Trong cơ chế thị trường, các chủ thể kinh tế quan hệ với nhau, xuất phát từ quan hệ lợi ích. Đó là quan hệ lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động; quan hệ lợi ích giữa những người sử dụng lao động; quan hệ lợi ích giữa những người lao động… Các quan hệ lợi ích đó là biểu hiện của quan hệ sâu xa hơn, quan hệ lợi ích giữa các cá nhân lợi ích nhóm, nhóm lợi ích – lợi ích xã hội. Bảo đảm hài hòa các lợi ích kinh tế là yêu cầu khách quan để phát triển và Nhà nước là chủ thể chính trong giải quyết vấn đề này.
Hài hòa các lợi ích kinh tế là sự thống nhất biện chứng giữa lợi ích kinh tế của các chủ thể, trong đó mặt mâu thuẫn được hạn chế, tránh được va chạm, xung đột; mặt thống nhất được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, từ đó tạo động lực thúc đẩy các hoạt động kinh tế, góp phần thực hiện tốt hơn các lợi ích kinh tế, đặc biệt là lợi ích xã hội.
Để có sự hài hòa giữa các lợi ích kinh tế chỉ có kinh tế thị trường là không đủ vì các lợi ích kinh tế luôn vừa thống nhất, vừa mâu thuẫn với nhau, mà cần có sự can thiệp của nhà nước. Bảo đảm hài hòa các lợi ích kinh tế là sự can thiệp của nhà nước vào các quan hệ lợi ích kinh tế bằng các công cụ giáo dục, pháp luật, hành chính, kinh tế… nhằm gia tăng thu nhập cho các chủ thể kinh tế; hạn chế mâu thuẫn, tăng cường sự thống nhất; xử lý kịp thời khi có xung đột.
1. Bảo vệ lợi ích hợp pháp, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động tìm kiếm lợi ích của các chủ thể kinh tế
Các hoạt động kinh tế bao giờ cũng diễn ra trong một môi trường nhất định. Môi trường càng thuận lợi, các hoạt động kinh tế càng hiệu quả và không ngừng mở rộng. Môi trường vĩ mô thuận lợi không tự hình thành, mà phải được nhà nước tạo lập. Tạo lập môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh tế trước hết là giữ vững ổn định về chính trị. Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã thực hiện rất tốt điều này. Nhờ đó, các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước rất yên tâm khi tiến hành đầu tư. Tiếp tục giữ vững ổn định về chính trị là góp phần bảo đảm hài hòa các lợi ích kinh tế ở Việt Nam.
Tạo lập môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh tế đòi hỏi phải xây dựng được môi trường pháp luật thông thoáng, bảo vệ được lợi ích chính đáng của các chủ thể kinh tế trong và ngoài nước, đặc biệt là lợi ích của đất nước. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia còn phải tuân thủ các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Trong những năm vừa qua, hệ thống pháp luật của nước ta đã và đang thay đổi tích cực. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay là tuân thủ pháp luật.
Tạo lập môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh tế tất yếu phải đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của nền kinh tế (bao gồm hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông, đường hàng không…; hệ thống cầu cống; hệ thống điện, nước; hệ thống thông tin liên lạc…). Nhờ phát triển kết cấu hạ tầng được coi là một trong ba đột phá lớn, trong những năm vừa qua, kết cấu hạ tầng của nền kinh tế nước ta đã được cải thiện rất đáng kể, đáp ứng nhu cầu của các hoạt động kinh tế. Môi trường vĩ mô về kinh tế đòi hỏi Nhà nước phải đưa ra được các chính sách phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế trong từng giai đoạn. Thực tế cho thấy, các chính sách kinh tế của Việt Nam đang từng bước đáp ứng yêu cầu này.
Tạo lập môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh tế còn là tạo lập môi trường văn hóa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường. Đó là môi trường trong đó con người năng động, sáng tạo; tôn trọng kỷ cương, pháp luật; giữ chữ tín…
2. Điều hòa lợi ích giữa cá nhân – doanh nghiệp – xã hội
Do mâu thuẫn về lợi ích kinh tế giữa các chủ thể và tác động của các quy luật thị trường, sự phân hóa về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư làm cho lợi ích kinh tế của một bộ phận dân cư được thực hiện rất khó khăn, hạn chế. Vì vậy, nhà nước cần có các chính sách, trước hết là chính sách phân phối thu nhập nhằm bảo đảm hài hòa các lợi ích kinh tế. Trong điều kiện kinh tế thị trường, một mặt, phải thừa nhận sự chênh lệch về mức thu nhập giữa các tập thể, các cá nhân là khách quan; nhưng mặt khác phải ngăn chặn sự chênh lệch thu nhập quá đáng. Sự phân hóa xã hội thái quá có thể dẫn đến căng thẳng, thậm chí xung đột xã hội. Đó là những vấn đề mà chính sách phân phối thu nhập cần phải tính đến. Phân phối không chỉ phụ thuộc vào quan hệ sở hữu, mà còn phụ thuộc vào sản xuất. Trình độ phát triển của lực lượng sản xuất càng cao, hàng hóa, dịch vụ càng dồi dào, chất lượng càng tốt, thì thu nhập của các chủ thể càng lớn. Do đó, phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, phát triển khoa học – công nghệ sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho các chủ thể kinh tế. Đó chính là những điều kiện vật chất để thực hiện ngày càng đầy đủ sự công bằng xã hội trong phân phối.
