Trang chủ Triết học Triết học Hy Lạp cổ đại

Triết học Hy Lạp cổ đại

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 363 views

Đại biểu của triết học phương Tây thời cổ đại là nhà triết học Hy Lạp. Theo nhận định của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác – Lênin, nền triết học này đã đặt ra hầu hết các vấn đề triết học căn bản đã có mầm mống và đang nảy nở hầu hết các loại thế giới quan sau này[1].

1. Điều kiện ra đời và nét đặc thù của triết học y Lạp cổ đại

Sự tồn tại và phát triển của phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ ở Hy Lạp là từ thế kỷ VIII trCN – III CN. Điều quan trọng của quá trình này là sự hình thành sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, làm phát triển quan hệ vật chất giữa các cá nhân, làm giảm tính ổn định của công xã thị tộc, làm xuất hiện các thành bang. Vào khoảng thế kỷ VI – IV trCN xã hội nô lệ Hy Lạp đạt tới mức hoàn thiện. Sự phát triển này làm xuất hiện hai trung tâm kinh tế – chính trị và là hai nhà nước – thành thị khác nhau về hình thức, đó là nhà nước – thành thị dân chủ Aten và nhà nước – thành thị quân chủ Spác. Vào cuối thế kỷ V tr CN giữa hai liên minh các nhà nước- thành thị này đã diễn ra cuộc chiến tranh dưới tên gọi Plôpône. Cuộc chiến tranh liên miên giữa các liên minh này đã làm cho các nhà nước – thành thị suy yếu, Hy Lạp bước vào giai đoạn khủng hoảng. Vào thế kỷ IV trCN chế độ quân chủ Makêđônia giành chiến thắng, sau đó hình thành liên minh Hy Lạp – Makêđônia và chiến lược xâm lược Cận đông của Alếchxanđơrơ Makêđônia.

Điều kiện kinh tế-xã hội nêu trên là cơ sở để hình thành một nền văn minh phong phú gồm khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kiến trúc, giáo dục, tôn giáo, triết học…. Một trong những nguyên nhân quyết định của sự phong phú ấy là sự tiến bộ chung về phân công lao động. Lao động trí óc đã tách khỏi lao động chân tay. Những người lao động trí óc xuất hiện từ tầng lớp thị dân khá giả, tầng lớp thương gia, chính khách…ở các nhà nước – thành thị. Khác với phương Đông,những người lao động trí óc này không bị ràng buộc với hoạt động tôn giáo. Một nguyên nhân khác của sự phong phú ấy là quan hệ buôn bán của người Hy Lạp với các dân tộc phương Đông. Họ đã kế thừa được nhiều kiến thức của người Ai Cập, Babilon, Ấn Độ cổ đại…

Ra đời trên cơ sở điều kiện kinh tế – xã hội và văn hóa của xã hội nô lệ phát triển, nét đặc thù của triết học Hy Lạp cổ đại là dung hợp với tri thức khoa học tự nhiên có xu hướng đi sâu giải thích vấn đề bản nguyên, biện chứng của thế giới và nhận thức của con người nhằm đưa ra được một bức tranh tổng thể về giới tự nhiên.

2. Tư tưởng triết học y Lạp cổ đại

Quá trình hình thành, phát triển và suy vong của chế độ chiếm hữu nô lệ ở Hy Lạp đã được phản ánh trong văn học, trong triết học. Căn cứ vào quá trình ấy, triết học Hy Lạp có thể phân chia thành ba thời kỳ: sơ khai, cực thịnh và Hy Lạp hóa.

a) Tư tưởng triết học thời kỳ sơ khai

Thời kỳ sơ khai (khoảng thế kỷ VII đến thế kỷ VI trCN) là thời kỳ đầu của chế độ chiếm hữu nô lệ, còn gọi là thời kỳ trước Xôcrát. Triết học ra đời thay thế thần thoại, đưa ra những lời giải đáp hợp lý cho các vấn đề tồn tại và sự nhận thức. Triết học tách khỏi ảnh hưởng của thế giới quan thần thoại và tôn giáo nguyên thủy để tìm hiểu bản nguyên và tính biện chứng của thế giới. Thế giới quan triết học tuy còn ở trình độ sơ khai, chất phác, nhưng bắt đầu có hệ thống và tính phân cực rõ ràng. Triết học tự nhiên chiếm ưu thế, các triết gia thời kỳ này tập trung trong các trường phái Milê, Pitago, Ephêzơ, Êlê.

Tư tưởng về bản nguyên thế giới với tính cách là cái đơn nhất được thể hiện ở trường phái Milê và phái Ephêzơ gắn liền với tên tuổi của Talét (624-547 trCN), Anaximanđrơ(610-546 trCN), Anaximen (588-525 tr CN) và Hêraclít (544-483 trCN). Talét cho rằng khởi nguyên mọi cái đang tồn tại đều xuất phát từ nước, tất cả chỉ là biến thái của nước. Trái đất như một cái đĩa dẹt trôi bồng bềnh trên mặt nước, được bao quanh bởi nước. Bằng các quan sát trực tiếp và xét đoán bằng lý trí, Telét đã nêu lên những nhận định có tính khái quát cao về nước: là cái phổ biến, là vật chất chứ không phải thần. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của thần thoại, Talét vẫn coi đặc tính vật lý của nước được nâng lên cấp độ thần linh. Nước và tất cả những gì phát sinh từ nước đều có linh hồn, thần linh. Anaximăngđrơ coi bản nguyên của thế giới là thực thể Apeiron. Apeiron có đặc tính vô hạn, vô cùng, không xác định, trường tồn. Vận động là đặc tính chung nhất của Apeiron. Sự vận động của Apeiron quyết định quá trình hình thành vũ trụ, con người. Anaximen coi bản nguyên thế giới là không khí. Chính không khí diễn ra các quá trình tán, tụ, quy định sự hình thành tồn tại và phát triển của sự vật, Không khí còn là nguồn gốc sự sống và các hiện tượng tâm lý, Hêraclít coi bản nguyên thế giới là lửa. Lửa là cơ sở của thực tại là cái mà từ đó sinh ra mọi thứ. Quan niệm đơn nhất về bản nguyên thế giới của trường phái Milê và Ephêzơ tuy còn mộc mạc, thô sơ, nhưng là cơ sở cho sự phát triển các tư tưởng duy vật trong triết học sau này.

Đối lập với quan điểm duy vật của trường phái Milê, quan điểm duy tâm của trường phái Pitago (vào thế kỷ VI trCN) cho rằng: bản nguyên vũ trụ là con số. Mọi cái trên thế giới đều là hiện thân của các con số và con số có trước mọi vật. Mặt khác, Pitago còn cho rằng con số còn là nền tảng, bản chất của các hiện tượng, ý thức. Linh hồn của con người cũng được cấu thành từ các con số. Bản tính con người có tính chất nhị nguyên: thể xác khả tử, linh hồn bất tử. Ý nghĩa cao của cuộc đời là xuất hồn, là thanh tẩy những cái nhơ bẩn, những điều ác trong lòng, hòa mình vào linh hồn vũ trụ, tránh kiếp luân hồi.

