Trang chủ Quốc phòng An ninh Chiến tranh là gì? Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về chiến tranh

Chiến tranh là gì? Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về chiến tranh

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 1,7K views

Chiến tranh là gì? Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về chiến tranh.

Chiến tranh là một hiện tượng chính trị – xã hội trong lịch sử.

Chiến tranh là một vấn đề phức tạp, trước Karl Marx, Friedrich Engels đã có nhiều nhà tư tưởng đề cập đến vấn đề này, song đáng chú ý nhất là tư tưởng của Carl Philipp Gottfried von Clausewitz (Carl Ph.Clausewitz), ông quan niệm: Chiến tranh là một hành vi bạo lực dùng để buộc đối phương phải phục tùng ý trí của mình. Chiến tranh là sự huy động không hạn độ, sức mạnh đến tột cùng của các bên tham chiến. Ở đây Carl Ph. Clausewitz đã chỉ ra được đặc trưng cơ bản của chiến tranh đó là sử dụng bạo lực. Tuy nhiên ông chưa luận giải được bản chất của hành vi bạo lực ấy.

Đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, dựa trên các luận cứ khoa học và thực tiễn các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác đã kế thừa tư tưởng đó và đi đến khẳng định: Chiến tranh là một hiện tượng chính trị – xã hội có tính lịch sử, đó là cuộc đấu tranh vũ trang có tổ chức giữa các giai cấp, nhà nước (hoặc liên minh giữa các nước) nhằm đạt mục đích chính trị nhất định. Các ông đã phân tích chế độ công xã nguyên thủy và chỉ ra rằng, thời kỳ công xã nguyên thủy kéo dài hàng vạn năm, con người chưa hề biết chiến tranh. Vì đặc trưng của chế độ này là trình độ phát triển của lực lượng sản xuất hết sức thấp kém, tổ chức xã hội thì còn sơ khai, con người hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. Động cơ cơ bản của sự phát triển xã hội công xã nguyên thủy là cuộc đấu tranh giữa con người với tự nhiên. Trong xã hội đó, các mâu thuẫn và xung đột giữa các bộ lạc, kể cả xung đột vũ trang là thứ yếu, không mang tính xã hội. Những cuộc đấu tranh tranh giành đất đai, các khu vực săn bắn hái lượm, các bãi chăn thả các hành động đó chỉ là đấu tranh để sinh tồn. Trong các cuộc xung đột ấy tuy đã có yếu tố bạo lực vũ trang, nhưng những yếu tố bạo lực vũ trang đó chỉ có ý nghĩa để thỏa mãn các nhu cầu kinh tế trực tiếp của các bộ tộc, bộ lạc. Vì vậy Karl Marx, Friedrich Engels coi đây như là một hình thức lao động nguyên thủy. Các xung đột ở xã hội công xã nguyên thủy không phải là chiến tranh, đó chỉ là những cuộc xung đột mang tính tự phát ngẫu nhiên.

Như vậy, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin chiến tranh là những kết quả của những quan hệ giữa người với người trong xã hội. Nhưng nó không phải là những mối quan hệ giữa người với người nói chung. Mà nó là mối quan hệ giữa những tập đoàn người có lợi ích cơ bản đối lập nhau. Khác với các hiện tượng chính trị – xã hội khác, chiến tranh chiến tranh được thể hiện dưới một hình thức đặc biệt, sử dụng một công cụ đặc biệt đó là bạo lực vũ trang.

Bất chấp thực tế đó, các học giả tư sản cho rằng chiến tranh đã có ngay từ khi xuất hiện xã hội loài người và không thể nào loại trừ được nó. Mục đích của họ là để che đậy cho hành động chiến tranh xâm lược do giai cấp tư sản phát động

Nguồn gốc nảy sinh chiến tranh

Chiến tranh bắt nguồn từ chế độ tư hữu, giai cấp và nhà nước.

