Trang chủ Văn học - Nghệ thuật Truyền thuyết là gì? Đặc điểm, Nội dung truyền thuyết Việt Nam

Truyền thuyết là gì? Đặc điểm, Nội dung truyền thuyết Việt Nam

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 1,6K views

1. Khái niệm truyền thuyết

Trong một tác phẩm gọi là truyền thuyết dân gian, yếu tố cơ bản để xác định và phân biệt với các thể loại tự sự dân gian khác, đặc biệt là thần thoại và cổ tích – đó là dấu ấn lịch sử trong tác phẩm. Vì vậy, khi khảo sát hầu hết những khái niệm khác nhau của các nhà nghiên cứu về truyền thuyết, ta có thể dễ dàng nhận ra sự thống nhất cơ bản giữa các ý kiến. Hầu hết đều dựa trên tiêu chí lịch sử để giới thuyết và xác định nội hàm khái niệm của thể loại này.

Trong SGK lớp 10 – Tập 1, ông Chu Xuân Diên cho rằng Truyền thuyết là những truyện kể dân gian về các sự kiện và nhân vật lịch sử hoặc tôn giáo đã được trí tưởng tượng dân gian tô vẽ thêm bằng các yếu tố không có thực. Có những truyền thuyết lịch sử (Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi…) và những truyền thuyết tôn giáo (Phật giáo, Đạo giáo…). Tương tự, ông Đỗ Bình Trị ( SGK lớp 10- Tập 1- Ban KHXH) quan niệm Truyền thuyết lịch sử là những truyện kể về lịch sử những thời quá khứ được trí tưởng tượng dân gian thêu dệt thêm, thể hiện mối quan tâm riêng, thái độ và cách đánh giá riêng của nhân dân đối với một số sự kiện và nhân vật lịch sử. Theo ông Trần Hoàng (ĐHSP Huế),Truyền thuyết vừa phản ánh, vừa nhận thức và đồng thời lý giải lịch sử.

Về khái niệm lịch sử, ông Nguyễn Tấn Phát (ĐHSP TPHCM) còn xác định cụ thể đó là những sự kiện và những nhân vật lịch sử có thật, liên quan đến những biến cố trọng đại mà toàn dân đều chú ý.

Đưa ra một loạt các ý kiến có tính hệ thống đó là tác giả Lê Chí Quế (ĐHQG Hà Nội). Ông đã sưu tầm nhiều ý kiến khác nhau:

Nguyễn Đổng Chi: Truyền thuyết thường dùng để chỉ những câu chuyện cũ, những sự kiện lịch sử còn được quần chúng nhân dân truyền lại nhưng không bảo đảm chính xác. Phần lớn chúng chưa thành truyện (mà chỉ là những mẩu chuyện), nếu phát triển hoàn chỉnh thì tuỳ theo nội dung sẽ trở thành thần thoại hay cổ tích.

Tầm Vu: Truyền thuyết trở nên thịnh hành so với thần thoại khi công xã nguyên thủy tan rã, nó nặng về đề tài lịch sử.

Phan Trần: Truyền thuyết là những truyện truyền tụng trong dân gian về những sự việc nhân vật có liên quan đến lịch sử được phản ánh qua trí tưởng tượng và hư cấu.

Kiều Thu Hoạch: Truyền thuyết là một thể tài truyện kể truyền miệng nằm trong loại hình tự sự dân gian. Nội dung cốt truyện kể lại truyện tích các nhân vật lịch sử hoặc giải thích các phong vật địa phương theo quan điểm của nhân dân.

Phạm Văn Đồng: Những truyền thuyết dân gian thường có một cái lõi là sự thật lịch sử mà nhân dân qua nhiều thế hệ đã lý tưởng hóa và gởi gắm vào đó tâm tình thiết tha của mình cùng với thơ và mộng, chắp đôi cánh của sức tưởng tượng và nghệ thuật dân gian làm nên tác phẩm văn hóa mà đời đời con cháu ưa thích.

Từ đó, ông Lê Chí Quế đúc kết lại rằng Truyền thuyết là một thể loại trong loại hình tự sự dân gian phản ánh những sự kiện nhân vật lịch sử hay di tích cảnh vật địa phương thông qua sự hư cấu nghệ thuật thần kỳ.