Tư tưởng biện chứng về thế giới thời kỳ này được thể hiện ở hai trường phái đối lập nhau là phái Ephêzơ có đại biểu tiêu biểu là Hêraclít và phái Êlê có đại biểu tiêu biểu là Pácmênít (540-470 trCN) và Dênôn (490-430 trCN).

Hêraclít khẳng định thế giới luôn luôn vận động và biến đổi. Thế giới như một dòng sông không ngừng trôi. Sự trôi ấy của thế giới thông qua thời gian. Thời gian là sinh thành, phát triển và diệt vong, là sự hợp nhất giữa tồn tại và hư vô – đó chính là quá trình chuyển hóa tồn tại (hiện tại) vào hư vô [hiện tại trở thành tương lai] và hư vô [tương lai] vào tồn tại [tương lai trở thành tồn tại]. Thời gian chính là vật thể đầu tiên, là cái mà mỗi khoảnh khắc đều theo một sự hiện hữu. Chính vì thế mà Hêraclít cho rằng không thể có ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông vì mỗi lần xuống tắm đều tiếp nhận dòng nước mới. Sự vận động và biến đổi của thế giới không hỗn độn mà tuân theo Logos. Logos thứ nhất là chỉ mọi sự vật đều nằm trong sự sinh thành, phát triển và diệt vong. Logos thứ hai là nhấn mạnh tính thống nhất các mặt đối lập và tính đa dạng của thế giới. Hư vô là “cái khác” của tồn tại, tính chủ quan là “cái khác” của tính khách quan. Mọi thứ đều phân đôi, đều hợp nhất. Tồn tại và hư vô chỉ là một. Vũ trụ vừa thống nhất vừa đa đạng, trong đó sự tác động qua lại và chuyển hóa các mặt đối lập làm nên bản chất của sự sinh thành, phát triển. Logos thứ ba là logos tương quan: sự vật đặt trong những tương quan khác nhau, “biểu lộ” ra một cách khác nhau trước chủ thể. Ví dụ: nước biển đối với một số sinh thể là môi trường sống, nhưng đối với một số loại khác lại tỏ ra độc hại; con lừa thích rơm hơn vàng. Trên cơ sở quan điểm duy vật và phép biện chứng, khi bàn đến nhận thức, Hêraclít coi đối tượng của nhận thức là thế giới vật chất. Nhận thức thế giới là nhận thức logos – tức nhận thức thế giới trong trạng thái đấu tranh và thống nhất của chúng. Tri thức chân thực là tri thức logos. Phép biện chứng khẳng định của Hêraclít là “sơ khai, mộc mạc, nhưng thực chất là đúng, là cái vốn có của triết học Hy Lạp”[2]

Phép biện chứng phủ định quan điểm về sự vận động và biến đổi của thế giới được thể hiện trong trường phái Elê. Pác-mê-nít coi vạn vật là bất biến, không sinh thành, không diệt vong, là hiện hữu, là đối tượng nhận thức của con người. Vũ trụ là liên tục, không phân chia, chứa đầy vật chất. Tuy nhiên việc phủ định vận động biến đổi trong tự nhiên đã đưa đến quan điểm siêu hình tự phát, tức là phương pháp giải thích thế giới trong trạng thái ngưng hoạt động, cô lập, bất biến. Dê-nôn cho rằng tồn tại chân thực là bất biến, là duy nhất, là không mâu thuẫn. Ai thừa nhận tồn tại có mâu thuẫn, có vận động, thì đưa tới mâu thuẫn không giải quyết được, gọi là a-pô-ri. Bằng con đường phản chứng, ông đưa ra những nghịch lý logíc dưới hình thức phủ định tính biện chứng của vận động, đó là nghịch lý “sự phân đôi”, “Asin và con rùa”, “mũi tên bay”. Tóm tắt lập luận về nghịch lý “sự phân đôi”: một vật bất kỳ muốn vượt qua đoạn đường từ A đến B trước hết phải vượt qua 1/2 của AB, mà muốn vượt 1/2 của AB, nó phải vượt 1/2 của 1/2 ấy, cứ thế đến vô cùng mà không kết thúc. Tóm tắt lập luận về nghịch lý “Asin và con rùa”: Asin là lực sĩ chạy nhanh, vẫn không đuổi kịp con rùa vì Asin đã lỡ chấp con rùa một quãng đường. Logíc của vấn đề rất đơn giản: khi Asin đạt tới điểm khởi hành của con rùa, thì con rùa đã không còn ở đó nữa, mà tiến được một quãng đường ngắn. Cứ thế Asin đuổi mãi theo con rùa, nhưng mỗi lần đến điểm cũ của rùa, thì rùa đã di chuyển khỏi đó rồi. Tóm tắt lập luận về nghịch lý “mũi tên bay”: mũi tên bay kỳ thực là không bay vì trong thời gian bay, bất kỳ lúc nào chúng ta cũng có thể xác định được toạ độ – tức vị trí cụ thể của mũi tên bay. Vậy mũi tên đứng im, không vận động. Tóm lại, nghịch lý về “sự phân đôi” về “Asin và con rùa” chỉ ra rằng nếu không gian được phân chia đến vô cùng thì vận động không thể bắt đầu, không thể kết thúc, nghĩa là không có vận động. Còn nghịch lý “mũi tên bay” chứng tỏ ngay cả khi tính đến sự gián đoạn của không gian thì cũng không thể có vận động bởi lẽ vận động không nên xem như tổng số các trạng thái. Tư tưởng này của Dê-nôn là muốn bảo vệ cái đơn nhất, chống cái đa tạp, tồn tại chống hư vô, bất biến chống khả biến, liên tục chống gián đoạn.

b) Tư tưởng triết học Hy Lạp thời cực thịnh.

Thời kỳ cực thịnh (khoảng thế kỷ V đến IV trCN) còn gọi là thời kỳ Xôcrát. Triết học thời kỳ này một mặt vẫn tiếp tục đề tài truyền thống ở thời kỳ sơ khai, nhưng mặt khác, triết học đã giành nhiều vấn đề liên quan tới con người. Tác giả của bước ngoặt này trong triết học chính là Xôcrát. Ông sáng lập ra triết học đạo đức. Đây là thời kỳ phát triển rực rỡ của triết học là thời kỳ xuất hiện những tên tuổi lớn của nền văn hóa Hy Lạp như Anaxago (500-428 trCN) Empêđoclơ (490-430 trCN), Đêmôcrít (460-370 trCN), Xôcrát (469-399 trCN), Platon (427-347 trCN), Arixtốt (384-322 trCN)…

