Trang chủ Xã hội học Chuẩn mực xã hội là gì?

Chuẩn mực xã hội là gì?

by Ngo Thinh
273 views

1. Khái niệm khuân mẫu, chuẩn mực xã hội

Khuôn, mẫu là những thuật ngữ của lĩnh vực kỹ thuật hay nghệ thuật với ý nghĩa là những tiêu chuẩn, vật chuẩn được tạo ra từ trước để dựa vào đó và theo đó mà làm ra những vật phẩm khác giống như nhau theo cái vật chuẩn ban đầu ấy. Chẳng hạn: khuôn đúc đồng, khuôn đóng (đúc) gạch, ngói, khuôn làm bánh… hay mẫu hoa để vẽ, để thêu, mẫu nhà cửa, mẫu bàn ghế… để làm theo. Như vậy có thể coi khuôn mẫu là vật chuẩn do con người tạo ra và được con người lựa chọn, chấp nhận làm mẫu cho những cái cùng loại khác.

Trong lĩnh vực xã hội, khuôn mẫu được hiểu như là những tiêu chí đã được xã hội thừa nhận, hợp thành những chuẩn mực giá trị dùng làm mẫu để đo đạc những cái khác. Đồng thời, con người khi thực hiện một hành vi xã hội hay thiết lập, tạo dựng một việc gì đó đều dựa vào những cái mẫu có trước, dùng nó để làm cái quy chiếu cho những cái khác. Ví dụ như mẫu hình trong hôn nhân, mẫu hình về người đàn ông, người phụ nữ (theo quan niệm xưa, nay) hay mẫu hình về một gia đình, một dòng họ thuận hoà, thành đạt…

Để kiểm tra một người nào đó có thực hiện đúng vai trò xã hội của mình hay không, người ta thường xem xét hành vi xã hội của người đó có phù hợp với chuẩn mực, giá trị của khuôn mẫu xã hội hay không. Chuẩn mực là sự thống nhất của xã hội về những khuôn mẫu hành vi cụ thể, tương ứng với các loại vị thế, vai trò xã hội khác nhau. Mỗi loại nghề nghiệp, vị thế, vai trò xã hội đều có những chuẩn mực riêng của mình. Chuẩn mực xã hội cũng được hiểu là sự mong đợi của xã hội về một kiểu hành vi lý tưởng, ứng với một loại địa vị xã hội nào đó.

Như vậy, chuẩn mực xã hội vừa là khuôn mẫu vừa là áp lực xã hội đối với hành vi cá nhân. Khuôn mẫu xã hội có ảnh hưởng sâu sắc đến nếp nghĩ, nếp cảm và cách hành động của con người. Do đó, ảnh hưởng đến toàn bộ nền văn hoá, sự định hướng giá trị, tín ngưỡng của con người trong một xã hội nhất định.

2. Đặc điểm của khuôn mẫu, chuẩn mực

Những hành vi xã hội, những chuẩn mực, giá trị mà chúng ta hay gặp nhất trong xã hội và có ảnh hưởng nhiều nhất đến sự phát triển xã hội là những hành vi, chuẩn mực thuộc khuôn mẫu văn hoá (theo nghĩa rộng) với nội hàm:Một tác phong xã hội được lặp đi, lặp lại trong cuộc sống đời thường; được nhiều người thực hiện theo cùng một phong cách giống nhau;được xem là có tác dụng định hướng, có ý nghĩa mẫu mực cho nhiều người noi theo; đồng thời nó chứa đựng một ý nghĩa xã hội nhất định.

Trong đời sống xã hội, mỗi người thường làm theo những gì mà mọi người vẫn quen làm, những gì mà xã hội cho là quan trọng. Khuôn mẫu xã hội thường được thể chế hoá thành các quy định xã hội, được mọi thành viên trong xã hội thừa nhận và tuân thủ theo. Những quy định như vậy có thể được ghi thành văn bản dưới dạng các nội quy, quy chế, điều luật… Nhưng cũng có khi chỉ là những quy ước bất thành văn như phong tục, tập quán… nhưng rất được xã hội coi trọng và tuân thủ thực hiện.

Trong các khuôn mẫu xã hội thì khuôn mẫu hành vi yêu nước bao giờ cũng được đề cao, những ai đi ngược lại khuôn mẫu hành vi này đều bị xã hội lên án và căm phẫn.

3. Tính biến đổi của khuôn mẫu, chuẩn mực xã hội

Khuôn mẫu xã hội là những chuẩn mực giá trị, nhưng không phải là những chuẩn mực tồn tại bất biến, vĩnh hằng, mà nó cũng có sự biến đổi cùng với sự biến đổi của không gian, thời gian, của tính chất và trình độ xã hội. Nghĩa là sự biến đổi của xã hội đã làm cho một số khuôn mẫu, chuẩn mực trở nên lỗi thời, lạc hậu, không còn phù hợp với xã hội. Đồng thời có một số khuôn mẫu, chuẩn mực mới, tiến bộ được hình thành và được xã hội thừa nhận, ví dụ: khuôn mẫu mới về gia đình, con cái, về các nghi lễ, tập tục trong cưới hỏi, tang ma…

Thực tế cuộc sống cho thấy, khi một tác phong xã hội nào đó được khuôn mẫu hoá thì đều trở thành “con đường tắt” rất tiện lợi và cần thiết cho sự học hỏi làm người của mỗi cá nhân. Có thể nói, mọi hành vi xã hội của con người đều là do sáng tạo của thói quen mà ra. Và xét cho cùng thì những chuẩn mực văn hoá chính là những đáp án có sẵn trong cuộc sống, mỗi con người học hỏi những điều đó là nhờ bắt chước, nhờ gợi ý của người khác. Mọi người đều có thái độ tôn trọng các khuôn mẫu, chuẩn mực vì đó là kết quả được đúc kết nên bởi nhiều thế hệ đời người.

Đằng sau các khuôn mẫu, chuẩn mực là cả một bề dày truyền thống vững vàng, sâu nặng, lại có được sự hỗ trợ của các quyền uy xã hội. Do vậy mỗi cá nhân khi tiếp nhận các chuẩn mực văn hoá đều cảm thấy tự giác, thoải mái và tự nhiên, coi nó gần như là bản tính thứ hai của con người.

Khi xã hội phát triển con người có điều kiện tiếp xúc, hội nhập nhiều với các nền văn hoá khác, thì một số khuôn mẫu, chuẩn mực văn hoá truyền thống (như phong tục, tập quán) có thể bị coi là những yếu tố lạc hậu, trì trệ, bảo thủ và rất dễ bị mọi người có định kiến xấu. Trong điều kiện này, đòi hỏi con người phải sáng suốt, khi tiếp thu cái mới phải biết chọn lọc cái hay, cái phù hợp, tránh sự lố lăng, lai căng, mất gốc. Phải biết trân trọng và bảo tồn, phát huy những khuôn mẫu, chuẩn mực mang vẻ đẹp của thuần phong, mỹ tục. Nghĩa là có tiếp thu, có phê phán, kế thừa cái hay, cái tiến bộ, loại bỏ cái dở, cái lạc hậu, làm cho lối sống văn hoá của xã hội tiến kịp với nền văn minh chung của nhân loại.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net