1. Khái niệm đô thị hóa
Đô thị hóa là sự tăng lên về tỷ lệ dân số sống ở các địa bàn thành thị – quá trình người dân di chuyển đến các thành phố hay các địa bàn định cư đông dân khác. Một trong những vấn đề nổi bật của sự phát triển thế giới ngày nay là sự gia tăng nhanh chóng số lượng và quy mô các thành phố, trong đó tập trung các hoạt động chủ yếu của con người, nơi diễn ra cuộc sống vật chất, văn hóa và tinh thần của một bộ phận dân số. Các thành phố chiếm vị trí ngày càng to lớn trong quá trình phát triển xã hội.
Đô thị hóa được hiểu khái quát là quá trình hình thành và phát triển các thành phố không chỉ về bề rộng mà cả về chiều sâu. Nhiều thành phố mới xuất hiện và không ít thành phố có lịch sử hàng nghìn năm đang tồn tại và phát triển. Sự gia tăng số lượng và quy mô các thành phố về diện tích cũng như dân số, do đó làm thay đổi tương quan dân số thành thị và nông thôn. Vai trò chính trị, kinh tế và văn hóa của các thành phố, môi trường sống đô thị… là những vấn đề được các nhà nghiên cứu đô thị quan tâm.
Đô thị hóa là một khái niệm rộng bao hàm cả nội dung tăng trưởng dân số thành thị. Xét theo phương diện này, di dân từ nông thôn ra thành thị là yếu tố quan trọng làm tăng dân số thành thị. Cho đến nay ở phần lớn các nước đang phát triển di dân từ các vùng nông thôn ra thành thị vẫn là nguồn chủ yếu làm tăng dân số thành thị. Sẽ có thể xảy ra hai trường hợp:
– Một là, dân số nông thôn vẫn tăng lên về tuyệt đối do tăng tự nhiên lớn hơn số dân từ nông thôn đến các vùng thành thị.
– Hai là, dân số nông thôn nói chung hoặc ở một số vùng nông thôn, giảm tuyệt đối do quá trình hình thành các vùng đô thị, các thành phố, khu công nghiệp diễn ra nhanh chóng. Trường hợp này thường xảy ra trong các nước không chịu sức ép lớn của dân số và đang ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa.
Thành tố thứ hai của quá trình tăng dân số thành thị là sự gia tăng tự nhiên bởi chính dân thành thị. Nhìn chung tỷ lệ tăng tự nhiên của dân số thành thị tuy vẫn còn cao ở các nước đang phát triển, nhưng thấp hơn của dân số nông thôn. Sự gia tăng này của dân số thành thị về mặt số lượng và chất lượng có thể không đáp ứng được nhu cầu phát triển nói chung, đặc biệt là nhu cầu lao động. Ngoài ra các thành phố thường là các trung tâm đào tạo – nơi cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn nghiệp vụ không chỉ cho thành thị, mà cả các vùng nông thôn.
Thành tố thứ ba của quá trình tăng dân số thành thị là mở rộng địa giới hành chính các thành phố. Các thành phố phát triển đến một mức độ nào đó, trong đó dân số tăng quá mức tạo sức ép đối với cơ sở hạ tầng: Giao thông, cung cấp điện, nước, thoát nước, nhà ở, môi trường cây xanh, y tế, giáo dục,… buộc phải có các giải pháp cần thiết, trong đó có việc mở rộng địa giới hành chính, trước hết là mở rộng hoặc thành lập mới các đơn vị hành chính nội thành như quận, phường, hoặc phát triển các điểm thị trấn, các thành phố vệ tinh, tạo thành vùng đô thị (metropolitan area). Tuỳ từng quốc gia có thể có các tiêu chuẩn cụ thể về vùng đô thị, chẳng hạn như quy mô dân số tối thiểu và mật độ dân số của một vùng.