Tư tưởng bản nguyên thế giới với tính cách là cái đặc thù và bản tính thế giới là vận động được thể hiện ở trường phái “các nhà khoa học tự nhiên thế kỷ V trCN” gắn với tên tuổi của Empêđôclơ, Anaxago. Empêđoclơ cho rằng bản nguyên của vũ trụ là là bốn yếu tố của tự nhiên: đất, nước, khí, lửa. Ông diễn tả nước là “đại dương cuộc sống”, đất là “cội nguồn thầm kín và cội nguồn bền vững của thế giới”, lửa là “vừng mặt trời chói lọi và rực nóng”, khí là “khoảng cao bất diệt, ngập tràn hào quang”. Sự kết hợp giữa các hành chất trên theo những liều lượng khác nhau tạo nên các sự vật khác nhau. Cách giải thích theo sự kết hợp với các nguyên tố hóa học này cho phép ta giải thích sự tồn tại đa dạng trong tính thống nhất của thế giới. Nguyên nhân của sự vận động của đất, nước, khí, lửa là do sự tác động qua lại của hai lực “tình yêu” và “hận thù”. “Tình yêu” là sự hợp nhất giữa các yếu tố khác nhau vào trong một bản nguyên của cái thiện. Còn “hận thù” là tách biệt cái hợp nhất, chúng là cơ sở của sự pha tạp cái ác. Quá trình vũ trụ diễn ra theo bốn chu kỳ kế tiếp nhau: tình yêu ngự trị tuyệt đối; hận thù xâm nhập vào vũ trụ phá vỡ sự ngự trị tuyệt đối của tình yêu; hận thù thắng tuyệt đối; tình yêu khôi phục sức mạnh, xác lập thế cân bằng. Theo cách giải thích trên, trong vũ trụ thường xuyên diễn ra sự thay thế nhau giữa “tình yêu” và “hận thù” giữa hợp nhất và tách biệt. Anaxago cho rằng bản nguyên thế giới là những phần nhỏ bé, siêu cảm giác không nhìn thấy được của nước, đất, khí, lửa… gọi là mầm sống, là hạt giống của muôn vật (Hômoiomeria). Những hạt giống ấy có những kết hợp khác nhau tạo thành mọi vật đang tồn tại. Động lực quyết định sự kết hợp và tách biệt của các hạt giống là Nu-xơ [Nu-xơ gọi là trí tuệ vũ trụ]. Ở đây đã chứa đựng mầm mống tư tưởng nguyên tử luận hóa học sau này.

Tư tưởng bản nguyên thế giới với tính cách là cái phổ biến và bản tính thế giới là vận động được thể hiện trong trường phái nguyên tử luận với đại biểu tiêu biểu là Đêmôcrít. Đêmôcrít thừa nhận nguyên tử (tồn tại) và chân không (hư vô) là những bản nguyên thế giới. Nguyên tử và chân không đối lập nhau: chân không thống nhất, tồn tại đa dạng; chân không vô định, tồn tại xác định. Sự thống nhất giữa tồn tại và chân không như những mặt đối lập tạo nên cơ sở của mọi sự vật. Khác với quan niệm về bản nguyên thế giới là những hành chất cụ thể, nguyên tử là một yếu tố vật chất có tính quy định và tính tích cực nội tại. Với tính cách là cái phổ biến vận động là thuộc tính của nguyên tử, chúng vận động trong chân không vô tận. Chúng va chạm nhau, đẩy nhau, rồi xoắn vào nhau, tan hợp, hợp tan theo những trình tự nhất định, tạo nên những hướng khác nhau. Vận động của từng nguyên tử là vận động có tính ngẫu nhiên, còn vận động của tập hợp các nguyên tử trong chân không tuân theo tính tất yếu khách quan, định hình nên một vũ trụ sinh động và biến hóa. Sự sinh ra và mất đi của thế giới bắt nguồn từ sự vận động ấy. Sự vận động ấy có tính chất vĩnh cửu, không do ai sáng tạo ra. Về nguyên nhân của sự vận động, Đêmôcrít cho rằng “do sự va chạm” của các nguyên tử, còn tại sao lại có sự va chạm ấy, Đêmôcrít chưa làm sáng tỏ được.

Sự sống nói chung và con người nói riêng theo Đêmôcrít là sản phẩm của quá trình biến đổi của tự nhiên. Nước và bùn là môi trường sinh ra sự sống và con người dưới sự tác động của nhiệt độ. Quá trình hình thành con người là quá trình lâu dài: từ sinh vật sống dưới nước đến sinh vật có vú trên mặt đất, đến sinh vật bốn chân, hai chân đến con người. Sinh vật khác sự vật là có linh hồn. Linh hồn được cấu tạo từ nguyên tử hình cầu. Nguyên tử linh hồn phát ra nhiệt làm cho cơ thể vận động.

Về nhận thức, Đêmôcrít phân biệt hai loại tồn tại: tồn tại “theo chân lý” và tồn tại “theo dư luận”. Nguyên tử và chân không tồn tại theo chân lý có các thuộc tính như tính đặc, độ lớn, không phân chia, vận động… Còn tồn tại theo dư luận là tồn tại trong cảm giác như mầu sắc, mùi vị, âm thanh, nóng lạnh… do những kết hợp của nguyên tử gây nên. Chính sự kết hợp của các nguyên tử hợp thành đối tượng được nhận thức, tác động vào chủ thể nhận thức. Căn cứ vào hai dạng tồn tại, Đêmôcrít đã phân biệt hai dạng nhận thức: nhận thức mờ tối và nhận thức chân thực. Nhận thức mờ tối đem lại cho con người những chất liệu thô, hướng con người tiếp cận đến tồn tại bề ngoài của nguyên tử và chân không. Muốn hiểu bản chất của nó phải nhận thức tinh tế hơn đó là nhận thức chân thực. Như vậy, nhận thức chân thực không phải là duy nhất, nhưng đóng vai trò quyết định trong quá trình nhận thức.

Đêmôcrít là một đại diện của nền dân chủ chủ nô cổ đại, cho nên tư tưởng của ông về đạo đức và chính trị có nhiều điểm có giá trị. Trong quan hệ xã hội, ông đề cao lòng nhân ái, tình bạn. Con người không thể sống thiếu bạn. Con người thiện là con người sống có đức hạnh, đó là người không màng danh lợi, không ham của cải, cảm nhận hạnh phúc ở nơi tâm hồn. Về chính trị, ông đấu tranh chống bọn quý tộc, chứng minh chế độ cộng hòa dân chủ chủ nô là ưu việt. Ông đã xây dựng học thuyết tiến bộ lịch sử tự thân của loài người từ trạng thái thú vật sang trạng thái văn minh. Thực chất bước ngoặt Xôcrát của triết học Hy Lạp ở giai đoạn cực thịnh là vấn đề con người. Xôcrát cho rằng triết học cần tập trung nghiên cứu những vấn đề của chính con người, những vấn đề tâm hồn của con người, chứ không phải là những vấn đề của tự nhiên đã được thần thánh an bài. Đối tượng của triết học theo Xôcrát là “cái tôi” tinh thần của con người, công thức của đối tượng ấy là “Hãy nhận thức lấy bản thân mình”. Sự quan tâm đến con người của Xôcrát được xem như bước ngoặt từ triết học tự nhiên sang triết học đạo đức. Điểm trung tâm trong triết học về con người của Xôcrát là đạo đức. Chủ đề suy xét của Xôcrát về con người là điều thiện, cái đẹp, tự ý thức, tri thức và chân lý. Ông dạy con người làm chủ hành vi của mình bằng các giá trị đó và không cho phép bản năng động vật lấn át tiếng nói của lương tâm, phẩm giá, lòng trung thành, lòng yêu thương con người, lý trí. Ông nhấn mạnh con người không chỉ chịu trách nhiệm về bản thân mình mà còn về những người khác. Khái niệm chung tạo thành cơ sở của đạo đức, tiêu chuẩn của đức hạnh là cái thiện phổ biến. Muốn tuân theo cái thiện thì phải hiểu nó. Muốn hiểu nó phải có phương pháp tìm ra chân lý thông qua đàm thoại, tranh luận triết học, phương pháp này có bốn bước, về sau gọi là phương pháp Xôcrát.