Như vậy ta có thể thấy rằng, nói đến truyền thuyết là nói đến những tác phẩm tự sự dân gian mà yếu tố lịch sử là yếu tố cơ bản quyết định sự sáng tạo, lưu truyền và tồn tại tác phẩm. Lịch sử sẽ là nguồn cảm hứng cho các tác giả dân gian sáng tạo tác phẩm truyền thuyết. Và chính vì thế tách khỏi cái khung lịch sử, truyền thuyết chỉ còn là một sản phẩm tưởng tượng hoang đường, đáp ứng cho những yêu cầu khác nhau để phục vụ cho việc tạo ra những tác phẩm  thuộc thể loại khác mà không phải là truyền thuyết nữa. Và vì ra đời sau thần thoại lại làm tiền đề cho sự ra đời của cổ tích, truyền thuyết vẫn có những yếu tố song trùng với thần thoại và có những nét gần gũi với một thể loại tự sự ra đời sau, đó là truyện cổ tích. Và bên trong cái vỏ thần kỳ truyền thuyết lại hàm chứa những yếu tố gắn với lịch sử dân tộc thời kỳ dựng nước và giữ nước.

2. Phân loại truyền thuyết

Nếu như các nhà nghiên cứu khá thống nhất với nhau về khái niệm truyền thuyết thì lại có quá nhiều cách phân loại không giống nhau ở thể loại này. Tuy nhiên, nếu khảo sát các tiểu loại truyền thuyết, ta thấy sự đa dạng trong việc phân loại, thật ra vô cùng đơn giản. Ấy là, các nhà nghiên cứu khi phân loại đã đưa ra những tiêu chí không giống nhau (đồng đại hoặc lịch đại; nội dung hay tính chất, sự kiện lịch sử hoặc nhân vật lịch sử…) và kết quả là đã có nhiều tiểu loại truyền thuyết khác nhau.

Ở đây, theo tiêu chí thời gian, cách phân chia của hai tác giả Nguyễn Tấn Phát (ĐHSP TP HCM) và Hoàng Tiến Tựu (CĐSP) gần nhau hơn. Ông Nguyễn Tấn Phát chia làm 5 loại: Những truyền thuyết mang tính chất anh hùng ca thuộc thời đại các vua Hùng dựng nước; Truyền thuyết trong 10 thế kỷ đấu tranh chống sự đồng hóa của phong kiến Trung Quốc, giành độc lập của dân tộc; Truyền thuyết thời kỳ xây dựng và bảo vệ quốc gia phong kiến tự chủ; Truyền thuyết lịch sử thời thuộc pháp và Truyền thuyết thời đại Hồ Chí Minh (?). Còn ông Hoàng Tiến Tựu cũng phân chia tương tự như thế nhưng đơn giản hơn, chỉ có hai loại: Truyền thuyết thời Văn Lang Âu Lạc và Truyền thuyết từ thời Bắc thuộc về sau.

Vấn đề phần chia này nảy sinh một băn khoăn, nhất là cách phân loại của tác giả Nguyễn Tấn Phát, với hai tiểu loại truyền thuyết thời thuộc Pháp và truyền thuyết thời đại Hồ Chí Minh. Ở đây, những câu chuyện lịch sử của thời đại đó hầu như còn rất gần gũi với chúng ta hiện nay. Vẫn chưa có một độ lùi lịch sử cần thiết để những câu chuyện ấy được phủ lên một lớp sương huyền ảo của những yếu tố hư cấu, thậm chí là sự hư cấu hoang đường. Nhưng chí ít điều đó cũng mang lại sự hấp dẫn cần thiết của một tác phẩm dân gian đích thực. Một số các công trình khoa học về văn học dân gian gần đây có đặt ra vấn đề nghiên cứu mảng truyện này như một khảo sát bước đầu về những truyện kể có chất dân gian và có ảnh hưởng của văn học dân gian. Nhưng đưa nó thành một tiểu loại sánh vai với các tác phẩm truyền thuyết khác đã được thời gian sàng lọc và thẩm định vẫn còn là điều quá mới mẻ. Tuy nhiên, cách phân loại này cũng đã tạo tiền đề thuận lợi cho việc tiếp cận một thời đại lịch sử dù đi qua chưa lâu nhưng dấu ấn để lại thì rất đáng tự hào.

