Trang chủ Đạo đức học Lương tâm là gì? Các quan niệm về lương tâm

Lương tâm là gì? Các quan niệm về lương tâm

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 779 views

Lương tâm là gì? Các quan niệm và lương tâm và vai trò của lương tâm đối với đời sống con người.

1. Những quan niệm khác nhau về lương tâm

Nghĩa vụ và lương tâm là 2 phạm trù có nội dung liên quan, hỗ trợ cho nhau và có chức năng thúc giục con người làm điều thiện, tránh điều ác. Bằng cách đó nó góp phần điều chỉnh và củng cố những quan hệ xã hội. Các nhà tư tưởng trong lịch sử có nhiều quan niệm khác nhau về phạm trù lương tâm.

a/ Quan niệm duy tâm:

– Platon cho rằng lương tâm là sự mách bảo của thượng đế, nó tồn tại vĩnh cửu.

– Kant cho rằng lương tâm là sự “thao thức của tinh thần” nó gắn liền với con người như bẩm sinh. Ông viết: “Cảm giác lương tâm ở mỗi cá nhân không phụ thuộc vào điều kiện họ sống. Lương tâm không phải là cái gì có thể tìm kiếm được. Một con người mang trong mình cảm giác lương tâm từ lúc mới sinh ra. Lương tâm như là người làm chứng của chúa trời để phán xử chúng ta”. Như vậy, theo Kant cảm giác lương tâm là tiên nghiệm, bẩm

– Hêghen cho rằng lương tâm là sản phẩm của tinh thần khách quan. Ông là người đầu tiên đặt vấn đề về nội dung khách quan của lương tâm. Theo Hegel, tiêu chuẩn của lương tâm phụ thuộc vào đạo đức của những xã hội khác nhau, còn hình thức của nó phụ thuộc vào các cá nhân khác nhau. Hai cái đó có thể ăn khớp hoặc mâu thuẫn với

b/ Quan niệm duy vật:

Các nhà duy vật thế kỷ 17-18 khẳng định lương tâm là một phạm trù đạo đức học, là yếu tố quan trọng cấu thành đạo đức và chú ý đến vai trò của lương tâm trong đời sống đạo đức. Đặc biệt Spinoza và Lock và nhấn mạnh cần phải giáo dục lương tâm. Tuy nhiên chưa có quan niệm nào lý giải đúng bản chất của lương tâm.

Lương tâm là gì?

Lương tâm là gì?

2. Quan niệm về lương tâm của đạo đức học Mácxít

a/ Bản chất của lương tâm

Lương tâm là sự tự đánh giá, sự tự phán xử và giải quyết đúng đắn các hành vi của chính mình trong toàn bộ các quan hệ xã hội.

SGK GDCD 10, Lương tâm là năng lực tự đánh giá và điều chỉnh hành vi đạo đức của bản thân trong mối quan hệ với người khác và trong xã hội.

– Lương tâm vừa là chức năng của tình cảm đạo đức, vừa là chức năng tự đánh giá của lý trí đạo đức:

Lương tâm là một cấu trúc tâm lý, là thể thống nhất giữa tình cảm và lý trí về cái thiện mà hạt nhân là ý thức nghĩa vụ. Lương tâm là tình cảm tích cực trước nghĩa vụ đạo đức. Đồng thời lương tâm làm chức năng tự đánh giá nên nó còn là một hành động trí tuệ, nó chứa đựng yếu tố lý trí. Chức năng đặc trưng của lương tâm là sự kiểm soát của chủ thể đối với hành vi của chính mình, là sự tự phê phán, tự lên án, tự trừng phạt của chủ thể đối với chính mình khi dự định hoặc đã thực hiện một hành vi trái với những nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức.

Lương tâm biểu hiện ở 2 trạng thái khẳng định và phủ định. Giá trị của sự khẳng định được biểu hiện bằng sự thanh thản của lương tâm (trạng thái thanh thản của lượng tâm), còn sự phủ định được biểu hiện bằng sự cắn rứt của lương tâm (trạng thái cắt rứt của lương tâm). Xấu hổ với bản thân là biểu hiện ban đầu của lương tâm cắn rứt. Từ cảm giác đó dẫn đến sự phán xử các suy nghĩ và hành vi của mình. Sự cắn rứt của lương tâm còn có sự trách móc của lý trí đối với ý chí “Đã biết sai sao vẫn cứ làm”. Đây là sự trách móc của lương tâm làm cho chủ thể đau khổ.

