Lịch sử triết học là lịch sử phát sinh, hình thành và phát triển của triết học nói chung, của các khuynh hướng và hệ thống triết học khác nhau nói riêng trong sự phụ thuộc suy đến cùng vào sự phát triển của tồn tại xã hội.
Đối tượng: Lịch sử triết học nghiên cứu:
+ Quá trình hình thành và phát triển của chủ nghĩa duy vật trong cuộc đấu tranh của nó với chủ nghĩa duy tâm, sự thay thế những hình thái khác nhau của chủ nghĩa duy vật. Đồng thời lịch sử triết học còn nghiên cứu sự phát triển của chủ nghĩa duy tâm, quá trình biến đổi của nó dưới các hình thái khác nhau, các khuynh hướng khác nhau.
+ Lịch sử triết học cũng nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của hai phuơng pháp nhận thức thế giới đối lập nhau – phương pháp biện chứng và phương pháp siêu hình. Lịch sử phát triển của triết học cho thấy rằng cuộc đấu tranh giữa hai phương pháp nhận thức thế giới luôn luôn gắn liền hữu cơ với cuộc đấu tranh giữa hai khuynh hướng triết học cơ bản – chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm.
Nhiệm vụ: Là một khoa học, lịch sử triết học có nhiệm vụ:
+ Tìm ra bản chất của các học thuyết triết học và xác định vị trí của nó trong lịch sử triết học trong từng nước, từng giai đoạn nói riêng và của thế giới nói chung.
+ Thấy được mối liên hệ giữa các khuynh hướng biểu hiện khác nhau của các học thuyết, các trường phái, các phương pháp triết học trong quá trình phát triển của chúng.
+ Thấy được sự đan xen lẫn nhau, thâm nhập vào nhau, kế thừa lẫn nhau và loại bỏ lẫn nhau giữa các trào lưu triết học; đồng thời thấy được sự gắn bó chặt chẽ giữa các trường phái triết học với toàn bộ hoạt động thực tiễn của con người, với lợi ích và mục đích của những lực lượng xã hội nhất định.
+ Và cuối cùng phải đánh giá khách quan những đóng góp tích cực, những hạn chế của các học thuyết, các phương pháp triết học trong từng giai đoạn lịch sử nhất định.
Như vậy, với tư cách là một khoa học, lịch sử triết học phải phát hiện ra những qui luật hình thành, phát sinh, phát triển của các học thuyết, trường phái triết học và xác định vai trò của chúng đối với sự phát triển của tư duy lý luận nói riêng và đối với đời sống, xã hội nói chung.