Trang chủ Khoa học Chính trị Bộ máy, hình thức và kiểu nhà nước

Bộ máy, hình thức và kiểu nhà nước

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 239 views

Bộ máy của nhà nước

Khái niệm

Bộ máy nhà nước là một yếu tố quan trọng của nhà nước. Nhờ có bộ máy nhà nước, quyền lực nhà nước được thể hiện và phát huy hiệu lực, chức năng nhà nước được triển khai, các mục tiêu, nhiệm vụ được thực hiện. Vì vậy, bộ máy nhà nước là hệ thống các cơ quan nhà nước, tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc chung thống nhất tạo thành một cơ chế đồng bộ, thống nhất để thực hiện các nhiệm vụ và chức năng của nhà nước. Vì vậy, cơ quan nhà nước khác với các cơ quan, tổ chức phi nhà nước những điểm cơ bản sau:

Cơ quan nhà nước được thành lập theo ý chí nhà nước và được quyền nhân danh nhà nước thực hiện quyền lực nhà nước.

Mỗi cơ quan nhà nước có địa vị pháp lý nhất định trong bộ máy nhà nước. Giới hạn thẩm quyền của cơ quan nhà nước là giới hạn mang tính pháp lý vì được pháp luật quy định.

Cơ quan nhà nước chỉ được hoạt động trong phạm vi thẩm quyền của mình và trong phạm vi đó, nó hoạt động độc lập, chủ động và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình. Bên cạnh quyền được thực hiện quyền lực nhà nước thì khi cơ quan nhà nước không thực hiện các quyền của mình hoặc từ chối thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định thì vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cơ cấu của bộ máy nhà nước

Xuất phát từ tính chất, vai trò, vị trí của nhà nước, bộ máy nhà nước có hệ thống cơ quan được bố trí rộng khắp từ trung ương xuống địa phương với đội ngũ công chức và nhân viên hết sức đông đảo. Nhưng thông thường, bộ máy nhà nước nói chung gồm ba loại cơ quan: cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp. Ba cơ quan này có mối liên hệ ràng buộc qua lại với nhau, vận hành theo một cơ chế đồng bộ, thống nhất.

Các loại hình bộ máy nhà nước khác nhau có nguyên tắc tổ chức và hoạt động khác nhau. Bộ máy nhà nước tư sản thường được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc phân lập các quyền, quyền tư pháp, hành pháp, lập pháp độc lập nhau. Còn bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa được tổ chức theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công chức năng, phân định thẩm quyền rành mạch và có sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đồng thời trong bộ máy xã hội chủ nghĩa cũng tạo ra một cơ chế kiểm tra, giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước nhằm đảm bảo pháp chế và kỷ luật trong quản lý nhà nước.

Hình thức nhà nước

Hình thức nhà nước là một vấn đề rất có ý nghĩa. Bởi kết quả của sự thống trị về mặt chính trị phụ thuộc phần lớn vào việc giai cấp thống trị đã tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước theo hình thức nào. Hình thức nhà nước là cách tổ chức quyền lực nhà nước và những phương pháp để tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước. Hình thức nhà nước là khái niệm chung được hình thành từ ba yếu tố cụ thể: Hình thức chính thể, hình thức cấu trúc nhà nước và chế độ chính trị.

Hình thức chính thể

Hình thức chính thể là cách tổ chức, trình tự thành lập và quan hệ giữa các cơ quan quyền lực nhà nước tối cao cũng như mức độ tham gia của nhân dân vào việc thiết lập các cơ quan này. Hình thức chính thể có hai dạng cơ bản là chính thể quân chủ và chính thể cộng hòa.

– Chính thế quân chủ

Chính thể quân chủ là hình thức trong đó quyền lực tối cao của nhà nước tập trung toàn bộ hay một phần trong tay người đứng đầu nhà nước theo nguyên tắc thừa kế (Quốc Vương, Sa Hoàng, Vua).

