và chủ quyền của các nhà nước – dân tộc cũng giống như việc bảo đảm tự do và nhân quyền của các cá nhân trong xã hội – quốc dân – cơ sở của chủ nghĩa dân chủ – là căn nguyên tạo nên sự chuyển động của nền chính trị quốc tế.

Vì vậy, để tạo ra một trật tự thế giới hòa bình, ổn định và phát triển, đòi hỏi các nhà nước – dân tộc phải tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh các nguyên tắc có tính phổ biến : tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi. Giải quyết các vấn đề tồn tại và các tranh chấp bằng thương lượng trên cơ sở luật pháp và tập quán quốc tế. Điều kiện cho sự tôn trọng luật pháp quốc tế là:

+ Ở mỗi quốc gia, dân chủ & nhân quyền phải được tôn trọng; đồng thời các nhà nước – dân tộc dù lớn hay nhỏ phải thực hiện đường lối đối nội đối ngoại hòa bình, hợp tác cùng có lợi.

+ Các nước không được theo đuổi ý đồ tạo trật tự thế giới bằng sức mạnh quân sự, đặc biệt các nước lớn phải loại bỏ tham vọng thống trị xã hội quốc tế, bắt các nước nhỏ phụ thuộc các nước lớn. Các nước nhỏ trên cơ sở giác ngộ lợi ích dân tộc, tự lập vươn lên và tham gia tích cực vào phong trào không liên kết để bảo vệ độc lập chủ quyền và lợi ích chân chính của mình.

+ Tôn trọng sự khác nhau về chế độ chính trị của mỗi quốc gia dân tộc, các tổ chức khu vực ( ASEAN, EU…) các cộng đồng có chung mối quan tâm (cộng đồng Pháp ngữ, cộng đồng Anh ngữ, cộng đồng Mỹ Latinh…); phấn đấu vì hòa bình khu vực, lợi ích cộng đồng trên cơ sở những qui ước khu vực không trái với luật pháp và tập quán quốc tế.

Các tổ chức quốc tế:

Ngoài các đơn vị là nhà nước – dân tộc (quốc gia dân tộc), nền chính trị của xã hội quốc tế còn được hình thành bởi sử tác động của nhiều tổ chức quốc tế.

Tổ chức quốc tế là tổ chức được thành lập trên cơ sở những thỏa thuận quốc tế giữa các quốc gia độc lập có chủ quyền, các đảng phái, các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội vì mục tiêu và lợi ích chung, Đó là một thiết chế của quan hệ quốc tế đa phương, có mục tiêu, quyền hạn, quy định về cấu trúc tổ chức do thành viên của tổ chức thỏa thuận.

Các tổ chức quốc tế rất đa dạng về quy mô, lĩnh vực, tính chất, mục đích hoạt động nhưng đều có những đặc trưng sau:

+ Được thành lập trên cơ sở thỏa thuận giữa các chủ thể (chính trị, kinh tế, xã hội…) quốc tế

+ Không có cư dân và lãnh thổ nhất định.

+ Được hình thành bởi các quốc gia có chủ quyền.

+ Các quyết định của tổ chức quốc tế mang tính chất khuyến nghị, không có tính ép buộc mà chủ yếu dựa vào tính tự giác của các thành viên hoặc sức ép của dư luận quốc tế.

+ Có quyền hưởng ưu đãi và miễn trừ ngoại giao; có quyền ký các điều ước quốc tế với các quốc gia và tổ chức quốc tế khác; có quyền trao đổi đại diện với các tổ chức khác; có những nghĩa vụ quốc tế nhất định.

Vai trò của các tổ chức quốc tế:

+ Góp phần duy trì nền hòa bình và củng cố an ninh quốc tế.

+ Hợp tác và hòa giải quốc tế rộng lớn.

+ Tham gia quản lý những vấn đề toàn cầu và mở rộng không gian quốc tế.

+ Từng bước xây dựng cơ chế dân chủ hóa trong quan hệ quốc tế.

+ Bảo vệ quyền tự nhiên của con người, như quyền tự do, dân chủ, tự do ngôn luận, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, ngôn ngữ…

Trong thế giới đương đại có một số tổ chức có vai trò lớn, ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu sắc tới nền chính trị quốc tế. Đó là: Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới, Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN)…

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]