3. Kiểm soát, ngăn ngừa các quan hệ lợi ích có ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển xã hội
Lợi ích kinh tế là kết quả trực tiếp của phân phối thu nhập. Phân phối công bằng, hợp lý
góp phần quan trọng đảm bảo hài hòa các lợi ích kinh tế. Do đó, Nhà nước phải tích cực, chủ động thực hiện công bằng trong phân phối thu nhập.
Hiện nay, công bằng trong phân phối có hai quan niệm chính: công bằng theo mức độ (căn cứ vào mức thu nhập mà mỗi chủ thể nhận được) và công bằng theo chức năng (căn cứ vào mức đóng góp trong quá trình tạo ra thu nhập). Mỗi quan niệm đều có ưu điểm và nhược điểm, vì vậy cần sử dụng kết hợp cả hai quan niệm này. Trước hết, Nhà nước phải chăm lo đời sống vật chất cho mọi người dân. Ở mỗi giai đoạn phát triển, người dân phải đạt được mức sống tối thiểu. Để làm được điều này, Nhà nước cần thực hiện có hiệu quả các chính sách xoá đói, giảm nghèo, tạo điều kiện và cơ hội tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản, vươn lên thoát đói nghèo vững chắc ở các vùng nghèo và các bộ phận dân cư nghèo, khắc phục tư tưởng bao cấp, ỷ lại. Chú trọng các chính sách ưu đãi xã hội, vận động toàn dân tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn. Đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ người nghèo, đồng bào các vùng gặp thiên tai… Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích người dân làm giàu hợp pháp, tạo điều kiện và giúp đỡ họ bằng mọi biện pháp. Về nguyên tắc, người dân được làm tất cả những gì luật pháp không cấm; luật pháp chỉ cấm những hoạt động gây tổn hại lợi ích quốc gia và các lợi ích hợp pháp khác.
Để lợi ích kinh tế thật sự là động lực của các hoạt động kinh tế, người lao động và người sử dụng lao động phải có nhận thức và hành động đúng trong lĩnh vực phân phối thu nhập. Họ cần phải hiểu được các nguyên tắc phân phối của kinh tế thị trường để có sự phân chia hợp lý giữa tiền lương và lợi nhuận; chủ doanh nghiệp phải hiểu và tự nguyện thực hiện nghĩa vụ nộp thuế… Tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, hiểu biết về phân phối thu nhập cho các chủ thể kinh tế – xã hội là những giải pháp rất cần thiết để loại bỏ những đòi hỏi không hợp lý về thu nhập. Trong trường hợp người lao động và người sử dụng lao động không tự nhận thức và thực hiện được, Nhà nước cần có sự tư vấn, điều tiết hợp lý.
Bên cạnh đó, trong cơ chế thị trường, thu nhập từ các hoạt động bất hợp pháp như buôn lậu, làm hàng giả, hàng nhái; lừa đảo; tham nhũng… tồn tại khá phổ biến. Các hoạt động này càng gia tăng, càng làm tổn hại lợi ích kinh tế của các chủ thể làm ăn chân chính. Để chống các hình thức thu nhập bất hợp pháp, bảo đảm hài hòa các lợi ích kinh tế, trước hết, phải có bộ máy nhà nước liêm chính, có hiệu lực. Bộ máy nhà nước phải tuyển dụng, sử dụng được những người có tài, có tâm; sàng lọc được những người không đủ tiêu chuẩn. Cán bộ, công chức nhà nước phải được đãi ngộ xứng đáng và chịu trách nhiệm đến cùng mọi quyết định trong phạm vi, chức trách của họ. Nhà nước phải kiểm soát được thu nhập của công dân, trước hết là thu nhập của cán bộ, công chức nhà nước. Trước pháp luật, mọi người dân và cán bộ, công chức nhà nước phải thực sự bình đẳng; mọi vi phạm phải được xét xử theo quy định của pháp luật. Thực hiện công khai, minh bạch mọi cơ chế, chính sách và quy định của Nhà nước… Nhờ đó, người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức nhà nước hiểu rõ được quyền lợi, trách nhiệm của mình. Đồng thời, các cơ quan công quyền, cán bộ, công chức nhà nước được giám sát, sẽ tránh được tình trạng lạm quyền, thiếu trách nhiệm, tham nhũng…
Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về ngăn ngừa những quan hệ lợi ích tiêu cực Các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xóa bỏ cơ chế “xin – cho”, “duyệt – cấp”; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “sân sau”, trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, phân bổ, quản lý và sử dụng biên chế… Nguồn: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.41. |
Cùng với đó, việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm là đặc biệt cần thiết. Thực hiện tốt hoạt động này không chỉ khắc phục được các bất cập, thực hiện công bằng xã hội, mà quan trọng hơn là ngăn chặn được các hình thức thu nhập bất hợp pháp.
4. Giải quyết những mâu thuẫn trong quan hệ lợi ích kinh tế
Mâu thuẫn giữa các lợi ích kinh tế là khách quan, nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến động lực của các hoạt động kinh tế. Do đó, khi các mâu thuẫn phát sinh cần được giải quyết kịp thời. Muốn vậy, các cơ quan chức năng của nhà nước cần phải thường xuyên quan tâm phát hiện mâu thuẫn và chuẩn bị chu đáo các giải pháp đối phó. Nguyên tắc giải quyết mâu thuẫn giữa các lợi ích kinh tế là phải có sự tham gia của các bên liên quan, có nhân nhượng và phải đặt lợi ích đất nước lên trên hết.
Ngăn ngừa là chính nhưng khi mâu thuẫn giữa các lợi ích kinh tế bùng phát có thể dẫn đến xung đột (đình công, bãi công…). Khi có xung đột giữa các chủ thể kinh tế, cần có sự tham gia hòa giải của các tổ chức xã hội có liên quan, đặc biệt là nhà nước.