1. Khái niệm cân đối ngân sách
Cân đối ngân sách là tổng thu ngân sách bằng tổng chi ngăn sách tính cho năm ngân sách. Nếu tổng thu ngân sách lớn hơn tổng chỉ ngân sách gọi là thặng dư ngân sách và ngược lại nếu tổng thu ngân sách nhỏ hơn tổng chi ngân sách gọi là thâm hụt ngân sách hay bội chi ngân sách. Hiện tượng bội chi ngân sách thường xảy ra với hầu hết các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam.
Tại Việt Nam theo tinh thần của Luật ngân sách, cân đối ngân sách thực hiện theo nguyên tắc: – Tổng thu từ thuế, phí, lệ phí phải lớn hơn tổng chi thường xuyên và góp phần tích lũy ngày càng cao vào đầu tư phát triển.
Trường hợp ngân sách Nhà nước có bội chi thì số bội chi phải nhỏ hơn số chi đầu tư phát triển, tiến tới cân bằng thu chi ngân sách.
Vay để bù đắp bội chi ngân sách phải đảm bảo nguyên tắc: không sử dụng cho tiêu dùng, chỉ được sử dụng cho mục đích đầu tư phát triển và phải có kế hoạch thu hồi vốn vay đảm bảo cân đối ngân sách để chủ động trả hết nợ khi đến hạn.
– Ngân sách địa phương được cân đối theo nguyên tắc: Tổng số chi không được vượt quá số thu, trường hợp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) có nhu cầu đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi ngân sách cấp tỉnh mà vượt quá khả năng cân đối ngân sách cấp tỉnh thì được phép huy động vốn đầu tư trong nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và phải cân đối ngân sách cấp tỉnh để chủ động trả nợ khi đến hạn.
Vay trong nước được thực hiện dưới hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ (đối với ngân sách trung ương) hoặc trái phiếu công trình (đối với ngân sách địa phương), mức và thời điểm phát hành trái phiếu do Bộ Tài chính quyết định. Các khoản vay nợ để xử lý bội chỉ được đưa vào cân đối ngân sách, là khoản thu của ngân sách các cấp.
2. Thâm hụt ngân sách và biện pháp xử lý
Bội chi ngân sách xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau: Do có sự thay đổi chính sách thu, chi ngân sách, do thay đổi chu kỳ kinh tế. nếu mức bội chi quá lớn sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế – xã hội.
Để giải quyết bội chi ngân sách, Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới thường sử dụng một hoặc kết hợp một số giải pháp: phát hành tiền, tăng thu, giảm chi và đi vay.
Chính phủ phát hành tiền để giải quyết bội chi ngân sách, biện pháp này đơn giản, dễ thực hiện, không có trách nhiệm hoàn trả và thực hiện phân phối lại vốn đầu tư theo hướng có lợi cho Nhà nước. Tuy nhiên, việc phát hành tiền để giải quyết bội chỉ ngân sách dễ làm cho tiền – hàng mất cân đối là nguyên nhân dẫn đến lạm phát. Vì vậy, hầu hết các nước trên thế giới hiện nay không áp dụng biện pháp này.
Biện pháp tăng thu giảm chi để giải quyết bội chi ngân sách dễ thực hiện nhưng nếu tăng thu quá mức, không tương xứng với mức tăng GDP sẽ làm giảm tích lũy và tiêu dùng tại các tổ chức kinh tế và hộ gia đình, từ đó làm giảm động lực phát triển kinh tế, còn nếu giảm chi quá mức cần thiết sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế chung của đất nước, đời sống, an ninh trật tự xã hội. Do đó biện pháp này hiện nay các quốc gia cũng ít áp dụng.
Bên cạnh các biện pháp trên, hầu hết các quốc gia đều sử dụng biện pháp tiết kiệm chi tiêu ở mức hợp lý và đi vay trong cũng như ngoài nước để bù đắp bội chi ngân sách. Đi vay để bù đắp thiếu hụt ngân sách, Nhà nước cần cân nhắc các vấn đề về hình thức vay, điều kiện vay, lãi suất, thời hạn vay, rủi ro tỷ giá và phải có biện pháp sử dụng tiền vay có hiệu quả.
(Nguồn tài liệu: TS. Lê Thị Mận, Lý thuyết Tài chính Tiền tệ, 2010)