Vào giai đoạn cuối của chế độ chiếm hữu nô lệ, quan hệ sản xuất chiếm hữu nô lệ bắt đầu kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội, mâu thuẫn giữa giai cấp chủ nô và nô lệ ngày càng gay gắt.
Các cuộc khởi nghĩa của nô lệ nổ ra liên tiếp làm lung lay chế độ chiếm hữu nô lệ, chế độ lệ nông phát triển và hình thái kinh tế – xã hội phong kiến đã hình thành và thay thế hình thái kinh tế – xã hội chiếm hữu nô lệ.
Sự phát triển của nhà nước phong kiến ở các khu vực cũng khác nhau do điều kiện lịch sử của mỗi nước là khác nhau. Chẳng hạn, nhà nước châu Âu, nhà nước phong kiến hình thành trên sự sụp đổ của chế độ chiếm hữu nô lệ. Nhưng ở Châu Á, như Mông Cổ, Triều Tiên,…thì nhà nước phong kiến là nhà nước đầu tiên của các dân tộc này.
1. Bản chất nhà nước phong kiến
Nhà nước phong kiến là kiểu nhà nước tương ứng với hình thái kinh tế – xã hội phong kiến, là nhà nước phát triển cao hơn nhà nước chiếm hữu nô lệ.
+ Về thời gian, chế độ phong kiến phương Đông hình thành sớm nhất ở Trung Quốc từ thế kỷ III trước công nguyên. Còn ở phương Tây, nhà nước phong kiến hình thành sớm nhất là thế kỷ V sau công nguyên (Tây Âu).
+ Về mặt không gian, ở phương Tây, chế độ phong kiến ra đời trên cơ sở chế độ chiếm hữu nô lệ đã từng phát triển đến đỉnh cao, quan hệ nô lệ mang tính chất điển hình. Còn ở phương Đông, chế độ phong kiến ra đời trên cơ sở chế độ nô lệ phát triển không đầy đủ, quan hệ nô lệ mang tính chất gia trưởng. Đặc điểm này ảnh hưởng rất lớn tới quá trình phát triển của chế độ phong kiến và nhà nước phong kiến.
Về cơ sở kinh tế, xã hội của nhà nước phong kiến
Trong chế độ phong kiến có hai giai cấp cơ bản là địa chủ (ở phương Tây thường gọi là lãnh chúa, hoặc chúa đất) và nông dân (ở phương Tây gọi là nông nô), có phương thức bóc lột đặc trưng là địa tô, ngoài ra còn có tầng lớp thợ thủ công, tầng lớp thị dân. Ruộng đất là tư liệu sản xuất chính trong chế độ phong kiến.
+ Ở phương Tây, chế độ tư hữu ruộng đất đã phát triển triệt để từ thời chủ nô. Trong thời phong kiến, chế độ tư hữu ruộng đất được phát triển lên mức cao hơn gọi là các lãnh địa. Thời kỳ đầu, người nông dân tự do cũng có ruộng đất nhưng cùng với sự phát triển của chế độ ruộng đất phong kiến mà dần dần người nông dân bị mất ruộng và phải lệ thuộc đất vào địa chủ, phong kiến… Địa chủ, phong kiến là những người có đất nhưng không trực tiếp canh tác mà cho nông dân thuê đất cày cấy và thu về địa tô. Mức địa tô nhìn chung là tương đối nặng nề. Quan hệ sản xuất trong xã hội là quan hệ giữa địa chủ, phong kiến và nông dân. Bên cạnh đó, nhà thờ thiên chúa giáo cũng chiếm hữu nhiều đất đai lập thành lãnh địa lớn, các vị linh mục, thầy tu cũng là những địa chủ phong kiến lớn nhỏ khác.
+ Ở phương Đông, chế độ ruộng đất không thuần nhất như ở phương Tây mà quyền sở hữu ruộng đất thuộc về nhà Vua (nhà nước), đồng thời đối với ruộng đất tư nhân, vua cũng có quyền sở hữu tối cao. Nhà nước đem ruộng đất thuộc sở hữu công ban cấp cho quan lại làm bổng lộc và cho nông dân cày cấy. Khi lực lượng sản xuất phát triển, ruộng đất thuộc sở hữu tư nhân bắt đầu hình thành và phát triển thành sở hữu của địa chủ, của cơ sở tôn giáo,…
Nói tóm lại, ở nhà nước phong kiến phương Tây, ruộng đất hầu như thuộc sở hữu tư nhân (lãnh chúa) thì ở phương Đông tồn tại song song sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân (chủ yếu là địa chủ phong kiến).
