Giữa đạo đức và pháp luật có sự khác nhau đồng thời cũng quan hệ tác động qua lại lẫn nhau.
Ý thức đạo đức và ý thức pháp luật có mối quan hệ biện chứng với nhau và có chức năng chung là điều chỉnh các mối quan hệ xã hội nhằm bảo toàn và phát triển xã hội. Tuy nhiên giữa chúng có những điểm khác nhau.
– Pháp luật thường được thực hiện thông qua nhà nước, do nhà nước soạn thảo, phổ biến và thi hành trong toàn xã hội. Còn đạo đức được bảo đảm do lương tâm con người do sự phê phán của dư luận xã hội.
– Phạm vi đạo đức có nội dung bao quát và rộng hơn pháp luật. Luật pháp điều chỉnh một số mặt của đời sống xã hội, đạo đức xâm nhập vào tất cả các hoạt động xã hội, trong mọi quan hệ kể cả đối với chính bản thân mỗi người.
– Trong thực tế có những hiện tượng pháp luật trừng trị nhưng đạo đức không lên án và có hiện tượng đạo đức lên án nhưng pháp luật không trừng trị.
– Luật pháp căn cứ vào kết quả hành vi còn đạo đức căn cứ vào động cơ hành vi.
– Để đảm bảo cho luật pháp được chấp hành nhà nước áp dụng chủ yếu các hình thức cưỡng bức hình phạt, còn đạo đức thì được bảo đảm bằng giáo dục, thuyết phục, ủng hộ hoặc lên án của dư luật xã hội và sự kiểm soát của lương tâm con người.
Quan hệ giữa đạo đức với luật pháp: Đạo đức và pháp luật phù hợp với nhau khi ý chí của giai cấp thống trị phù hợp với lợi ích xã hội và cộng đồng dân cư. Trong xã hội có giai cấp đối kháng thì đạo đức và pháp luật thường có mâu thuẫn với nhau vì đạo đức phản ánh quan hệ lợi ích của quần chúng nhân dân lao động còn pháp luật bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị mà lợi ích của
hai giai cấp đối kháng luôn mâu thuẫn với nhau.
1. Sự khác nhau giữa đạo đức và pháp luật
a/ Về lĩnh vực của sự đánh giá :
– Pháp lý đánh giá hành vi của con người chủ yếu dựa vào kết quả khách quan của hành động. Nếu không có hành động, không có kết quả thì vấn đề đánh giá pháp lý không đặt ra. Pháp lý không xét xử con người chỉ bằng vào việc trong tâm hồn nó có những dụng ý xấu.
– Sự đánh giá đạo đức chỉ chú trọng đến những kết quả của hành động, chủ yếu nó chú trọng đến những động cơ và dụng ý của con người. Để đánh giá về hành vi của con người, chỉ biết những kết quả khách quan của hành vi thôi chưa đủ. Cần phải biết thái độ của người đó đối với hành vi của chính họ: phải xem họ có thấy trước những kết quả có thể xảy ra của hành vi không, và có muốn cho những kết quả ấy xảy ra không. Không làm sáng tỏ mục đích và động cơ của hành động thì không thể đánh giá hành vi của cá nhân, trách nhiệm và tội của họ.
Yếu tố chủ quan của hành động có một ý nghĩa cốt yếu là vì liên hệ giữa yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan của hành động không phải lúc nào cũng trùng hợp với nhau. Có khi chúng mâu thuẫn với nhau: kết quả có ích, việc tốt có thể là hậu quả của ác ý và ngược lại hậu quả của thiện ý có thể là những kết quả tai hại, là việc xấu. Đôi khi giữa kết quả và động cơ của hành vi chẳng có liên quan nào cả. Việc tốt ngẫu nhiên không có giá trị đạo đức cũng như việc xấu ngẫu nhiên ta không thể coi là vô đạo đức.
b/ Khác nhau về phương pháp điều chỉnh hành vi và phạm vi điều chỉnh:
– Pháp luật xác định những giới hạn tự do của hành động của con người và xác lập mức độ trừng phạt cho những trường hợp vi phạm những giới hạn tự do đó. Đạo đức xác định giá trị cho hành động tự nguyện, tự giác của con người, xác định những hình thức của thiện, ác cho phẩm chất đạo đức và phẩm chất vô đạo đức đồng thời điều chỉnh hành vi thông qua dư luận xã hội và lương tâm. Trong cuộc sống, ta thường thấy có khi người ta không vi phạm pháp luật nhưng chưa hẳn họ có đạo đức vì hành vi ấy có thể do sự sợ hãi bị trừng trị mà không xuất phát bởi khát vọng tự nguyện vì công bằng cho xã hội.
