Trang chủ Tâm lý học Phép lịch sự khi giao tiếp giữa người trẻ – người già, người lớn – trẻ em

Phép lịch sự khi giao tiếp giữa người trẻ – người già, người lớn – trẻ em

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 272 views

Tâm lý của người già khác nhiều so với tâm lý của người còn trẻ. Phép lịch sự trong sự giao tiếp của người trẻ với người già đòi hỏi người trẻ phải biết tâm lý của người già để có sự đối xử đem lại cho người già sự an ủi, sự cảm động và niềm vui.

Tuổi già mang nặng mặc cảm về sự già yếu của mình và về cái chết sẽ không còn bao lâu nữa. Mặc cảm đó được chia sẻ giữa những người già với nhau, còn đám trẻ thuộc lứa tuổi con và cháu thì ít quan tâm đến và cũng ít thông cảm, nhất là thanh thiếu niên. Tuổi già thường nghĩ và nhớ lại thời thơ ấu hồn nhiên và thời thanh niên sôi nổi của mình với một sự luyến tiếc, tự hào hoặc thương cho số phận của đời mình. Tuổi già không quên những gì mình đã cống hiến cho đất nước, cho gia đình và cảm thấy buồn khi thấy thanh niên ngày nay không biết và không nhớ đến công lao của họ. Tuổi già rất cảm động khi thấy tuổi trẻ ngày nay, những người bình thường cũng như những vị có chức, có quyền đã có sự quan tâm đến họ. Tuổi già rất bất bình khi thấy một số thanh niên có thái độ vô lễ, coi thường đối với họ. Trái lại, tuổi già rất nhiệt tình kể lại lịch sử một thời và truyền lại kinh nghiệm cho thế hệ trẻ.

Từ tâm lý như thế của tuổi già, người trẻ tuổi khi giao tiếp với người già phải tỏ ra lễ phép, khiêm tốn, kính trọng, biết ơn người già, chân thành học hỏi kinh nghiệm của người già. Đối lại, người già cũng nên tỏ ra thông cảm và tôn trọng thế hệ trẻ, không khắt khe mà sẵn sàng tha thứ cho mọi sự vô tình và vụng về trong đối xử của tuổi trẻ, hơn nữa, tin tưởng ở tuổi trẻ.

Trẻ em thời nào và ở đâu cũng là trẻ em. Các em ngây thơ, trong trắng, vô tội, hồn nhiên và rất cần tình thương và sự chăm sóc, giáo dục của người lớn. Ở thiếu niên (13 đến 15 tuổi là tuổi tiêu biểu nhất cho tuổi thiếu niên), các em thường tự cho mình đã bắt đầu trở thành người lớn. Do đó các em rất tự trọng, tự tin, muốn tự chủ, tự quản. Các em rất dễ tự ái và phản ứng một cách thiếu suy nghĩ trước thái độ người lớn đối xử với các em như là với những đứa trẻ con: coi thường, mắng mỏ. chửi rủa, sỉ nhục, đánh đập … Trái lại, các em rất tự hào, phấn khởi và hăng hái làm mọi việc người lớn yêu cầu nếu người lớn đối xử với các em như người lớn; và những việc mà người lớn yêu cầu hay nhờ các em làm phải là những việc xứng đáng cho cái tuổi đã lớn của các em, chứ không phải là những việc nhỏ bé, tầm thường, lặt vặt cho trẻ con.

Vì thế, khi giao tiếp với các em ở lứa tuổi này, người lớn phải nắm bắt được tâm lý trên đây của các em mà có thái độ tôn trọng và tin tưởng ở các em, nói năng, đối xử nhẹ nhàng, lịch sự với các em.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net