Trang chủ Lịch sử Hội nghị và Hiệp định Giơnevơ 1951

Hội nghị và Hiệp định Giơnevơ 1951

by Ngo Thinh
93 views

Hội nghị và Hiệp định Giơnevơ 1951 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương.

1- Hội nghị Giơnevơ

Lập trường trước sau như một của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta là luôn giương cao ngọn cờ hoà bình. Bởi vậy, trước và trong quá trình tiến hành cuộc kháng chiến, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã nhiều lần đề nghị Chính phủ Pháp cùng thương lượng để giải quyết một cách hoà bình vấn đề Việt Nam, nhưng đều bị khước từ.

Bước vào Đông Xuân 1953 – 1954, cùng với cuộc tiến công trên mặt trận quân sự, Đảng và Chính phủ ta chủ trướng mở cuộc tiến công trên mặt trận ngoại giao để kết thúc cuộc kháng chiến. sau gần 9 năm tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, thực dân Pháp càng bị sa lầy và lệ thuộc vào Mĩ ; nội bộ giới cầm quyền Pháp bị phân hoá, hình thành phái chủ chiến và phái chủ hoà. Nhân dân Pháp đấu tranh mạnh mẽ đòi Chính phủ Pháp phải chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương.

Ngày 27-7-1953, tại Bàn Môn Điếm đã diễn ra lễ kí kết Hiệp định đình chiến ở Triều Tiên, chấm dứt cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài trên 3 năm, dập tắt một lò lửa chiến tranh nguy hiểm và làm dịu bớt tình hình căng thẳng trên thế giới. Sự kiện này đã thúc đẩy xu thế giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới bằng con đường thương lượng hoà bình. Trung Quốc, Liên Xô cũng sớm đi tới một giải pháp hoà bình ở Đông Dương theo giải pháp ở Triều Tiên. Hội đồng hoà bình thế giới thông qua nghị quyết (9-1953) kêu gọi nhân dân các nước đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.

Tháng 10-1953, Đại hội Công đoàn thế giới lần thứ ba họp ở Viên (Áo) ra quyết định lấy ngày 19-12-1953 làm ngày lạo động thế giới đoàn kết với Việt Nam, đòi Pháp chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Tất cả tình hình trên cùng với những chiến thắng của quân và dân ta trong năm 1953 đã tạo cơ sở cho mặt trận ngoại giao của Chính phủ ta thực hiện những bước đi mới. Ngày 26-ll-1953, trả lời phỏng vấn nhà báo Thụy Điển, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “… nếu thực dân Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì nhân dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo đường lối hoà bình, thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẵn sàng tiếp ý muốn đó… Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam “. Lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ rõ thiện chí hoà bình của Việt Nam, đồng thời gây chấn động lớn trong dư luận nước Pháp, có tác dụng thúc đẩy phong trào đấu tranh cho hoà bình của nhân dân Pháp và nhân dân thế giới, mở ra khả năng giải quyết bằng con đường hoà bình cuộc chiến tranh ở Đông Dương.

Dư luận nước Pháp đòi hỏi phải đàm phán ngay với Chính phủ Hồ Chí Minh. Trước sức ép từ nhiều phía, ngày 19-11-1953, Thủ tướng Pháp Lanien phải tuyên bố: “Nếu một giải pháp danh dự xuất hiện trong khung cảnh địa phương hoặc trong khung cảnh quốc tế, nước Pháp sẽ vui lòng chấp nhận một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột”.

Ngày 25-1-1954, Hội nghị Ngoại trưởng bốn nước lớn (Liên Xô, Mĩ , Anh, Pháp) tại Béclin thoả thuận về việc triệu tập một cuộc hội nghị quốc tế có đại diện Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tham dự tại Giơnevơ để bàn giải pháp hoà bình cho vấn đề Triều Tiên và lập lại hoà bình ở Đông Dương. Quyết định về việc triệu tập Hội nghị Giơnevơ đã được dư luận quốc tế hoan nghênh. Ngày 20-2, Thủ tướng ấn Độ Nâu ra lời kêu gọi ngừng bắn ở Đông Dương để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thảo luận vấn đề Đông Dương tại Hội nghị Giơnevơ sắp tới. Tờ Nhân dân nhật báo Trung Quốc (22-2-1954) đăng xã luận nêu rõ: “Không nghi ngờ chút nào là sự thoả thuận tại Hội nghị Béclin sẽ góp phần làm dịu tình hình trên thế giới. Nhân dân Trung Quốc ủng hộ nghị quyết đó”. Ngày 5-3-1954, Quốc hội Pháp mở phiên họp đặc biệt bàn về vấn đề Đông Dương. Dù có sự ngăn cản của phái chủ chiến, nhưng ngày 10-3-1954, Quốc hội Pháp vẫn thông qua nghị quyết hoan nghênh việc triệu tập Hội nghị Giơnevơ để tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương.