Trong chính thể quân chủ được chia thành chính thể quân chủ tuyệt đối và chính thể quân chủ hạn chế.

  • Đối với chính thể quân chủ tuyệt đối thì người đứng đầu nhà nước có quyền lực vô hạn, như Vua trong nhà nước phong kiến trước đây.
  • Trong nhà nước chính thể quân chủ hạn chế, người đứng đầu nhà nước chỉ nắm một phần quyền lực nhà nước tối cao, bên cạnh đó còn một cơ quan quyền lực khác như nghị viện trong các nhà nước tư sản có chính thể quân chủ. Hiện nay trên thế giới, Anh, Nhật, Hà Lan,.. là những nước có hình thức chính thể quân chủ đại nghị. Ở những nước này, Nguyên thủ (Vua) tồn tại mang tính hình thức và truyền thống. Quyền lực nhà vua không ảnh hưởng trong lập pháp và trong hành pháp cũng bị hạn chế nhiều, chính phủ đứng đầu là Thủ tướng có quyền lực lớn.

– Chính thể cộng hòa

Là hình thức trong đó quyền lực tối cao của nhà nước được thực hiện bởi những cơ quan đại diện được bầu theo một thời kỳ nhất định.

Chính thể cộng hòa cũng được chia thành cộng hòa dân chủ và cộng hòa quý tộc.

  • Đối với các nhà nước có chính thể cộng hòa dân chủ, quyền tham gia bầu cử để lập ra cơ quan đại diện quyền lực nhà nước được quy định cho tất cả các tầng lớp nhân dân. Nhưng trên thực tế, giai cấp thống trị của các nước bóc lột thường đặt ra nhiều quy định để hạn chế quyền bầu cử của nhân dân lao động.
  • Trong các nước có hình thức chính thể cộng hòa quý tộc thì quyền bầu cử được quy định cho các tầng lớp quý tộc.

Trong mỗi giai đoạn lịch sử phát triển, ở các nhà nước khác nhau do nhiều yếu tố tác động như mối tương quan giữa các giai cấp, truyền thống dân tộc,… mà hình thức chính thể của chúng có những điểm khác biệt. Do vậy, khi nghiên cứu hình thức chính thể của một nhà nước cần xem xét các điều kiện lịch sử cụ thể của nhà nước đó.

Hình thức cấu trúc nhà nước

Hình thức cấu trúc nhà nước được hiểu là cơ cấu hành chính – lãnh thổ của nhà nước, đặc điểm của mối quan hệ qua lại giữa các bộ phận hành chính – lãnh thổ của nhà nước, giữa các cơ quan nhà nước, giữa trung ương và địa phương. Có hai hình thức cấu trúc nhà nước cơ bản: nhà nước đơn nhất và nhà nước liên bang.

– Hình thức cấu trúc nhà nước đơn nhất

Là hình thức trong đó lãnh thổ quốc gia được chia thành các đơn vị hành chính lãnh thổ (như tỉnh, thành phố, huyện, xã, phường) và có những cơ quan quyền lực quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương. Ví dụ như Việt Nam, Lào, Pháp, Trung Quốc,… là các nhà nước đơn nhất.

Ở các nhà nước đơn nhất, các bộ phận hành chính lãnh thổ không có chủ quyền quốc gia.

– Hình thức cấu trúc nhà nước liên bang

Là nhà nước của hai hoặc nhiều quốc gia hợp lại. Nhà nước liên bang có hai hoặc nhiều hệ thống cơ quan quyền lực và quản lý, có hai hay nhiều hệ thống pháp luật: một hệ thống chung cho toàn liên bang và một hệ thống cho mỗi nước thành viên.

