Trang chủ Triết học Các kiểu và hình thức nhà nước trong lịch sử

Các kiểu và hình thức nhà nước trong lịch sử

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 586 views

Phân tích các kiểu và hình thức nhà nước trong lịch sử?

Sự xuất hiện các kiểu nhà nước ở trong lịch sử bao giờ cũng phụ thuộc vào vào cơ sở kinh tế của một hình thái kinh tế – xã hội nhất định. Tương ứng với ba hình thái kinh tế – xã hội có đối kháng giai cấp là ba kiểu nhà nước của các giai cấp bóc lột. Đó là nhà nước của giai cấp chủ nô, giai cấp địa chủ, giai cấp tư sản. Mỗi kiểu nhà nước trên lại được thể hiện thông qua các hình thức cụ thể khác nhau tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và chính trị xã hội nhất định.

Nhà nước trong chế độ chiếm hữu nô lệ là nhà nước của giai cấp chủ nô, nó được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhưng chủ yếu tồn tại dưới hai hình thức là chính thể quân chủ và chính thể cộng hòa.

Nhà nước trong chế độ phong kiến là nhà nước của giai cấp địa chủ. Về mặt hình thức có nhà nước phong kiến tập quyền và nhà nước phong kiến phân quyền. Đặc điểm chung của nhà nước phong kiến là sự phân tán về kinh tế và sự khép kín các vùng riêng biệt đã quy định tính chất cát cứ về mặt chính trị của nhà nước phong kiến. Nhà nước phong kiến phân quyền, là quyền lực nhà nước được chia thành những quyền lực độc lập theo từng địa phương nhất định. Nhà nước phong kiến tập quyền, quyền lực của nhà vua được tăng cường, hoàng đế có uy quyền tuyệt đối, ý chí của nhà vua là pháp luật.

Nhà nước trong chế độ tư bản chủ nghĩa là nhà nước của giai cấp tư sản. Nó bao gồm các hình thức như: chế độ quân chủ lập hiến, chế độ cộng hòa, chế độ cộng hòa đại nghị, chế độ tổng thống, v.v…Ngoài ra còn có sự khác nhau về chế độ bầu cử, chế độ một hay hai nghị viện, về nhiệm kỳ tổng thống, về sự phân quyền giữa tổng thống và nội các, v.v…Trong các nhà nước quân chủ lập hiến, vua là người đứng đầu trên danh nghĩa nhưng không có thực quyền, nghị viện là cơ quan lập pháp, nội các là cơ quan nắm mọi quyền lực, v.v…

Do sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, việc chuyển từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa tư bản nhà nước đã làm tăng vai trò của nhà nước tư bản trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nó có thể áp dụng những biện pháp “quốc hữu hóa”, “kế hoạch hóa” chương trình hóa nền sản xuất, điều chỉnh giá cả tiền lương, dịch vụ ; điều chỉnh quan hệ tài chính – hàng hóa – tiền tệ, v.v… Nhưng điều đó không có nghĩa là bản chất của nhà nước tư sản đã thay đổi, mà thực chất chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước không hề thay thế tư bản tư nhân, mà tồn tại song song với kinh tế tư nhân, bổ sung cho kinh tế tư nhân. Về vấn đề này Lê-nin đã từng viết rằng: “Những hình thức của các nhà nước tư sản thì hết sức khác nhau, nhưng thực chất chỉ là một, chung quy lại thì tất cả những nhà nước ấy vô luận thế nào, cũng tất nhiên phải là nền chuyên chính tư sản”1.

Nhà nước xã hội chủ nghĩa là nhà nước kiểu mới, nhà nước do dân, vì dân do chính đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Nhà nước xã hội chủ nghĩa có những đặc điểm cơ bản sau đây:

Là nhà nước của dân, do dân và vì dân, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân lao động, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đội tiên phong của giai cấp công nhân.

Nhà nước xã hội chủ nghĩa vừa là bộ máy chính trị – hành chính, một cơ quan cưỡng chế vừa là một tổ chức quản lý kinh tế, văn hóa xã hội của nhân dân lao động. Đó là sự kết hợp giữa hai chức năng trấn áp và tổ chức xây dựng, trong đó tổ chức xây dựng là chức năng chủ yếu của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là sự khác nhau căn bản giữa nhà nước xã hội chủ nghĩa và các kiểu nhà nước của các giai cấp bóc lột trong lịch sử. Bởi vì các nhà nước của các giai cấp bóc lột xét cho cùng là bộ máy trấn áp của giai cấp thống trị với các giai cấp bị bóc lột khác, v.v…

Sự thống nhất giữa tính dân tộc và tính quốc tế, kết hợp nghĩa vụ dân tộc và nghĩa vụ quốc tế thể hiện ở bản chất cách mạng triệt để trong cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân.

Vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản có tính chất quyết định bản chất vô sản của bộ máy nhà nước, là điều kiện có ý nghĩa quyết định để đảm bảo quyền lực xã hội thuộc về nhân dân, nhà nước là của dân, do dân và vì dân.

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Đảng ta đã coi nhà nước xã hội chủ nghĩa là “cột trụ của hệ thống chính trị, là công cụ thực hiện quyền lực của nhân dân”; nó được tổ chức theo nguyên tắc nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp tri thức làm nền tảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong tổ chức và hoạt động của mình, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Nhà nước chúng ta do nhân dân lập ra thông qua tổng tuyển cử toàn dân, được đặt dưới sự kiểm soát của nhân dân. Mọi quyền lực của nhà nước có được đều do nhân dân ủy quyền. Mọi chủ trương, chính sách của nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]