Trong khái niệm đô thị hóa, việc hiểu thế nào là một thành phố cho phép xác định đầy đủ hơn dân số thành thị và nông thôn và làm cho các chỉ tiêu có thể so sánh được giữa các nước với nhau. Một làng/thôn có thể có quy mô trên
5.000 dân, song không được gọi là điểm dân cư đô thị, trong khi một thị trấn với số dân 2.500 người có thể lại được coi là điểm đô thị. Do trình độ phát triển khác nhau mà các nước đưa ra một cách tương đối các tiêu thức định tính và định lượng phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước để phân biệt thành thị với nông thôn. Có thể nêu năm tiêu thức định tính tương đối thống nhất như sau:
– Một là, đó thường là trung tâm của một vùng lãnh thổ được hình thành do điều kiện địa lý, bối cảnh kinh tế, chính trị mang tính lịch sử. Chẳng hạn, thủ đô Hà Nội của Việt Nam được hình thành năm 1010 do Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư và trong Chiếu rời đô Hà Nội được mô tả là “trung tâm của trời đất”, có một địa thế “rồng bay” (Thăng Long). Ngày nay, Hà Nội vẫn là thành phố lớn của nước ta, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa ở miền Bắc và của cả nước.
– Hai là, quy mô dân số phải đảm bảo ở mức tối thiểu cần thiết. Đây là cơ sở quan trọng để phân loại đô thị về số lượng dân, kết hợp với mặt chất lượng có thể đánh giá về trình độ phát triển đô thị. Ở nước ta chia thành các cấp: Thành phố trực thuộc Trung Ương; thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn.
– Ba là, có một bộ máy hành chính được phân quyền quản lý. Mỗi một cấp đô thị như trên sẽ có một bộ máy hành chính tương ứng được phân quyền theo các chức năng quản lý nhà nước.
– Bốn là, có cơ sở hạ tầng: Giao thông, thông tin liên lạc, cấp thoát nước, cơ sở dịch vụ xã hội như bệnh viện, trường học, trung tâm văn hóa và giải trí… tương đối tập trung và thuận tiện.
– Năm là, hoạt động kinh tế phi nông nghiệp chiếm ưu thế, biểu hiện qua các tỷ lệ dân phi nông nghiệp trong tổng số dân.
Ở Việt Nam, trong các Tổng điều tra Dân số và Nhà ở gần đây, quy định thành thị bao gồm các quận nội thành, các phường nội thị, các thị trấn có số dân từ 2.000 người trở lên, dân số phi nông nghiệp chiếm trên 50% là trung tâm hành chính, văn hóa hoặc công nghiệp của huyện.
2. Ảnh hưởng của đô thị hóa với phát triển dân số và kinh tế-xã hội
2.1. Ảnh hưởng của đô thị hóa đến quá trình phát triển dân số
Đối với các nước phát triển, trong thế kỷ 19 đã có lúc dân số thành thị giảm đi do chết nhiều hơn sinh, di dân đến các thành phố diễn ra chậm chạp do không có nhu cầu lao động. Ngày nay kinh tế phát triển, trong đó quá trình công nghiệp hóa đã thúc đẩy hình thức di dân này. Các kết quả nghiên cứu (Weller,1971) chỉ ra rằng nhiều thành phố ở Nam Mỹ di dân chiếm 75 -100% sự gia tăng dân số thành thị. Trong hầu hết các nước đang phát triển, đặc biệt là ở Nam Mỹ và châu Á do chênh lệch về mức sống lớn giữa thành thị và nông thôn (thành thị cao hơn nông thôn) đã làm tăng cường các yếu tố lực hút từ thành thị. Mặt khác, do thiếu những chính sách phát triển kinh tế- xã hội nhằm hạn chế tốc độ tăng dân số ở các vùng nông thôn, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, đã làm cho các yếu tố sức đẩy mạnh lên. Tốc độ tăng dân số nhanh tại các nước đông dân, điển hình là Ấn Độ, Inđônêxia, Bangladesh, Pakistan, Braxin… Mặc dù đã có những chính sách kiểm soát tăng dân số như Trung Quốc, Việt Nam, phần lớn dân số ở nông thôn và nhưng đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, quá trình đô thị hóa vẫn diễn ra mạnh mẽ và phức tạp. Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, bức tranh dân số thành thị có thể sẽ thay đổi lớn trong nửa đầu thế kỷ 21, với số lượng các thành phố lớn trên hai mươi triệu dân tập trung chủ yếu trong các nước đang phát triển (US, 1982, Estimates and Projections of Urban, Rural and City Populations, 1950-2025). Ở Việt Nam, từ 1979 đến 1989, tỷ lệ đô thị hóa tăng 0,9% (từ 19,2% lên 20,1%). Trong giai đoạn 1989-1999, mức tăng này đã là 3,4% (từ 20,1 lên 23,5%). Mặc dù tỷ lệ sinh ở nông thôn luôn cao hơn ở thành thị, nhưng do quá trình công nghiệp hóa, di dân từ nông thôn ra thành thị nên trong giai đoạn 10 năm này dân số nông thôn chỉ tăng 14%, trong khi dân số thành thị tăng lên 46%.
