Trang chủ Đạo đức học Chủ nghĩa nhân đạo là gì?

Chủ nghĩa nhân đạo là gì?

by Ngo Thinh
209 views

Chủ nghĩa nhân đạo là gì? Đặc điểm của chủ nghĩa nhân đạo xã hội chủ nghĩa.

Khái niệm chủ nghĩa nhân đạo

– Chủ nghĩa nhân đạo là sự tổng hợp tất cả những quan điểm, hành vi đạo đức khẳng định giá trị và phẩm chất của con người, tôn trọng tự do của con người, nhằm thỏa mãn những nhu cầu và nguyện vọng chân chính của con người.

– Chủ nghĩa nhân đạo khác với lòng nhân đạo. Lòng nhân đạo ở mỗi con người là ý thức, tình cảm mang tính nhân đạo. Lòng nhân đạo là sản phẩm của sự cá nhân hóa, nhân cách hóa, nội tâm hóa chủ nghĩa nhân đạo. Như vậy dưới ánh sáng chung của chủ nghĩa nhân đạo thì mỗi người có lòng nhân đạo của riêng mình. Lòng nhân đạo ấy có nội dung và hình thức như thế nào tuỳ điều kiện sinh hoạt, sự tiếp thu chủ nghĩa nhân đạo, và hoạt động xã hội của mỗi người. Lòng nhân đạo thể hiện ra là thái độ tốt và tình yêu đối với con người.

Những hình thức biểu hiện chủ nghĩa nhân đạo

a/ Về mặt xã hội: Chủ nghĩa nhân đạo không chỉ là quyền con người được công nhận trong hiến pháp. Điều chủ yếu là những quyền này được thực hiện trong đời sống như : quan tâm đến giáo dục và học tập, bảo đảm cho mọi người có việc làm, nhà ở và những phương tiện sinh sống khác, quan tâm đến sức khỏe của con người. Đặc biệt xã hội phải quan tâm đến đời sống tinh thần của con người, bảo vệ phẩm giá của con người.

b/ Người với người là bạn, là đồng chí, anh em. Mỗi người không thể yêu mọi người như nhau nhưng nhất định phải yêu ở mỗi con người cái được gọi là tính người. Tính người chỉ biểu hiện ở nơi nào bắt đầu có sự quan tâm đến người khác, có sự giúp đỡ và thông cảm lẫn nhau.

c/ Kính già, yêu trẻ, tôn trọng phụ nữ.

d/ Yêu thiên nhiên, thương con vật có ích.

Đặc điểm của chủ nghĩa nhân đạo XHCN

Chủ nghĩa nhân đạo xã hội chủ nghĩa là một bước phát triển cao nhất về chất so với các học thuyết nhân đạo khác.

a/ Chủ nghĩa nhân đạo xã hội chủ nghĩa có quá trình phát triển lịch sử lâu dài và trở thành truyền thống cao quý của đạo đức:

– Chủ nghĩa nhân đạo XHCN có nguồn gốc sâu xa từ trong toàn bộ kho tàng tư tưởng của loài người. Những giá trị nhân đạo, khát vọng tự do và hạnh phúc, tư tưởng xoá áp bức bóc lột, xây dựng một xã hội trong đó mọi người sống bình đẳng, ấm nó hạnh phúc đã có từ xa xưa. Trong xã hội chiếm hữu nô lệ và phong kiến, những giá trị nhân đạo bắt nguồn từ nhân dân lao động dù có những biểu hiện rực rỡ nhưng vẫn chưa xuất hiện dưới hình thức lý luận như một trào lưu tư tưởng xã hội .