Ngày 26-4-1954, Hội nghị Giơnevơ chính thức khai mạc, có sự tham gia của Ngoại trưởng các nước Liên Xô, Trung Quốc, Mĩ , Anh, Pháp, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Cộng hoà Triều Tiên, tập trung thảo luận vấn đề Triều Tiên. Cho đến lúc này, giữa năm nước lớn vẫn chưa thống nhất việc xác định thành phần các nước có liên quan tham gia Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương. Phía Pháp đề nghị chỉ có đại diện ba chính phủ bù nhìn Việt Nam, Lào, Campuchia tham dự Hội nghị cùng với năm cường quốc. Phía Liên Xô đề nghị phải có đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Anh, Pháp, Mĩ không chấp nhận đề nghị này. Nhưng khi quân đội nhân dân Việt Nam mở đợt tấn công cuối cùng vào Điện Biên Phủ (1-5-1954), biết rõ thất bại không thể cứu vãn, ngày 2-5, ba nước phương Tây vội thông báo cho Liên Xô biết họ chấp nhận sự có mặt của đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương.

Ngày 4-5-1954, theo lời mời của Chính phủ Liên Xô và Chính phủ Trung Quốc, phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trường Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, tới Giơnevơ. Tham dự Hội nghị có đại diện của 9 bên: Đoàn đại diện Liên Xô đứng đầu là Bộ trưởng Ngoại giao Môlôtốp, đoàn đại diện Trung Quốc đứng đầu là Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Chu ân Lai, đoàn đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đứng đầu là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng, đoàn đại diện Pháp đứng đầu là Bộ trưởng Ngoại giao Biđôn, đoàn đại diện Mĩ đứng đầu là Thứ trưởng Ngoại giao Smít, đoàn đại diện Anh đứng đầu là Bộ trưởng Ngoại giao Iđơn, cùng ba đoàn đại diện của chính quyền bù nhìn Việt Nam, Lào và Campuchia.

Ngày 8-5-1954, Hội nghị Giơnevơ bắt đầu chuyển sang bàn về vấn đề chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương. Trong bốn phiên họp toàn thể ở tuần lễ đầu tiên (8-5, 10-5, 12-5 và 14-5), các đoàn đại diện Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Trung Quốc và Liên Xô… lần lượt đưa ra đề nghị giải pháp kết thúc chiến tranh ở Đông Dương.

Trong phiên họp toàn thể thứ nhất (8-5), đoàn Pháp nêu lên lập trường 9 điểm, bao gồm 5 điểm về Việt Nam :

1 – Tập kết quân đội hai bên vào vùng quy định;
2- Giải giáp lực lượng dân quân du kích;
3- Trao trả tù quân sự và dân sự;
4- Kiểm soát quốc tế,
5- Đình chỉ chiến sự;

và bốn điểm về Lào và Campuchia:

1- Rút tất cả lực lượng Việt Nam;
2- Giải giáp lực lượng dân quân du kích;
3- Trao trả tùquân sự và dân sự;
4- Kiểm soát quốc tế.

Trong phiên họp toàn thể thứ hai (10-5), đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trình bày lập trường 8 điểm:

1- Pháp phải công nhận chủ quyền, độc lập của Việt Nam trên khắp lãnh thổ Việt Nam và chủ quyền, độc lập của hai nước Lào, Campuchia;
2- Kí một hiệp định về việc rút quân đội ngoại quốc ra khỏi ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia;
3- Tổ chức tổng tuyển cử tự do ờ ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia;
4- Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Lào và Campuchia xét vấn đề gia nhập Liên hiệp Pháp;
5- Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Pathét Lào và Campuchia công nhận quyền lợi kinh tế và văn hoá của Pháp, quan hệ kinh tế giữa ba nước với Pháp sẽ được quy định theo nguyên tắc bình đẳng, hai bên cùng có lợi;
6- Hai bên cam kết không truy tố những người hợp tác với bên kia trong chiến tranh;
7- Hai bên trao đổi tù binh;
8- Ngừng bắn toàn Đông Dương.

