I. KHÁI NIỆM
Khái niệm: Vũ khí sinh học là loại vũ khí huỷ diệt lớn, dựa vào đặc tính gây (hoặc truyền) bệnh của vi sinh vật như vi khuẩn, vi rút, ricketsia, nấm đơn bào hoặc độc tố do vi sinh vật tiết ra để giết hại ( hoặc truyền) hàng loạt người, động vật, thực vật.
Theo Nghị định 81/2019/NĐ-CP phòng chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt: Vũ khí sinh học là vũ khí dựa trên đặc tính gây bệnh hoặc truyền bệnh của các tác nhân sinh học gây dịch giết hại hàng loạt cho người, động vật, thực vật. Thành phần của vũ khí sinh học là tác nhân sinh học như vi khuẩn, virut, nấm, độc to và các phương tiện sử dụng như đạn dược, phương tiện đưa tác nhân sinh học đến mục tiêu.
II. MỘT SỐ BỆNH DO VŨ KHÍ SINH HỌC GÂY RA VÀ CÁCH PHÒNG CHỐNG
1. Bệnh dịch hạch
– Triệu chứng: Nhức đầu, đau mỏi toàn thân, sốt cao, buồn nôn, mặt và mắt đỏ, hạch nổi ở nách, ở bẹn, thời kỳ ủ bệnh 5 – 6 ngày.
– Cách phòng, chống: Bảo vệ đường hô hấp bằng cách đeo khẩu trang tẩm cồn long não và đeo kính bảo vệ mắt. Tiêm chủng phòng dịch bệnh. Tổ chức diệt chuột và bọ chét ở những nơi tập chung đông người. Tiêm kháng sinh Streptomyxin, Sunphamit,… truyền huyết thanh.
2. Bệnh dịch tả
– Triệu chứng: Người bệnh ỉa chảy, nôn mửa nhiều lần, mắt sâu, thân nhiệt hạ, tim đập yếu và nhanh, tụt huyết áp. Thời gian ủ bệnh 2 – 3 ngày.
– Cách phòng, chống:
Đối với người lành: Chủ yếu là giữ vệ sinh ăn, uống, diệt ruồi, nhặng truyền bệnh, tiêm chủng phòng tả.
Đối với người bệnh: Cách li triệt để, tẩy uế đồ đạc, giường, chiếu, quần áo, quân tư trang cá nhân, sau đó dùng thuốc kháng sinh chống vi khuẩn (Cloroxit, Cloromyxetin,…..) và truyền huyết thanh.
3. Bệnh đậu mùa
– Triệu chứng: Sốt cao, rùng mình, đau lưng, nhức đầu, nôn mửa, nổi mẩn ở mặt và khắp người, dần dần thành nốt rộp phồng rồi thành mụn mủ, sau đó thành vẩy, cuối cùng bong vẩy ra thành những vết rỗ. Thời gian ủ bệnh 9 – 12 ngày.
– Cách phòng, chống: Hiện nay bệnh đậu mùa chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là cách li người bệnh, tẩy uế các đồ dùng, chủng đậu và dùng các loại thuốc kháng sinh phối hợp với Sunphamít để đề phòng biến chứng do vi rút đậu mùa gây nên.
4. Bệnh sốt phát ban chấy rận
– Triệu chứng: Sốt cao trên 390C, nhức đầu dữ dội, mặt đỏ, đau nhức bắp thịt, nổi mẩn và sốt suất huyết, đỏ ở ngực và cánh tay. Thời kỳ ủ bệnh 10 – 14 ngày
– Cách phòng, chống:
+ Tổ chức diệt chấy rận bằng các biện pháp vệ sinh thân thể sạch sẽ, cắt móng tay, móng chân, giặt quần áo bằng xà phòng, tắm rửa thân thể, tẩy uế giường, chiếu bằng các dung dịch tẩy uế thông dụng.
+ Tiêm kháng sinh, truyền huyết thanh. Việc tiêm vắc xin phòng sốt phát ban chỉ tiến hành trong tình trạng đặc biệt nguy hiểm và cho những người tiếp xúc với nguồn bệnh truyền nhiễm như nhân viên ở các trạm kiểm dịch, bệnh viện, phòng thí nghiệm.
+ Cách li người bệnh với người lành
5. Bệnh thương hàn
– Triệu chứng: Sốt li bì, mê man và đi ỉa ra máu, thủng ruột dẫn đến tử vong nhanh.
– Cách phòng, chống:
+ Bảo vệ tốt nguồn thức ăn, lương thực, thực phẩm
+ Tổ chức ăn chín, uống sôi, tiêm chủng vắc xin phòng bệnh
+ Tổ chức cách li người bệnh với người lành
+ Dùng các loại thuốc đặc trị như Cloroxit hoặc Cloromyxetin và các loại thuốc kháng sinh đường ruột khác
6. Bệnh than
– Triệu chứng:
+ Bệnh than thể da: Nha bào than đột nhập vào cơ thể qua chỗ da bị sây sát. Thời gian nung bệnh 3 – 5 ngày. đầu tiên da nổi nốt sẩn rát, ngứa, không đau, phù nề xung quanh. Trong 24 – 36 giời chuyển thành mụn phồng chứa dịch và máu. Mụn phồng vỡ loét ở giữa và lõm xuống tạo thành vẩy đen khô, xung quanh có nhiều mụn nhỏ viền quanh màu đỏ hơn, sau 1 – 2 tuần vẩy đen khô bong ra thường không để lại sẹo, mụn than thường không mưng mủ và không đau, toàn thân sốt cao 39 – 400C, rét run, đau đầu, bạch cầu tăng cao hơn 20. 000mm3 có thể dẫn đến viêm não. Nếu điều trị không kịp thời bệnh nhân sẽ chết.