Bằng thế giới quan và phương pháp luận duy vật biện chứng cùng sự kết hợp sáng tạo phương pháp logic và lịch sử K. Marx và F. Engels lần đầu tiên trong lịch sử đã luận giải một cách đúng đắn về nguồn gốc nẩy sinh chiến tranh. Chủ nghĩa Mác – Lênin khẳng định: sự xuất hiện và tồn tại của chế độ, chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất là nguồn gốc sâu xa (nguồn gốc kinh tế), suy đến cùng đã dẫn đến xuất hiện, tồn tại của chiến tranh. Đồng thời, sự xuất hiện và tồn tại của giai cấp và đối kháng giai cấp là nguồn gốc trực tiếp (nguồn gốc xã hội) dẫn đến sự xuất hiện, tồn tại của chiến tranh.

Quá trình hình thành và phát triển của xã hội loài người đã chứng minh cho nhận định trên. Trong tác phẩm: “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước”, F.Engels chỉ rõ: Trải qua hàng vạn năm trong chế độ cộng sản nguyên thủy, khi chưa có chế độ tư hữu, chưa có giai cấp đối kháng thì chiến tranh với tính cách là một hiện tượng chính trị xã hội cũng chưa xuất hiện. Mặc dù thời kì này đã xuất hiện những cuộc xung đột vũ trang. Nhưng đó không phải là một cuộc chiến tranh mà chỉ là một dạng “Lao động nguyên thủy”. Bởi vì, xét về mặt xã hội, xã hội công xã nguyên thủy là một xã hội không giai cấp, bình đẳng, không có tình trạng phân chia thành kẻ giàu, người nghèo, kẻ đi áp bức bóc lột và người bị áp bức bóc lột. Về kinh tế, không có của “dư thừa tương đối” để người này có thể chiếm đoạt thành quả lao động của người khác, mục tiêu của các cuộc xung đột đó chỉ để tranh giành các điều kiện tự nhiên thuận lợi để tồn tại như; nguồn nước, bãi chăn thả, vùng săn bắn hay hang động… Về kĩ thuật quân sự, trong các cuộc xung đột này, tất cả bên tham gia đều không có lực lượng vũ trang chuyên nghiệp, cũng như vũ khí chuyên dùng. Do đó, các cuộc xung đột vũ trang hoàn toàn mang tính ngẫu nhiên tự phát. Theo đó F.Engels chỉ rõ, khi chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất xuất hiện và cùng với nó là sự ra đời của giai cấp, tầng lớp áp bức bóc lột từ đó xuất hiện và tồn tại chiến tranh như một tất yếu khách quan. Chế độ áp bức bóc lột càng hoàn thiện thì chiến tranh càng phát triển. Chiến tranh trở thành bạn đường của mọi chế độ tư hữu.

Tiếp tục phát triển những luận điểm của Karl Marx, Friedrich Engels về chiến tranh trong điều kiện lịch sử mới, Lênin chỉ rõ: Trong thời đại ngày nay còn chủ nghĩa đế quốc thì còn nguy cơ xảy ra chiến tranh, chiến tranh là bạn đường của chủ nghĩa đế quốc.

Như vậy, chiến tranh có nguồn gốc từ chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, có đối kháng giai cấp và có áp bức bóc lột. Chiến tranh không phải bắt nguồn từ bản năng sinh vật của con người, không phải là định mệnh và cũng không phải là hiện tượng tồn tại vĩnh viễn. Muốn xóa bỏ chiến tranh thì phải xóa bỏ nguồn gốc sinh ra nó.

Bản chất của chiến tranh là kế tục sự nghiệp chính trị bằng thủ đoạn bạo lực.

