Trang chủ Kinh tế và Kinh doanh Chi phí sử dụng vốn cận biên (MCC)

Chi phí sử dụng vốn cận biên (MCC)

by Ngo Thinh
740 views

Chi phí sử dụng vốn cận biên – MCC (Marginal Cost of Capilal)

Nhìn vào hình ta thấy, khi doanh nghiệp bước từ mức WACC1 sang mức WACC2 thì điểm đầu tiên của đường WACC mới được gọi là điểm cận biên. Chi phí sử dụng vốn tại điểm cận biên là chi phí sử dụng vốn cận biên.

Chi phí sử dụng vốn cận biên (MCC) được hiểu là chi phí cho đồng vốn mới nhất mà doanh nghiệp huy động tăng thêm cho đầu tư hay hoạt động kinh doanh.

Trong quá trình huy động vốn, nếu quy mô vốn huy động của doanh nghiệp tăng lên và đạt tới một mức giới hạn nhất định sẽ làm cho chi phí sử dụng vốn cận biên tăng lên. Bởi vì, khi vốn huy động có quy mô vượt qua một điểm giới hạn nhất định sẽ làm tăng thêm rủi ro cho những người cung cấp vốn cho doanh nghiệp, do đó người cung cấp vốn sẽ đòi hỏi một tỷ suất sinh lời cao hơn đối với số vốn gia tăng.

Cần lưu ý rằng, chi phí sử dụng vốn cận biên cũng chính là chi phí sử dụng vốn bình quân. Vì mỗi đồng vốn mới được huy động thêm sẽ hình thành từ nhiều nguồn khác nhau với chi phí sử dụng vốn cũng khác nhau. Do đó, chi phí sử dụng vốn của đồng vốn mới đó sẽ là mức chi phí trung bình của các nguồn tài trợ hợp thành trong một cơ cấu nguồn vốn tối ưu.

Điểm gãy

Để đạt được mục tiêu tối đa hóa giá trị của doanh nghiệp, một trong những yêu cầu quan trọng đối với việc huy động vốn của doanh nghiệp là tối thiểu hóa chi phí sử dụng vốn. Để thực hiện yêu cầu này, thông thường các doanh nghiệp thực hiện huy động vốn theo kết cấu nguồn vốn tối ưu đã được xác định. Để đảm bảo cơ cấu nguồn vốn tối ưu, khi huy động vốn doanh nghiệp sẽ huy động lần lượt theo trình tự: Trước tiên huy động số vốn có chi phí thấp, sau đó mới huy động đến số vốn có chi phí cao hơn, chẳng hạn đối với nguồn vốn chủ sở hữu trong quá trình huy động để đảm bảo tỷ lệ tham gia vào kết cấu nguồn vốn tối ưu, trước hết công ty cổ phần sẽ huy động vốn chủ sở hữu nội sinh tức là sử dụng số lợi nhuận để lại, nếu chưa đủ vốn, lúc này công ty mới sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu ngoại sinh, tức là phát hành thêm cổ phiếu thường mới có chi phí sử dụng vốn cao hơn. Khi đó sẽ làm nảy sinh một điểm gọi là điểm gãy.

Như vậy, điểm gãy là điểm thể hiện một quy mô vốn được huy động ở mức độ nhất định mà khi doanh nghiệp tiếp tục huy động vốn thêm vượt mức quy mô đó thì phải tăng thêm chi phí sử dụng vốn.

Từ đây có thể nhận thấy, điểm gãy sẽ nảy sinh khi chi phí sử dụng vốn của một trong những nguồn vốn riêng biệt tăng lên. Điểm gãy là điểm rơi của điểm cận biên trên trục vốn (trục hoành). Việc xác định điểm gãy rất quan trọng vì qua đó xác định được quy mô vốn của doanh nghiệp sẽ thay đổi tại điểm nào.

Công thức xác định điểm gãy như sau:

BPji = AC ji / W j 

Hay

Điểm gãy i = Giá trị vốn thành phần i / Tỷ trọng vốn loại i

Trong đó:

  • BPji : Điểm gãy của nguồn tài trợ j với chi phí sử dụng vốn ≤ i
  • ACji :Tổng số vốn huy động từ nguồn tài trợ j với chi phí sử dụng vốn ≤ i
  • Wj: Tỷ trọng nguồn tài trợ j trong cơ cấu tổng các nguồn tài trợ

Ví dụ: Lãi ròng ước tính của ABC năm N là 14.250 triệu đồng. Tỷ lệ thanh toán cổ tức là 55% tổng lãi ròng. Tìm điểm gãy của ABC khi công ty sử dụng hết số lợi nhuận để lại và phải phát hành thêm cổ phiếu thường mới để tăng vốn?