Trong phiên họp toàn thể thứ ba (12-5), đoàn Trung Quốc trình bày lập trường tổng quát về vấn đề Đông Dương, ủng hộ đề nghị 8 điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và phê phán tính chất thực dân, không thực tế trong đề nghị của đoàn Pháp. Đoàn Trung Quốc chỉ ra hai điều kiện cơ bản để lập lại hoà bình ở Đông Dương là nước Pháp phải chấm dứt chiến tranh, Mĩ phải
chấm dứt can thiệp vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương.

Qua bốn phiên họp toàn thể trong tuần lễ đầu tiên và tiếp đến ba phiên họp từ ngày 17 đến ngày 19-5, hai bên đều trình bày quan điểm của mình nhưng vẫn chưa đi tới thoả thuận trên hai vấn đề cơ bản về chương trình nghị sự. Quan điểm do phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đưa ra và được Liên Xô, Trung Quốc đồng tình là giải quyết toàn điện cả hai vấn đề quân sự và chính trị đồng thời cho cả ba nước Việt Nam, Campuchia, Lào trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước ở Đông Dương. Quan điểm phía bên kia do Pháp đề nghị là chỉ giải quyết vấn đề quân sự và tách vấn đề Lào, Campuchia ra khỏi vấn đề Việt Nam. Do lập trường ngoan cố của Pháp và Mĩ , Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương diễn ra gay go, phức tạp.

Nhằm động viên toàn quân và toàn dân cả nước tận dụng thời cơ thuận lợi tiếp tục tiến lên giành nhiều thắng lợi to lớn hơn, ngày 1-5-1954, Ban Bí thư Trung ương ra bản Chỉ thị “Về việc tổ chức một cuộc tuyên truyền động viên mở rộng thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ”. Chỉ thị nêu rõ: Bộ đội đánh thắng địch ở Điện Biên Phủ ra sức rút kinh nghiệm, chỉnh đốn lực lượng, chuẩn bị thi hành nhiệm vụ mới; động viên quân và dân trên chiến trường toàn quốc, nhất là ở vùng sau lưng địch, tích cực đánh giặc và làm tròn nhiệm vụ khác, tích cực vận động binh lính địch, nhất là ngụy binh; động viên quần chúng trong vùng tạm chiếm tích cực chống địch bắt lính, vơ vét, chống Mĩ can thiệp, vạch mặt bọn bù nhìn…

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, từ trung tuần tháng 5, các lực lượng vũ trang nhân dân ta trên các chiến trường, nhất là ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ liên tục tiến công các vị trí địch, thu nhiều thắng lợi. Từ đầu tháng 6, nhất là những ngày cuối tháng 6 đầu tháng 7, chiến trường Bắc Bộ trở nên sôi động trong cảnh tượng quân địch vội vã rút bỏ hàng loạt vị trí ở trung du và nam đồng bằng. Trong khi đó, cuộc đàm phán trên bàn Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương vẫn giậm chân tại chỗ. Thời gian này, các Phó đoàn đại diện thay thế Trưởng đoàn đã tiến hành 5 phiên họp hẹp, từ phiên thứ 17 đến phiên thứ 21; quan điểm của hai phía về giải pháp cho vấn đề Đông Dương vẫn khác xa nhau. Hoạt động ngoại giao của hai phía chủ yếu diễn ra bên ngoài Hội nghị bằng những cuộc gặp gỡ riêng giữa các Trưởng đoàn. Từ trung tuần tháng 7, Hội nghị Giơnevơ bước vào giai đoạn kết thúc. Từ ngày 11 đến ngày 17, ngoài phiên họp hẹp thứ 22 còn có hàng loạt các cuộc tiếp xúc riêng giữa các Trưởng đoàn để từng bước tháo gỡ những bất đồng trong các vấn đề như đường ranh giới tập kết ở Việt Nam; tổng tuyển cử ở Việt Nam; kiểm soát quốc tế; thời hạn rút quân Pháp khỏi Bắc Việt Nam, Lào và Campuchia. Song, các bên vẫn chưa đi tới giải pháp thống nhất.