Ở phương diện thế giới quan triết học, Xôcrát đánh dấu bước ngoặt chuyển từ chủ nghĩa duy vật về tự nhiên, sang chủ nghĩa duy tâm. Chủ nghĩa duy tâm của Xôcrát thể hiện trước hết là tách khái niệm ra khỏi chủ thể nhận thức. Ông cho khái niệm tồn tại tự thân, có trước các sự vật cụ thể. Thứ hai, khi bàn đến quan hệ giữa linh hồn và thể xác, ông coi linh hồn của con người là bất tử, luôn luôn chi phối thể xác, là bà chúa cai trị thể xác. Ông coi thần linh là hiện thân của lý trí. Thần linh luôn ở trong ta dẫn dắt ta làm điều tốt. Có thể nói, ông là người phác thảo nên những nét đầu tiên của chủ nghĩa duy tâm khách quan.

Hệ thống triết học duy tâm khách quan của Platôn đối lập với hệ thống triết học Đêmôcrít về các mặt đã chi phối con đường vận động của triết học phương Tây trong nhiều thế kỷ.

Tư tưởng về bản nguyên thế giới với tính cách là một thực thể tinh thần chiếm vị trí đặc biệt trong triết học Platôn. Platôn đã chia ra hai thế giới: thế giới của những ý niệm – tồn tại đích thực và thế giới các sự vật cảm tính – không – tồn tại. Các ý niệm theo cách hiểu của Platôn là các khái niệm đã được khách quan hóa, chúng không sinh ra, không mất đi và tồn tại mãi mãi. Vì vậy, thế giới của những ý niệm là thế giới tồn tại vĩnh cửu, bất biến, tự thân đồng nhất, bền vững, siêu cảm tính, chỉ được lý trí nhận thức, là cơ sở, nền tảng của mọi tồn tại. Còn thế giới của các sự vật cảm tính là thế giới tồn tại không chân thực, thường xuyên biến đổi, phụ thuộc vào thế giới ý niệm, là cái bóng của thế giới ý niệm, do thế giới các ý niệm sản sinh ra. Thế giới các ý niệm tồn tại đa dang, nhiều vẻ, có mối liên hệ giữa ý niệm và sự vật, từ đó tiên đoán về các quá trình của vũ trụ nói chung. Platôn cho rằng có bao nhiêu ý niệm thì có bấy nhiêu phức hợp các sự vật, các hiện tượng, các quá trình. Khái quát về mối quan hệ giữa ý niệm và sự vật của Platôn ta thấy: Ý niệm đóng vai trò là khuôn mẫu của các sự vật, vừa là đích của các thực thể thế giới, các sự vật cảm tính hướng đến, vừa là khái niệm với tính cách là cơ sở chung của sự vật từng chủng loại.

Về con người ông cho rằng linh hồn con người cũng tương tự như linh hồn vũ trụ, nó có chức năng vận hành thể xác, làm cho thể xác trở thành sống động. Thể xác con người là khả tử, linh hồn con người là bất tử. Về mối quan hệ giữa linh hồn và vũ trụ, Platôn nêu lên thuyết luân hồi, theo đó linh hồn được sáng tạo ra một lần rồi chuyển từ thể xác này sang thể xác khác, không sinh thêm, không giảm đi.

Nhận thức luận và logíc học của Platôn được xây dựng trên cơ sở bản thể luận duy tâm khách quan và học thuyết về linh hồn bất tử. Platôn cho rằng thế giới các sự vật cảm tính luôn luôn biến đổi, không tồn tại, còn thế giới các ý niệm là tồn tại đích thực là đối tượng của lý trí. Trong hoạt động sống của con người, con người có thể dùng các giác quan để biết các vật thể, nhưng tri thức cảm giác ấy không thể chân thực, vì thế, kết quả của nhận thức cảm tính chỉ là dư luận. Để có tri thức chân thực thì phải hồi tưởng. Hồi tưởng là con đường đánh thức trong linh hồn “tri thức bị lãng quên”, là “tìm kiếm tri thức nơi mình”. Phương pháp để thực hiện hồi tưởng được Platôn sử dụng là phép biện chứng. Phép biện chứng theo cách hiểu của Platôn, trước hết là đàm thoại triết học. Thứ hai, ý niệm là các khái niệm đã được khách quan hóa. Vì vậy, phải có năng lực tìm hiểu khái niệm, phân biệt chúng theo tiểu loại, liên kết các tiểu loại thành khái niệm chủng loại. Phép biện chứng trong trường hợp này được hiểu là logíc học.

Lý luận nhận thức và logíc học của Platôn tuy là duy tâm, thần bí, nhưng nó đã mở ra phương pháp phân tích khoa học về quá trình nhận thức, logíc học.

Tư tưởng triết học xã hội trung tâm của Platôn là đức hạnh và nhà nước công bằng. Các đức hạnh thường được nhắc tới là tiết độ, gan dạ, khôn ngoan, công bằng, trong đó công bằng là “đức hạnh xã hội” vì nó thể hiện trong đời sống cá nhân lẫn cộng đồng, đóng vai trò thước đo của thiết chế nhà nước. Về nhà nước công bằng, theo Platôn, là nhà nước được xây dựng trên cơ sở những đẳng cấp xã hội khác nhau. Sự phân chia đẳng cấp trong xã hội dựa trên sự phân chia cơ cấu linh hồn ra ba phần: các triết gia – tương ứng phần lý trí của linh hồn; các chiến binh tương ứng phần ý chí của linh hồn; những người lao động chân tay tương ứng với phần dục vọng của linh hồn. Nhà nước với cơ cấu đẳng cấp như vậy là nhà nước lý tưởng vì có sự uyên thâm của các triết gia, sự hùng mạnh và gan dạ của chiến binh, sự phục tùng nghiêm túc từ các công dân. Khi trật tự đẳng cấp bị phá vỡ, cái ác nảy sinh. Trong nhà nước lý tưởng không có tư hữu, mọi công dân đều ăn chung, công việc của công dân được thực hiện theo sự phân công chung, giáo dục được giành một vị trí xứng đáng. Platôn đề cao một nền giáo dục toàn diện và liên tục với mục đích hướng con người đến lẽ công bằng và cải thiện tối cao. Nguyên lý cơ bản của nhà nước lý tưởng là công bằng. Arixtốt là đại biểu cho trí tuệ bách khoa của Hy Lạp thời cực thịnh. Arixtốt đã nghiên cứu triết học, logíc học, khoa học tự nhiên, sử học, chính trị.

