Trang chủ Kinh tế và Kinh doanh Tổng cung là gì? Những yếu tố ảnh hưởng đến tổng cung

Tổng cung là gì? Những yếu tố ảnh hưởng đến tổng cung

by Ngo Thinh
1,1K views

1. Khái niệm tổng cung

Tổng cung là giá trị tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ mà các doanh nghiệp trong nền kinh tế sẵn lòng cung ứng tại mỗi mức giá, trong một khoảng thời gian nhất định, với các điều kiện khác không đổi.

Xem thêm: Tổng cầu

2. Các dạng tổng cung

Tổng cung biểu diễn mối quan hệ giữa sản lượng cung ứng về hàng hóa – dịch vụ và mức giá, mà giá cả thì linh hoạt trong dài hạn và cứng nhắc trong ngắn hạn nên mối quan hệ này tùy thuộc vào khoảng thời gian mà chúng ta xem xét. Do đó, tổng cung có hai dạng: tổng cung ngắn hạn và tổng cung dài hạn.

Ngắn hạn là khoảng thời gian mà khi mức giá thay đổi (tăng hoặc giảm), giá của các yếu tố đầu vào vẫn không thay đổi theo với cùng tỷ lệ tương ứng.

Sở dĩ như vậy vì giá của nhiều yếu tố đầu vào bị ràng buộc bởi các hợp đồng đã ký, như hợp đồng lao động, hợp đồng thuê mướn nhà xưởng, máy móc… Ví dụ như khi giá tăng, doanh nghiệp không lập tức tăng lương cho công nhân, hay các chủ đất không thể ngay lập tức tăng tiền thuê mướn mặt bằng, nhà xưởng vì bị ràng buộc bởi các hợp đồng đã ký trước đó.

Dài hạn là khoảng thời gian mà khi mức giá thay đổi (tăng hoặc giảm), giá của các yếu tố đầu vào sẽ thay đổi với cùng tỷ lệ tương ứng. Vì lúc này các hợp đồng kinh tế đã hết hạn nên các bên có thể thực hiện các điều chỉnh tương ứng với sự thay đổi của mức giá.

Như vậy, ngắn hạn hay dài hạn khi xem xét tổng cung không được đánh giá bằng thời gian mà phải bằng sự điều chỉnh kinh tế.

Bây giờ, chúng ta đi xem xét các dạng tổng cung.

a. Tổng cung ngắn hạn (SAS)

Tổng cung ngắn hạn phản ánh mối quan hệ giữa tổng cung và mức giá trong điều kiện giá các yếu tố đầu vào chưa thay đổi.

Đường tổng cung ngắn hạn được Keynes đề xướng và các nhà kinh tế học thuộc trường phái sau Keynes bổ sung với giả thiết giá cả và tiền lương cứng nhắc.

Trên đồ thị, trục tung biểu diễn mức giá, trục hoành biểu diễn tổng sản lượng hàng hóa dịch vụ, đường tổng cung ngắn hạn có dạng dốc lên.

Đồ thị đường tổng cung ngắn hạn

Đồ thị đường tổng cung ngắn hạn

Đường tổng cung dốc lên trong ngắn hạn, nghĩa là khi mức giá chung tăng có xu hướng làm tăng lượng cung hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế, và ngược lại.

Nguyên nhân đường tổng cung ngắn hạn dốc lên do:

Hiệu ứng lợi nhuận: Lợi nhuận là động cơ hàng đầu của việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp. Khi giá cả tăng trong khi giá các yếu tố đầu vào chưa thay đổi, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tăng lên nên các doanh nghiệp sẽ gia tăng tốc độ sản xuất, gia tăng sản lượng. Giá cả giảm sút sẽ gây ra hiệu ứng ngược lại, doanh nghiệp sẽ giảm sản lượng sản xuất và bán ra.

Hiệu ứng chi phí: Độ dốc hướng lên còn được lý giải bởi sự gia tăng chi phí. Khi giá tăng, các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, thuê mướn nhiều lao động hơn. Tuy nhiên, nguồn lực của nền kinh tế là có giới hạn, nên khi sản lượng đạt đến sản lượng tiềm năng, nguồn cung ứng đầu vào trở nên khan hiếm làm tăng chi phí sản xuất nên dù mức giá có tăng thì sản lượng cũng không tăng nhiều như trước được và đến một lúc nào đó, sản lượng không thể tăng thêm, đường tổng cung hầu như thẳng đứng.

Như vậy, đường tổng cung ngắn hạn (SAS) có dạng dốc lên, khi vượt quá sản lượng tiềm năng, độ dốc càng tăng và sau đó thì thẳng đứng.

b. Tổng cung dài hạn (LAS)

Tổng cung dài hạn phản ánh mối quan hệ giữa tổng cung và mức giá trong điều kiện giá các yếu tố đầu vào thay đổi cùng tỷ lệ với mức giá đầu ra của sản phẩm.