Cùng thời gian trên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên cơ sở phân tích tình hình và những thắng lợi của ta, Hội nghị chỉ rõ “Đế quốc Mĩ là kẻ thù chính của nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới, và hiện đang trở thành kẻ thù chính trực tiếp của nhân dân Đông Dương”. Hội nghị cũng quyết định phương châm, sách lược đấu tranh của ta trong giai đoạn mới là: “Chĩa mũi nhọn đấu tranh vào đế quốc Mĩ và hiếu chiến Pháp, dựa trên cơ sở những thắng lợi đã đạt được mà phấn đấu để thực hiện hoà bình ở Đông Dương, phá tan âm mưu của đế quốc Mĩ kéo dài và mở rộng chiến tranh Đông Dương, củng cố hoà bình và thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và thực hiện dân chủ trong toàn quốc”.

Ngày 18-7, Hội nghị Giơnevơ bước sang phiên họp hẹp thứ 23. Xuất phát từ điều kiện cụ thể cuộc kháng chiến của ta, cũng như so sánh lực lượng giữa ta và Pháp trong cuộc chiến tranh và xu thế chung của thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai là giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng thương lượng; đồng thời căn cứ vào thực trạng mối quan hệ giữa các nước lớn tham dự Hội nghị, quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô và Trung Quốc lúc đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phải chấp nhận kí Hiệp định Giơnevơ.

2- Hiệp định Giơnevơ

Sau 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp rất gay go và phức tạp, Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương đã kết thúc. Ngày 21-7-1954, Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương được kí kết, gồm các văn kiện sau đây:

1- Bản Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam
2- Bản Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Lào
3- Bản Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Campuchia
4- Bản Tuyên bố cuối cùng
5- Các phụ bản khác…

Bản Tuyên bố cuối cùng về việc lập lại hoà bình ở Đông Dương gồm 13 điều:

1- Xác nhận những văn bản Hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, ở Lào, ở Campuchia và tổ chức kiểm soát quốc tế.
2- Khẳng định sự hài lòng của các bên tham gia Hội nghị về việc chấm dứt chiến sự ở các nước Đông Dương.
3- Xác nhận những lời tuyên bố của Chính phủ Vương quốc Campuchia và của Chính phủ Vương quốc Lào về cuộc tổng tuyển cử sắp tới. “Cuộc tổng tuyển cử này sẽ tiến hành trong năm 1955 căn cứ vào niên pháp của mỗi nước, theo phương pháp bỏ phiếu kín và trong sự tôn trọng những quyền tự do căn bản”.
4- Xác nhận những điều khoản trong Hiệp định đình chỉ chiến sự ở ba nước về việc cấm đem quân đội và nhân viên quân sự nước ngoài vào các nước Đông Dương.
5- Xác nhận những điều khoản trong Hiệp định đình chỉ chiến sự cấm việc đặt căn cứ quân sự nước ngoài ở Đông Dương và việc các nước Đông Dương tham gia các liên minh quân sự với nước ngoài.
6- Quy định lấy vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời ở Việt Nam. “Giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời, hoàn toàn không thể coi là một ranh giới về chính trị hay về lãnh thổ…”.
7- Khẳng định các bên tham gia Hội nghị thừa nhận về nguyên tắc sự độc lập thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, việc hiệp thương giữa hai miền bắt đầu từ ngày 20-7-1955 và “cuộc tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào tháng 7-1956, dưới sự kiểm soát của một ban quốc tế gồm đại biểu những nước có chân trong Ban giám sát và kiểm soát quốc tế .
8- Cam kết tôn trọng quyền tự do lựa chọn nơi sinh sống của nhân dân trong mỗi nước.
9- Quy định “Những nhà đương cục có thẩm quyền ở vùng Bắc và vùng Nam Việt Nam, cũng như ở Lào và Cao Miên không được dung thứ những hành động báo thù cá nhân hoặc tập thể đối với những người đã hợp tác… với một trong hai bên trong thời gian chiến tranh, hoặc đối với gia đình những người đó”.
10- Chứng nhận lời tuyên bố của Chính phủ Pháp “sẵn sàng rút quân đội Pháp khỏi lãnh thổ Cao Miên, Lào và Việt Nam theo lời yêu cầu của những Chính phủ có liên quan và trong một thời hạn do các bên thoả thuận…” .
11- Chứng nhận lời tuyên bố của Chính phủ Pháp cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia.
12- Quy định những nguyên tắc trong quan hệ với ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia: “… mỗi nước tham gia Hội nghị Giơnevơ cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của những nước trên và tuyệt đối không can thiệp vào nội trị của những nước đó”.
13- Quy định những biện pháp cần thiết để đảm bảo việc tôn trọng Hiệp nghị: “Các nước tham gia Hội nghị Giơnevơ thoả thuận sẽ hỏi ý kiến nhau về mọi vấn đề do Ban giám sát và kiểm soát quốc tế chuyển tới, nhằm nghiên cứu những biện pháp tỏ ra cần thiết để đảm bảo sự tôn trọng những Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Cao Miên, Lào và Việt Nam” .