Để đưa ra quan niệm mới về tồn tại, Arixtốt đã phê phán học thuyết ý niệm của Platôn ở bốn điểm cơ bản sau: a/ Giả thuyết của Platôn về ý niệm như tồn tại độc lập, tách khỏi các sự vật cảm tính là một giả thuyết vô dụng đối với sự nhận thức các sự vật ấy. Giả thiết ấy không đem lại hữu ích gì, vì, trên thực tế “ý niệm” chẳng qua chỉ là những sao chép giản đơn các sự vật, phản ánh chúng; b/ Thế giới ý niệm của Platôn cũng vô tác dụng đối với sự tồn tại của các sự vật cảm tính vì khi giải thích mối quan hệ giữa thế giới ý niệm với thế giới các sự vật cảm tính, Platôn coi sự vật cảm tính “can dự” vào các ý niệm. Đấy không phải là sự giải thích mà chỉ là một ẩn dụ, và thuật ngữ “can dự” không có ý nghĩa khoa học về mối quan hệ giữa thế giới các ý niệm với thế giới các sự vật cảm tính. c/ Khi xem xét mối quan hệ logíc giữa các ý niệm, Platôn đã giải quyết một cách mâu thuẫn về mối quan hệ giữa các ý niệm, về mối quan hệ giữa các ý niệm với các sự vật cảm tính. d/ Học thuyết của Platôn về thế giới các ý niệm không thể giúp chúng ta giải thích được một thuộc tính nào của thế giới các sự vật cảm tính như về sự vận động, sự sinh thành, biến đổi và phát triển. Lênin cho rằng khi một nhà duy tâm này phê phán những cơ sở chủ nghĩa duy tâm của một nhà duy tâm khác thì việc đó bao giờ cũng có lợi cho chủ nghĩa duy vật[3].

Vượt qua Platôn, Arixtốt đã xây dựng tư tưởng mới về tồn tại. Tồn tại, theo Arixtốt, trước hết là tồn tại đơn nhất. Trong học thuyết tồn tại của mình, Arixtốt đã đưa vào khái niệm “bản thể” dùng để chỉ dạng tồn tại hoàn toàn độc đáo, không có ở cái khác, là cái đơn nhất, bất biến, không thể phân chia là cái vốn có của các sự vật cụ thể. Nói khái quát, nó chính là những đặc tính tạo nên bản chất sự vật, là cơ sở để phân biệt tồn tại của cái này so với cái khác. Thứ hai, tồn tại cũng được xác định theo tính phổ biến. Trong vô số cái đơn nhất ta vẫn tìm ra những nét tương đồng giữa chúng. Đó là tồn tại phổ biến, bao hàm những đặc tính chung nhất của sự vật, Thứ ba, Arixtốt giành nhiều quan tâm tới dạng tồn tại thuần tuý, tự thân tuyệt đối tách khỏi vật chất – nghĩa là tồn tại như một bản thể siêu việt, tức là Thượng đế.

Từ tư tưởng mới về tồn tại, Arixtốt đưa ra quan điểm nhị nguyên hình thức – vật chất. Ông cho rằng cần phải xác định một cặp đối lập chung cho mọi quá trình gồm ba thành tố: cái hiện hữu (hình thức) – cái đối lập hiện hữu (khiếm khuyết) – cái mà từ đó một cái khác xuất hiện (vật chất). Arixtốt viết: “Vật chất như là, ví dụ: đồng, còn khái niệm hình thức – đường nét, hình ảnh; cái mà được cấu tạo thành bức tượng như là cái toàn vẹn”[4]. ”Hình thức” theo Arixtốt xét về phương diện tồn tại là bản chất của sự vật, xét về phương diện nhận thức là khái niệm về sự vật, hoặc là định nghĩa của sự vật đang tồn tại tự nó. Để có tri thức chân thực thì nhận thức phải là nhận thức khái niệm về sự vật và đối tượng của nhận thức là những tồn tại tuyệt đối, bất biến. Sự nhận thức như vậy chỉ có thể là nhận thức về “hình thức”. “Vật chất” theo Arixtốt có hai nghĩa: khả năng và hiện thực. Ví dụ: bức tượng đồng do thợ đúc đồng làm nên là tồn tại trong hiện thực. Khi ta coi bức tượng đồng là hiện thực tức là ta đã gán cho nó một khái niệm tương ứng là khái niệm “tượng đồng”. Khái niệm ấy đã được hiện thực hóa trong một vật chất xác định và vật chất được xác định ấy là đồng. Vậy, đồng ở đây là bức tượng trong dạng khả năng. “Vật chất” cũng vĩnh cửu như “hình thức”, tất cả những gì tồn tại trong tự nhiên đều được tạo thành từ “vật chất” và “hình thức”. Sự vật là cái toàn vẹn được tạo ra từ “vật chất” và “hình thức”. “Vật chất” và “hình thức” là cơ sở của các sự vật đơn nhất. Khác với “hình thức”, “vật chất” là nguồn gốc của tính nhất thời, khả biến của vạn vật – nhờ vậy, mà sự vật có khả năng tồn tại và không tồn tại.

Arixtốt đã không chặt chẽ khi tách rời giữa hình thức và vật chất. Vật chất là bị động, vô định hình, còn hình thức là nguyên thể làm cho sự vật đúng như thế – nghĩa là hình thức có trước vật chất.

Trong “Siêu hình học” và trong “vật lý học”, Arixtốt đã trình bày quan điểm về vận động và nguyên nhân vận động của vật chất. Vận động cần được coi là sự thực hiện, hay biến khả năng thành hiện thực. Ông coi tri thức về vận động là chìa khóa để nhận thức tự nhiên vì tự nhiên là nền tảng của vận động và biến đổi. Arixtốt đã đề cập đến sáu dạng vận động: sinh thành, tiêu diệt, tăng lên, giảm đi, thay đổi trạng thái hay biến đổi, chuyển dịch[5]. Có bốn nguyên nhân của quá trình vũ trụ: nguyên nhân vật chất; nguyên nhân hình thức; nguyên nhân vận động và nguyên nhân mục đích. Nguyên nhân hình thức: mọi vật trong thế giới có thể vận động là nhờ hình thức của nó vì hình thức là tính quy định căn bản của tồn tại, nên nó là nguyên nhân quan trọng nhất. Nguyên nhân vật chất: Vật chất là nguồn phát sinh của sự vật, những khái niệm vật chất theo Arixtốt có nhiều nghĩa, mà là thụ động. Mối quan hệ giữa vật chất – hình thức thì vận động đóng vai trò làm cho sự thống nhất các mặt đối lập thành hiện thực. Nguyên nhân mục đích: tính mục đích vừa đồng nhất với tính tất yếu, vừa được xem như vận động hướng tới mục đích tối cao là cái thiện, hạnh phúc, theo nghĩa đó nó bao trùm vũ trụ lẫn đời sống con người, chi phối các sự vật, hiện tượng và các quá trình diễn ra trong thế giới. Nguyên nhân vận động: Arixtốt không thừa nhận tính tự sinh của vận động mà xem vận động là do sự tác động của một vật lên một vật, sau này ông coi “động cơ đầu tiên” như nguồn gốc và nguyên nhân vận động.

Lý thuyết về nguyên nhân vận động của Arixtốt là một thành quả có giá trị của khoa học Hy Lạp cổ đại. Nhưng hạn chế của lý thuyết này trước hết Arixtốt đã tách rời nội dung và hình thức, coi nguyên nhân hình thức là quan trọng nhất; thứ hai là còn có sự phân biệt sự “vận động” hoàn thiện của “thiên giới” và “sự vận động không hoàn thiện của hạ giới”. Về sau triết học Kinh viện thời trung cổ sử dụng hạn chế này của triết học Arixtốt.

