Trang chủ Đạo đức học Lòng dũng cảm là gì?

Lòng dũng cảm là gì?

by Ngo Thinh
513 views

Lòng dũng cảm là gì? Ý nghĩa, yêu cầu giáo dục về lòng dũng cảm.

Khái niệm lòng dũng cảm

Dũng cảm là sẵn sàng vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, hi sinh mất mát, dám đương đầu với hiểm nguy để bảo vệ và vươn tới cái thiện, chính nghĩa và chân lí.

Lòng dũng cảm là tổng hợp của những đức tính: yêu chân lý, sáng suốt và dám hành động để đạt đến cái thiện. Lòng dũng cảm đối lập với tính hèn nhát, nhu nhược.

Người có lòng dũng cảm là người dám đương đầu với mọi thử thách, gian nan, dám đối đầu với mọi nguy hiểm để vươn tới cái thiện .

Khác với những sợ hãi tự nhiên của con người, sự hèn nhát, nhu nhược đối lập với lòng dũng cảm, là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Nhu nhược biểu hiện ở sự thiếu quyết đoán, sơ sự thật, không dám đấu tranh, sợ hy sinh quyền lợi bản thân . Do đó giáo dục lòng dũng cảm phải gắn với việc phê phán sự hèn nhát của chủ nghĩa cá nhân.

Đức tính dũng cảm khác với sự liều lĩnh. Liều lĩnh thự c chất là sự thiếu sáng suốt hoặc sự cùng đường, sự bế tắc . Do vậy sự liều lĩnh thường dẫn con người đi đến những hành động mù quáng, nguy hiểm và khó tránh khỏi thất bại. Trái lại, lòng dũng cảm đòi hỏi phải có sự chín chắn, thông minh, sáng suốt, có nghị lực và có quyết tâm

Ý nghĩa của lòng dũng cảm

Dũng cảm là một trong những phẩm chất thuộc đỉnh cao của giá trị đạo đức. Dũng cảm biến thiện tâm thành hàng động thiện, nếu thiếu lòng dũng cảm thì lòng tốt của con người chỉ dừng lại trong ý thức, hoặc trong cảm xúc không trở thành hiện thực. Một con người thiết tha yêu Tổ quốc, ngày đêm xót xa cho vận nước, nhưng không dám xả thân, sợ súng đạn, sợ bạo lực của kẻ thù thì chẳng làm được điều gì có ích cho dân, cho nước.

Dũng cảm là đỉnh cao của nhận thức lý trí và ý chí. Dũng cảm là đức tính đặc thù của ý chí, dũng cảm giúp con người sống có nghị lực và có khí phách, có hành động anh hùng và cao thượng, không sợ hiểm nguy. Người dũng cảm là người sáng suốt và thông minh, biết tôn trọng lẽ phải, chân lý luôn vươn tới mục đích cao thượng và chân chính

Lòng dũng cảm là một biểu hiện của chủ nghĩa tập thể cao cả và chủ nghĩa anh hùng trong mỗi con người. Lịch sử đã có biết bao anh hùng, liệt sĩ vì nghĩa lớn, không sợ hy sinh xương máu hiến dâng cả đời mình cho sự nghiệp cách mạng, cho hạnh phúc của nhân dân. Nhiều tấm gương dũng cảm đấu tranh phòng chống tội phạm nguy hiểm để giữ bình yên cho mọi người.

Rèn luyện lòng dũng cảm

Tinh thần dũng cảm là một phẩm chất cao quý của giá trị đạo đức, vì thiếu nó :

  • Điều tốt đẹp của bản thân nếu có thì chỉ có trong ý thức mà không trở thành hiện thực.
  • Cái ác và phi nghĩa trong xã hội dần gia tăng, trở thành một lực lượng chống lại con người.
  • Con người không thể vượt qua khó khăn thử thách, không dám hi sinh để đạt đến bến bờ hạnh phúc.

Cũng như phẩm chất trung thực và khiêm tốn, lòng dũng cảm không sẵn có trong mỗi chúng ta. Trong thực tế, đã không ít người chùn bước trước khó khăn, hoặc sa ngã vì không đủ bản lĩnh và lí trí để vượt qua thói xấu của bản thân mình hoặc sự cám dỗ của những tiêu cực xã hội. Bởi vậy, việc rèn luyện tinh thần dũng cảm đòi hỏi mỗi người :

  • Trước hết phải có bản lĩnh, lí trí sáng suốt khi suy nghĩ, hành động để chiến thắng bản thân mình và sự cám dỗ trước những tiêu cực xã hội.
  • Có tài trí thông minh, ý chí kiên định, lập trường vững vàng để bảo vệ lẽ phải.
  • Dám hi sinh vì công lí, dẫu biết rằng phải mất mát, thiệt thòi.
  • Biết yêu, biết ghét, biết vì mọi người, biết kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân và lợi ích của tập thể, cộng đồng, xã hội. Dũng cảm không có nghĩa là bất chấp tất cả để đạt được lợi ích cá nhân.

Đoàn kết, mưu trí, dũng cảm là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nhờ phát huy truyền thống đó, dân tộc ta đã làm nên các cuộc kháng chiến giữ nước oanh liệt. Trong thời đại khoa học – Công nghệ hiện nay, thế hệ trẻ cần dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, góp phần đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu.

Những yêu cầu giáo dục lòng dũng cảm

a/ Giáo dục lòng dũng cảm là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu của giáo dục đạo đức. Sự quan trọng này bắt nguồn từ yêu cầu của sự nghiệp đấu tranh cho thắng lợi của chủ nghĩa xã hội đòi hỏi phải có những con người dũng cảm, có nghị lực để cống hiến tài năng, trí tuệ của mình cho Tổ quốc và nhân dân. Do đó, việc giáo dục đức tính dũng cảm cho thế hệ trẻ phải được tiến hành thường xuyên để thế hệ trẻ có lý tưởng cao đẹp vì chủ nghĩa xã hôïi và dũng cảm đấu tranh bảo vệ lý tưởng đó.

b/ Phải giáo dục cho mọi người biết vượt lên mọi khó khăn nguy hiểm, dám xả thân vì nghĩa lớn, hăng say cống hiến tài – đức của mình cho Tổ quốc và nhân dân. Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần đến.

c/ Phải hướng tuổi trẻ tham gia tích cực vào các hoạt động thực tiễn phong phú, vì sự nghiệp cách mạng của đất nước. Thực tiễn cách mạng là môi trường tốt nhất để tuổi trẻ học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao ý chí, nghị lực và quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nó giúp tuổi trẻ phát huy trí thông minh, sáng tạo, tôi luyện ý chí, thử thách để nhanh chóng trưởng thành trong cuộc sống.

d/ Phải chống mọi biểu hiện của sự nhút nhát, nhu nhược và liều lĩnh.

e/ Phải trang bị cho tuổi trẻ có ý chí bền bỉ, kiên trì trong học tập, thường xuyên rèn luyện trong đấu tranh cách mạng và trong cuộc sống hàng ngày.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]