Trang chủ Lịch sử Ý nghĩa lịch sử, nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp từ (1945 – 1954)

Ý nghĩa lịch sử, nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp từ (1945 – 1954)

by Ngo Thinh
723 views

Ý nghĩa lịch sử, nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp từ (1945 – 1954)

1- Ý nghĩa lịch sử

Kể từ ngày 23-9-1945, khi nhân dân Nam Bộ với các loại vũ khí thô sơ đứng lên chiến đấu chống quân xâm lược Pháp, đến ngày Hiệp định Giơnevơ được kí kết 21-7-1954, cuộc kháng chiến của nhân dân ta kéo dài gần 9 năm. Dù phải đương đầu với một lực lượng rất lớn về người và của, với một trình độ hiện đại về khoa học kĩ thuật của thực dân Pháp và can thiệp Mĩ , quân và dân ta đã giành thắng lợi vẻ vang: Loại khỏi vòng chiến đấu trên 57.900 lính Pháp và tay sai; bắn rơi và phá huỷ 435 máy bay; đánh chìm và bắn cháy 603 tàu chiến, ca nô; phá huỷ 344 khẩu pháo, 337 đầu máy xe lửa và 9.292 xe quân sự…

Về phía thực dân Pháp, trong 9 năm tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, vào thời điểm cao nhất (3-1954), chúng đã sử dụng 191 tiểu đoàn 550 máy bay, 26 tiểu đoàn pháo binh, 10 trung đoàn xe tăng và xe bọc thép, 390 tàu chiến và ca nô, tiêu tốn gần 3.000 tỉ phrăng. Chính phủ Pháp dựng lên đổ xuống 20 lần, 7 lần thay đổi Cao uỷ và 8 lần thay đổi Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh ở Đông Dương. Kết thúc cuộc chiến, thực dân Pháp phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân ba nước Đông Dương, phải rút hết quân đội ra khỏi miền Bắc nước ta. Lần đầu tiên trong gần một thế kỉ, trên phần nửa đất nước ta sạch bóng quân xâm lược.

Với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân ta đã bảo vệ và phát triển thành quả của Cách mạng tháng Tám. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, hoàn thành về cơ bản cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, chuyển sang thời kì cách mạng xã hội chủ nghĩa, trở thành hậu phương vững chắc cho cách mạng giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất
đất nước.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến đã đập tan ý chí xâm lược của thực dân Pháp; đồng thời ngăn chặn âm mưu của đế quốc Mĩ định kéo dài, mở rộng và quốc tế hoá cuộc chiến tranh Đông Dương. Thắng lợi của cuộc kháng chiến là thắng lợi của ý chí và quyết tâm chiến đấu của nhân dân ta vì độc lập, tự do và hoà bình; đồng thời chứng minh đường lối kháng chiến đúng đắn và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh tài giỏi của Đảng ta.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mĩ còn có ý nghĩa quốc tế rất to lớn. Nó đã giáng một đòn nặng nề vào tham vọng xâm lược, vào mưu đồ đặt ách nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc sau Chiến tranh thế giới thứ hai, góp phần làm tan rã chủ nghĩa thực dân kiểu cũ trên thế giới. Thắng lợi của dân tộc ta có sức cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa thuộc châu Á, châu Phi và Mĩ La tinh, góp phần làm suy yếu lực lượng đế quốc chủ nghĩa. “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh; là thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam,
đồng thời cũng là một thắng lợi thắng lợi của các lực lượng hoà bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới” .

2- Nguyên nhân thắng lợi

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mĩ của nhân dân ta giành được thắng lợi là do nhiều nguyên nhân tạo nên. Trước hết, thắng lợi của kháng chiến là do đường lối chính trị – quân sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nắm vững nội dung và xu thế phát triển của thời đại, ngay từ đầu, trong chỉ đạo chiến tranh, Đảng ta gắn mục tiêu giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản.

Thực hiện phương châm thêm bạn, bớt thù, Đảng ta đã dùng mọi biện pháp để tập hợp lực lượng, củng cố mối quan hệ với bạn đồng minh, tranh thủ lực lượng trung gian, cô lập kẻ thù chủ yếu. Nhờ có đường lối ấy, không những khối liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương ngày càng được tăng cường, mà mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam, phản đối thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mĩ ngày càng được mở rộng. Quán triệt quan điểm chiến tranh cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lê nin, ngay từ đầu, Đảng ta đã vạch ra đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và tự lực cánh sinh; trong đó, nội dung cơ bản có tính xuyên suốt là toàn dân kháng chiến.

