Trang chủ Kinh tế và Kinh doanh Các mô hình kinh tế

Các mô hình kinh tế

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 142 views

Có hai quan điểm khác nhau khi phân loại mô hình kinh tế:

  • Quan điểm thứ nhất cho rằng có ba mô hình kinh tế đã tồn tại, đó là các mô hình: mô hình kinh tế truyền thống, mô hình kinh tế chỉ huy và mô hình kinh tế hỗn hợp.
  • Quan điểm thứ hai cho rằng có bốn mô hình kinh tế đã tồn tại, đó là các mô hình: mô hình kinh tế truyền thống, mô hình kinh tế thị trường, mô hình kinh tế chỉ huy và mô hình kinh tế hỗn hợp.

Ta sẽ xem xét cách thức giải quyết ba vấn đề cơ bản của tổ chức kinh tế trong từng mô hình:

– Mô hình kinh tế truyền thống:

Trong mô hình này, việc giải quyết 3 vấn đề cơ bản của tổ chức kinh tế là do cộng đồng người, hoặc do người đứng đầu cộng đồng (như tù trưởng, lãnh chúa) quyết định dựa trên thông lệ, tập tục, tập quán là chính. Vì công cụ lao động còn thô sơ, năng suất lao động kém, nên sản phẩm khai thác được, sản xuất được chủ yếu để tự cung – tự cấp.

– Mô hình kinh tế thị trường:

Trong mô hình này, việc giải quyết 3 vấn đề cơ bản của tổ chức kinh tế do quan hệ cầu – cung trên thị trường quyết định, thể hiện qua giá cả của hàng hóa. Sự biến động của giá cả hàng hóa sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp sử dụng nguồn lực như thế nào để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Chẳng hạn, khi giá cả tăng, giả định các yếu tố khác là không đổi, vì thấy có cơ hội tăng lợi nhuận, các doanh nghiệp sẽ tăng sản lượng của hàng hóa đó.

Ngược lại, khi giá giảm, giả định các yếu tố khác là không đổi, vì thấy lợi nhuận bị giảm, các doanh nghiệp sẽ giảm sản lượng của hàng hóa đó.

Cơ sở lý luận của mô hình này là lý thuyết bàn tay vô hình của Adam Smith.

Việc giải quyết 3 vấn đề cơ bản của tổ chức kinh tế tiến hành theo trật tự: sản xuất cái gì? Cho ai? Và như thế nào?

Xem thêm: Kinh tế thị trường là gì?

– Mô hình kinh tế chỉ huy:

Trong mô hình này, việc giải quyết 3 vấn đề cơ bản của tổ chức kinh tế do nhà nước quyết định. Cụ thể, giao cho một cơ quan nhà nước, thay mặt nhà nước quyết định.

– Cơ sở của mô hình này là lý thuyết của Marx.

Việc giải quyết 3 vấn đề cơ bản của tổ chức kinh tế tiến hành theo trật tự: sản xuất cái gì? Như thế nào? Và sản xuất cho ai?.

Ví dụ: Ủy ban Kế hoạch Nhà nước lên kế hoạch mỗi năm sẽ sản xuất những loại sản phẩm nào, với chủng loại, số lượng như thế nào. Sau đó, phối hợp với tất cả các Bộ, ngành liên quan để quyết định việc phân bổ nguồn lực sao cho thực hiện đúng kế hoạch đã hoạch định. Cuối cùng, hàng hóa sản xuất ra sẽ được quyết định phân phối cho ai, cho đối tượng nào trong xã hội.

Với cơ chế giải quyết 3 vấn đề cơ bản của tổ chức kinh tế như trên nên mô hình kinh tế thị trường và mô hình kinh tế chỉ huy đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Các anh, chị hãy thử tìm hiểu về vấn đề này, như là một bài tập. Còn bây giờ, tiếp theo ta quay lại với quan điểm của các nhà kinh tế học. Vì cả hai mô hình trên đều có những nhược điểm nhất định, nên các nhà kinh tế đã đề xuất mô hình thứ tư: mô hình kinh tế hỗn hợp.

– Mô hình kinh tế hỗn hợp:

Trong mô hình này, việc giải quyết 3 vấn đề cơ bản của tổ chức kinh tế chủ yếu do quan hệ cầu – cung trên thị trường quyết định, nhưng có sự tham gia điều tiết của nhà nước. Nhà nước sẽ tham gia điều tiết bằng những công cụ gián tiếp cũng như trực tiếp. Ví dụ: hình thành hành lang pháp lý định hướng hoạt động của doanh nghiệp, quy định giá của một số mặt hàng thiết yếu (như: xăng dầu, điện,…)…

Cơ sở lý luận của mô hình này là lý thuyết kết hợp giữa bàn tay vô hình của thị trường với bàn tay hữu hình của nhà nước mà J.M.Keynes là người khởi xướng.

Đây là mô hình kinh tế được áp dụng phổ biến nhất hiện nay. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cơ chế thị trường là sự lựa chọn của hầu hết các quốc gia trên thế giới thì áp lực canh tranh ngày càng gay gắt, đồng thời, những khuyết tật của thị trường (như: sự phân hóa giàu nghèo, tài nguyên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm,…) bộc lộ ngày càng rõ. Nên vai trò điều tiết của chính phủ lại càng được đánh giá cao.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]