– Khi quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa ra đời thì chủ nghĩa nhân đạo thực sự trở thành trào lưu tư tưởng, đó là chủ nghĩa nhân đạo tư sản. Giai cấp tư sản nêu một thế giới quan mới, lấy con người làm trung tâm để chống lại thế giới quan của giáo hội lấy “thần” làm trung tâm. Nó đòi hỏi phải tin tưởng, tôn trọng con người, quan tâm đến hạnh phúc của con người trần gian. Đó là những tư tưởng đấu tranh đòi tự do, hạnh phúc, chống chủ nghĩa khổ hạnh của tôn giáo, tư tưởng yêu thiên nhiên, yêu những nét đẹp của thân thể con người .v.v… Với khẩu hiệu đấu tranh cho “tự do – bình đẳng – bác ái”, chủ nghĩa nhân đạo tư sản có tác dụng tiến bộ trong lịch sử loài người. Nhưng với phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa dựa trên trên cơ sở bóc lột lao động thì “tự do – bình đẳng – bác ái” về cơ bản là không thể thực hiện được.

– Đến giữa thế kỷ 19, khi phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã bộc lộ trong lòng nó những mâu thuẫn thì chủ nghĩa nhân đạo xuất hiện trong thời kỳ này mang nội dung mới. Họ lên án, tố cáo mặt xấu của xã hội tư bản chủ nghĩa và nêu hình ảnh về một xã hội tốt đẹp ở tương lai, đó là xã hôïi cộng sản chủ nghĩa trong đó không còn người bóc lột người. Tuy nhiên chủ nghĩa nhân đạo của họ không vượt quá khuôn khổ của chế độ tư hữu cho nên biện pháp và con đường để thực hiện chủ nghĩa nhân đạo trở nên không tưởng.

– Chủ nghĩa nhân đạo xã hội chủ nghĩa là sự kết tinh những giá trị nhân đạo đã có từ trước, khắc phục những hạn chế của chủ nghĩa nhân đạo tư sản, của chủ nghĩa nhân đạo không tưởng và phát triển đến đỉnh cao của chủ nghĩa nhân đạo hiện thực

b/ Chủ nghĩa nhân đạo xã hội chủ nghĩa là chủ nghĩa nhân đạo hiện thực vì chủ nghĩa nhân đạo xã hội chủ nghĩa đã giải quyết vấn đề con người trên cơ sở khoa học. Chủ nghĩa nhân đạo xã hội chủ nghĩa đề cập đến con người hiện thực, con người trong sản xuất và đời sống thực, con người với bản chất là tổng hòa những mối quan hệ xã hội. Vì vậy muốn giải phóng con người phải giải phóng những quan hệ xã hội đang kìm hãm, trói buộc con người, phải tạo ra quan hệ xã hội bình đẳng, bác ái. Trong toàn bộ những quan hệ ấy, quan hệ kinh tế chi phối có tính quyết định đối với các quan hệ khác của con người về chính trị, xã hội…Cho nên, khác với các học thuyết nhân đạo khác, chủ nghĩa nhân đạo xã hội chủ nghĩa không xuất phát từ thiện chí hoặc tư tưởng mà xuất phất từ điều kiện kinh tế – xã hội để giải quyết vấn đề con người. Xã hội thực sự nhân đạo là xã hội mà cơ sở kinh tế của nó thủ tiêu khả năng cho phép bộ phận này làm giàu còn bộ phận khác phải nghèo khổ, là xã hội con người được bình đẳng trước hết về kinh tế. Được bình đẳng về kinh tế là cơ sở thực tế của mọi sự bình đẳng khác

c/ Chủ nghĩa nhân đạo xã hội chủ nghĩa là chủ nghĩa nhân đạo hành động:

Chủ nghĩa nhân đạo xã hội chủ nghĩa là chủ nghĩa nhân đạo hành động vì chủ nghĩa nhân đạo xã hội chủ nghĩa không phải là tình thương chung chung của tôn giáo mà nó bao hàm sự đấu tranh chống lại cái ác; cũng không phải là những cảm nhận bi thương về thân phận con người mà vấn đề cơ bản là cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội là quá trình biến lý tưởng nhân đạo thành hiện thực.

Như vậy chủ nghĩa nhân đạo xã hội chủ nghĩa là chủ nghĩa nhân đạo cao cả nhất, là bản chất đạo đức của nền đạo đức xã hội chủ nghĩa

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net