1. Phan Chu Trinh và con đường cứu nước mới của ông
Phan Chu Trinh (1872-1926) hiệu là Tây Hồ, sinh trưởng trong một gia đình võ quan ở huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Lúc nhỏ Phan Chu Trinh cũng ham võ nghệ, bởi cha ông là Phan Văn Bình, vốn là một quan Sơn phòng của triều đình Hàm Nghi-Tôn Thất Thuyết, sau theo nghĩa quân Cần vương, giữ chức Chuyển vận sứ cho nghĩa quân của Trần Ngọc Dư, Nguyễn Duy Hiệu. Phan rất khâm phục chí khí yêu nước của cha và những người theo vua Hàm Nghi chống Pháp, nhưng ông cũng luôn luôn chăm chú đèn sách. Năm 1901 ông đậu Phó bảng. Sau đó vào trường hậu Bổ và ra làm quan với chức Thừa Biện Bộ Lễ trong triều đình An Nam.
Hơn một năm sau, Phan cáo quan về nhà chuyên tâm công việc cứu nước. Phan đọc nhiều sách báo Pháp và Tân thư, Tân báo. Ông vào Nam ra Bắc, liên lạc với các giới… Qúa trình đó ông thấy rõ rằng, phải “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, phải đập tan vỡ cái xã hội quân chủ thì mới đưa được xã hội Việt Nam tiến lên con đường dân chủ. Phan Chu Trinh cùng với các sĩ phu cấp tiến như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Qúi Cáp… nỗ lực luyện truyền cho tư tưởng đề cao dân chủ, chống quân chủ, tích cực ủng hộ phong trào Duy tân Dân chủ ở các địa phương.
Lúc ấy Duy tân Hội của Phan Bội Châu đã dấy lên phong trào đông Du. Phan Chu Trinh rất tán đồng và hy vọng vào tinh thần trỗi dậy, mở mang, thực hiện dân chủ của nhân dân.
Năm 1906, sau khi từ Trung Quốc và Nhật Bản trở về, Phan Chu Trinh gửi cho Toàn quyền Đông Dương Paul Beau bức thư tâm huyết nhan đề “Đầu Pháp Chính phủ thư” (Ngày 15/8/1906). Trong đó Phan mạnh dạn tố cáo chế độ quan trường, vạch rõ thảm trạng của nước Nam, chỉ trích chính phủ bảo hộ Pháp “dung dưỡng bọn phong kiến sâu mọt”. Phan cũng đưa ra hàng loạt kiến nghị yêu cầu Pháp phải “thực tâm khai hóa” thuộc địa. Đó là những việc như mở mang trường học, phát triển công thương, đặt dựng thư cục, cải cách hương tục, chống lề thói phong kiến, “kén chọn hiền tài, hưng lợi trừ hại, mở đường sinh nhai cho dân nghèo, rộng đường ăn nói cho thân sĩ…”. Phan Chu Trinh hy vọng công cuộc thực nghiệp ấy sẽ mở ra một triển vọng cho đất nước.
Bức thư của Phan một mặt là sự quan tâm lớn của ông đến vận mệnh dân tộc. Mặt khác, bức thư toát lên một ảo tưởng và sự ngộ nhận về con đường dân chủ tư sản ở thuộc địa Việt Nam. Phan đề xướng biện pháp cải lương duy tân và phủ nhận con đường bạo động vũ trang cứu nước, không chấp nhận ngoại viện. Ông cho rằng “bất bạo động, bạo động tắc tử, bất vọng ngoại, vọng ngoại giả ngu”. Ông chủ trương dựa vào thực dân Pháp để đánh đổ phong kiến và phát triển dân chủ, khi “dân đã giác ngộ được quyền lợi của mình, bấy giờ mới có thể dần dần mưu tính đến việc khác”. Điều đó được Trần Dân Tiên sau này phê phán: “chẳng khác nào xin giặc rủ lòng thương”.
Tuy thế, Bức thư Phan Chu Trinh gửi Toàn quyền Đông Dương vẫn có tiếng vang lớn, uy tín của ông càng nâng cao. Phan cùng các đồng chí của ông lao vào hoạt động trong làn sóng phong trào Duy Tân đang trào dâng.
2. Đông Kinh Nghĩa Thục và phong trào Duy tân ở Bắc kỳ
Ở Bắc kỳ phong trào Duy tân đã dấy lên từ rất sớm, trong đó phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1907 là tiêu biểu nhất.
Sau khi xin phép nhà cầm quyền ở Hà Nội, tháng 3/1907 trường tư thục ở phố Hàng Đào đã khai giảng mang tên là trường “Đông Kinh Nghĩa Thục”, do Lương Văn Can làm Hiệu trưởng, Nguyễn Quyền làm Giám học. Là trường dân lập đầu tiên ở Việt Nam trong thế kỷ này, Đông Kinh Nghĩa Thục được tổ chức hoàn toàn theo lối mới. Trường có 4 ban: Giáo dục – Tài chính – Cổ động – Trước tác. Nhiều loại lớp học cho nhiều loại đối tượng được mở ra, nhân dân đóng góp tài chính cho trường. Các sách học như Quốc văn giáo khoa thư, Luân lý giáo khoa thư, Văn minh tân học sách, Quốc dân độc bản, Nam quốc giai sự, Nam quốc vĩ nhân, Việt Nam quốc sử lược, Nam quốc địa dư…, được soạn lại theo tinh thần đề cao văn hóa và truyền thống dân tộc Việt Nam.
