Trang chủ Sinh học Polysaccharide là gì? Một số polysaccharide phổ biến

Polysaccharide là gì? Một số polysaccharide phổ biến

by Ngo Thinh
536 views

Polysaccharide do nhiều gốc monosaccharide kết hợp với nhau, có khối lượng phân tử lớn, do đó polysaccharide không có tính khử. Các monosaccharide có thể thuộc một loại hay nhiều loại khác nhau. Các liên kết glycoside trong phân tử polysaccharide có thể là α- hoặc β-glycoside.

Tên polysaccharide dựa theo tên của monosaccharide cấu tạo nên nó nhưng đổi đuôi “ose” thành đuôi “an”. Ví dụ D-glucane, D-fructane, D- galactane. Sau đây chỉ đề cập chi tiết hơn một số polysaccharide phổ biến và quan trọng.

Tinh bột

Tinh bột là polysaccharide dự trữ thực vật phổ biến nhất, là một hỗn hợp của amylose và amylopectin, trong đó amylopectin chiếm khoảng 80%. Amylose là một chuỗi không phân nhánh gồm nhiều gốc glucose. Có khoảng 200-300 gốc glucose kết hợp với nhau theo kiểu -glycoside. Liên kết luôn luôn nằm giữa C1 và C4. Ngược lại amylopectin là chuỗi phân nhánh. Sự phân nhánh là do liên kết glycoside giữa C1 và C6. Amylopectin được tạo thành từ amylose. Gốc amylose (khoảng 40 gốc glucose) được gắn kết với một chuỗi amylose khác bằng liên kết α -1-6-glycoside. Người ta cho rằng chuỗi amylose dài và cả những chuỗi amylopectin ngắn hơn có cấu tạo xoắn.

Cơ quan dự trữ tinh bột là vô sắc lạp (amyloplast), tương tự như lục lạp và phát triển từ tiền lục lạp. Cơ quan chứa tế bào dự trữ (hạt ngũ cốc, củ khoai tây) gồm các vô sắc lạp xếp sít nhau.

Amylopectin với sự phân nhánh 1,6

Amylopectin với sự phân nhánh 1,6

Tinh bột được tích luỹ trong vô sắc lạp và lục lạp ở dạng hạt tinh bột và tạo nên vị trí tinh bột tập trung. Cấu trúc này đối với từng loại thực vật là khác nhau như ở hình 4.2. Người ta có thể nhận dạng hạt tinh bột có nguồn gốc từ các loài thực vật khác nhau. Ở những vị trí tinh bột tập trung thể hiện sự kết hợp của các hạt tinh bột dày hơn hoặc thưa hơn. Sự kết hợp dày hơn thể hiện vào ban ngày, thưa hơn vào ban đêm. Tinh bột có nhiều trong các loại quả và củ khác nhau, như trong hạt ngũ cốc (60-70 %) trong củ khoai tây (15-20%).

Hình 4.2 Cấu trúc của các hạt tinh bột khác nhau

Hình 4.2 Cấu trúc của các hạt tinh bột khác nhau

Trong lục lạp tinh bột chỉ được tích luỹ tạm thời và thực ra chỉ khi hoạt động quang hợp mạnh, vào ban ngày. Ban đêm những hạt tinh bột được phân giải thành các monosacaride, đặc biệt là các triose và được đi ra khỏi lục lạp.

Glycogen

Glycogen là một chuỗi mạch nhánh, đại phân tử được tạo nên từ nhiều gốc glucose. Glycogen (tinh bột của gan) là carbohydrate dự trữ của động vật bậc cao. Nó tồn tại chủ yếu ở trong gan và trong mô cơ. Nồng độ glycogen ở trong gan cao hơn ở trong mô cơ, tuy nhiên vì trọng lượng của mô cơ lớn hơn trọng lượng của gan nên mô cơ có nồng độ glycogen tổng số cao hơn ở gan. Glycogen nằm trong tế bào chất ở dạng hạt nhỏ, có đường kính 10-40 nm. Sự tổng hợp glycogen thực hiện từ UDP β-glucose. Nó là chất cho gốc glycosyl đối với enzyme tổng hợp glycogensynthetase. Glycogen ở trong gan chịu trách nhiệm điều khiển nồng độ đường trong máu. Nồng độ đường trong máu nằm giữa 4,5-7mM. Khi cung cấp đường qua thức ăn thì glucose trong máu được tổng hợp thành glycogen, khi cần glucose, ví dụ hoạt động của cơ thì glucose được giải phóng từ glycogen.

Cellulose

Cellulose là một thành phần quan trọng của thành tế bào thực vật. Ở thành tế bào sơ cấp nó chiếm khoảng 30%, ở tế bào già thành phần này còn cao hơn. Cellulose là một glucan, một polysaccharide, được tạo nên từ các gốc glycosyl. Liên kết nằm giữa C1 và C4 và tương tự liên kết trong cellobiose. Ở liên kết -glycoside nhóm OH ở C1 nằm ở phía trên, trong khi nhóm OH ở C4 nằm ở phía dưới (công thức Harworth). Như vậy những nhóm OH của hai gốc đính ở 2 phía đối diện nhau, người ta cho rằng mặt bằng của phân tử tự quay 1800. Sau đó phân tử cellulose có một hình dạng, mà nguyên tử C6 lúc nằm ở phía trên và lúc thì ở phía dưới của phân tử.

Cellulose (một đoạn cắt)

Cellulose (một đoạn cắt)

Có khoảng 36 chuỗi cellulose riêng biệt kết hợp với nhau thành 1 vi sợi, ở đây các chuỗi liên kết với nhau bằng liên kết hydro. Các vi sợi này có những vùng kết tinh và ở dạng này enzyme khó có thể tác động. Những vi sợi kết hợp lại thành sợi, và bó sợi, như ở bông vải là dạng sợi tinh khiết. Chất cho glucosyl là UDP-glucose. Enzyme, cellulose synthetase, có ở gian bào.

Nguồn: Sinh học đại cương

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net