Nhà nước có cấu trúc liên bang có chủ quyền quốc gia chung cho nhà nước liên bang và mỗi nước thành viên có chủ quyền riêng. Ví dụ như Mỹ, Nga, Ấn Độ,…

Cần phân biệt nhà nước liên bang và nhà nước liên minh. Nhà nước liên minh là sự liên kết tạm thời của các nhà nước với nhau nhằm thực hiện một số mục đích nhất định. Và sau khi đạt được các mục đích đó, nhà nước liên minh có thể tự tan rã và có thể phát triển thành nhà nước liên bang. Ví dụ như Mỹ từ 1776 đến 1787 là nhà nước liên mình sau trở thành nhà nước liên

Chế độ chính trị

Chế độ chính trị là tổng thể những phương pháp, những biện pháp mà các cơ quan nhà nước sử dụng để thực hiện quyền lực nhà nước. Trong lịch sử xã hội có giai cấp, các giai cấp thống trị đã sử dụng nhiều phương pháp, biện pháp để thực hiện quyền lực nhà nước.

Nhìn chung những phương pháp, biện pháp này được phân ra hai loại chính: phương pháp, biện pháp dân chủ và phương pháp, biện pháp phản dân chủ.

  • Các phương pháp dân chủ: cũng có nhiều dạng thức như dân chủ thực sự và dân chủ giả hiệu, rộng rãi và hạn chế, trực tiếp và đại diện,…Chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa được đặc trưng bởi sự sử dụng các hình thức dân chủ thực sự, rộng rãi. Chế độ dân chủ tư sản đặc trưng bởi sự hiện diện các phương pháp dân chủ hình thức.
  • Các phương pháp phản dân chủ: thể hiện tính độc tài, cực quyền và có nhiều dạng. Đáng chú ý là phương pháp này phát triển đến mức độ cao trở thành phương pháp tàn bạo, quân phiệt và phát xít.

Kiểu nhà nước

Khái niệm

Kiểu nhà nước là một trong những khái niệm cơ bản của khoa học lý luận chung về nhà nước và pháp luật.

Kiểu nhà nước là tổng thể các dấu hiệu cơ bản, đặc thù của nhà nước, thể hiện bản chất của nhà nước và những điều kiện tồn tại và phát triển của nhà nước trong một hình thái kinh tế – xã hội nhất định. Như vậy, khái niệm kiểu nhà nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho phép nhận biết các đặc điểm, đặc thù, đặc trưng chung cho mọi nhà nước, do chế độ kinh tế của xã hội quyết định. Thông qua khái niệm kiểu nhà nước thấy được bản chất giai cấp của nhà nước, bởi khái niệm kiểu nhà nước chỉ ra rằng nhà nước ấy là công cụ của giai cấp nào, nó thể hiện nền chuyên chính của

Các học giả tư sản phân chia nhà nước thành hai loại là nhà nước tự do và nhà nước độc tài. Phân chia như vậy nhằm mục đích là che đậy bản chất giai cấp của bộ máy nhà nước.

Học thuyết Mác-Lênin về hình thái kinh tế – xã hội là cơ sở khoa học để phân chia các nhà nước trong lịch sử thành các kiểu. Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác-Lênin đã coi sự thay thế một hình thái kinh tế – xã hội này bằng một hình thái kinh tế – xã hội khác là quá trình lịch sử tự nhiên. Trong lịch sử nhân loại từ khi xuất hiện xã hội có giai cấp đã tồn tại bốn hình thái kinh tế – xã hội: Chiếm hữu nô lệ, Phong kiến, Tư sản và xã hội chủ nghĩa. Tương ứng với bốn hình thái kinh tế xã hội đó, có bốn kiểu nhà nước, đó là

  • Kiểu nhà nước chủ nô
  • Kiểu nhà nước phong kiến
  • Kiểu nhà nước tư sản
  • Kiểu nhà nước xã hội chủ nghĩa

