Trang chủ Kinh tế và Kinh doanh Hệ thống lợi ích kinh tế: cá nhân, tập thể và xã hội

Hệ thống lợi ích kinh tế: cá nhân, tập thể và xã hội

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 385 views

Liên quan: Lợi ích kinh tế là gì? Bản chất và Vai trò

Trong hệ thống lợi ích kinh tế: cá nhân, tập thể và xã hội, thì lợi ích kinh tế cá nhân là động lực trực tiếp, mạnh mẽ nhất thúc đẩy các chủ thể tham gia một cách tích cực vào các hoạt động kinh tế – xã hội và nâng cao hiệu quả kinh tế của chúng. Bởi vì:

Thứ nhất: lợi ích kinh tế cá nhân là lợi ích thiết thực nhất, gắn liền với từng cá nhân, từng chủ thể. Nó trực tiếp đáp ứng nhu cầu vật chất của từng cá nhân, của từng chủ thể đó khi tham gia vào các hoạt động sản xuất xã hội. ở đâu và khi nào lợi ích kinh tế cá nhân được bảo đảm, thì ở đó sẽ tạo ra được động lực mạnh mẽ nhất kích thích họ phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Có thể nói, lợi ích kinh tế cá nhân là “huyệt” mà sự tác động vào đó sẽ gây nên phản ứng nhanh nhạy nhất của các chủ thể trên. Nó là chất kết dính người lao động với quá trình sản xuất kinh doanh, là một thứ “dầu nhờn” đặc biệt để bôi trơn guồng máy kinh tế. Điều đó lý giải vì sao cơ chế thị trường đã tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy sản xuất phát triển, đồng thời nó cũng lý giải vì sao cơ chế thị trường còn có nhiều mặt trái. Thực tiễn phát triển kinh tế ở nước ta trong những năm qua cũng đã chứng minh điều đó. Chẳng hạn, trong lĩnh vực nông nghiệp, với cơ chế khoán hộ, Nhà nước giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho các hộ nông dân, cùng với những chính sách khác, nước ta đã từ một nước thiếu lương thực, phải nhập khẩu lương thực, trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai, thứ ba trên thế giới.

Thứ hai: lợi ích kinh tế cá nhân tạo điều kiện để thực hiện và nâng cao lợi ích văn hóa, tinh thần của từng cá nhân. Khi lợi ích kinh tế cá nhân bảo đảm, các chủ thể tham gia một cách tích cực và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, từ đó họ cũng có điều kiện để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của mình.

Thứ ba: lợi ích kinh tế cá nhân là cơ sở thực hiện lợi ích kinh tế tập thể và lợi ích xã hội vì dân có giàu thì nước mới mạnh. Khi lợi ích kinh tế cá nhân được bảo đảm, người dân hăng say, tích cực sản xuất để thực hiện nghĩa vụ của mình với Nhà nước, tập thể thì lợi ích kinh tế của Nhà nước (xã hội), tập thể cũng mới được thực hiện.

Vậy, để kích thích tính tích cực của người lao động, phát huy tối đa vai trò nhân tố con người, thì vấn đề mấu chốt, căn bản nhất là phải tác động vào lợi ích kinh tế mỗi cá nhân. Tạo điều kiện để mỗi người lao động, mỗi cá nhân, mỗi chủ thể thực hiện được lợi ích kinh tế của mình, bảo đảm sao cho mỗi người được đóng góp và được hưởng phần thu nhập phù hợp với sự đóng góp của họ.

Nhấn mạnh đến vai trò của lợi ích kinh tế, đặc biệt là vai trò lợi ích kinh tế cá nhân, điều đó không có nghĩa là khuyến khích thực hiện lợi ích kinh tế cá nhân bằng mọi cách, mà Nhà nước phải có những chính sách, biện pháp nhằm khuyến khích việc thực hiện lợi ích kinh tế cá nhân bằng con đường chính đáng. Phải kiên quyết nghiêm trị các tệ nạn như: làm hàng giả, buôn lậu, trốn thuế, tham nhũng… Bởi vì, ba lợi ích kinh tế: cá nhân, tập thể và xã hội có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, vừa thống nhất, vừa có mặt mâu thuẫn với nhau, đặc biệt trong điều kiện thời kỳ quá độ.