So với nô lệ, người nông dân trong xã hội phong kiến đã có sở hữu riêng tuy không lớn. Đây là điểm tiến bộ của nhà nước phong kiến so với nhà nước chủ nô. Nhưng trong xã hội phong kiến vẫn tồn tại hai mối quan hệ giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, đó là giữa nhà nước và nông dân, giữa địa chủ và tá điền.
Điều kiện kinh tế – xã hội quyết định bản chất của nhà nước phong kiến
Tính giai cấp của nhà nước phong kiến thể hiện sâu sắc, rõ nét không kém nhà nước chủ nô. Nhà nước phong kiến là bộ máy bảo vệ lợi ích kinh tế cho giai cấp địa chủ phong kiến, là công cụ chuyên chính giúp giai cấp địa chủ phong kiến đàn áp giai cấp nông dân, thợ thủ công, dân nghèo. Tóm lại, quyền lực của nhà nước phong kiến tập trung chủ yếu vào việc đàn áp và bóc lột người dân lao động.
Tính xã hội, nhà nước phong kiến là đại diện cho toàn thể xã hội, nên sứ mệnh của nhà nước phong kiến là tổ chức và quản lý các mặt của đời sống xã hội. So với nhà nước chủ nô, tính xã hội của nhà nước phong kiến rõ nét hơn, nhà nước đã quan tâm nhiều đến việc giải quyết những vấn đề chung cho toàn xã hội. Do vậy, các hoạt động kinh tế xã hội của nhà nước cũng thiết thực hơn.
Dù là nhà nước phương Đông hay phương Tây có những điểm khác nhau nhưng bản chất của nhà nước phong kiến vẫn chỉ có một. Đó là, công cụ của giai cấp phong kiến để đàn áp, bóc lột nhân dân lao động, bảo vệ địa vị và quyền lợi của giai cấp phong kiến thống trị.
2. Chức năng của nhà nước phong kiến
a. Chức năng đối nội
– Bảo vệ, củng cố và phát triển phương thức sản xuất phong kiến
Trong phương thức sản xuất phong kiến, nông nghiệp là cơ sở tồn tại cho cả xã hội nên ruộng đất là tư liệu sản xuất quan trọng và là chủ yếu.
Vì thế, các nhà nước phong kiến ra sức củng cố và bảo vệ sở hữu phong kiến về ruộng đất. Bằng nhiều hình thức khác nhau, nhà nước phong kiến bảo vệ sự độc quyền chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ, phong kiến.
+ Ở phương Tây, nhà nước quy định chặt chẽ quyền sở hữu tư nhân của các lãnh chúa phong kiến về ruộng đất thông qua chế độ đẳng cấp.
+ Ở phương Đông, sở hữu tối cao về ruộng đất thuộc về nhà nước, nhưng thực chất quyền sở hữu ruộng đất nằm trong tay giai cấp phong kiến mà đứng đầu là nhà vua.
Các nhà nước phong kiến đều sử dụng pháp luật để củng cố và bảo vệ quyền sở hữu về ruộng đất của giai cấp phong kiến. Thông qua pháp luật, nhà nước phong kiến trói chặt người nông dân vào ruộng đất của địa chủ, phong kiến. Nông dân ở các nước đều phải chịu cảnh lao dịch nặng nề qua các hình thức tô thuế do giai cấp phong kiến đặt ra (tô tiền, tô hiện vật, tô lao dịch).
– Đàn áp nông dân và những người lao động bằng những phương tiện tàn bạo
Do sự áp bức, bóc lột hà khắc của giai cấp địa chủ phong kiến đối với nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động, trong chế độ phong kiến thường xuyên nổ ra các cuộc khởi nghĩa của nông dân và nhân dân lao động chống lại ách áp bức của giai cấp phong kiến. Để duy trì địa vị thống trị của mình, nhà nước phong kiến đàn áp dã man các cuộc khởi nghĩa của nông dân và nhân dân lao động bằng bạo lực quân sự.