+ Bệnh than thể tiêu hoá: Thời gian mang bệnh 2 – 5 ngày sau khi ăn phải thức ăn có mầm bệnh than; biểu hiện sốt cao, đau bụng từng cơn, phân lỏng lẫn máu, cổ chướng nôn ra máu, thủng ruột và chết
+ Bệnh than thể hô hấp: Là thể ít gặp trong thiên nhiên nhưng chiếm tỉ lệ cao trong vũ khí sinh học. Triệu chứng chia làm hai giai đoạn
*Giai đoạn 1: Kéo dài 1 – 3 ngày, thấy nhức đầu ho, khó thở, sốt rét từng cơn, đau ngực, đau bụng
*Giai đoạn 2: Dịch phát nhanh biểu hiện sốt cao, khó thở … hạch trung thất to thường có dịch màng phổi, xuất huyết màng não, huyết áp tụt dẫn đến tử vong.
– Cách phòng, chống:
+ Cách li tuyệt đối người bệnh và gia súc mắc bệnh than.
+ Khi người và súc vật chết phải chôn sâu 2m và đổ vôi bột.
+ Tiến hành tẩy uế các trang bị bảo hộ lao động (khẩu trang, găng tay…..) và các nguyên liệu nghi ngờ bị nhiễm bệnh than trước khi đưa vào chế biến.
+ Đối với quần áo, đồ dùng sinh hoạt phải nấu hấp trong dung dịch xà phòng hoặc hơi foocmalin, tiêm phòng cho súc vật khoẻ.
+ Đối với người, để phòng bệnh than cần tiêm vắc xin và điều trị bằng thuốc kháng sinh như penixillin, streptomyxin, sunfamit liều cao.
7. Bệnh cúm
– Triệu chứng: Sốt cao liên tục 39 – 400C và kéo dài 4 – 7 ngày, mệt mỏi, ăn ngủ kém, môi khô, lưỡi bẩn, mạch đập nhanh, huyết áp dao động, nước tiểu vàng. Bệnh nhân bị bệnh cúm nặng có thể bị biến chứng hay còn gọi là cúm ác tính. Bệnh nhân cúm ác tính thường cảm thấy lo lắng, vật vã, mê sảng, có thể co giật, da xám xịt, mắt quầng thâm , môi tím tái, mạch đập nhanh, huyết áp tụt, xuất huyết dưới da, khó thở, ho ra đờm bọt màu hồng, bệnh nhân bị tử vong sau 1 – 3 ngày trong tình trạng suy hô hấp, truỵ tim mạch.
– Cách phòng, chống:
+ Cách li người bệnh với người lành, nghỉ ngơi, ăn uống đủ chất dinh dưỡng.
+ Uống thuốc an thần như: Sedusen, Rotunda, Andaxin và thuốc giảm ho long đờm: Siro, Codein, Tecpincodein….
+ Điều trị bằng phương pháp dân gian như: Xông hơi, ăn cháo hành tía tô, ngâm chân tay bằng nước ấm, nhỏ mũi bằng nước tỏi, vệ sinh răng miệng.
III. PHÒNG CHỐNG VŨ KHÍ SINH HỌC
1. Vệ sinh phòng dịch thường xuyên
– Thực hiện nếp sống vệ sinh
– Tiêm chủng phòng dịch cho người và súc vật
– Diệt côn trùng, diệt chuột gây bệnh truyền nhiễm
2. Đề phòng khi địch sử dụng vũ khí sinh học
Sử dụng khí tài phòng hoá và uống thuốc phòng dịch.
Các khí tài dùng để đề phòng khi địch tập kích vũ khí sinh học bao gồm nhiều loại khác nhau, như khí tài đề phòng cho cá nhân, khí tài đề phòng cho tập thể, các loại khí tài tiêu tẩy. Việc sử dụng đúng các loại khí tài đề phòng bảo đảm một cách chắc chắn, không bị sát thương bởi vì vi sinh vật gây bệnh tiếp xúc với cơ thể.
Uống thuốc phòng dịch có tác dụng quan trọng việc ngăn ngừa dịch bệnh truyền nhiễm. Biện pháp này thường do quân y tiến hành có sự điều phối chặt chẽ giữa các đơn vị với địa phương, là biện pháp bổ sung cho các phương tiện đề phòng cá nhân, tập thể đối với vũ khí sinh học.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả
– Quan sát, trinh sát, phát hiện kịp thời địch sử dụng vũ khí sinh học. Nhanh chóng thông báo, báo động cho các phân đội có biện pháp phòng chống hiệu quả. Những dấu hiệu nghi ngờ địch sử dụng vũ khí sinh học.
– Đánh dấu khoanh vùng nhiễm, xác định gianh giới giữa khu vực bị nhiễm trùng với khu vực sạch.
– Diệt trùng khu vực nhiễm
– Tiêu huỷ các nguồn gây bệnh bao gồm việc diệt các loại côn trùng trung gian mang mầm bệnh như chuột, bọ xít, ruồi, muỗi, ve…. và các đồ vật, quân trang bị nhiễm trùng do địch thả xuống.
– Tổ chức theo dõi bệnh dịch và tình hình sức khoẻ của nhân dân trong khu vực nghi ngờ bị địch tập kích vũ khí sinh học.
– Tổ chức cấp cứu điều trị khi xác định chính xác đối phương sử dụng các loại vi khuẩn gây bệnh.
Tài liệu tham khảo:
- Bài giảng Phòng chống Vũ khí hủy diệt lớn