– Đối tượng của sự tự đánh giá và xét xử của lương tâm:

Đặc trưng của lương tâm là sự tự đánh giá hành động. Lương tâm lên tiếng không chỉ khi hành động đã xảy ra mà ngay cả từ trong dụng ý: Con người cảm thấy sự cắn rứt của lương tâm không những đối với những hành động tiêu cực mà cả với những dụng ý xấu .

b/ Tiêu chuẩn khách quan của lương tâm:

– Sự tự đánh giá của lương tâm phải dựa trên tiêu chuẩn khách quan chứ không thể dựa trên tiêu chuẩn chủ quan. Bởi vì sự vững tâm, sự tin tưởng ở bản thân mình có thể là đúng và làm cơ sở cho điều thiện. Nhưng sự tự ý thức cũng có thể sai, trường hợp đó thường người ta làm điều ác mà lương tâm vẫn cứ thanh thản, giống như kiểu lương tâm trong sạch của bọn phát xít!

– Tiêu chuẩn khách quan của lương tâm là nghĩa vụ và sự công bằng. Chính nghĩa vụ và sự công bằng là nội dung khách quan làm cơ sở cho tình cảm lương tâm. Công bằng xã hội là yêu cầu phân phối các giá trị phù hợp với giá trị mà người ta đã tạo ra, nó đòi hỏi sự tương xứng giữa hành vi với sự đền bù (lao động và thù lao, công và tội, thưởng và phạt ) . Nghĩa là mỗi người phải lấy những điều chính đáng, phù hợp với những lợi ích chân chính của con người làm tiêu chuẩn của lương tâm

Vì lương tâm là tình cảm trách nhiệm trước nghĩa vụ nên nó cũng có những sắc thái như nghĩa vụ: Lương tâm khoa học, lương tâm nghệ thuật, lương tâm nghề nghiệp.v.v…

c/ Vai trò của lương tâm trong đời sống đạo đức của con người:

– Lương tâm là ngọn nguồn bên trong của hạnh phúc. Lương tâm trong sạch làm cho ta ý thức được nhân phẩm của mình, cảm thấy sự khoan khoái của tâm hồn còn sự vô lương tâm là nguồn của sự bất hạnh. Lương tâm là điều kiện của hạnh phúc vừa theo chiều khẳng định vừa theo chiều phủ định.

– Lương tâm với chức năng tự đánh giá nên nó là một động lực thúc đẩy chủ thể làm điều thiện, làm tròn nghĩa vụ của mình, dũng cảm tự thú sai lầm, kiên quyết sửa chữa sai lầm. Lương tâm là động cơ của mọi điều thiện.

– Lương tâm giám sát hành vi con người xem có hợp đạo lý không. Lương tâm trừng phạt con người nếu con người có ý nghĩ và hành vi ác. Lương tâm có tác dụng ngăn ngừa tội ác. Sự hổ thẹn có vai trò uốn nắn định hướng hành vi của con người.

Những người theo chủ nghĩa Kant mới và những nhà tư tưởng của giai cấp tư sản hiện đại cho rằng lương tâm chỉ có vai trò tiêu cực. Nếu lương tâm xuất hiện vào lúc dự kiến hành vi, thì theo họ, chỉ có tác dụng dẫn đến sự thiếu quyết đoán. Nếu lương tâm xuất hiện vào lúc hành vi đã chấm dứt thì chỉ làm cho con người mất yên tĩnh mà không có tác dụng gì, vì hành vi đã được thực hiện rồi.

Chính vì vậy, họ đòi vứt bỏ lương tâm.

Đạo đức học Mác – Lênin, ngược lại, nhấn mạnh rằng lương tâm xuất hiện trong suốt toàn bộ hành vi đạo đức, từ lúc dự định đến lúc kết thúc. Nó xuất hiện cả lúc con người hành động phù hợp với những tiêu chuẩn đạo đức cũng như xa rời những tiêu chuẩn đạo đức. Ở đây, cả mặt phủ định- mặt cắn rứt của lương tâm, lẫn mặt khẳng định – sự thanh thản của lương tâm, đều có vai trò điều chỉnh và nâng cao tính tích cực của con người. Trong hai mặt đó sự thanh thản của lương tâm góp phần quan trọng vào đời sống đạo đức của cá nhân và xã hội.

3. Lương tâm trong giáo dục đạo đức

a/ Lương tâm là hạt nhân đạo đức của nhân cách.

Lương tâm không phải do Thượng đế ban cho mà là sản phẩm của quá trình giáo dục và tự giáo dục. Nếu không thường xuyên rèn luyện đạo đức thì lương tâm có được ở mỗi người có thể bị suy thoái, xơ cứng hoặc thậm chí mất đi trở thành kẻ “bất lương”. Lương tâm được rèn luyện trong lao động của con người.

b/ Trong công tác giáo dục đạo đức, người ta luôn chú ý đến vai trò của xấu hổ trong việc uốn nắn, định hướng hành vi suy nghĩ của con người. Nó có tác dụng hình thành dư luận xã hội, uốn nắn hành vi đạo đức của con người. Tất nhiên sử dụng vai trò xấu hổ của lương tâm trong giáo dục là một nghệ thuật, phải biết sử dụng đúng mức và phù hợp với từng đối tượng.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]