Trang chủ Khoa học Chính trị Cách mạng Xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa

Cách mạng Xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 579 views

Khái niệm tư tưởng, văn hóa, cách mạng tư tưởng và văn hóa

Tư tưởng là quan điểm và ý nghĩ chung của con người đối với hiện thực khách quan. Tư tưởng thuộc phạm trù ý thức, là sản phẩm chủ quan của con người. Vì vậy, ý thức như thế nào phụ thuộc vào đối tượng, phản ánh, môi trường xã hội và trình độ nhận thức, tâm sinh lý của mỗi người. Khi quan điểm được khái quát hóa, xây dựng thành một hệ thống lý luận, phản ánh lợi ích của một giai cấp thì được gọi là hệ tư tưởng của giai cấp đó. Giai cấp nào thống trị xã hội thì hệ tư tưởng của nó cũng thống trị xã hội – hệ tư tưởng thống trị.

Văn hóa là toàn bộ giá trị vật chất và tinh thần do con người và loài người sáng tạo ra nhờ lao động và hoạt động thực tiễn trong quá trình lịch sử của mình.

Văn hóa được hiểu theo hai nghĩa: nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Ở đây, chúng ta nghiên cứu theo nghĩa hẹp, đó là văn hóa tinh thần..

Cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa là sự biến đổi trước hết về bản chất của tư tưởng và văn hóa nhằm xác lập hệ tư tưởng mới, xây dựng con người với đạo đức và lối sống mới, xây dựng nền văn hóa mới trong toàn bộ tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Nội dung cơ bản của cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa ở Việt Nam

a. Giáo dục hệ tư tưởng của giai cấp công nhân

Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, công tác tư tưởng có vai trò quan trọng trong việc hình thành, phát triển hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, biến hệ tư tưởng đó thành hệ tư tưởng chủ đạo trong xã hội, động viên, cổ vũ mọi người hành động tích cực, sáng tạo vì mục tiêu lý tưởng chủ nghĩa xã hội. Vì lẽ đó, tiến hành cách mạng trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa phải quan tâm đến việc truyền bá hệ tư tưởng giai cấp công nhân trong các tầng lớp nhân dân.

Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Tiến hành cách mạng văn hóa trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa làm cho thế giới quan Mác – Lênin và tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Đảng không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”. Người cũng luôn luôn khẳng định, chủ nghĩa Mác – Lênin – hệ tư tưởng của giai cấp công nhân là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta.

b. Nâng cao trình độ dân trí và đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục, phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ

Nâng cao dân trí là điều kiện không thể thiếu được để xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, để quần chúng nhận thức được và tham gia trực tiếp vào quản lý Nhà nước, xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Mặt bằng dân trí được nâng cao sẽ góp phần thúc đẩy chất lượng nguồn lực lao động, tạo ra tiềm lực trí tuệ để phát triển nhân tài cho xã hội.

Đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục, đào tạo để nhằm đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho xã hội. Đây là điều kiện quan trọng để thúc đẩy xã hội tiến bộ.

Cùng với giáo dục, khoa học và công nghệ có vai trò rất to lớn trong việc tăng cường tiềm lực trí tuệ, cơ sở vật chất, kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội.

c. Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

C. Mác, Ph. Ăngghen, trong nhiều tác phẩm của mình, đã có những dự báo khoa học và nhận định về những tính chất của, một nền văn hóa tất cả vì con người và có khả năng xây dựng con người hoàn thiện. Nền văn hóa mới sẽ trả lại cho con người những giá trị tinh thần vốn có và tất cả những giá trị ấy sẽ được phát huy trong xã hội mới.

V.I. Lênin đã nêu rõ nhiệm vụ của nền văn hóa mới là phải xây dựng những con người của thời đại mới có giác ngộ cách mạng và có trình độ văn hóa cao.