Trong giai đoạn đầu của chế độ phong kiến (giai đoạn nhà nước phong kiến phân quyền cát cứ), các lãnh chúa có quân đội riêng thực hiện chức năng cảnh sát và xét xử. Các lãnh chúa có quyền đánh đập, tra tấn nông dân trong lãnh địa của mình trong trường hợp họ chống đối. Trong trường hợp cần thiết, nhà nước phong kiến và các lãnh chúa cùng phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau trong việc đàn áp sự phản kháng của nông dân.
Chuyển sang thời kỳ nhà nước phong kiến trung ương tập quyền bộ máy đàn áp của nhà nước phong kiến càng trở nên phát triển, chức năng này càng được nhà nước phong kiến thực hiện triệt để hơn, ví dụ các cuộc khởi nghĩa của nông dân như: khởi nghĩa Xắc xông ở Pháp, khởi nghĩa Sơn Thành, Hoàng Sào ở Trung Quốc, khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu ở Việt Nam đều bị nhà nước phong kiến ở các nước đó đàn áp dã man.
– Nô dịch về tư tưởng
Cùng với việc thực hiện các hoạt động bạo lực vật chất để duy trì địa vị thống trị của mình, nhà nước phong kiến còn đàn áp và nô dịch nông dân và nhân dân lao động về mặt tư tưởng, áp đặt hệ tư tưởng của giai cấp phong kiến cho toàn xã hội.
Các nhà nước phong kiến dù phương Đông hay phương Tây, nhìn chung đều sử dụng hệ tư tưởng tôn giáo và tổ chức tôn giáo phục vụ cho mục đích nô dịch tư tưởng.
+ Ở châu Âu thời kỳ trung cổ, giáo hội và những quy tắc của nó đã chi phối toàn bộ đời sống chính trị, tinh thần của xã hội. Nhà nước phong kiến đã kết hợp với giáo hội, lợi dụng tôn giáo sáp nhập quyền lực tôn giáo với quyền lực nhà nước để nô dịch nhân dân lao động. Nhà nước phong kiến cho phép toà án giáo hội can thiệp vào cả những lĩnh vực không thuộc phạm vi tôn giáo, sử dụng sức mạnh bạo lực để đàn áp, bức hại những người có tư tưởng tiến bộ.
+ Ở phương Đông, các nước như Trung Quốc, Việt Nam… có thời kỳ Phật giáo được coi là quốc giáo. Ở những thời kỳ này tầng lớp tăng lữ được coi là tầng lớp trí thức, được tham gia vào công việc chính trị, có những người nắm các trọng trách trong bộ máy nhà nước, như nhà sư Từ Đạo Hạnh và sư Thảo Đường thời Lý.
Nhìn chung, nhà nước phong kiến đã kết hợp giữa thần quyền và thế quyền để nô dịch nhân dân lao động về mặt tư tưởng, tuyên truyền và áp đặt cho nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác hệ tư tưởng duy tâm mang đậm màu sắc tôn giáo.
Ngoài ra, nhà nước phong kiến còn tiến hành những hoạt động công cộng nhằm phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội như: ban hành chính sách quản lý đất đai, chính sách tiền tệ, làm đường, làm thuỷ lợi… Tuy nhiên, hoạt động này chưa thường xuyên và rộng khắp trong các nhà nước phong kiến mà chỉ xuất hiện ở từng quốc gia cụ thể vào từng thời kỳ cụ thể.
b. Chức năng đối ngoại
– Tiến hành chiến tranh xâm lược
Chiến tranh được nhà nước phong kiến sử dụng với tính chất là phương tiện phổ biến để giải quyết các mâu thuẫn, mở rộng lãnh thổ, tăng cường phạm vi ảnh hưởng của nhà nước mình ra bên ngoài.
