Trang chủ Quốc phòng An ninh Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 720 views

1. Phân biệt rõ sự đối lập mục đích chính trị của chiến tranh xâm lược và chiến tranh chống xâm lược.

Trên cơ sở lập trường của chủ nghĩa duy vật biện chứng, Hồ Chí Minh đã sớm đánh giá đúng đắn bản chất, quy luật của chiến tranh, tác động của chiến tranh đến đời sống xã hội.

Khi nói về bản chất của chủ nghĩa đế quốc, Hồ Chí Minh đã khái quát bằng hình ảnh “con đỉa hai vòi”, một vòi hút máu nhân dân lao đông chính quốc, một vòi hút máu nhân dân lao động thuộc địa. Trong hội nghị Versailles, Hồ Chí Minh đã vạch trần bản chất, bộ mặt thật sự của xâm lược thuộc địa và chiến tranh cướp bóc của chủ nghĩa thực dân Pháp: “Người Pháp khai hóa văn minh bằng rượu lậu, thuốc phiện”. Nói về mục đích cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Người khẳng định: “Ta chỉ giữ gìn non sông, đất nước của ta. Chỉ chiến đấu cho quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Còn thực dân phản động Pháp thì mong ăn cướp nước ta, mong bắt ta làm nô lệ”.

Như vậy, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, cuộc chiến tranh do thực dân Pháp tiến hành ở nước ta là cuộc chiến tranh xâm lược. Ngược lại cuộc chiến tranh của nhân dân ta chống lại thực dân pháp là cuộc chiến tranh nhằm bảo vệ chủ quyền và thống nhất đất nước.

2. Xác định tính chất xã hội của chiến tranh, phân tích tính chất chính trị xã hội của chiến tranh xâm lược thuộc địa, chiến tranh ăn cướp của chủ nghĩa đế quốc, chỉ ra tính chất chính nghĩa của chiến tranh giải phóng dân tộc.

Trên cơ sở mục đích chính trị của chiến tranh, Hồ Chí Minh đã xác định tính chất xã hội của chiến tranh, chiến tranh xâm lược là phi nghĩa, chiến tranh chống xâm lược là chính nghĩa, từ đó xác định thái độ của chúng ta là ủng hộ chiến tranh chính nghĩa, phản đối chiến tranh phi nghĩa.

Kế thừa và phát triển tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lê_nin về bạo lực cách mạng, Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo vào thực tiễn chiến tranh cách mạng việt nam. Người khẳng định: “Chế độ thực dân, tự bản thân nó đó là một hành động bạo lực, độc lập tự do không thể cầu xin mà có được, phải dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền”.

Bạo lực cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh được tạo bởi sức mạnh của toàn dân, bằng cả lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang.

3. Chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta là chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng

Hồ Chí Minh khẳng định: Ngày nay chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta là chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Cách mạng là sự nghiệp quần chúng. Hồ Chí Minh luôn coi con người là nhân tố quyết định thắng lợi trong chiến tranh. Người chủ trương phải dựa vào dân, coi dân là gốc, là cội nguồn của sức mạnh để “xây dựng lầu thắng lợi”. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân là một trong những di sản quý báu của người. Tư tưởng này được Hồ Chí Minh trình bày một cách giản dị, dễ hiểu nhưng sinh động và rất sâu sắc. Chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng là cuộc chiến tranh toàn dân, phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Tư tưởng của Người được thể hiện rõ nét trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày 19/12/1946:

Bất kì đàn ông, đàn bà, bất kì người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc… hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

Để đánh thắng giặc Mĩ xâm lược, Người tiếp tục khẳng định: “Ba mươi triệu đồng bào ta ở cả hai miền, bất kì già trẻ, gái trai, phải là ba mươi mốt triệu chiến sĩ anh dũng diệt Mĩ cứu nước, quyết giành thắng lợi cuối cùng”.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đánh giặc phải bằng sức mạnh của toàn dân, trong đó phải có lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Kháng chiến toàn dân phải đi đôi với kháng chiến toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, đánh địch trên tất cả các mặt trận: Quân sự; chính trị; kinh tế; văn hóa; ngoại giao…

Sự khái quát trên đã phản ánh nét đặc sắc của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại mới và là một sự phát triển đến đỉnh cao tư tưởng vũ trang toàn dân của chủ nghĩa Mác – Lê_nin. Sự phát triển sâu sắc làm phong phú thêm lí luận mác-xít về chiến tranh nhân dân trong điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam.

Đối với chủ tịch Hồ Chí Minh, ngăn chặn được chiến tranh là thượng sách, Người cố gắng dùng các phương thức ít đổ máu để giành và giữ chính quyền. Khi đã phải dùng chiến tranh thì sự hi sinh mất mát là không tránh khỏi. Do đó, Người thường xuyên nhắc nhở các cấp, các ngành, toàn dân phải ghi ơn những người đã ngã xuống cho độc lập tự do của Tổ quốc, phải chăm sóc gia đình thương binh liệt sĩ và đối xử khoan hồng tù, hàng binh địch. Tư tưởng nhân văn trong quân sự của Hồ Chí Minh được kết tinh trong truyền thống “Đại – Nghĩa – Trí – Tín – Nhân”, “mở đường hiếu sinh” cho kẻ thù của truyền thống Việt Nam, nó độc lập hoàn toàn với tư tưởng hiếu chiến, tàn ác của thực dân, đế quốc xâm lược.

Trong lĩnh vực nghệ thuật quân sự, chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lấy tư tưởng chiến lược tiến công, giành thế chủ động, đánh địch bằng sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng hình thức quy mô và mọi lúc mọi nơi. Khéo léo nhuần nhuyễn các yếu tố: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa với: Chí, dũng, lực, thế, thời, mưu để đánh thắng địch một cách có lợi nhất tổn thất ít nhất. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghệ thuật tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện của Việt Nam đã phát triển đến đỉnh cao.

4. Kháng chiến lâu dài dựa vào sức mình là chính

Xuất phát hoàn cảnh nước ta là một nước nghèo, kinh tế kém phát triển, vừa giành được độc lập lại phải đương đầu vơi thực dân, đế quốc có tiền lực kinh tế quân sự mạnh hơn ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương “vừa kháng chiến vừa kiến quốc” để xây dựng và phát triển lực lượng ta, bảo đảm ta càng đánh càng trưởng thành. Người chỉ đạo: Phải trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh, “trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”. Trường kỳ là đánh lâu dài, lấy thời gian làm lực lượng để chuyển hóa so sánh dần dần thế và lực của ta, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Tự lực cánh sinh là dựa vào sức mình, không ỷ lại, “phải đem sức ta mà giải phóng cho ta”, nhưng đồng thời phải hết sức tranh thủ sự đồng tình giúp đỡ của quốc tế, tạo nên sức mạnh tổng hợp lớn hơn địch để đánh và thắng chúng.

Tư tưởng cơ bản của Chủ Tịch Hồ Chí Minh về chiến tranh đã trở thành tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt và là nguồn gốc thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân ta. Ngày nay những tư tưởng đó còn nguyên giá trị, định hướng của Đảng ta trong việc đề ra những quan điểm cơ bản tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

(Nguồn: Học phần Đường lối quốc phòng và an ninh của Đảng cộng sản Việt Nam)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net