1. Khái niệm doanh thu
Doanh thu là một chỉ tiêu tài chính quan trọng trong doanh nghiệp. Dựa vào chỉ tiêu doanh thu, hàng loạt các chỉ tiêu tài chính khác của doanh nghiệp được thiết lập nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng là lợi nhuận của doanh nghiệp. Vậy doanh thu là gì?
“Doanh thu là tổng giá trị các lợi ích kinh tế doanh nghiệp thu được trong kỳ kế toán, phát sinh từ các hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường của doanh nghiệp, góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp”.
2. Nội dung doanh thu
2.1. Doanh thu hoạt động kinh doanh
Doanh thu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm: Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, doanh thu hoạt động tài chính.
– Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ là toàn bộ số tiền thu được hoặc sẽ thu được về việc tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong kỳ. Đây là bộ phận doanh thu chủ yếu của doanh nghiệp. Doanh thu bán hàng bao gồm: Tiền bán hàng, phụ thu, trợ giá, giá trị của sản phẩm hàng hóa đem biếu tặng, trao đổi hoặc tiêu dùng nội bộ.
Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ là tổng số tiền mà doanh nghiệp thu được sau khi trừ khoản chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại, thuế xuất khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT (đối với doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp).
+ Chiết khấu thương mại là khoản giảm giá hàng bán trên giá bán niêm yết cho khách hàng trong trường hợp người mua hàng với số lượng lớn và phải ghi rõ khoản giảm giá này trên hoá đơn bán hàng.
+ Giảm giá hàng bán là số tiền doanh nghiệp giảm trừ cho người mua trên giá bán đã thoả thuận do sản phẩm, hàng hóa kém, mất phẩm chất, hay không đúng quy cách theo quy định trong hợp đồng kinh tế sau khi đã phát hành hoá đơn bán hàng.
+ Hàng bán bị trả lại là giá trị khối lượng hàng bán đã xác định là tiêu thụ nhưng bị khách hàng trả lại và từ chối thanh toán do vi phạm các điều kiện đã cam kết trong hợp đồng kinh tế như hàng kém phẩm chất, sai quy cách, chủng loại…
Doanh nghiệp chỉ hạch toán giảm doanh thu khi việc giảm giá hàng bán phát sinh sau khi đã phát hành hoá đơn bán hàng, chiết khấu thương mại.
Doanh thu bán hàng là một chỉ tiêu tài chính quan trọng, thường chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ tiêu này không những có ý nghĩa đối với bản thân doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với cả nền kinh tế quốc dân. Cụ thể:
+ Doanh thu bán hàng phản ánh quy mô của quá trình tái sản xuất của doanh nghiệp, phản ánh trình độ quản lý chỉ đạo kinh doanh, tổ chức công tác thanh toán của doanh nghiệp. Có được doanh thu bán hàng chứng tỏ doanh nghiệp đã SXKD đúng hướng, lựa chọn đúng những sản phẩm, hàng hóa với chất lượng và giá cả phù hợp với nhu cầu với thị hiếu của thị trường. Đối với doanh nghiệp sản xuất có được doanh thu bán hàng chứng tỏ doanh nghiệp đã sản xuất sản phẩm được người tiêu dùng chấp nhận không những về mặt giá trị mà còn chấp nhận về mặt giá trị sử dụng của sản phẩm.
+ Trong doanh nghiệp, doanh thu bán hàng thường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu của doanh nghiệp. Vì vậy doanh thu bán hàng là nguồn thu quan trọng để doanh nghiệp trang trải các khoản chi phí đã bỏ ra trong quá trình hoạt động kinh doanh như thanh toán tiền lương, tiền công và các khoản trích nộp theo lương, đồng thời hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước…
+ Thực hiện doanh thu bán hàng là kết thúc giai đoạn cuối cùng của quá trình luân chuyển vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình kinh doanh sau. Vì vậy việc thực hiện chỉ tiêu doanh thu bán hàng có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tài chính của doanh nghiệp và quá trình tái SXKD của doanh nghiệp. Nếu vì lý do nào đó doanh nghiệp không thực hiện được chỉ tiêu doanh thu bán hàng hoặc thực hiện chậm đều làm cho tình hình tài chính của doanh nghiệp gặp khó khăn và ảnh hưởng không tốt đến quá trình SXKD của doanh nghiệp.
Theo quy định hiện hành, doanh thu bán hàng được ghi nhận khi đồng thời thỏa mãn tất cả 5 điều kiện sau đây:
+ Doanh nghiệp đã chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu sản phẩm hoặc hàng hóa cho người mua.
+ Doanh nghiệp không còn nắm giữ quyền quản lý hàng hóa như người sở hữu hàng hóa hoặc quyền kiểm soát hàng hóa.
+ Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn.
+ Doanh nghiệp đã thu được hoặc sẽ thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch bán hàng.
+ Xác định được chi phí liên quan đến giao dịch bán hàng.
– Doanh thu hoạt động tài chính là toàn bộ các khoản tiền thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, bao gồm:
+ Tiền lãi cho vay, lãi tiền gởi ngân hàng, lãi bán hàng trả chậm, trả góp, lãi đầu tư trái phiếu, tín phiếu.
+ Thu nhập từ cho thuê tài sản, cho người khác sử dụng tài sản: bằng sáng chế, bản quyền tác giả…
+ Cổ tức, lợi nhuận được chia.
+ Thu nhập về hoạt động đầu tư mua bán chứng khoán ngắn hạn, dài hạn.
+ Khoản chiết khấu thanh toán được hưởng do mua hàng hóa, dịch vụ.
+ Chênh lệch lãi do bán ngoại tệ, chênh lệch tỷ giá ngoại tệ
Doanh thu bán hàng và doanh thu tài chính là các khoản thu nhập thông thường về hoạt động SXKD của doanh nghiệp, gọi chung là doanh thu hoạt động kinh doanh. Ngoài ra trong quá trình SXKD, doanh nghiệp còn có thu nhập từ các khoản phát sinh có tính chất không thường xuyên, gọi là thu nhập khác.
2.2. Thu nhập khác
Thu nhập khác là các khoản thu góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu từ hoạt động ngoài các hoạt động tạo ra doanh thu, phát sinh trong quá trình SXKD của doanh nghiệp, như thu về nhượng bán, thanh lý TSCĐ, thu về bán công cụ dụng cụ loại đã phân bổ hết vào phí, thu về nhượng bán tài sản dôi thừa không rõ nguyên nhân; thu về tiền phạt vi phạm hợp đồng kinh tế; thu về khoản phải trả nhưng không trả được nguyên nhân từ phía chủ nợ, thu về khoản nợ khó đòi đã xử lý nay đòi được; thu từ quà biếu tặng bằng tiền hoặc hiện vật do các tổ chức, cá nhân biếu tặng và các khoản thu nhập khác…