Trong thời kỳ cát cứ, mỗi lãnh chúa phong kiến có quân đội riêng, có quyền tuyên chiến với các lãnh chúa phong kiến khác ở trong và ngoài nước (trừ tuyên chiến với vua hoặc quốc vương của mình). Khi vua hoặc quốc vương của mình tiến hành chiến tranh, lãnh chúa phong kiến có nghĩa vụ phải mang quân đến chi viện.
Tới thời kỳ nhà nước quân chủ trung ương tập quyền, chức năng này được các nhà nước phong kiến tiến hành thường xuyên hơn nhằm phục vụ cho lợi ích quốc gia, điều này dẫn đến tình trạng các nhà nước phong kiến thường xuyên ở trong tình trạng chiến tranh.
– Phòng thủ đất nước
Các nhà nước phong kiến dù lớn hay nhỏ đều luôn đứng trước nguy cơ bị các nhà nước khác xâm lược. Vì thế, cùng với việc tiến hành chiến tranh xâm lược, các nhà nước phong kiến đều thực hiện các công việc liên quan đến bảo vệ đất nước như: xây dựng pháo đài, thành luỹ, xây dựng quân đội thường trực… để phòng thủ đất nước.
Để bảo vệ quyền, lợi ích của quốc gia, nhà nước phong kiến còn thực hiện nhiều hình thức và chính sách ngoại giao với các quốc gia láng giềng như chính sách thương mại, đối ngoại hoà bình…
3. Bộ máy nhà nước phong kiến
Do quá trình hình thành và phát triển nhà nước phong kiến ở các khu vực khác nhau nên bộ máy nhà nước cũng không hoàn toàn giống nhau giữa phương Đông và phương Tây.
a. Nhà nước phong kiến phương Đông
Điển hình là Trung Quốc và Nhật Bản. Nhìn chung, trong suốt quá trình tồn tại và phát triển nhà nước phong kiến, yếu tố trung ương tập quyền luôn được duy trì nên nhà nước phong kiến luôn được tổ chức đảm bảo tính thống nhất của quyền lực nhà nước.
Nhà nước phong kiến Trung Quốc là chính thể quân chủ chuyên chế điển hình ở phương Đông.
+ Các triều đại đều được xây dựng theo mô hình quân chủ chuyên chế. Mô hình này ngày càng phát triển và mang tính cực đoan hơn. Biểu hiện cơ bản của chính thể quân chủ chuyên chế là thực hiện trung ương tập quyền cao độ.
+ Hoàng đế là người nắm mọi quyền lực, vương quyền, thần quyền và pháp quyền, không có cơ cấu lập pháp, hành pháp, tư pháp (hệ thống nhất nguyên).
+ Quan lại các cấp đều là tôi tớ của Hoàng đế, dân chúng trong nước đều là thần dân của vua. Hệ thống quan lại được tổ chức hai cấp: cấp trung ương và cấp địa phương với đẳng cấp phân minh và biên chế chặt chẽ. Thông qua hệ thống quan lại này, nhà vua có thể kiểm soát được toàn quốc, toàn dân, nhờ đó chế độ quân chủ chuyên chế càng được củng cố. Người đứng đầu hành chính địa phương do Hoàng đế bổ nhiệm đồng thời cũng là quan tư pháp. Tất cả các quan to, nhỏ và mọi cơ quan nhà nước chỉ có quyền tư vấn cho nhà vua và thực thi mệnh lệnh của nhà nước.
Trên cơ sở tiếp thu yếu tố phong kiến Trung Quốc, trong thời kỳ đầu, nhà nước phong kiến Nhật Bản cũng thiết lập bộ máy nhà nước theo mô hình quân chủ chuyên chế phong kiến.
+ Thiên Hoàng là chủ sở hữu tối cao về ruộng đất trong cả nước. Thiên Hoàng được thần thánh hóa, được coi là vị thánh sống.
+ Các quý tộc là bề tôi và phải lệ thuộc vào Thiên Hoàng. Giúp việc cho Thiên Hoàng có Tể tướng và hai chức phó là tả thừa tướng và hữu thừa tướng. Sau đó là các thượng thư trông coi 8 bộ (bộ lễ, bộ hộ, bộ binh, bộ hình, bộ công, bộ ngân khố, bộ cung cấm). Các đơn vị hành chính gồm có quốc (tỉnh), quận, lý (xã). Đứng đầu các cấp địa phương là quốc ti, quận ti và lý trưởng.