Xây dựng nền văn hóa mới tiên tiến có tính chất xã hội chủ nghĩa, thấm nhuần nội dung và hình thức dân tộc, gắn với những yêu cầu của thời đại mới – thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một nhiệm vụ, đồng thời cũng là một mục tiêu quan trọng của cách mạng tư tưởng và văn hóa. Nền văn hóa vô sản, văn hóa xã hội chủ nghĩa, như V.I. Lênin gọi, kết hợp được truyền thống với hiện đại, vừa giữ gìn và phát huy được bản sắc của dân tộc vừa kế thừa được những thành quả tốt đẹp nhất của văn hóa nhân loại qua các thời kỳ lịch sử.

Hồ Chí Minh đưa ra tư tưởng về văn hóa: Văn hóa là một vũ khí tinh thần phục vụ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Văn hóa phải thực hiện được 3 chức năng, đó là: Bồi dưỡng tư tưởng đúng đắn và tình cảm cao đẹp; nâng cao dân trí, bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, phong cách lành mạnh; hướng con người vươn tới chân, thiện, mỹ.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã chỉ rõ “… Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu văn hóa nhân loại, làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, vào từng gia đình, vào từng tập thể và cộng đồng dân cư…”.

c. Xây dựng con người phát triển toàn diện

Con người xã hội chủ nghĩa là sản phẩm của xã hội mới được hình thành phổ biến trong phong trào quần chúng lao động. Đó là thế hệ những người được rèn luyện, thử thách trong đấu tranh cách mạng, là những người lao động đã trưởng thành, là các thế hệ trẻ kế tiếp.

Chủ nghĩa xã hội phải xây dựng con người phát triển toàn diện. Đó là con người sống có lý tưởng, có trách nhiệm với công việc, với xã hội, với chính mình. Họ phải là những người có học thức, có niềm tin khoa học, có năng lực hoạt động sáng tạo, luôn luôn đấu tranh cho lẽ phải, cho sự công bằng, bình đẳng và dân chủ. Đó là con người phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, sự phong phú về đời sống tinh thần.

Những con người có lối sống xã hội chủ nghĩa là sự thể hiện trình độ phát triển văn hóa cao của cá nhân và cộng đồng. Xây dựng con người xã hội chủ nghĩa phải chú trọng tới đầy đủ những nội dung của nó. Trước hết con người phải có thể lực tốt, vừa đảm bảo hạnh phúc riêng của họ, vừa đảm bảo chất lượng sinh thể của thế hệ người Việt Nam trong quá trình tái sản xuất nòi giống. Thể lực tốt là tiêu chí đầu tiên của chất lượng nguồn lực lao động, là tiền đề sinh học để phát triển trí tuệ, nhân cách, năng lực hoạt động cá thể của mỗi cá thể.

d. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong cách mạng tư tưởng và văn hóa

Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là vấn đề có tính nguyên tắc, là nhân tố quyết định trước tiên đối với sự thắng lợi của sự nghiệp cách mạng đồng thời cũng là sự đảm bảo về chính trị, tư tưởng và tổ chức để cách mạng tư tưởng và văn hóa đi đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nội dung và phương pháp lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với cách mạng tư tưởng và văn hóa là:

– Đảng lãnh đạo bằng hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, bằng cương lĩnh, đường lối cách mạng và chủ trương, chính sách cùng sự chỉ đạo thực tiễn trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa.

– Đảng lãnh đạo bằng những phương pháp văn hóa, bằng sự am hiểu những đặc điểm của văn hóa và hoạt động sáng tạo văn hóa, bằng sức mạnh của giáo dục thuyết phục khoa học gắn với công tác tổ chức thực tiễn có hiệu quả.

Các chính sách văn hóa của Đảng phải tạo được môi trường và điều kiện để phát huy tối đa khả năng sáng tạo của quần chúng, làm cho quần chúng tích cực sáng tạo văn hóa và hưởng thụ văn hóa, làm cho văn hóa trở thành động lực phát triển và mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.

– Đảng Cộng sản và Nhà nước phải tăng cường đầu tư vật chất tinh thần một cách có hiệu quả vào việc đào tạo cán bộ, đặc biệt là cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực tư tưởng và văn hóa. Nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân, đặc biệt là vùng nông thôn. Đồng thời, Đảng và Nhà nước không ngừng chăm lo xây dựng nền văn hóa có tính truyền thống và hiện đại, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, trên cơ sở đó tiếp thu văn hóa nhân loại./.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net