Học viên theo học rất đông, nhiều vùng nông thôn quanh Hà Nội quan tâm ủng hộ, nhiều nơi đến học tập mở chi nhánh… Đặc biệt, những buổi sinh hoạt ngoại khóa có rất đông người đến tham dự, như văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục đã phản ảnh: “Buổi diễn thuyết người đông như hội, kỳ binh văn khách tới như mưa”, đã biến nhà trường thành trung tâm truyền bá văn hóa mới, cổ vũ Duy tân, đề cao truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc.
Nhưng Đông Kinh Nghĩa Thục không chỉ giới hạn ở hoạt động văn hóa, mà còn cố gắng vươn tới những hoạt động kinh tế và chính trị. Các sĩ phu Đông kinh nghĩa thục vừa hô hào thực nghiệp, chấn hưng kinh tế, vừa tham gia hoạt động công thương, mở xưởng, lập hãng buôn, cổ động hàng nội hóa ở Hà Nội và các nơi khác. Đông Kinh Nghĩa Thục rất tích cực giúp đỡ, ủng hộ, tham gia phong trào Đông Du. Thơ văn của Phan Bội Châu cũng được lưu truyền trong Đông Kinh Nghĩa Thục. Thậm chí Đông Kinh Nghĩa Thục còn liên hệ với nhiều lực lượng có âm mưu bạo động ở Hà Nội… Chứng tỏ trên bước đường trưởng thành của mình, Đông Kinh Nghĩa Thục đang đi từ cải lương hợp pháp sang bạo động bất hợp pháp.
Thực dân Pháp lúc đầu ngộ nhận tính cải lương hợp pháp của Đông Kinh Nghĩa Thục. Sau đó, chúng đã nhận thấy đây chính là “cái lò phiến loạn” ở Bắc kỳ. Tháng 12/1907 Pháp ra lệnh đóng cửa Đông Kinh Nghĩa Thục, chúng cho lùng sục bắt bớ các lãnh tụ của Đông Kinh Nghĩa Thục. Đến giữa năm 1908 Đông Kinh Nghĩa Thục đã bị dập tắt hoàn toàn.
3. Cuộc vận động Duy tân ở Trung kỳ và phong trào chống thuế tháng 5/1908
Trong khi ở Bắc kỳ sôi nổi với phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, thì ở Trung kỳ, phong trào cải lương Duy tân cũng từng bước phát triển đến cao trào và vượt khỏi giới hạn ôn hòa để công khai tuyên chiến với đế quốc, phong kiến.
Trước năm 1908 cuộc vận động cải lương dân chủ ở Trung kỳ nhằm hai đối tượng: Công kích vào những tập tục hủ bại của xã hội phong kiến và truyền bá về một xã hội mới – xã hội dân chủ. Các sĩ phu Duy tân cùng với các tầng lớp nhân dân, nhất là ở nông thôn đã nhằm vào cái cổ hủ lạc hậu của xã hội phong kiến để đả phá, công kích, đồng thời hồ hởi lao vào xây dựng cái mới tiến bộ, dân chủ.
Trên lĩnh vực kinh tế, họ đã đạp lên quan niệm cũ của xã hội phong kiến “Trọng nông ức thương”, “Trọng vương khinh bá”, kêu gọi lập hội kinh doanh buôn bán, mở cơ sở sản xuất, đẩy mạnh hoạt động Công – Nông – Thương. Những cơ sở kinh tế của những sĩ phu xuất hiện như “Quảng Nam Hiệp Thương Công Ty” của Nguyễn Quyền, Hoàng Tăng Bí, “Chiêu Dương Thương Quán” của Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn… Các hoạt động kinh tế này ở Trung kỳ, cùng những hoạt động chấn hưng thực nghiệp trên cả nước những năm đầu thế kỷ XX, đã góp phần hình thành phát triển bộ phận kinh tế mới của dân tộc.
Trên lĩnh vực văn hóa, các sĩ phu Duy tân đã nô nức mở trường học theo lối mới và biến các trường ấy thành các trung tâm cải cách xã hội. Phan Chu Trinh đã tham gia vận động thành lập được 48 trường; Đặng Nguyên Cẩn chủ trì Công ty nước mắm Liên Thành và mở trường Dục Thanh ở Phan Thiết… Thực dân Pháp thừa nhận ở các địa phương thuộc Trung kỳ có tới 333 trường có giáo viên tham gia phong trào. Giáo viên phần lớn là các sĩ phu, họ vừa dạy (cái đã biết), vừa học (các mới), vừa sinh hoạt xã hội với học sinh, vì thế nhà trường được gắn liền với xã hội.