Ta có, điểm gãy của ABC khi công ty sử dụng hết lợi nhuận để lại và phải phát hành thêm cổ phiếu mới để tăng vốn là:

14.250 .(1-55%) / 53% = 12.099

Trên cơ sở xác định các điểm gãy của từng nguồn tài trợ riêng biệt có thể xác định được tổng các điểm gãy của tổng quy mô vốn mà doanh nghiệp huy động.

Lựa chọn dự án đầu tư với MMC

Để lựa chọn dự án đầu tư với MCC, có các bước hoạch định sau:

  • Nhận dạng các cơ hội đầu tư tiềm năng.
  • Ước lượng dòng tiền tương lai cho từng dự án.
  • Tính hiện giá của dòng thu nhập trong tương lai với lãi suất chiết khấu là WACC của dự án đầu tư.
  • So sánh hiện giá dòng thu nhập với hiện giá chi phí của dự án.
  • Các dự án có hiện giá thu nhập lớn hơn hiện giá của dòng chi phí sẽ được chọn.

Ví dụ: Một công ty cổ phần có kết cấu nguồn vốn được xem là tối ưu như sau:

Nguồn vốn Tỷ trọng nguồn vốn
1. Vốn vay45%
2. Vốn cổ phần ưu đãi2%
3. Vốn chủ sở hữu (Vốn cổ phẩn thường và lợi nhuận giữ lại)53%
Cộng100%

Để đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động đầu tư, công ty dự kiến huy động vốn theo kết cấu nguồn vốn tối ưu như trên và có khả năng huy động các nguồn vốn với chi phí sử dụng như sau:

  • Lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư là 768,5 triệu đồng với chi phí sử dụng là 13,4%.
  • Nếu phát hành thêm cổ phiếu thưởng để huy động vốn thì chi phí sử dụng là 14%.
  • Nếu phát hành cổ phiếu ưu đãi, chi phí sử dụng vốn là 10,3%.
  • Nếu vay vốn từ 900 triệu đồng trở xuống thì lãi suất là 10%/năm và nếu vốn vay trên 900 triệu thì lãi suất áp dụng cho phần tiền vay gia tăng này là 13%/năm. Lãi vay phải trả một lần vào cuối năm, vốn gốc trả vào thời điểm cuối của năm cuối cùng.
  • Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%.

Từ các dữ liệu trên, ta có số liệu tính toán như sau:

– Giá trị điểm gãy thứ nhất (xuất hiện do sử dụng hết lợi nhuận giữ lại, phát hành thêm cổ phiếu mới).

BPE = 768,5/53% = 1.450 triệu đồng.

– Giá trị điểm gãy thứ hai (xuất hiện do thay đổi lãi suất vay vốn):

BPD = 900/45% = 2.000 triệu đồng.

– Xác định chi phí sử dụng vốn của khoảng vốn huy động từ 0 đến điểm gãy thứ nhất và từ điểm gãy thứ nhất đến điểm gãy thứ hai và các khoảng vốn kế tiếp:

Như vậy:

  • WACC của mỗi đồng vốn huy động thêm trong khoảng từ 0 đến 1450 triệu đồng là 10,908%.
  • WACC của mỗi đồng vốn huy động thêm trong khoảng từ 1450 đến 2000 là 11,226%
  • WACC của mỗi đồng vốn huy động thêm khi qui mô vốn trên 2000 triệu đồng là 12,306%

Điều đó có nghĩa là chi phí cận biên của mỗi đồng vốn mới mà công ty huy động tăng thêm vào đầu tư trong khoảng vốn từ 0 đồng đến 1.450 triệu đồng là 10,908%. Khi quy mô vốn huy động vượt trên 1.450 triệu đồng đến 2.000 triệu đồng thì chi phí cận biên của mỗi đồng vốn mới huy động tăng thêm sẽ tăng lên ở mức 11,226%. Trên mức 2.000 triệu đồng, thì chi phí sử dụng vốn bình quân của mỗi đồng vốn mới tăng thêm là 12,306%.

Chi phí sử dụng vốn và quy mô huy động vốn được thể hiện qua đồ thị sau:

Các loại chi phí sử dụng vốn:
5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net