Trang chủ Đạo đức học Lẽ sống là gì? Các quan niệm về lẽ sống

Lẽ sống là gì? Các quan niệm về lẽ sống

by Ngo Thinh
708 views

Lẽ sống là gì? Tìm hiểu về phạm trù đạo đức học Lẽ sống, vai trò, nội dung của nó.

Những quan niệm khác nhau về lẽ sống

Có hai khuynh hướng chủ yếu về lẽ sống: phủ định lẽ sống và thừa nhận có lẽ sống.

a/ Khuynh hướng phủ định lẽ sống:

Khuynh hướng này cho rằng con người sinh ra là ngẫu nhiên cho nên cuộc sống là phi lý, cuộc sống với tha nhân làm con người đau khổ, bị ràng buộc, mất tự do. Từ đó họ cho rằng đời không có tương lai nên cứ sống cho hiện tại, quy ước của xã hội cũng chỉ là phi lý mà thôi

b/ Khuynh hướng thừa nhận lẽ sống cũng có nhiều tư tưởng khác nhau.

  • Tôn giáo cho rằng lẽ sống ở ngoài đời sống hiện thực. Cuộc sống hiện tại là phương tiện để đạt hạnh phúc ở cuộc sống sau khi chết.
  • Ở phương Đông, đạo đức của Khổng Mạnh cho rằng lẽ sống là tu thân, phải chăm lo về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
  • Ở phương Tây, người đầu tiên nêu lý thuyết về ý nghĩa cuộc sống là Epicur (Hilạp cổ đại). Theo Epicur, cuộc sống có ý nghĩa nhất là làm sao cho con người có được niềm vui do sự thanh thản đem lại. Chính trí thông minh giúp con người lựa chọn đúng lẽ sống của mình.
  • Đến thời kỳ phục hưng và thế kỷ ánh sáng, cùng với quá trình ra đời của chủ nghĩa tư bản, giá trị con người được đề cao. Các nhà khoa học, triết học cho rằng lẽ sống cao nhất của con người là tìm kiếm và trau dồi tri thức khoa học.
  • Giữa thế kỷ 19 trở đi, chủ nghĩa tư bản phát triển thành chủ nghĩa đế quốc, lẽ sống vì cá nhân tư sản, vị kỷ bao trùm toàn xã hội. Đồng tiền trở thành giá trị đạo đức và lẽ sống của nhiều người.
  • Những quan niệm về lẽ sống nói trên thường rơi vào 2 cực là tuyệt đối hóa nghĩa vụ hoặc tuyệt đối hóa hạnh phúc. Nguyên nhân chủ yếu của sự hạn chế này là do họ quan niệm cá nhân tách rời xã hội, do đó thường dẫn đến sự lựa chọn lẽ sống đi lệch lẽ sống chân chính.

Quan điểm của đạo đức học Mác – Lênin về lẽ sống:

a/ Lẽ sống là gì?

Lẽ sống đạo đức chính là ý nghĩa cuộc sống mà con người tự nhận thức được và tự giác hành động vì một lý tưởng đạo đức cao cả dựa trên một quan niệm nhân sinh tiến bộ.

Lẽ sống đạo đức khác ước muốn thông thường ở chỗ con người nhận ra được ý nghĩa cuộc sống của mình, hướng tới những giá trị đích thực, tự giác làm điều lợi cho xã hội, tự giác sống vì người khác, dù trong hoàn cảnh nào con người đều có ý thức giữ gìn phẩm giá và nhân cách của mình.

b/ Vai trò của lẽ sống:

  • Trong đạo đức học lẽ sống là một trong những phạm trù trung tâm của đạo đức học, nó có tác động đến các phạm trù khác của . Chẳng hạn “lẽ sống” chẳng những chi phối mà còn quyết định nội dung và tính chất của phạm trù hạnh phúc và nghĩa vụ.
  • Đối với mỗi người, lẽ sống là cơ sở, là nền tảng để hướng con người xác định đúng mục đích cuộc sống, giúp cho con người tìm thấy hạnh phúc. Khi con người đã xác định sống phải có lý tưởng để cống hiến tài năng cho xã hội, để hoàn thành tốt những nghĩa vụ đạo đức xã hội thì mọi người sẽ tích cực tự giác làm việc, đem lại những thành quả có ích cho xã hội, và cũng chính lúc đó con người tạo ra giá trị thu nhập cao cho chính mình.
  • Lẽ sống chân chính còn giúp con người giữ gìn phẩm giá, danh dự, sống cao cả, biết hòa nhập, gắn bó với tập thể; tránh tư tưởng bè phái, cục bộ, vị kỷ, cá nhân và những thói đạo đức giả. Lẽ sống đem lại cho con người có niềm lạc quan yêu đời, nó phát huy và khơi dậy ở con người tính tích cực tự giác, kiên trì khắc phục khó khăn, khát khao vươn tới chân, thiện, mỹ.
  • Lẽ sống giúp cho con người hoàn thành tốt nghĩa vụ đạo đức, vì con người tự ý thức được trách nhiệm của mình đối với gia đình, cộng đồng và dân tộc.

c/ Nội dung của lẽ sống cao đẹp:

– Đạo đức học Mác – Lênin cho rằng sống là tồn tại khách quan như sự tồn tại khách quan của vũ trụ nên không đặt vấn đề “sống để làm gì”. Giải quyết vấn đề ý nghĩa cuộc sống không phải trả lời câu hỏi “sống để làm gì” mà trả lời câu hỏi “sống như thế nào”. Cuộc sống có ý nghĩa là cuộc sống không những đáng sống cho một con người mà có giá trị cho nhiều người, cho xã hội. Khi con người nhận thức được mối quan hệ giữa mình và xã hội, là lúc con người tìm thấy lẽ sống của mình. Cuộc sống có ý nghĩa là cuộc sống có lý tưởng, cuộc sống có ích cho xã hội, sống không chỉ có giá trị thấy mình góp phần vào sự tiến bộ của xã hội chứ không phải đợi đến khi thấy lý tưởng được thực hiện.

– Đạo đức học Mác – Lênin xem lẽ sống là quá trình thống nhất biện chứng giữa nghĩa vụ và hạnh phúc. Nghĩa là con người thật sự chỉ có hạnh phúc khi làm tròn nghĩa vụ đối với xã hội, và khi thực hiện nghĩa vụ đối với xã hội thì cũng là quá trình đem lại hạnh phúc cho bản thân. Những người chỉ tuyệt đối hóa mặt hạnh phúc thì họ tìm mọi cách để thỏa mãn cuộc sống hạnh phúc. Họ chỉ nghĩ đến nhận, không bao giờ nghĩa đến cho và cống hiến. Đó là điều kiện để nảy sinh chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ, vụ lợi. Hạnh phúc là thực hiện tốt nghĩa vụ với người khác và xã hội. Cơ sở để làm nên lẽ sống của con người là quá trình lao động. Đây là một nhận thức có tính khoa học và cách mạng, nó đối lập hoàn toàn với thế giới quan phong kiến và các quan điểm của chủ nghĩa cá nhân tư sản. Chính lao động là một trong những điều kiện, hành vi đầu tiên sáng tạo ra con người và xã hội loài người. Chẳng những lao động đã tạo ra giá trị vất chất bảo đảm cho sự tồn tại của con người, mà nhờ quá trình lao động đã làm nảy sinh nhu cầu mới, những khát vọng hướng tới cuộc sống cao đẹp của con người. Quá trình lao động cũng là quá trình con người thể hiện năng lực sáng tạo và phẩm chất tốt đẹp của mình. Một khi con người đạt được nhiều thành tích trong lao động thì cảm thấy giá trị và ý nghĩa công việc của mình, đồng thời phải trau dồi công việc mình làm ngày một hoàn thiện để đáp ứng với đòi hỏi của sự phát triển xã hội.

Đấu tranh cho hạnh phúc cá nhân hay hạnh phúc của cả dân tộc là ranh giới, là tiêu chuẩn để phân biệt người có lẽ sống cao cả, với kẻ sống tầm thường, ích kỷ, thấp hèn. Người có quan niệm đạo đức chân chính bao giờ cũng hướng lẽ sống của mình phù hợp với yêu cấu tiến bộ và quy luật phát triển của xã hội.

d/ Lẽ sống mang tính lịch sử-xã hội và tính giai cấp:

– Cùng với quá trình phát triển của sản xuất, vì tiến bộ của xã hội nên nhu cầu của con người ngày càng tăng lên; lẽ sống của con người cũng không ngừng được nâng cao và mở rộng về nội dung. Đó là một quá trình thống nhất biện chứng giữa hành động và khát vọng của con người.

– Trong xã hội có giai cấp, quan niệm về lẽ sống cũng mang tính giai cấp. Giai cấp thống trị thường xuyên tìm mọi cách chạy theo danh vọng, quyền lợi, địa vị và mọi tính toán của chúng đều đi đến cái đích là mưu cầu lợi ích riêng. Tuy nhiên cũng có những quan niệm sống vì dân, sống nhân nghĩa, yên dân, hoặc đề cao tính chất dân chủ cũng đã tồn tại ở một số người có tư tưởng tiến bộ trong giai cấp thống trị.

Đối lập với những quan điểm đó, quần chúng nhân dân lao động trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ở xã hội nào, họ cũng đều có ý thức và quan niệm sống đúng đắn. Lẽ sống của họ là lao động sáng tạo và nuôi dưỡng ước mơ, hy vọng về một xã hội lý tưởng, không có sự bất công, người lao động được hưởng hạnh phúc và tự do. Tình thương người lao động với nhau, cần cù lao động, đấu tranh cho tự do, đòi quyền dân chủ, dân sinh là nét chủ đạo trong lẽ sống nhân dân lao động.

– Ngày nay lý tưởng sống của nhân dân lao động vẫn mãi là lý tưởng đẹp. Nhưng lý tưởng đó của nhân dân muốn thành sự thật thì phải gắn với sự nghiệp thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, với sự phồn vinh của đất nước và nền văn minh của nhân loại.

Hơn lúc nào hết, con người sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, chẳng những phải xây dựng cho mình có lẽ sống đúng đắn, mà còn phải tự giác rèn luyện mình để thực hiện mọi nghĩa vụ đối với xã hội.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net