Bản chất chiến tranh là một trong nội dung cơ bản, quan trọng nhất của học thuyết Mác – Lênin về chiến tranh, quân đội. Theo V.I Lênin: “Chiến tranh là sự tiếp tục của chính trị bằng biện pháp khác” (cụ thể là bằng bạo lực). Theo V.I Lênin, khi phân tích bản chất chiến tranh, nhất thiết phải có quan điểm chính trị – giai cấp, xem chiến tranh chỉ là một hiện tượng lịch sử cụ thể. Theo quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin: “Chính trị là sự phản ánh tập trung của kinh tế”, “Chính trị là mối quan hệ giữa các giai cấp, các dân tộc”, chính trị là sự thống nhất giữa đường lối đối nội và đường lối đối ngoại, trong đó đường lối đối ngoại phụ thuộc vào đường lối đối nội. Lênin chỉ rõ “mọi cuộc chiến tranh đều gắn liền với chế độ chính trị sinh ra nó”, chính trị chi phối chiến tranh từ đấu đên cuối. Như vậy, chiến tranh chỉ là một thời đoạn, một bộ phận của chính trị, nó không làm gián đoạn chính trị. Ngược lại, mọi chức năng, nhiệm vụ của chính trị đều được tiếp tục thực hiện trong chiến tranh. Giữa chiến tranh và chính trị có quan hệ chặt chẽ với nhau trong đó chính trị chi phối và quyết định toàn bộ tiến trình và kết cục chiến tranh, chính trị chỉ đạo toàn bộ hoặc phần lớn tiến trình và kết cục của chiến tranh, chính trị quy định mục tiêu và điều chỉnh mục tiêu, hình thức tiến hành đấu tranh vũ trang. Chính trị không chỉ kiểm tra toàn bộ quá trình tác chiến, mà còn sử dụng kết quả sau chiến tranh để đề ra những nhiệm vụ, những mục tiêu mới cho giai cấp, xã hội trên cơ sở thắng lợi hay thất bại của chiến tranh. Ngược lại, chiến tranh là một bộ phận, một phương tiện chính trị. Chiến tranh tác động trở lại chính trị theo hướng tích cực hoặc tiêu cực; hoặc tích cực ở khâu này nhưng tiêu cực ở khâu khác. Chiến tranh có thể làm thay đổi đường lối, chính sách, nhiệm vụ cụ thể, thậm chí còn thay đổi cả thành phần của lực lượng lãnh đạo chính trị trong bên tham chiến. Chiến tranh tác động lên chính trị thông qua việc làm thay đổi về chất tình hình xã hội, nó làm phức tạp hóa các mối quan hệ và làm tăng thêm những mâu thuẫn vốn có trong xã hội có đối kháng giai cấp. Chiến tranh có thể đẩy nhanh sự chín muồi của cách mạng hoặc làm mất đi tình thế cách mạng. Chiến tranh kiểm tra sức sống của toàn bộ chế độ chính trị xã hội.

Trong thời đại hiện nay mặc dù chiến tranh có những thay đổi về phương thức tác chiến, vũ khí trang bị song bản chất chiến tranh vẫn không có gì thay đổi, chiến tranh vẫn là sự tiếp tục chính trị của các nhà nước và giai cấp nhất định. Đường lối chính trị của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch vẫn luôn chứa đựng nguy cơ chiến tranh, đường lối đó đã quyết định đến mục tiêu chiến tranh, tổ chức biên chế, phương thức tác chiến, vũ khí trang bị của quân đội do chúng tổ chức ra và nuôi dưỡng.

Tính chất của chiến tranh

Xuất phát từ địa vị lịch sử của các giai cấp đối với sự phát triển xã hội từ mục đích chính trị của chiến tranh. Karl Marx, Friedrich Engels đã phân chia chiến tranh thành: chiến tranh tiến bộ và chiến tranh phản động. Chiến tranh tiến bộ bao gồm: những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc chống lại bọn thực dân xâm lược và những cuộc nội chiến của giai cấp bị áp bức bóc lột. Chiến tranh phản động là những cuộc chiến tranh đi xâm lược đất đai, nô dịch các dân tộc khác. Từ đó, các ông xác định thái độ ủng hộ những cuộc chiến tranh tiến bộ, chính nghĩa và phản đối những cuộc chiến tranh phản động, phi nghĩa.

Lênin phân loại chiến tranh dựa trên các mâu thuẫn cơ bản thời đại mới và đã phân tích chiến tranh thành: chiến tranh cách mạng và chiến tranh phản cách mạng hay còn gọi là: chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa.

Người xác định thái độ là: Giai cấp vô sản cần lên án các cuộc chiến tranh phản cách mạng, phi nghĩa, ủng hộ các cuộc chiến tranh cách mạng, tự vệ chính nghĩa.

(Nguồn tham khảo: Đường lối quốc phòng và an ninh của Đảng cộng sản Việt Nam)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]