Khái niệm về sức khỏe cộng đồng và các yếu tố liên quan
Trên thị trường có nhiều bài viết đưa ra định nghĩa sức khỏe cộng đồng. Theo định nghĩa của trung tâm RTCCD, “Sức khỏe cộng đồng là tập hợp của sức khỏe các cá nhân trong cộng đồng”. Định nghĩa này được sử dụng để phân tích, đưa đến khái niệm liên quan đến đo lường “sự biểu hiện trạng thái sức khỏe của một cộng đồng cụ thể”.
Sự biểu hiện trạng thái sức khỏe của một cộng đồng cụ thể
Từ sức khỏe cá nhân đi sang sức khỏe cộng đồng, thay đổi phạm vi, cách nhìn, kéo theo một loạt thay đổi khác, hình thành nên một “cách tiếp cận sức khỏe cộng đồng, phương pháp làm việc sức khỏe cộng đồng”. Trong phạm vi nội dung này, chúng tôi chỉ nêu một vấn đề cơ bản: Đó là nhìn nhận thế nào về trạng thái sức khỏe của một cộng đồng?
Trong bất kỳ một cộng đồng cụ thể nào, cũng có người khỏe mạnh, người yếu; có người bệnh thực thể, người tàn tật, người rối nhiễu tâm trí, người bệnh tâm thần, … Tóm lại, nếu bạn hiểu đơn giản “sức khỏe cộng đồng là tập hợp của sức khỏe của tất cả các cá nhân trong cộng đồng”, thì trong thực hành, bạn phải hiểu thế nào về “biểu hiện cụ thể tình trạng sức khỏe của một cộng đồng”?
Với cá nhân, ta có thể nói “tôi khỏe”, “người kia rất khỏe”, “người này bình thường”, “người kia ốm”, “rất ốm”, … và mọi người đều dễ dàng hiểu điều ta nói. Liệu ta có thể nói như thế với “tình trạng sức khỏe” của một cộng đồng cụ thể hay không? Chẳng hạn, sức khỏe của một xã A là như thế nào, so với xã B là khỏe hay ốm yếu? …
Rõ ràng, với cá nhân, ta có thể so tình trạng sức khỏe của ta hôm nay so với hôm qua, hôm kia, để nhận định khỏe, ốm, thông qua các triệu chứng, biểu hiện. Còn với cộng đồng, muốn có nhận định về tình trạng sức khỏe so với hôm qua, tháng trước, hoặc so với xã bên… không thể đi so từng “cặp người” với nhau được. Người ta dùng đến chỉ số sức khỏe. Gọi chung là tỷ lệ bệnh tật (A, B..) trong cộng đồng, xét theo thời gian cụ thể.
Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng
Có bốn nhóm yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của một cộng đồng dân cư. Do các yếu tố này khác nhau đối với từng cộng đồng, sức khỏe của các cá nhân trong cộng đồng đó cũng khác nhau, nên các các yếu tố này được xếp thành từng nhóm.
+ Nhóm 1: Các yếu tố vật lý, địa lý (bệnh kí sinh trùng), môi trường (các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có), quy mô dân cư (đông đúc), và sự phát triển công nghiệp (ô nhiễm)…
+ Nhóm 2: Các yếu tố văn hóa và xã hội như niềm tin, truyền thống, quy định (hút thuốc nơi công cộng, cách chế biến thức ăn, …), kinh tế (lợi ích chăm sóc sức khỏe của người lao động), chính trị (hoạt động bầu cử vào Chính phủ), tín ngưỡng (niềm tin vào vào điều trị y tế), chuẩn mực xã hội và tình trạng kinh tế xã hội…
+ Nhóm 3: Các tổ chức trong cộng đồng như các cơ sở y tế sẵn có (y tế tư nhân, y tế công), và khả năng tổ chức để giải quyết vấn đề (vận động chính quyền thành phố),…
+ Nhóm 4: Hành vi cá nhân (các hành vi tăng cường sức khỏe như tập thể dục, tiêm chủng, tái chế rác thải, …). (encyclopedia)
Công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Khái niệm chăm sóc sức khỏe cho một cộng đồng cũng có những điểm tương đồng với chăm sóc sức khỏe cho từng cá nhân. Khi nói đến chăm sóc sức khỏe cá nhân có nghĩa là nói đến các hoạt động nhằm tăng cường sức khỏe của cá nhân đó. Tương tự, chăm sóc sức khỏe cho một cộng đồng có thể hiểu là các hoạt động có kế hoạch theo thời gian nhằm tăng cường, cải thiện sức khỏe của cộng đồng. Hay nói theo cách khác, các hoạt động chăm sóc được đánh giá thông qua việc cải thiện các chỉ số sức khỏe của cộng đồng (tỷ lệ bệnh tật, tỷ lệ tử vong, …). Đây chính là vai trò của chăm sóc y tế ban đầu.
Chăm sóc sức khỏe ban đầu là những chăm sóc sức khỏe thiết yếu, dựa trên những phương pháp và kỹ thuật thực hành, đưa đến tận cá nhân và từng gia đình trong cộng đồng, được mọi người chấp nhận thông qua sự tham gia đầy đủ của họ, với giá thành mà họ có thể chấp nhận được nhằm đạt được mức sức khỏe cao nhất có thể. Chăm sóc sức khỏe ban đầu nhấn mạnh đến những vấn đề sức khỏe chủ yếu trong cộng đồng, đến tăng cường sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh và phục hồi sức khỏe.
(Tổ chức y tế thế giới, 1978)
Tổ chức y tế thế giới cũng nêu ra 8 yếu tố thiết yếu trong chăm sóc sức khỏe ban đầu:
+ Giáo dục sức khỏe nhằm thay đổi lối sống và thói quen không lành mạnh;
+ Cung cấp đầy đủ thực phẩm và dinh dưỡng hợp lý, đây là yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến sức khỏe;
+ Cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường;
+ Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trong đó có kế hoạch hóa gia đình;
+ Tiêm chủng phòng chống 6 bệnh nhiễm trùng phổ biến ở trẻ em;
+ Phòng chống dác bệnh dịch lưu hành phổ biến tại địa phương;
+ Điều trị hợp lý các bệnh thông thường;
+ Cung cấp các loại thuốc thiết yếu.
Nguồn: unicef.org