– Về phạm vi thì đạo đức có nội dung bao quát và rộng lớn hơn pháp luật: Pháp luật dù cặn kẽ, chi tiết đến đâu cũng không thể nào bao quát được hết ý chí và hành vi của con người trong mọi lĩnh vực xã hội. Đặc biệt nhất là lĩnh vực tình cảm của con người: tình bạn, tình yêu, tình thầy trò, đồng chí, anh chi em.v.v…Đó là những tình cảm cần phải có ý thức trách nhiệm và tính tự giác cao.
c/ Khác nhau về cấp độ giá trị:
– Những chuẩn mực pháp lý của hành vi có yêu cầu tối thiểu: hành vi phải làm, hành vi không thể chấp nhận được, hành vi có thể làm, được phép làm.
– Những chuẩn mực đạo đức của hành vi có yêu cầu tối đa: hành vi không nên làm, hành vi nên làm. Rõ ràng là trước tiên cần tôn trọng những chuẩn mực về hành vi phải làm và hành vi không thể chấp nhận được như là điều kiện tối thiểu của đời sống và trật tự xã hội. Những chuẩn mực nên làm, không nên làm không cần đến sự bảo đảm thực hiện bằng sự cưỡng chế của Nhà nước. Chống lại sự vi phạm những chuẩn mực này không cần đến sự cưỡng bức hoặc trừng trị, đã có sự chê trách của dư luận xã hội và bởi lương tâm, bởi những tập quán và truyền thống. Vì vậy hành động nên làm, không nên làm có yêu cầu cao về sự tự nguyện, tự giác của cá nhân chúng có ý nghĩa xã hội sâu sắc, lâu bền, có tiêu chuẩn giá trị xã hội
2. Đạo đức và pháp luật quan hệ nhau
a/ Sự hiểu biết về động cơ cũng có ý nghĩa lớn đối với sự đánh giá hành động về mặt pháp lý.
Pháp luật không thừa nhận quy tắc quy tội đơn thuần căn cứ vào khách quan. Trong kết cấu của tội ác, phương diện chủ quan của hoạt động được chú ý đúng mức. Sự thực hiện có ý thức tội ác được diễn đạt bằng khái niệm lỗi. Để xác định lỗi và trách nhiệm, cần biết cả những kết quả khách quan lẫn những mặt chủ quan (động cơ) của hành động.
Xét các yếu tố của trách nhiệm thì quan điểm đạo đức và quan điểm pháp lý giống nhau: đối với cả 2 quan điểm yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan đều cần thiết và yếu tố chủ quan là yếu tố có ý nghĩa nguyên tắc.
Cái chung giữa đạo đức và pháp luật là ở chỗ: sự đánh giá đạo đức và sự đánh giá pháp lý đều có liên quan đến hành vi có tính chất tự giác và đụng chạm đến lợi ích của những cá nhân, của xã hội.
b/ Đạo đức và pháp luật có vai trò tương hỗ nhau nhằm điều chỉnh hành vi con người trong xã hội.
Xưa nay, pháp luật bao giờ cũng là một trong những biện pháp để khẳng định các chuẩn mực đạo đức và biến chúng thành thói quen.
Trong xã hội có giai cấp, nếu giai cấp thống trị tiến bộ, thì phần lớn luật pháp của họ đáp ứng yêu cầu chung của nền đạo đức tiến bộ của xã hội, bênh vực cái thiện, chống cái ác, xây dựng cái đẹp, nâng cao phẩm giá con người. Ngược lại nếu giai cấp thống trị đã lỗi thời thì thường luật pháp của họ làm cản trở sự tiến bộ của đạo đức xã hội.
Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, đạo đức và pháp luật có sự thống nhất nhằm phục vụ cho con người và sự phát triển của xã hội. Pháp luật xã hội chủ nghĩa bảo vệ và mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân lao động. Xã hội càng tiến bộ, vai trò đạo đức càng được đề cao và lương tâm càng được củng cố vững mạnh thì sự áp dụng pháp luật, việc thi hành sự trừng giới bên ngoài ngày càng trở nên không cần thiết. Tính tự nguyện tự giác thay dần cho sự cưỡng chế bằng pháp luật.