Bản Tuyên bố cuối cùng được tám đoàn trong số chín đoàn tham gia Hội nghị kí kết; riêng đoàn Mĩ không kí, mà chỉ ra tuyên bố riêng công nhận. Hành động này của Mĩ một mặt biểu hiện sự phản ứng đối với kết quả Hội nghị, một mặt có ý đồ dọn đường sẵn cho việc phá hoại Hiệp định, hất cẳng Pháp, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của đế quốc Mĩ . Hiệp định Giơnevơ không phản ánh đầy đủ những thắng lợi của nhân dân ta trên chiến trường và cũng không phản ánh đúng khả năng cách mạng ba nước Đông Dương sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Với giải pháp Giơnevơ, Việt Nam mới giải phóng được một nửa đất nước; vùng giải phóng Lào chỉ còn lại hai tỉnh (Sầm Nưa và Phong Xa Lì); Campuchia không còn vùng giải phóng, nên lực lượng vũ trang phải giải ngũ tại chỗ.

Mặc dù còn có những hạn chế, nhưng với việc kí kết Hiệp định Giơnevơ, “chúng ta đã thu được một thắng lợi ngoại giao mlớn “. Cùng với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ đã kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp có Mĩ giúp sức ở Đông Dương kéo dài trong gần 9 năm. Âm mưu của đế quốc Mĩ định kéo dài, mở rộng và quốc tế hoá cuộc chiến tranh Đông Dương hoàn toàn bị đập tan. Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương là một văn bản pháp lí quốc tế ghi nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ba nước Đông Dương là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Với Hiệp định Giơnevơ, miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng và đi lên chủ nghĩa xã hội, trở thành chỗ dựa vững chắc cho cuộc cách mạng giải phóng miền Nam và đấu tranh thống nhất nước nhà. “Việc lập lại hoà bình ở Đông Dương, hoàn toàn giải phóng miền Bắc Việt Nam đặt cơ sở pháp lí cho việc thống nhất nước ta là một thắng lợi to lớn của nhân dân ta, đồng thời cũng là thắng lợi của phe xã hội chủ nghĩa, hoà bình và dân chủ trên thế giới. Nó phản ánh tình hình lực lượng so sánh ở Đông Dương và trên thế giới lúc bấy giờ. Thắng lợi to lớn đó không những tạo ra khả năng thực tế để thực hiện hoà bình thống nhất đất nước ta trên cơ sở độc lập và dân chủ, mà còn tạo ra những điều kiện thuận lợi cho cách mạng ở miền Bắc tiến lên một giai đoạn mới” .

Thắng lợi và hạn chế của giải pháp Giơnevơ đối với Việt Nam cũng phản ánh tương quan lực lượng giữa các nước lớn trên trường quốc tế, phản ánh tính phức tạp về ý đồ chiến lược của các bạn đồng minh của chúng ta trong qua trình đàm phán.

(Lytuong.net – Nguồn tài liệu: Nguyễn Xuân Minh, Lịch sử Việt Nam 1945-2000, NXB Giáo dục)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net