Đứng trên cái nhìn lịch sử phát triển qua các thời kỳ khác nhau, cách phân chia như đã nêu trên có vẻ đơn giản nhưng hạn chế cái nhìn khoa học khi tiếp cận truyền thuyết. Bởi lẽ ngay trong từng giai đoạn lịch sử giống nhau, không phải lúc nào truyền thuyết cũng phát triển thuần nhất. Chưa nói đến các góc nhìn khác nhau trong tác giả dân gian – những người sáng tạo ra truyền thuyết – cũng làm nảy sinh hiện tượng cùng một sự kiện lịch sử đã xảy ra trong quá khứ, được khoa học sử học chứng minh, nhưng lại có quá nhiều tác phẩm truyền thuyết khác nhau về chi tiết, nội dung, nhân vật, kết thúc…

Những cách phân chia còn lại phải kể đến một công trình nghiên cứu khá công phu của ông Đỗ Bình Trị. Ông phân thành 3 tiểu loại. Đó là truyền thuyết địa danh; truyền thuyết phổ hệ và truyền thuyết lịch sử (Truyền thuyết về nhân vật và sự kiện lịch sử mà trong đó có truyền thuyết về thời các vua Hùng và truyền thuyết đời sau). Theo ông, truyền thuyết địa danh là truyện kể dân gian về nguồn gốc lịch sử của những tên gọi địa lý khác nhau hoặc về nguồn gốc của bản thân những địa điểm, địa hình, sự vật địa lý ấy. Còn truyền thuyết phổ hệ là những truyện kể dân gian về nguồn gốc của các thị tộc, bộ lạc, gia tộc, các làng xã…và các thủy tổ (tổ sư) cùng những đại biểu tài năng nhất của các nghề thủ công, mỹ nghệ… Riêng truyền thuyết lịch sử (về nhân vật và các sự kiện lịch sử) là những truyện kể có mục đích tái hiện chính bản thân sự thật lịch sử, Và đây mới là truyền thuyết lịch sử đích thực. Nó không quá chú trọng vào tính địa phương mà hướng tới những sự kiện có tác động ảnh hưởng đến đời sống toàn dân (như khởi nghĩa nông dân trong cuộc xung đột chống giai cấp phong kiến thối nát, những cuộc kháng chiến chống quân xâm lược…) và những nhân vật có tầm vóc lớn lao kỳ vĩ mang tính cộng đồng, quốc gia (như anh hùng nông dân, anh hùng dân tộc…)

Ở giáo trình văn học dân gian của Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Lê Chí Quế chia làm ba loại, đó là truyền thuyết lịch sử, truyền thuyết anh hùng và truyền thuyết danh nhân văn hóa. Còn dựa vào chủ đề và nhân vật, ông Trần Hoàng (ĐH Huế) phân chia cụ thể hơn, bao gồm Truyền thuyết về các anh hùng chống xâm lăng; Truyền thuyết về các anh hùng chống phong kiến; Truyền thuyết về các danh nhân văn hóa và cuối cùng là Truyền thuyết về các địa danh phong tục.

Như đã nói, dù là cách phân loại nào, truyền thuyết vẫn là một thể loại đặc biệt của văn học dân gian. Dân gian đã lưu lại lịch sử và làm lịch sử bằng truyền thuyết. Nên dù là dựa theo thời gian hay sự kiện, nhân vật lịch sử thì lịch sử vẫn là yếu tố để tạo nên nhiều tiểu loại truyền thuyết phong phú và đa dạng khác nhau.