Tư tưởng chỉ đạo của Đảng ta trong suốt quá trình cách mạng và chiến tranh cách mạng là quan điểm về con người, về vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử.

Đánh giá cao vai trò quần chúng nhân dân, trong quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến, Đảng ta xác định đúng đắn vai trò, vị trí của các giai cấp, các giới, các lực lượng, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là vai trò của công nhân và nông dân. Đảng ta coi liên minh công nông là đội quân chủ lực, là lực lượng chủ yếu quyết định thắng lợi của kháng chiến, là nền tảng của khối đoàn kết toàn dân.

Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, Đảng ta đã tổ chức cả nước thành một mặt trận; mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng xã là một pháo đài. Sức mạnh toàn dân đã đưa cuộc kháng chiến từ không đến có, từ yếu đến mạnh và cuối cùng giành được thắng lợi to lớn, đánh dấu bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ. Thắng lợi của kháng chiến bắt nguồn từ sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân được Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm xây dựng và vun đắp. Ngay từ đầu cuộc kháng chiến, cùng với Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh), Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt) được hình thành và phát triển không chỉ ở vùng tự do, mà cả ở vùng sau lưng địch. Sức mạnh đoàn kết toàn dân càng được tăng cường khi hai Mặt trận Việt Minh và Liên Việt thống nhất thành một mặt trận duy nhất, lấy tên là Mặt trận Liên – Việt (3-1951). Nhờ đó, chúng ta phá tan âm mưu chia rẽ dân tộc, chia rẽ lương – giáo… của thực dân Pháp, làm thất bại chính sách “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của chúng.

Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi là do ta có lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân sớm được xây dựng và ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đó là đội quân cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, luôn luôn gắn bó với nhân dân, được nhân dân tin yêu, đùm bọc, nuôi dưỡng. Chính Na va, trong cuốn hồi kí Đông Dương hấp hối, cũng phải thừa nhận: “Quân đội Việt Minh rất hoạt động vì nó trẻ. Nó là đội quân vững chắc bởi vì nó tuyển mộ trong quảng đại nông dân. . . họ sống với nhân dân, được nhân dân che chở…”Thắng lợi của cuộc kháng chiến cũng chính là thắng lợi của Đảng ta trong chính sách xây dựng hậu phương. Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin coi hậu phương là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của chiến tranh, Đảng ta sớm đề ra chủ trương, biện pháp xây dựng hậu phương kháng chiến vững mạnh về mọi mặt. Hậu phương kháng chiến là một hệ thống căn cứ bao gồm các cơ sở chính trị ở thành thị và nông thôn, các khu du kích và căn cứ du kích trong vùng tạm bị chiếm, các vùng tự do rộng lớn nằm trên khắp lãnh thổ đất nước. Trong thời kì kháng chiến chống Pháp, trên cả ba miền Bắc – Trung – Nam, ta đã xây dựng và giữ vững được những vùng tự do rộng lớn, tương đối ổn định, làm hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến. ở Bắc Bộ có vùng rừng núi Việt Bắc, ở Trung Bộ có vùng tự do Thanh – Nghệ – Tĩnh, Nam – Ngãi – Bình – Phú; ở Nam Bộ có Thủ – Biên, Tây Ninh, Đồng Tháp Mười và Khu 9.

Trong các vùng tự do, nơi có điều kiện thuận lợi, nhân dân ta ra sức xây dựng chế độ mới dân chủ nhân dân trên tất cả các mặt: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Đó chính là những nhân tố cơ bản tạo nên sức mạnh to lớn của hậu phương, cho phép huy động đến mức cao nhất và nhiều nhất sự tham gia đóng góp nhân, tài, vật lực của toàn dân vào sự nghiệp kháng chiến, kiến
quốc. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp còn do ta có sức mạnh của khối đoàn kết chiến đấu ngày càng bền chặt giữa nhân dân ba nước Đông Dương; sức mạnh của sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ ngày càng to lớn từ các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa, trước hết là Trung Quốc, Liên Xô, cũng như nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân Pháp.

(Lytuong.net – Nguồn tài liệu: Nguyễn Xuân Minh, Lịch sử Việt Nam 1945-2000, NXB Giáo dục)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]