Ý thức chính trị và vai trò của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới hiện nay ở nước ta?
Ý thức chính trị là sự phản ánh các quan hệ kinh tế xã hội, phản ánh những lợi ích căn bản và địa vị của các giai cấp và mối liên hệ lẫn nhau của các giai cấp đó trong việc quản lý, bảo vệ đất nước, v.v… Ý thức chính trị chia thành hai cấp độ: cấp độ thực tiễn đời thường và cấp độ tư tưởng – lý luận.
Ý thức chính trị thực tiễn đời thường phát sinh tự phát từ trong hoạt động thực tiễn, kinh nghiệm, xã hội của con người và môi trường xung quanh trực tiếp phụ thuộc vào hiện thực kinh tế khách quan trong tính cụ thể hàng ngày. Cho nên, nó không có sự khái quát về mặt trí tuệ, lý luận, v.v… Còn tư tưởng, lý luận chính trị là hệ thống những những quan điểm thể hiện lợi ích căn bản của một giai cấp nhất định, dùng làm cơ sở lý luận cho đường lối, chính sách cho chiến lược, sách lược trong cuộc đấu tranh giai cấp của các giai cấp khác nhau.
Hệ tư tưởng chính trị phản ánh tồn tại xã hội về địa vị của một giai cấp nhất định một cách trực tiếp và sâu sắc nhất. Hệ tư tưởng chính trị của giai cấp thống trị có vai trò to lớn trong đời sống xã hội. Nó tác động trở lại cơ sở kinh tế thông qua các tổ chức nhà nước. Nó giữa vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội và chi phối trực tiếp của mỗi cá nhân cho đến các hình thái ý thức xã hội khác. Vai trò và tác dụng của hệ tư tưởng của một giai cấp do vai trò lịch sử của giai cấp đó quyết định và tùy theo những điều kiện lịch sử nhất định.
Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam hoạt động của Đảng và cách mạng Việt Nam. Chủ nghĩa Mác-Lênin là khoa học về các quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội, khoa học về cách mạng của quần chúng bị áp bức và bị bóc lột, khoa học về sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Đảng ta, khẳng định lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm kim chỉ nam cho hành động và nêu cao tư tuởng Hồ Chí Minh. Nội dung cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin là tư tưởng về sự giải phóng con người khỏi chế độ bóc lột người. Vì vậy, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta tất nhiên phải lấy chủ nghĩa Mác- Lênin làm kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng và cách mạng Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh điều kiện cụ thể của nước ta; mà cốt lõi là sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và chủ nghĩa yêu nước của nhân dân ta.
Xây dựng hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa mang bản chất giai cấp công nhân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, đảm bảo cho nhân dân là người chủ thật sự của xã hội; quyền lực xã hội thuộc về nhân dân.