Trong quản lý tài chính, để xem xét và đưa ra quyết định đầu tư, các nhà quản lý có khuynh hướng thích tính giá trị hiện tại của tiền hơn là giá trị tương lai, do đó người ta thường chiết khấu số tiền trong tương lai về thời điểm hiện tại. Mô hình chiết khấu dòng tiền (DCF) là mô hình được xây dựng dựa trên nền tảng khái niệm giá trị hiện tại của tiền và quan hệ giữa rủi ro, lợi nhuận và tỷ suất sinh lời.
Mô hình DCF có thể biểu diễn dưới dạng công thức toán học như sau:
PV = FV0(1+r)0 + FV1(1+r)-1+ … + FVn(1+r)-n
Trong đó:
- FVt: Là khoản tiền kỳ vọng sẽ có được trong tương lai ở năm t;
- r: Tỷ suất chiết khấu để chiết khấu dòng tiền;
- n: Số kỳ của thời gian hoạch định.
Phạm vi ứng dụng:
Mô hình DCF có thể được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau của quản trị tài chính doanh nghiệp, đặc biệt là quyết định đầu tư.
Cụ thể có thể ứng dụng mô hình DCF vào các lĩnh vực sau:
- Định giá bất động sản, chứng khoán, định giá doanh nghiệp;
- Phân tích hiệu quả của các quyết định tài chính như quyết định đầu tư vốn, quyết định bán chịu, chiết khấu thanh toán, quyết định dự trữ tiền, hàng tồn kho.
Để ứng dụng mô hình DCF, các nhà quản lý tài chính cần phải:
- Nhận dạng và ước lượng chính xác dòng tiền qua các thời kỳ;
- Đồng thời phải nhận dạng rủi ro và ước lượng chính xác tỷ suất chiết khấu (r).
Ước lượng dòng tiền:
Đối với những tài sản hoặc dự án mà dòng tiền kỳ vọng tương đối chắc chắn thì việc ước lượng dòng tiền trong tương lai tương đối đơn giản và có độ chính xác cao. Ví dụ, dòng tiền lãi thu được hàng năm từ việc đầu tư vào một trái phiếu. Tuy nhiên, trong thực tế các dự án cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có dòng tiền rất phức tạp và khó ước lượng. Ví dụ, dự án đầu tư vào nhà máy sản xuất,… Do đó, các nhà quản lý cần chú ý đến việc khảo sát thị trường và thu thập những thông tin cần thiết để làm cơ sở xác định các thông tin cần thiết phục vụ cho việc ước lượng dòng tiền.
Việc ước lượng dòng tiền dòng tiền gồm có các nội dung sau: o Ước lượng dòng tiền ở thời điểm hay giai đoạn đầu tư; o Ước lượng dòng tiền ở giai đoạn hoạt động của dự án; o Ước lượng dòng tiền khi kết thúc dự án.
Ngoài ra, để ước lượng chính xác dòng tiền của dự án, có thể sử dụng một số công cụ phân tích như: Phân tích độ nhạy, phân tích tình huống và phân tích mô phỏng theo mức độ thay đổi của các thông số.
Ước lượng tỷ suất chiết khấu (r)
Tỷ suất chiết khấu sử dụng trong mô hình này chính là tỷ suất sinh lời mà nhà đầu tư đòi hỏi khi đầu tư vào tài sản hay dự án đang được xem xét. Về lý thuyết, có 3 cách ước lượng tỷ suất chiết khấu:
- Sử dụng mô hình định giá tài sản vốn;
- Sử dụng mô hình tăng trưởng cổ tức;
- Sử dụng tỷ suất sinh lời phi rủi ro cộng thêm phần bù rủi ro của dự án.
Mặc dù cách thứ nhất và cách thứ hai cho phép ước lượng r chính xác hơn, song, việc lựa chọn cách nào để ước lượng tỷ suất chiết khấu còn tuỳ thuộc vào điều kiện phát triển thị trường tài chính ở mỗi nước. Ngoài ra, còn tuỳ thuộc vào kinh nghiệm của nhà quản lý để ước lượng phần bù rủi ro thích hợp cho từng loại tài sản hoặc dự án.