+ Nhưng từ thế kỷ XV, nhà nước phong kiến Nhật Bản dần dần hình thành trạng thái phân quyền cát cứ của các lãnh chúa địa phương và tồn tại song song với chính quyền kép ở địa phương, mang tính quân phiệt. Có thể nhận thấy nhà nước phong kiến Nhật Bản vừa có yếu tố giống các nhà nước phong kiến phương Đông, vừa có yếu tố giống các nhà nước phong kiến phương Tây.
b. Nhà nước phong kiến phương Tây
Hình thức kết cấu chủ yếu của nhà nước tư sản là phân quyền cát cứ, với những biểu hiện và được quyết định bởi những nguyên nhân khác nhau. Một số nước như Đức, Italia,… hình thức phân quyền cát cứ tồn tại suốt cả chế độ phong kiến.
Trong hình thức nhà nước quân chủ phân quyền cát cứ thì quyền lực nhà nước bị phân tán, vua hoặc quốc vương không có toàn quyền, chỉ là “đấng thiêng liêng”, quyền lực thực sự nằm trong tay các lãnh chúa phong kiến.
Ở Đức, thế lực của các “chư hầu” (lãnh chúa lớn) mạnh đến mức họ bầu ra hoàng đế Đức. Nếu hoàng đế có mưu đồ tăng cường thế lực của mình thì lập tức bị đánh đổ và được thay bằng người khác. Trạng thái phân quyền cát cứ ở Italia còn nặng nề hơn. Ở đây, không có hoàng đế và chính quyền trung ương, dù chỉ là hình thức. Italia chia thành ba vùng như là Bắc, Trung, Nam.
Hình thức chính thể quân chủ chuyên chế chỉ xuất hiện ở thời kỳ cuối – thời kỳ suy vong của chế độ phong kiến và chỉ ở một số nước như Pháp, Anh, Tây Ban Nha,… nhưng không cao như ở phương Đông.
+ Ở Pháp, trong cuộc đấu tranh chống các lãnh chúa lớn, các vua Pháp từng bước dẹp được nạn cát cứ. Vua Lu-i IX thực hiện ba cải cách quan trọng về tư pháp, hành chính, quân sự. Nhà vua lưu hành một loại tiền thống nhất, có đủ trọng lượng và do nhà vua đúc. Nhà vua buộc giáo hoàng La Mã, người chủ trương duy trì tình trạng cát cứ, phải phục tùng mình. Ngôi giáo hoàng do vua chỉ định. Từ thế kỷ XVII trở đi, nền quân chủ chuyên chế phát triển đến đỉnh cao. Vua nắm mọi quyền hành, có quyền quyết định mọi công việc đối nội và đối ngoại, bổ nhiệm hoặc cách chức, ban bố hoặc hủy bỏ các đạo luật, trừng phạt hoặc ân xá,… Nói tóm lại, trong chính thể quân chủ chuyên chế ở Pháp, quyền lực của nhà vua không chịu bất kỳ một hạn chế nào, dù là hạn chế về mặt hình thức. Vua kiểm soát hoàn toàn các địa phương. Chế độ tự quản thành phố không được thừa nhận. Cơ quan đại diện đẳng cấp không còn hoạt động. Nhà thờ trở thành công cụ của nhà nước.
+ Ngoài ra, hình thức chính thể quân chủ chuyên chế còn diễn ra ở Anh nhưng không cao như ở Pháp. Ở Anh, vua nắm trong tay mọi cơ quan cao cấp cai trị đất nước. Trong đó, đóng vai trò quan trọng là hội đồng cơ mật bao gồm thành viên là những quý tộc nổi tiếng do vua chỉ định và trở thành cố vấn của nhà vua. Vua là người đứng đầu giáo hội Anh, nắm trong tay vương quyền và cả thần quyền. Tuy nhiên, ngoài tô thuế, nhà vua không còn khoản thu nào khác để bù đắp sự ăn tiêu phung phí. Điều đó làm cho quyền hành của nhà vua bị hạn chế bởi nghị viện. Thượng nghị viện (viện nguyên lão) là cơ quan có thẩm quyền xây dựng dự án luật và cũng là chỗ dựa vững chắc của nhà vua. Đại biểu của thượng nghị viện do vua chỉ định và được cha truyền con nối, thường là những quý tộc lớn. Hạ nghị viện gồm đại biểu của quý tộc vừa và nhỏ được lựa chọn thông qua bầu cử.