3. Truyền thuyết Việt Nam và tiến trình lịch sử của dân tộc

Phần này giới thiệu sơ lược về sự gắn bó giữa truyền thuyết Việt Nam và tiến trình lịch sử của dân tộc. Trước hết là “Hệ truyền thuyết thời kỳ dựng nước”. Một số công trình sử dụng thuật ngữ “Truyền thuyết Hùng Vương” để gọi hệ truyền thuyết thời kỳ này. Hệ thống này đã ẩn chìm dưới lớp thần thoại dày đặc và đã từng được nghiên cứu như thần thoại. Kế đến “Truyền thuyết An Dương Vương” khép lại bản hùng ca dựng nước và mở màn cho tấn bi kịch nước mất nhà tan. “Truyền thuyết phản ánh công cuộc chiến đấu chống ngoại xâm” nói về sự phản kháng của nhân dân đối với bọn phong kiến xâm lược phương Bắc. Trải qua các thời kỳ lịch sử, nhiều vị anh hùng dân tộc đã lãnh đạo nhân dân chống ngoại xâm và họ đã có mặt trong truyền thuyết như cách ghi nhớ lịch sử của dân gian. Bên cạnh đó là “Truyền thuyết phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp thông qua việc ca ngợi các vị anh hùng nông dân khởi nghĩa”. Đặc biệt những năm cuối Lê đầu Nguyễn là thời kỳ suy thoái của chế độ phong kiến Việt Nam. Lúc bấy giờ Tây Sơn là cuộc khởi nghĩa nổi bật trong phong trào nông dân khởi nghĩa đã trở thành cơ sở nảy sinh hàng loạt truyền thuyết anh hùng mà nhân vật trung tâm là lãnh tụ nông dân. Ngoài ra còn là Truyền thuyết về những người tài giỏi trong lĩnh vực văn hóa xã hội.

4. Nội dung và hệ đề tài của truyền thuyết Việt Nam

a. Cốt lõi lịch sử và sự lý tưởng hóa của nhân dân trong truyền thuyết:

Truyền thuyết là những truyện dân gian gắn chặt với lịch sử. Lịch sử được coi là đối tượng phản ánh chuyên biệt của thể loại này. Lịch sử là cảm hứng, là đề tài và chất liệu để làm nên nội dung truyền thuyết.

Truyền thuyết có cốt lõi là sự thật lịch sử nhưng không phải lịch sử (sử học) vì nó không sao chép lịch sử một cách máy móc. Lịch sử đã đi vào truyền thuyết theo con đường của phương pháp sáng tác dân gian, được tư duy nghệ thuật của các tác giả dân gian nhào nặn lại theo hướng lý tưởng hóa.

b. Hệ đề tài của truyền thuyết Việt Nam:

– Những truyền thuyết về thời các vua Hùng:

Nhóm truyện này chủ yếu gồm những thần thoại về “anh hùng văn hóa” đã được lịch sử hóa và kết thành một chuỗi tương đối có hệ thống và những truyện kể mang màu sắc sử thi về thời các vua Hùng. Những truyền thuyết về đời các vua Hùng giải thích nguồn gốc chung của người Việt và ca ngợi công cuộc dựng nước và giữ nước của các vua Hùng ở buổi bình minh của lịch sử dân tộc. Những truyền thuyết tiêu biểu của nhóm truyện này là Lạc Long Quân – Âu Cơ, Thần Tản Viên (Sơn Tinh Thủy Tinh), Thánh Gióng… với cơ sở lịch sử là cả thời đại Hùng Vương (hơn là những sự kiện, những nhân vật lịch sử cụ thể, riêng rẽ…gắn với những thời kỳ cụ thể).

– Những truyền thuyết đời sau:

Giới hạn của nhóm truyện này lấy từ dấu mốc của truyền thuyết An Dương Vương trở về sau truyền thuyết thời kỳ Bắc thuộc. Trong các nhóm truyền thuyết thì nhóm này phong phú hơn cả, ta có thể phân ra một số chủ đề nổi bật như:

Những truyền thuyết về những cuộc khởi nghĩa và những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm: Nhân vật trung tâm của những truyền thuyết này là những anh hùng dân tộc. Chủ đề chính là chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc. Phương thức phản ánh trong các truyền thuyết này vẫn còn đậm yếu tố hoang đường, mang khá rõ dấu ấn thần thoại. Đó là các truyện như Hai bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi…

Những truyền thuyết về những danh nhân trong những lĩnh vực khác nhau: Nhân vật trung tâm trong những truyền thuyết này thường có tài cao, đức lớn, có sự nghiệp vì dân, vì nước. Truyện hướng đến chủ đề văn hóa, giáo dục, kinh tế, chính trị, quân sự…Đó là các truyện như Chu Văn An, Sư Vạn Hạnh, Lê Quý Đôn, Mạc Đỉnh Chi…

Những truyền thuyết về những cuộc nổi dậy chống quan lại phong kiến: Nhân vật trung tâm trong các truyền thuyết này là anh hùng nông dân. Những hình tượng nhân vật được dân gian xây dựng trong truyện thiên về biểu dương ca ngợi. Khát vọng và tinh thần chống áp bức cường quyền thời phong kiến là chủ đề chủ yếu của nhóm truyện thuyết này.