Đường tổng cung dài hạn được các nhà kinh tế học cổ điển đề xướng trên cơ sở giá cả và tiền lương linh hoạt cho nên thị trường tự động điều chỉnh để sử dụng hết các yếu tố sản xuất, nền kinh tế cân bằng toàn dụng, tổng cung là cố định. Do đó sản lượng không phụ thuộc vào mức giá mà chỉ phụ thuộc vào nguồn lực của nền kinh tế như: lao động, vốn, tài nguyên thiên nhiên, kỹ thuật công nghệ và quản trị…hiện có. Đường tổng cung dài hạn là một đường thẳng đứng.

Khi mức giá đầu ra tăng bao nhiêu lần thì giá yếu tố đầu vào cũng tăng bấy nhiêu lần làm lợi nhuận của doanh nghiệp không tăng, doanh nghiệp không còn động cơ mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng không có ý định thu hẹp sản xuất vì như vậy chi phí cố định trên một sản phẩm là rất lớn. Do đó, doanh nghiệp sẽ duy trì sản xuất tại mức sản lượng tiềm năng.

Đồ thị đường tổng cung dài hạn

Đồ thị đường tổng cung dài hạn

Như vậy, trong dài hạn, khi có sự điều chỉnh cùng tỷ lệ giữa mức giá và giá các yếu tố sản xuất, các doanh nghiệp sẽ duy trì sản lượng ở mức toàn dụng. Nói cách khác, đường tổng cung dài hạn là đường thẳng đứng tại sản lượng tiềm năng.

3. Những yếu tố ảnh hưởng đến tổng cung

Tổng cung phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó có những yếu tố chỉ tác động đến tổng cung trong ngắn hạn nhưng cũng có những yếu tố tác động đồng thời đến tổng cung ngắn hạn và dài hạn.

Những nhân tố chỉ tác động đến tổng cung ngắn hạn bao gồm:

Mức giá chung của nền kinh tế. Trong ngắn hạn, khi mức giá chung tăng, lợi nhuận của doanh nghiệp tăng, các doanh nghiệp mở rộng sản xuất làm tăng sản lượng cung ứng cho nền kinh tế.

Giá của các yếu tố sản xuất như tiền lương, thuế, lãi suất… Khi giá các yếu tố sản xuất, ví dụ như tiền lương tăng sẽ làm tăng chi phí sản xuất, làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp, các doanh nghiệp sẽ giảm sản lượng cung ứng cho nền kinh tế ở mọi mức giá.

Những yếu tố tác động đồng thời đến tổng cung ngắn hạn và tổng cung dài hạn: Đó là các nguồn lực của nền kinh tế, bao gồm các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực, nguồn vốn, trình độ khoa học công nghệ. Những nhân tố này tác động năng lực sản xuất của nền kinh tế do đó ảnh hưởng đến tổng cung cả trong ngắn hạn và dài hạn.

4. Sự di chuyển và dịch chuyển của đường tổng cung

Đường tổng cung biểu hiện mối quan hệ giữa lượng cung về hàng hóa dịch vụ và mức giá. Do đó, khi mức giá thay đổi sẽ làm lượng cung di chuyển dọc theo đường tổng cung. Ta gọi đó là hiện tượng trượt cung hay sự di chuyển của đường tổng cung.

Nếu những nhân tố khác mức giá tác động sẽ gây ra hiện tượng dịch chuyển đường tổng cung. Trong đó:

Nếu các nhân tố thuộc nguồn lực đề cập ở trên thay đổi sẽ dẫn tới sự dịch chuyển của cả đường tổng cung ngắn hạn và dài hạn. Khi nguồn lực của quốc gia tăng, ví dụ một phát minh mới làm tăng năng suất lao động, sẽ làm đường tổng cung (ngắn hạn và dài hạn) dịch chuyển sang phải. Ngược lại, khi có sự sụt giảm các nguồn lực, ví dụ thời tiết thay đổi làm mất mùa, sẽ làm đường tổng cung dịch chuyển sang trái.

Sự dịch chuyển của đường cung ngắn hạn và dài hạn.

Sự dịch chuyển của đường cung ngắn hạn và dài hạn.

Nếu các nhân tố như tiền lương hay giá các yếu tố sản xuất khác tăng lên sẽ làm đường tổng cung ngắn hạn dịch chuyển sang trái và ngược lại, còn đường tổng cung dài hạn thì không đổi vì những nhân tố này không tác động đến tổng cung dài hạn.

 

Sự dịch chuyển của đường tổng cung ngắn hạn

Sự dịch chuyển của đường tổng cung ngắn hạn

(Nguồn tài liệu: Trần Nguyễn Ngọc Anh Thư, Bài giảng kinh tế vĩ mô 2021)

5/5 - (2 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]