Học tập Đông Kinh Nghĩa Thục và đi xa hơn thế, các trường học theo lối mới ở Trung kỳ phát triển nhanh về nông thôn, trở thành phong trào của quần chúng đông đảo với sức sáng tạo mãnh liệt của nó. Có nơi tổ chức trường riêng cho nam và trường riêng cho nữ; nhiều trường tổ chức học tập chính khóa và sinh hoạt ngoại khóa với hình thức và nội dung rất phong phú; lại có nơi trường học đảm nhận cả công tác trật tự trị an trong thôn xã… Nhiều phong trào từ trong nhà trường mở rộng ra ngoài trường và trở thành phong trào chung của xã hội, như phong trào cắt tóc ngắn, mặc áo ngắn, chống mê tín dị đoan, cổ động hàng nội hóa… Những vấn đề nóng bỏng của nông thôn phong kiến lúc đó cũng được đề cập đến như tô thuế, sưu dịch, phu phen, chúng cần được bãi bỏ cùng với tất cả những hủ bại của xã hội phong kiến.
Đầu năm 1908, từ những buổi diễn thuyết trong các trường học, quần chúng nhân dân đã nhận thấy vấn đề sưu thuế đang ngày càng trở nên bức xúc trong đời sống hàng ngày. Cuối tháng 2/1908, ở Quảng Nam xuất hiện cuộc biểu tình của nhân dân huyện Đại Lộc đòi bổ lại sưu dịch. Quần chúng đấu tranh ôn hòa, nhưng địch đã đàn áp và làm tăng thêm mâu thuẫn, do đó phong trào quần chúng bị đẩy lên cao.
Từ Đại Lộc lan ra cả Quảng Nam, từ Quảng Nam lan vào Quảng Ngãi, Bình Định, lan ra Trị Thiên và miền Thanh – Nghệ – Tĩnh, các địa phương Trung kỳ rầm rộ biểu tình chống thuế, chống phu phen sưu dịch. Lực lượng quần chúng đông đảo đã áp đảo bọn hào lý ở các xã thôn, những tên ác ôn bị trừng trị đích đáng, kẻ sách nhiễu nhân dân bị lôi ra bẻ bài ngà, xé áo lam và bị cảnh cáo. Ở Bình Sơn (Quảng Ngãi) nhân dân bắt trói 25 lý trưởng, phó lý của Tổng Bình Hòa dẫn lên Tòa công sứ làm con tin để đòi giảm thuế. Ở Duy Xuyên, tên Chánh Quát gây nhiều nợ máu với nhân dân đã bị lùng bắt và bị buộc đá dìm xuống sông… Nhiều nơi hệ thống chính quyền tay sai bỏ cả huyện đường, công sở, nhà hội đồng để chạy thoát thân, những cuộc xung đột của quần chúng nhân dân với binh lính địch cũng nổ ra.
Thực dân Pháp và tay sai ngay từ đầu đã dùng lực lượng quân sự đàn áp quần chúng và chúng quyết tâm dìm phong trào trong biển máu. Hàng loạt sĩ phu bị bắt và tù đày: Phan Chu Trinh và nhiều lãnh tụ khác bị đày Côn Đảo; Trần Qúi Cáp cùng nhiều người cảm tử khác bị xử tử hình; hàng ngàn người khác bị khủng bố và giam cầm. Phong trào Cải lương Duy tân ở Trung kỳ trở thành cuộc chống thuế, đến tháng 5/1908 bị đàn áp dã man.
Cuộc nổi dậy rộng lớn của nhân dân Trung kỳ thất bại, nhưng nó đã đóng góp hình thức mới hết sức độc đáo, thể hiện sự chuyển biến căn bản của phương thức hoạt động trong phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX. Sự chuyển biến của phong trào Cải lương Duy tân từ ôn hòa sang bạo động, chứng tỏ xu hướng bạo động là xu hướng chủ đạo. Dù đi theo phương thức nào, nếu đã làm khơi dậy chủ nghĩa yêu nước, đưa những tư tưởng mới vào quần chúng, các phong trào cuối cùng cũng sẽ quay về một mối với xu hướng bạo động. Đó là sự phát triển tất yếu, phù hợp với truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc.
*
Các phong trào yêu nước dù bạo động hay cải lương, đều xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, đều có chung sự tác động của tư tưởng dân chủ tư sản, đều nhằm chung mục đích cứu nước. Vì thế những hình thức khác nhau chỉ chứng minh cho tính chất phong phú nhiều vẻ của một nội dung, một bản chất của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Hai xu hướng ấy song song tồn tại với nhau mà không hề mâu thuẫn nhau, ngược lại chúng đã hỗ trợ cho nhau, kết hợp với nhau, tạo thành đỉnh cao cho phong trào dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX, với những lãnh tụ xuất sắc như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh.
(Nguồn: Hà Minh Hồng, Lịch sử Việt Nam Cận Đại (1858-1975))