Ngoài ra còn hình thức chính quyền tự trị thành phố là chính quyền cục bộ, tồn tại trong những khoảng thời gian không lâu. Nó là chính quyền cộng hòa phong kiến.
+ Tùy theo tương quan lực lượng và hoàn cảnh cụ thể ở từng nơi, mức độ tự trị mà các thành phố giành được cũng khác nhau.
+ Ở Italia, các thành thị đã giành được thắng lợi tương đối nhanh chóng vì kinh tế ở đây phát triển sớm hơn các nước khác. Tầng lớp phong kiến bên dưới là kị sĩ bị lôi cuốn vào nền kinh tế hàng hóa – tiền tệ, nên họ đã đứng về phía người dân, ủng hộ các thành thị chống lại bọn phong kiến lớn. Các thành thị ở Italia không những giành được quyền tự trị hoàn toàn mà còn khống chế được cả những vùng nông thôn lân cận, phát triển lên thành những quốc gia cộng hòa thành phố độc lập. Còn ở một số nơi khác, như Pháp, tuy không thành lập các nước cộng hòa thành thị nhưng thị dân cũng thành lập các công xã thành phố và dành được quyền tự trị hoàn toàn.
+ Chế độ tự quản mà các thành phố dành được bằng các biện pháp sau:
- Một số thành phố giàu có, không cam chịu lệ thuộc vào lãnh chúa nên đã nộp một số tiền lớn để được hưởng quyền tự trị.
- Đối với những thành phố khác, người dân đã đoàn kết tiến hành khởi nghĩa vũ trang đã giành thắng lợi.
Hình thức nhà nước phong kiến
Do cơ sở kinh tế xã hội khác nhau nên hình thức nhà nước phong kiến phương Tây cũng khác hình thức nhà nước phong kiến phương Đông.
– Về hình thức chính thể phổ biến của nhà nước phong kiến là chính thể quân chủ
Các nhà nước phương Đông đều có chính thể quân chủ chuyên chế.
+ Vua là người nắm giữ toàn bộ quyền lực tuyệt đối của nhà nước, vừa là người ban hành luật, vừa là người tổ chức thực hiện pháp luật, đồng thời vua cũng là tòa án tối cao. Không có quyền lực nào hạn chế quyền lực của nhà nước.
+ Quan lại là bề tôi của nhà vua và người dân trong nước là thần dân của vua.
Các nhà nước phương Tây cũng phổ biến là chính thể quân chủ chuyên chế. Nhưng ở một số thành phố, cư dân thành phố tổ chức chính quyền thành phố theo mô hình chính thể cộng hòa từ khi giành được quyền tự trị từ tay nhà vua, lãnh chúa hay giáo hội. Các cơ quan của thành phố như hội đồng thành phố, thị trưởng,… do thị dân bầu ra, thành phố có tài chính, quân đội, pháp luật và tòa án riêng.
– Về hình thức cấu trúc
Các nhà nước phong kiến giống nhà nước chủ nô đều là hình thức nhà nước đơn nhất.
Ở phương Đông, tồn tại chủ yếu xu hướng trung ương tập quyền với sự phục tùng tuyệt đối của chính quyền địa phương.
Còn ở phương Tây, trong quá trình tồn tại và phát triển, cấu trúc đơn nhất đã có những biến dạng nhất định, ban đầu là phân quyền cát cứ, sau là trung ương tập quyền.
– Về chế độ chính trị
Hầu hết các nhà nước phong kiến thường áp dụng các biện pháp bạo lực để tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước.
Nhưng ở một số thành phố ở phương Tây sau khi giành được quyền tự trị cũng có một số biện pháp dân chủ được áp dụng nhưng vẫn còn rất hạn chế.
Nguồn tham khảo: topica.edu.vn