Lý luận nhận thức của Arixtốt đã đi tới gần chủ nghĩa duy vật, thể hiện ở các quan điểm sau: Thừa nhận thế giới khách quan là đối tượng của nhận thức, là nguồn gốc của cảm giác, kinh nghiệm, nghệ thuật và tri thức khoa học; Coi nhận thức là một quá trình đi từ kinh nghiệm cảm tính đến nhận thức lý tính. Nhận thức có các trình độ khác nhau như kinh nghiệm, nghệ thuật và khoa học. Kinh nghiệm cảm tính gắn liền với cảm giác, nhưng không phải là cảm giác, là quá trình từ cảm giác đến trí nhớ: Hoạt động của cảm giác là nhằm vào sự vật, những hiện tượng cá thể của tự nhiên, là cái sinh ra cảm giác ở ngoài ý thức người ta. Lênin cho rằng cái mấu chốt là “ở bên ngoài” người ta, đối lập với người, đó là chủ nghĩa duy vật[6]. Cảm giác theo Arixtốt là “sự tri giác những hình thức được cảm giác mà không có vật chất”[7][8]. Cảm giác là dấu vết hình thức của những đối tượng được cảm thấy, đồng thời cảm giác là nguồn gốc của tư duy lý luận, của khái niệm. Ông chỉ rõ “người nào không có cảm giác thì không biết và không hiểu gì”. Lênin nhận xét rằng trong vấn đề này Arixtốt đã đi gần tới chủ nghĩa duy vật(3). Một trong những nội dung cơ bản về lý luận nhận thức của Arixtốt là lý luận về tri thức khoa học. Ông đề cập đến vấn đề này nhằm làm rõ các loại tri thức khác nhau của nhận thức: tri thức khoa học, kinh nghiệm, nghệ thuật và ý kiến.

Arixtốt đã đóng góp nhiều cho việc xây dựng những vấn đề logíc học. Ông được xem là ông tổ của logíc học vì trước ông không có ai xây dựng khoa học này thành hệ thống. Trong học thuyết về sự tồn tại của mình Arixtốt nói rằng ”’Không thể cùng một lúc vừa tồn tại vừa không tồn tại”(4) hoặc “Không thể cùng một cái gì đó vừa có lại vừa không có trong cùng một thời gian”(5). Xuất phát từ những quan niệm này, Arixtốt đã xây dựng quy luật của tư duy – cũng là những quy luật cơ bản của logíc học. Quy luật một, quy luật đồng nhất, Arixtốt nói: “không thể tư duy về một cái gì đó, nếu không tư duy thường xuyên về chính cái đó”[9]. Yêu cầu này tương ứng với tính bất biến của sự vật trong hiện thực. Quy luật hai, quy luật mâu thuẫn. Trên cơ sở quy luật một, Arixtốt cấm tư duy phản ánh những sự vật trong vận động, nghĩa là mỗi một lúc, sự vật vừa là nó, vừa không phải là nó. Nói khái quát sự vật mà tư duy phản ánh phải không có mâu thuẫn bên trong. Quy luật ba, là quy luật bài trung, quy luật này được Arixtốt trình bày trong “siêu hình học” rằng “không thể có cái gì ở giữa hai thành phần của một mâu thuẫn, nhưng tương ứng với một cái gì đó thì tất yếu là nó sẽ hoặc khẳng định, hoặc phủ định”[10]. Trong “phân tích học thứ hai” Arixtốt viết “dù là nói về cái gì đi nữa thì chân thực chỉ có một; hoặc khẳng định, hoặc phủ định”[11]. Học thuyết về phạm trù của Arixtốt không chỉ mở rộng vào hình thức của tư duy mà còn mở rộng vào cả nội dung của tư duy. Arixtốt là người đầu tiên thực hiện phân loại phạm trù và ông đã đưa ra 10 phạm trù như sau: 1/ Bản chất – mang tính chất căn bản. 2/ Lượng – mang tính chất của những con số đó (một, một vài). 3/ Chất – mang tính chất tính từ (già, nhỏ). 4/ Quan hệ – trình độ so sánh (trước tất cả, cao hơn tất cả). 5/ Vị trí – trạng từ chỉ địa điểm (trên đường, dưới chân trời). 6/ Thời gian – trạng từ chỉ thời gian (hôm nay, ngày mai). 7/ Trạng thái – nội động từ (đứng, nằm). 8/ Sở hữu (trang bị, đi đày). 9/ Hoạt động (chẻ, cắt). 10/ Chịu đựng (bị cắt, bị đốt cháy)[12] . Arixtốt nghiên cứu vấn đề tam đoạn luận xem nó là một lối suy lý nhất định thường dùng làm hình thức trong sự chứng minh. Ông xây dựng lý luận về những hình thái và quy tắc của tam đoạn luận. Định nghĩa phán đoán là một hình thức của tư tưởng trong đó một cái gì được khẳng định hoặc bị phủ định là định nghĩa của Arixtốt…

Arixtốt là nhà triết học vĩ đại của triết học cổ đại Hy Lạp và cũng là một trong những nhà triết học lớn của thế giới. Vì vậy, việc nghiên cứu tư tưởng triết học của ông là điều kiện cần thiết, một bước đi ban đầu không thể thiếu với những ai nghiên cứu lịch sử triết học một cách có hệ thống; cũng như nghiên cứu triết học Mác – Lênin nói riêng.

c) Tư tưởng triết học thời kỳ Hy Lạp hóa.

Thời kỳ Hy Lạp hóa (khoảng thế kỷ III đến thế kỷ II)thường được nhắc đến như là sự Hy Lạp hóa văn hóa La Mã; kẻ đi chinh phục bị chinh phục ngược lại bằng ánh sáng văn hóa bản xứ. Triết học thời kỳ Hy Lạp hóa có nhiều biến đổi. Từ đây các trường phái từ phái Hoài nghi đến phái Khắc Kỷ đi sâu khía cạnh đạo đức cá nhân, song lại né tránh những chủ đề siêu hình và nhận thức luận truyền thống, đắm chìm vào những góc nhỏ của đời thường báo hiệu sự suy thoái của triết học sau những thế kỷ cực thịnh. Tuy vậy, sự chuyển hướng trong triết học cũng có những mặt tích cực nhất định. Các trường phái Hoài nghi, phái Khắc kỷ, phái Epiquya đã giảm hẳn các yếu tố thuần túy lý luận, tư biện, sự nghiên cứu dần dần mang tính chất thực nghiệm, các “nhà thông thái” gắn với đời nhiều hơn, đã có những đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của văn hóa, tạo nên sắc thái tư tưởng đặc trưng cho thời đại mình, dân tộc mình, thể hiện ở cả ba trường phái trong đó đáng chú ý nhất là tư tưởng triết học của Epiquya(341-271 trCN).