Cơ sở lịch sử của truyền thuyết đời sau là những quá trình lịch sử cụ thể, những sự kiện và nhân vật lịch sử cụ thể. Truyền thuyết đời sau bám sát lịch sử hơn và bớt dần tính chất hoang đường thần thoại.

5. Đặc điểm thi pháp

a. Cách xây dựng cốt truyện:

Truyền thuyết không có những kiểu cốt truyện được xây dựng đa dạng và có sức khái quát cao về mặt nghệ thuật. Nhìn chung, cốt truyện truyền thuyết đơn giản, sơ lược. Đặc điểm này hình thành do yêu cầu câu chuyện ngắn gọn, dễ nhớ để dễ lưu truyền lịch sử bằng con đường truyền miiệng. Ta có thể chia cốt truyện truyền thuyết ra ba phần:

– Lai lịch nguồn gốc nhân vật:

Giới thiệu hoàn cảnh xuất hiện của nhân vật, thường là sự ra đời kỳ lạ từ sự kết hợp kỳ lạ (Mẹ Thánh Gióng ướm chân mình vào vết chân khổng lồ rồi mang thai những 12 tháng; Lúc Lê Lợi sinh ra có ánh sáng đỏ đầy nhà, mùi hương lạ khắp xóm; Còn Nguyễn Huệ, khi ra đời có hai con hổ chầu hai bên…)

– Tài đức, sự nghiệp nhân vật:

Tài đức, sự nghiệp của nhân vật chính là cơ sở cho sự biểu dương ca ngợi nhân vật lịch sử của tác giả dân gian. Vì thế, từ tầm vóc, sức mạnh đến chiến công của nhân vật đều phi thường kỳ vĩ

Khổng Lồ trong truyện Khổng Lồ đúc chuông có thể trút tất cả đồng trong kho lọt thỏm vào cái đãy của mình mà đãy vẫn vơi; Yết Kiêu có thể đi trong đêm mà vẫn nhìn thấy cả những vật nhỏ, đi dưới nước nhìn thấy cả con tôm con tép, có khi bơi ở dưới nước sáu, bảy ngày mà vẫn sống; Mai Thúc Loan đầu hổ mắt rồng, tay vượn, dũng cảm đa tài, vượt ra ngoài sự tưởng tượng của người ta; Bà Triệu mặt hoa, tóc mây, mắt châu, môi đào, mũi hổ, trán rồng, đầu báo, hàm én, tay dài quá đầu gối, tiếng như chuông lớn, mình cao chín thước, vú dài ba thước, vòng lưng rộng mười ôm, chân đi một ngày năm trăm dặm, sức có thể khua gió bạt cây, tay đánh chân đá như thần, lại có sắc đẹp làm động lòng người.

– Kết cục thân thế nhân vật:

Bởi hầu hết nhân vật lịch sử đều có hành động xả thân vì dân tộc, vì cộng đồng, nên nhân dân đã lưu nhớ điều này và gửi gấm vào trong truyền thuyết những kết thúc tương đối thuần nhất. Hầu hết các kết thúc đi theo công thức hoặc nhân vật được vinh phong, gia phong, hoặc nhân vật được nhân dân thờ cúng ngưỡng vọng, hoặc trở nên hiển linh, hiển thánh để tiếp tục phù dân, giúp nước.