Như đã nêu, những khác biệt giữa thành thị và nông thôn trong lĩnh vực dân số tồn tại ở hầu hết các nước. Yếu tố quan trọng làm nên sự khác biệt là trình độ học vấn ở thành thị cao hơn nông thôn, giao thông và thông tin liên lạc thuận tiện và hiệu quả hơn. Các vấn đề như mật độ dân số cao, đất đai và nhà ở, việc làm và thất nghiệp, tiền công và thu nhập, môi trường,… đều mang tính đặc thù. Người dân thành thị có tính linh hoạt cao, tư duy và lối sống cũng khác so với nông thôn. Tổng thể các yếu tố trên quyết định nhận thức, thái độ và hành vi dân số.
Trong quá trình đô thị hóa, ngoài việc tích tụ dân cư để hình thành các thành phố mới, số dân thành thị tăng lên chủ yếu do mở rộng địa giới hành chính, tăng tự nhiên và một phần do di dân từ nông thôn ra thành thị dưới nhiều hình thức khác nhau. Bởi vậy, hành vi dân số bị chi phối trước hết bởi điều kiện sống của những người dân gốc. Lối sống thành thị ảnh hưởng lớn đến hành vi dân số, trước hết là hôn nhân, sinh đẻ và nuôi dạy con cái. Nhìn chung, tuổi kết hôn trung bình ở thành thị cao hơn ở nông thôn. Các đôi nam nữ kết hôn muộn sẽ rút ngắn thời kỳ sống trong hôn nhân, khả năng sinh đẻ giảm đi. Tỷ lệ người sống độc thân và tỷ lệ ly hôn ở thành thị cũng cao hơn nhiều so với nông thôn. Ngoài ra, quan niệm sinh ít con và duy trì quy mô gia đình nhỏ cũng là các yếu tố quan trọng làm giảm mức sinh. Mức sinh và mức chết ở thành thị đều thấp hơn ở nông thôn nhờ hệ thống chăm sóc sức khoẻ ở thành phố có chất lượng cao hơn.
Ở một số nước quá trình đô thị diễn ra nhanh, có hiện tượng khác biệt về cơ cấu tuổi và giới tính ở thành thị so với nông thôn. Tỷ số giới tính ở thành thị của các nước đang phát triển thường có xu hướng cao hơn so với ở nông thôn. Tình hình ngược lại ở các nước phát triển. Tỷ số giới tính cũng có thể khác nhau theo các nhóm tuổi giữa dân số thành thị và nông thôn, nhóm tuổi từ 20-29 ở thành thị thường tỷ số giới tính cao hơn so với nông thôn.
2.2. Ảnh hưởng đô thị hóa đến các điều kiện sống của dân cư
Đô thị hóa là kết quả của sự phát triển nói chung, cũng như quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng, là quá trình biến đổi xã hội nông nghiệp, nông thôn thành xã hội đô thị, công nghiệp. Do đó, đô thị hóa ảnh hưởng đến các điều kiện sống của dân cư theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực.
+ Ảnh hưởng tích cực
Trong điều kiện bình thường, quá trình đô thị hóa tạo ra những thế mạnh như đáp ứng nhu cầu lao động từ khu vực nông thôn cho thành thị, điều hòa tiền công và thu nhập, giảm sức ép về dân số, về đất đai để tạo tiền đề cho tập trung và tích tụ ruộng đất, phát triển nền nông nghiệp lớn, điện khí hóa và công nghiệp hóa nông thôn, giao thoa văn hóa, phát triển giáo dục và y tế.
Con người ban đầu thường thích sống trong trung tâm thành phố, nơi tập trung các dịch vụ đa dạng và thuận tiện. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, mạng lưới dịch vụ được mở mang và chất lượng được nâng cao, phương tiện giao thông dễ dàng, cơ sở thông tin liên lạc tốt, nhà ở với thiết kế và tiện nghi phù hợp… xuất hiện xu hướng ở các khu vực xung quanh thành phố.