Epiquya nhà triết học duy vật và nhà vô thần thời Hy Lạp hóa. Epiquya đã phê phán triết học duy tâm của Platôn và khía cạnh duy tâm của Arixtốt. Ông chia triết học thành ba phần: học thuyết về tự nhiên (vật lý học), học thuyết về nhận thức tự nhiên và con người (nhận thức luận) và thuyết về việc đạt tới hạnh phúc (đạo đức học). Về tự nhiên, ông thừa nhận hạt vật chất nguyên tử vận động trong chân không là cơ sở của mọi tồn tại. Epiquya phân biệt những vật thể vật chất với những nguyên tử cấu tạo nên chúng. Nguyên tử không phân chia được. Chính Epiquya đã cải tiến học thuyết Đêmôcơrít bằng cách xác định nguyên tử không những khác nhau về khối lượng và hình thái, mà còn khác nhau về trọng lượng nữa – nghĩa là Epiquya theo kiểu của mình đã biết được trọng lượng và khối lượng nguyên tử[13]. Epiquya cho rằng chuyển động theo đường thẳng kết hợp với sự đi chệch ra ngoài đường thẳng một cách tự phát do điều kiện nội tại của nguyên tử quyết định. Đây là điểm khác căn bản giữa quan điểm của Đêmôcơrít và Epiquya. Đó là tư tưởng biện chứng tự phát nhằm tìm ra nguồn gốc nội tại của sự vận động vật chất. Trong luận án tiến sĩ “Sự khác nhau giữa triết học tự nhiên của Đêmôcơrít và triết học tự nhiên của Epiquya” của Mác bảo vệ năm 1841, lần đầu tiên Mác chỉ rõ ý nghĩa triết học sâu sắc của lý luận về sự đi chệch tự phát của nguyên tử do Epiquya đưa ra. Epiquya tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa duy tâm phủ nhận tính quy luật của các hiện tượng tự nhiên. Ông cho rằng không được cưỡng bách tự nhiên mà phải tuân theo nó bằng cách thực hiện những ý muốn cần thiết không có hại, cương quyết đè nén những ý muốn có hại. Ông cho vũ trụ là vĩnh cửu, vô cùng. Về nhận thức, nguyên tắc làm điểm xuất phát trong nhận thức của Epiquya là sự thừa nhận tác động của những sự vật vật chất vào các giác quan con người. Ông là nhà duy cảm, cho rằng tự thân các cảm giác bao giờ cũng là chân thực, bởi vì chúng xuất phát từ hiện thực khách quan. Epiquya đã giải thích sự xuất hiện của các cảm giác như sau: từ bề mặt các vật thể toát ra một dòng liên tục các hạt nhỏ, chúng thâm nhập vào các giác quan và gây ra những hình ảnh về mọi sự vật. Ông cho rằng mục đích của nhận thức là giải phóng con người ra khỏi ngu dốt và mê tín, sự sợ hãi trước thần linh và cái chết, nếu không thì sẽ không thể có được hạnh phúc. Về đạo đức, ông cho rằng con người cần được hưởng lạc hợp lý. Vì lý tưởng cá nhân muốn xa lánh những đau khổ và đạt tới một trạng thái tinh thần thanh thản và vui sướng. Đối với con người cái hợp lý nhất là sự thanh thản, tĩnh tâm, chứ không phải hoạt động.

Mác gọi Epiquya là nhà giáo dục Hy Lạp vĩ đại nhất. Những quan điểm duy vật vô thần của ông đã làm cho các nhà duy tâm thần học căm thù. Lênin cho rằng “Hêghen hoàn toàn dấu đi cái chủ yếu: (chú ý) sự tồn tại những sự vật ở bên ngoài ý thức của con người và độc lập với ý thức”(1) trong lý luận nhận thức của Epiquya. “Đó là một mẫu mực về sự xuyên tạc và vu khống của một kẻ duy tâm chống lại chủ nghĩa duy vật”(2).

3. Một số kết luận về triết học y Lạp cổ đại.

Ra đời và tồn tại gần một thiên niên kỷ, triết học Hy Lạp cổ đại là toàn bộ những học thuyết đã phát triển trong xã hội chiếm hữu nô lệ cổ Hy Lạp từ thế kỷ VI trCN và thời kỳ Hy Lạp hóa từ thế kỷ II trCN đến thế kỷ V công nguyên. Do sự khác biệt về phạm vi vùng văn hoá, khuynh hướng triết học Hy Lạp cổ đại nghiêng về thảo luận khách thể, thể hiện chủ nghĩa lý tính, hướng về khoa học, khách quan. Bởi vậy, so với triết học Ấn Độ, Trung Quốc cùng thời, chúng ta có thể rút ra những kết luận riêng của triết học Hy Lạp cổ đại như sau:

a) Triết học Hy Lạp ra đời có mối quan hệ chặt chẽ với thần thoại và các hình thức sinh hoạt tôn giáo nguyên thủy. Triết học Hy Lạp ở những bước đi ban đầu một mặt muốn dùng lý trí của con người để giải thích các vấn đề liên quan đến cuộc sống của con người, mặt khác muốn làm rõ các vấn đề của thần thoại bằng lý trí. Hầu hết các hệ thống triết học đều chứa đựng những yếu tố thần thoại. Nước của Talét được nâng lên thành “nước thần”. Logos của Hêraclít là sự kết hợp ba yếu tố vào trong một là thần linh, vũ trụ, con người. Ở Xênôphan thần vừa triết gia vũ trụ vừa là cội nguồn của sự thống nhất, hóa hợp. Khái niệm Nous của Anaxago là một bản nguyên tích cực ngoài con người chi phối sự vận động của vạn vật. Empeđôlcơ đã giải thích vũ trụ trên cơ sở của quá trình tâm sinh lý (tình yêu và hận thù). Để thăng hoa sự sáng tạo của ý thức các nhà triết học duy tâm đã tuyệt đối hóa khía cạnh của nhận thức đến mức tách nó ra khỏi cơ sở thực tiễn, đó chính là cội nguồn sâu xa tư tưởng duy tâm của Pitago, Platôn, nhị nguyên luận của Arixtốt và thần minh luận của phái Khắc Kỷ…

b) Ra đời trong điều kiện trình độ nhận thức của loài người chưa phát triển, tri thức mọi mặt chưa cao, triết học đóng vai trò là dạng nhận thức phổ quát, bao trùm về mặt lý luận của triết học lên tất cả các lĩnh vực của nhận thức, hy vọng lý giải những vấn đề lý luận của khoa học cụ thể còn ở tình trạng tản mạn, sơ khai, trực quan. Triết học được xem như “khoa học của các khoa học”, còn các triết gia là những nhà khoa học thực sự, có hiểu biết sâu các lĩnh vực được gọi là “những nhà thông thái”. Vì vậy, đặc trưng rõ nét của triết học Hy Lạp cổ đại là mang tính chất tổng hợp, nhằm đưa ra một bức tranh tổng quát về thế giới.

