Khoa học là hệ thống tri thức đúng đắn và chân thực về thế giới khách quan. Nói đến khoa học cũng đồng thời nói đến chân lý. Vì vậy quan hệ giữa đạo đức và khoa học là quan hệ giữa cái Thiện và cái Chân.
Đạo đức và khoa học khác nhau
- Phán đoán của khoa học là phán đoán về sự kiện, phản ánh trạng thái đơn thuần của đối tượng, khẳng định chân lý hoặc sai lầm. Ví dụ: “vũ trụ là vô tận” diễn đạt trạng thái và bản chất của đối tượng thực tại.
- Phán đoán đạo đức là phán đoán đánh giá và yếu tố đánh giá là đặc trưng cuả phán đoán đạo đức. Nó chứa đựng cảm xúc trách nhiệm của con người đối với con người và xã hội . Ví dụ: phán đoán “xu nịnh là đáng xấu hổ” diễn đạt sự kiện xu nịnh, hàm ẩn hoặc mô tả những đặc trưng của thói xấu này và thái độ phủ định đối với sự kiện ấy.
Đạo đức và khoa học quan hệ chặt chẽ nhau
a. Nếu thiếu yếu tố đối tượng thực tại, thiếu yếu tố mô tả thì không thể có sự đánh giá.
b. Xét ảnh hưởng của năng lực tư duy, lý trí tới đạo đức thì chân lý là một trong những ngọn nguồn và tiêu chuẩn của cái thiện:
- Con người càng có nhiều tri thức, nó càng hiểu sâu sắc những quy luật phát triển của tự nhiên, xã hội và bản thân mình, thì tình cảm của họ đối đối với cuộc sống ngày càng mãnh liệt, họ càng yêu thiên nhiên, yêu sự sống, yêu đồng loại hơn. Tình yêu thiên nhiên làm tăng cường tình yêu con người và tình yêu này tác động thuận lợi tới sự phát triển của tình cảm đạo đức.
- Tri thức, học vấn mở ra cho con người quang cảnh rộng lớn của thực tế xung quanh, cho con người thấy sự khác biệt căn bản giữa cuộc sống của con người và tồn tại của loài vật. Tri thức đó làm cho con người trở nên tự do và tích cực hơn, chúng giúp con người có năng lực cải tạo thế giới để mưu cầu hạnh phúc cho toàn nhân loại. Vì vậy tri thức là một điều kiện của đạo đức, chân lý là cơ sở của cái thiện.
c. Bản thân đạo đức chức đựng chân lý khoa học và ngược lại. Lý tưởng của khoa học và đạo đức thống nhất nhau nhằm phục vụ tiến bộ của nhân loại. Đạo đức đòi hỏi con người sống phù hợp với quy luật của sự tiến bộ xã hội. Tính chân lý của cái thiện là ở chỗ nó phù hợp với đời sống hiện thực, với xu hướng có tính quy luật của sự tiến bộ xã hội. Cái thiện không tồn tại trong tưởng tượng mà có thể kiểm nghiệm trong thực tiễn.
d. Cái Thiện là mục đích của cái Chân:
Đạo đức có vai trò thúc đẩy các quá trình tìm tòi tới chân lý khoa học. Nhân loại càng đi xa trên con đường tới những đỉnh cao của tri thức thì đạo đức của nhân loại càng phát triển cao hơn. Khoa học chẳng có mục đích nào khác ngoài sự phục vụ cho nhân loại. Vì vậy một hệ thống xã hội mà trong đó khoa học bị lợi dụng để phục vụ cho những ý đồ đi ngược với ích chân chính của con người sẽ không thể tồn tại.
Trong mỗi con người, quan hệ giữa đạo đức và khoa học biểu hiện quan hệ giữa Đức và Tài.