Các kiểu nhà nước: chủ nô, phong kiến và tư sản tuy có những đặc điểm riêng về bản chất, chức năng, vai trò xã hội nhưng đều là nhà nước bóc lột được xây dựng trên nền tảng của chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, là công cụ để duy trì và bảo vệ sự thống trị của giai cấp bóc lột đối với đông đảo nhân dân lao động trong xã hội, là nhà nước của thiểu số giai cấp bóc lột. Nhà nước xã hội chủ nghĩa là kiểu nhà nước mới và là kiểu nhà nước cuối cùng trong lịch sử xã hội loài người, có sứ mệnh lịch sử là hạn chế dần và đi đến xoá bỏ chế độ bóc lột giữa người với người, là nhà nước của đông đảo nhân dân lao động trong xã hội, tiến tới xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng không có áp bức, bóc lột.

Khái niệm kiểu nhà nước thể hiện sự thống nhất các đặc trưng cơ bản của các nhà nước có cùng chung bản chất giai cấp và vai trò xã hội cũng như điều kiện tồn tại tương tự của chúng.

Tóm lại: kiểu nhà nước là tổng thể các đặc trưng (dấu hiệu) cơ bản của nhà nước, thể hiện bản chất giai cấp, vai trò xã hội và những điều kiện phát triển của nhà nước trong một hình thái kinh tế – xã hội nhất định.

Sự thay thế các kiểu nhà nước

Tính tất yếu khách quan của sự thay thế kiểu nhà nước bằng kiểu nhà nước khác trong kiến trúc thượng tầng chính trị – pháp lý là một biểu hiện quan trọng của quy luật phát triển và thay thế các hình thái kinh tế – xã hội do C.Mác và Ph.Ăngghen phát hiện.

Quy luật này gắn liền với quy luật phát triển và thay thế của kiểu nhà nước bằng kiểu nhà nước khác: “tới một giai đoạn phát triển nào đó của chúng, các lực lượng sản xuất vật chất của xã hội sẽ mâu thuẫn với những quan hệ sản xuất hiện có, là biểu hiện pháp lý của những quan hệ sản xuất, mâu thuẫn với những quan hệ sở hữu, trong đó từ trước đến nay các lực lượng sản xuất vẫn phát triển. “Từ chỗ là những hình thức phát triển của các lực lượng sản xuất, những quan hệ ấy trở thành những xiềng xích của lực lượng sản xuất. Khi đó bắt đầu một thời đại của một cuộc cách mạng xã hội. Cơ sở kinh tế thay đổi thì tất cả các kiến trúc thượng tầng đồ sộ cũng bị đảo lộn ít nhiều nhanh chóng”.

Kiểu nhà nước cũ bị thay thế bằng một kiểu nhà nước mới thông qua một cuộc cách mạng xã hội, bởi lẽ giai cấp thống trị cũ đại diện cho quan hệ sản xuất cũ không bao giờ tự nguyện rời bỏ những đặc quyền, đặc lợi mà mình đang có, vì thế giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất mới tiến bộ phải tập trung lực lượng tiến hành cách mạng xã hội đấu tranh với các giai cấp thống trị trước đó. Kiểu nhà nước mới ra đời nghĩa là quyền lực nhà nước đã chuyển giao từ tay giai cấp này qua tay giai cấp khác, và do vậy bản chất, vai trò xã hội của nhà nước mới cũng thay đổi so với nhà nước cũ trước đó.

Kiểu nhà nước mới theo quy luật bao giờ cũng tiến bộ hơn so với kiểu nhà nước cũ bởi nó được xây dựng trên một phương thức mới tiến bộ hơn.

Sự thay thế kiểu nhà nước cũ bằng một kiểu nhà nước mới không phải đều diễn ra giống nhau ở mọi nơi, không diễn ra tuần tự, hết kiểu nhà nước này rồi đến kiểu nhà nước khác, mà có thể bỏ qua những kiểu nhà nước nhất định. Điều này do nhiều yếu tố như: hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mỗi quốc gia, bối cảnh quốc tế… chẳng hạn như nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, vì thế kiểu nhà nước tư sản không tồn tại ở Việt

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net