Sau khi hai Bà Trưng tử tiết, người trong châu thương cảm, lập miếu ở cửa sông Hát Giang để phụng thờ, phàm những người gặp tai họa tới cầu đảo đều ứng nghiệm. Hai Bà còn giúp Lý Anh Tông làm mưa chống đại hạn. Triều Trần còn gia phong “Hiển liệt chế thắng thuần bảo thuận” đời đời lửa hương không dứt. Bà Triệu thì mất đi nhưng anh hồn không tan mà luôn hiển linh báo ứng. Tương truyền Bà Triệu đã giúp Lý Bôn tiêu diệt quân nhà Lương nên khi ông lên ngôi, nhớ ơn bà phù trợ đã sai làm đền thờ và xây lăng mộ bà…

b. Cách xây dựng nhân vật:

Nhân vật lịch sử chính là do lịch sử tạo nên. Dù vậy nhân vật truyền thuyết không là bản sao của lịch sử mà là những nhân vật lịch sử được tái tạo, được xây dựng theo lối lý tưởng hóa từ cốt lõi hiện thực. Bằng lòng yêu quí, tự hào và biết ơn sâu sắc, nhân dân đã dệt nên chung quanh nhân vật những sắc màu huyền thoại hoang đường lung linh và lấp lánh. Vì thế từ hoàn cảnh xuất thân, sự ra đời của nhân vật đến hình vóc, dáng vẻ, rồi tài năng chiến công và cả sau khi đã chết…nhân vật đều vượt lên khỏi hình ảnh thật của cuộc đời (chính sử) để trở thành hình ảnh của huyền thoại (truyền thuyết).

Nhân vật truyền thuyết đôi khi trở thành nhân vật trung tâm cho một chuỗi truyền thuyết (Những truyền thuyết về Hai Bà Trưng, về Lê Lợi, về Quang Trung Nguyễn Huệ…)

So với nhân vật “Thần” trong thần thoại, nhân vật truyền thuyết chủ yếu là người. Nếu có là thần, là thánh thì chỉ là sự hóa thân hiển linh ở cuối truyện. Nhưng nhìn chung, vì là những nhân vật lịch sử có thật nên nhân vật truyền thuyết đều có lý lịch tương đối rõ ràng, có hành động, việc làm cụ thể, đôi khi còn có cả lời nói (Như Thần Kim Quy, An Dương Vương, Trọng Thủy, Mỵ Châu…).

c. Thời gian – không gian nghệ thuật:

– Về thời gian:

Ý niệm về thời gian trong truyền thuyết cũng chưa được xác định cụ thể. Vì gắn liền với các sự kiện lịch sử có thật nên so với thời gian còn mơ hồ của thần thoại và thời gian phiếm chỉ của cổ tích thì thời gian trong truyền thuyết đã có tính xác định hơn.

Ta có thể điểm qua một số chi tiết thời gian trong truyền thuyết: Bà Triệu – Triệu Thị Trinh sinh ngày mồng hai tháng mười năm Bính Ngọ và thời gian đó nước ta sống dưới ách đô hộ của giặc Ngô. Nhân vật Khổng Lồ sống đời nhà Lý. Yết Kiêu gắn liền với khoảng thời gian chống giặc Nguyên Mông ở đời Trần. Quận He ở đời nhà Lê…Những yếu tố thời gian vừa cụ thể xác định, vừa mơ hồ chưa rõ ràng. Điều này cho thấy nhân dân rất có ý thức khẳng định những truyền thuyết được lưu truyền từ đời này sang đời khác là những sự kiện, nhân vật có thực, kể cả những yếu tố hoang đường chung quanh sự kiện và nhân vật ấy cũng có thực.

– Về không gian:

Nhân vật có địa bàn hoạt động cụ thể hoặc tương đối cụ thể xác định. Điều này phản ánh địa bàn cư trú và hoạt động trong lịch sử người Việt cổ. Bên cạnh đó, một số không gian của truyền thuyết tương đồng chính xác với lịch sử và còn giúp ích ít nhiều cho việc chép sử. Khảo sát truyền thuyết Việt Nam, ta thấy một hiện tượng phổ biến là không gian thường được đặt ở đầu truyện và cuối truyện. Ở đầu truyện, không gian nhằm xác định nhân vật có nguồn gốc rõ ràng, có lai lịch cụ thể. Ở cuối truyện, không gian lại có tác dụng đưa những yếu tố hoang đường huyền thoại gần với thực tế hơn. Và điều đó có ý nghĩa như một sự xác nhận của dân gian rằng truyền thuyết và lịch sử chỉ là một mà thôi.

(Nguồn tham khảo: Trần Tùng Chinh, Giáo trình văn học dân gian Việt Nam)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net