+ Ảnh hưởng tiêu cực
Tuy nhiên với tốc độ đô thị hóa ngày càng lớn trong các nước đang phát triển đã và đang tạo ra một số khó khăn, có ảnh hưởng đến môi trường và điều kiện sống ở thành thị.
Trước hết, quá trình đô thị hóa gắn với việc hình thành các vành đai quanh đô thị. Điều này làm thay đổi nghề nghiệp của dân cư sinh sống tại khu vực này. Do bị mất đất canh tác người nông dân buộc phải tìm những nghề mới để làm việc. Một số người không có khả năng học những nghề mới nên đã trở thành những người không có việc làm. Khi sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công nghiệp và dịch vụ, nhà nước và các nhà đầu tư đã trả cho nông dân tiền đền bù quyền sử dụng đất. Một số nông dân đã sử dụng tiền đền bù này vào việc tiêu dùng và các dịch vụ ăn chơi. Điều này góp phần làm tăng tệ nạn xã hội.
Ở các nước đang phát triển có dân số đông với tốc độ đô thị hóa nhanh thì tình hình ngược lại, xuất hiện cái gọi là “vành đai nghèo đói”. Nghĩa là, do quán tính của di dân vào các thành phố, số lượng người đã vượt quá nhu cầu việc làm và dịch vụ, thêm vào đó là cơ cấu không phù hợp, các điều kiện sống cho số người dôi dư đã không được đảm bảo, họ làm các việc không ổn định với thu nhập thấp, thậm chí trái pháp luật, nơi ở tạm bợ, tạo nên các “xóm liều” và tệ nạn xã hội.
Tác động tiếp theo của đô thị hóa là sức ép về nhà ở. Vấn đề nhà ở luôn bức xúc đối với các thành phố lớn trong giai đoạn hiện nay ở nước ta. Trong những năm bao cấp, cán bộ công nhân viên, lực lượng vũ trang, về nguyên tắc, khi chuyển cư về làm việc ở các thành phố, sau một thời gian công tác sẽ được phân phối nhà ở. Từ những năm 90 với tốc độ tăng trưởng đô thị hóa nhanh đã tạo sức ép mạnh đến nhà ở. Chẳng hạn, theo số liệu điều tra của Cục Định canh định cư – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trung bình mỗi năm trong thời gian trên Hà nội có thêm trên 70 000 người, trong đó khoảng một phần ba là mới nhập cư. Với quỹ nhà đất như hiện tại, trung bình cứ 3 người dân thì có 1 người ở trong diện tích dưới 3m2, đặc biệt có khoảng 300 nghìn người đang ở với mức dưới 2m2/đầu người. Điều đáng nói là nhà ở không những thiếu mà còn xuống cấp nghiêm trọng, quá niên hạn sử dụng. Trong tổng quỹ nhà ở của Hà Nội hiện có tới 5% cần dỡ bỏ, số nhà hư hỏng nặng cần được tu sửa, cải tạo khoảng 60%.
Một ảnh hưởng nữa của đô thị hóa đến điều kiện sống của người dân là sự quá tải về cơ sở hạ tầng, bao gồm đường xá xấu, mật độ phương tiện giao thông lớn, thường xuyên xảy ra ách tắc và tai nạn giao thông, cung cấp điện và nước sinh hoạt không đủ và với chất lượng không đảm bảo, thóat nước trong mùa mưa không kịp nên thường xảy ra úng ngập cục bộ. Các bệnh viện trạm xá, trung tâm y tế thường bị quá tải. Các trường học với cơ sở vật chất thiếu thốn, số học sinh/lớp thường quá tiêu chuẩn quốc gia (quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo)…
Tiếp theo phải kể đến là sự xuống cấp của môi trường xung quanh, như nồng độ bụi, khói, tiếng ồn, rác thải, mật độ cây xanh, không gian vui chơi giải trí… không đảm bảo điều kiện sống bình thường của con người.
(Nguồn tài liệu: Tài liệu môn Dân số học cơ bản, Tổng cục dân số kế hoạch hóa gia đình, 2015)