Mặt thống nhất biểu hiện ở chỗ: ba lợi ích kinh tế đó cùng đồng thời tồn tại trong một hệ thống kinh tế của xã hội, trong đó lợi ích kinh tế cá nhân là cơ sở để thực hiện lợi ích kinh tế tập thể và xã hội. Đồng thời, lợi ích kinh tế tập thể và xã hội lại tạo điều kiện thực hiện tốt hơn lợi ích kinh tế cá nhân. Không chỉ dân  giàu thì nước mới mạnh, mà ngược lại nước có mạnh thì dân mới càng giàu. Chẳng hạn, khi Nhà nước thu được đúng và đủ thuế, tức lợi ích kinh tế của Nhà nước, của xã hội được bảo đảm, từ đó Nhà nước mới có điều kiện đầu tư xây dựng những cơ sở hạ tầng kinh tế như đường sá, cầu cống, hệ thống thủy lợi… Điều đó sẽ tạo điều kiện để các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của từng cá nhân, đơn vị, cơ sở được nâng cao hơn, có nghĩa là lợi ích kinh tế của họ được thực hiện tốt hơn. Mặt khác, để khai thác tối đa động lực của lợi ích cá nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không thể xem nhẹ lợi ích tập thể và lợi ích xã hội. Xem xét một cách căn bản, lâu dài thì lợi ích xã hội xã hội chủ nghĩa là bảo đảm vững chắc cho sự phát triển đúng hướng của các lợi ích khác. Lợi ích xã hội xã hội chủ nghĩa là cơ sở để đảm bảo công bằng thực sự, là cơ sở kinh tế để giải phóng áp bức bất công đối với mọi thành viên trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mặt mâu thuẫn giữa ba lợi ích kinh tế thể hiện ở sự tách biệt nhất định giữa chúng, do đó nếu dành quá nhiều cho lợi ích này thì bộ phận lợi ích khác sẽ bị vi phạm. Nhìn chung, mỗi chủ thể thường có xu hướng chỉ theo đuổi lợi ích kinh tế cá nhân, làm cho lợi ích kinh tế cá nhân nhiều khi đi ngược lại với lợi ích kinh tế tập thể và xã hội. Đôi khi vấn đề cũng có thể diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Ví dụ: trong trường hợp Nhà nước quy định mức thuế quá cao.

Cũng cần lưu ý rằng, để phát huy tối đa tính tích cực của người lao động không phải chỉ chú trọng đến lợi ích kinh tế của họ là đủ, mà còn cần phải phát huy vai trò của các lợi ích khác như lợi ích chính trị, lợi ích tinh thần. Người nào lao động giỏi, xuất sắc không chỉ được khen thưởng bằng vật chất mà còn có thể được khen thưởng bằng tinh thần. Có như vậy, mới khai thác được thế mạnh không chỉ của lợi ích kinh tế, mà cả thế mạnh của các lợi ích khác, và thế mạnh tương hỗ giữa các lợi ích đó trong mỗi con người.

Tóm lại, lợi ích kinh tế, mà trước hết là lợi ích kinh tế cá nhân phản ánh mục đích và động cơ khách quan của các chủ thể khi tham gia vào các hoạt động kinh tế xã hội, nó là động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy các chủ thể tham gia một cách tích cực vào hoạt động đó. Tuy nhiên, không nên tuyệt đối hóa chúng mà xem nhẹ vai trò của lợi ích tập thể, lợi ích xã hội; không thể quá nhấn mạnh lợi ích vật chất mà coi nhẹ lợi ích chính trị, tư tưởng, vì các lợi ích đó cùng tồn tại trong một hệ thống, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Mọi lợi ích kinh tế được thực hiện thông qua quan hệ thống phân phối.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế chính trị Mác Lênin, Dùng cho các khối ngành không chuyên Kinh tế – Quản trị kinh doanh trong các trường đại học và cao đẳng)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]