c) Sự phát triển kinh tế, điều kiện thuận lợi về địa lý của Hy Lạp cổ đại là cơ sở quy định tính đa dạng, tính muôn vẻ, sự phân cực quyết liệt giữa các trường phái trong quá trình phát triển của nền triết học tự nhiên Hy Lạp cổ đại. Các trường phái triết học lần lượt ra đời, rồi lại bị vượt qua đều phụ thuộc vào các trung tâm kinh tế, văn hóa. Bối cảnh lịch sử xã hội phức tạp đã in đậm dấu ấn lên sinh hoạt tinh thần của con người, trong đó có triết học, mà tính phân cực quyết liệt trong quá trình phát triển là bằng chứng rõ nét. Ngay từ khi mới ra đời, triết học đã phân thành các trường phái, những khuynh hướng, những cách tiếp cận khác nhau về bản nguyên và bản tính của thế giới về ý nghĩa của tồn tại, về nhận thức, về nhân sinh xã hội.Cuộc tranh luận về thế giới quan giữa “đường lối Đêmôcrít” và “đường lối Platôn” nó phản ánh sự xung đột giữa các lực lượng xã hội khác nhau, những thiên hướng chính trị khác nhau. Các cuộc tranh luận triết học liên tục, sôi nổi tạo nên những biến đổi tích cực trong ý thức các triết gia, buộc họ phải phấn đấu vượt qua cái sẵn có để khám phá những vấn đề mới. Chính trong sự đa dạng, muôn vẻ của triết học Hy Lạp đã chứa đựng hầu như tất cả các hình thức và các phương pháp tư duy căn bản nhất, được tiếp tục hoàn thiện, cải biến và phát triển sau này. Đồng thời chính sự phân cực giữa các trường phái triết học đã tạo nên đặc trưng rõ nét là tính đảng phái trong triết học của triết học Hy Lạp cổ đại

d) Trong quá trình vận động và phát triển của nền triết học tự nhiên Hy Lạp cổ đại, xu hướng chung của các trường phái triết học là đi sâu giải quyết vấn đề bản nguyên và phép biện chứng – là những vấn đề rất cơ bản của triết học.

– Vấn đề bản nguyên của thế giới đã được các nhà triết học Hy Lạp quan tâm từ khi mới ra đời. Quan điểm duy vật về vấn đề này có học thuyết về các khởi nguyên đầu tiên với tư cách là cái đơn nhất của các nhà triết học thuộc trường phái Milê; học thuyết về các bản nguyên đầu tiên với tư cách là cái đặc thù trong trường phái “các nhà triết học tự nhiên” thế kỷ V trCN; học thuyết về các bản nguyên đầu tiên với tư cách là cái phổ biến của trường phái nguyên tử luận thế kỷ V – IV trCN. Ngược lại, quan điểm duy tâm về vấn đề này là học thuyết về bản nguyên đầu tiên với tư cách là tinh thần đó là tư tưởng về con số của Pitago, là ý niệm của Platôn. Cuộc đấu tranh giữa các học thuyết trên là động lực phát triển của triết học Hy Lạp cổ đại.

Cuộc tranh luận về bản nguyên thế giới mở rộng sang vấn đề nhận thức. Các nhà duy vật thừa nhận thế giới vật chất tồn tại khách quan là đối tượng của nhận thức. Quá trình nhận thức có hai giai đoạn là cảm tính và lý tính, hai giai đoạn này liên hệ mật thiết với nhau. Các nhà triết học duy tâm của trường phái Pitago cho quan hệ số lượng là bản chất của sự vật, còn Platôn cho thế giới ý niệm có trước sinh ra, thế giới vật chất là đối tượng của nhận thức. Ông coi tri thức chân thực là tri thức bắt nguồn từ ý niệm. – Vấn đề phép biện chứng chiếm một vị trí đáng kể trong triết học Hy Lạp cổ đại. Ăngghen cho rằng “những nhà triết học Hy Lạp cổ đại đều là những nhà biện chứng tự phát”[14]. Nói tới phép biện chứng (PBC) Hy Lạp cổ đại cần hiểu nó theo hai nghĩa. Thứ nhất, là giai đoạn đầu tiên trong lịch sử nhận thức mang tính biện chứng về sự phát triển của hiện thực và PBC hiểu theo nghĩa cổ điển là nghệ thuật phát hiện và chứng minh chân lý. Với nghĩa đầu tiên, PBC Hy Lạp cổ đại được coi là một giai đoạn xác định mang tính chất xuất phát điểm đối với triết học phương Tây. Đó là PBC tự phát tồn tại dưới hai hình thức luôn đấu tranh với nhau: PBC khẳng định thể hiện trong triết học Hêraclít và PBC phủ định thể hiện trong trường phái Êlê. Thứ hai, PBC cổ điển được hình thành ở Dênôn và Xôcrát. Hai nghĩa trên của PBC liên hệ mật thiết với nhau.

Tuy nhiên, do khoa học chưa phát triển, chưa có điều kiện phân tích giới tự nhiên, những kết luận về bản thể luận của các học thuyết triết học Hy Lạp cổ đại thường được rút ra từ trực quan nên đặc trưng của chủ nghĩa duy vật Hy Lạp cổ đại còn thể hiện tính chất mộc mạc, thô sơ, song căn bản là đúng vì họ lấy tự nhiên để giải thích tự nhiên. Mặt khác các nhà triết học Hy Lạp cổ đại nghiên cứu giới tự nhiên nhằm đưa ra được bức tranh chung của thế giới, chỉ ra nguồn gốc của nó, chưa có chủ định nghiên cứu phép biện chứng. Do đó, đặc trưng phép biện chứng của triết học Hy Lạp cổ đại còn chất phác, sơ khai trong giải thích tự nhiên, trong khám phá quy luật nhận thức, trong đối thoại, tranh luận để đạt tới chân lý. Vì vậy, họ mới nêu lên được những yếu tố lẻ tẻ chưa thành hệ thống phạm trù quy luật, giá trị nâng cao tính tự giác cho con người nhằm biến đổi hiện thực còn thấp.

đ) Tinh thần nhân văn của triết học Hy Lạp cổ đại được khởi đầu bằng tuyên bố bất hủ của Protago rằng “con người – thước đo của vạn vật” và tiếp tục toả sáng ở Xocrát, Platôn, Đemôcrít, Arixtốt, Epiquya…Các nhà triết học lý giải bản chất con người, hoạt động sống và năng lực nhận thức sáng tạo của nó, các vấn đề xã hội, đạo đức quan hệ giữa người với người, về một thiết chế nhà nước lý tưởng phục vụ cộng đồng. Con người trong triết học Hy Lạp cổ đại kết hợp lý trí với đức hạnh, sự khôn ngoan và mực thước, khát vọng tự do và trách nhiệm công dân. Do hoàn cảnh lịch sử không cho phép các nhà triết học Hy Lạp cổ đại vượt qua những hạn chế nhất định về thế giới quan và phương pháp luận trong quan niệm về xã hội và con người (ví dụ con người duy lý cực đoan của Xôcrát, nhà nước không tưởng của Platôn, chủ nghĩa Sôvanh đại Hy Lạp của Arixtốt), nhưng xét đến cùng chính họ đã đưa ra quan điểm nhân văn để cho các giai đoạn triết học sau đó của phương Tây kế thừa.

e) Sự phát triển nối tiếp nhau hướng về thảo luận khách thể khách quan của các trường phái triết học đã hình thành đặc trưng của tư tưởng triết học Hy Lạp cổ đại vừa sâu sắc và phong phú. Trong quá trình phát triển, sự nối tiếp nhau thông qua phủ định nhau đã tạo nên những tư tưởng triết học luôn đổi mới.


[1] C Mác- Ph Ăngghen. Toàn tập – NXBCTQG, Hà nội. 1994. T 20 tr 491.
[2] C. Mác-Ăngghen., Sđd , t20, tr 35
[3] V.I.Lênin. Sđd, t 29, tr 302.
[4] Arixtốt. Tác phẩm gồm 4 tập. T1, Nxb “tư tưởng”, M; 1976, tr 180 [T. nga]
[5] Arixtốt. Sđd, T2, tr 88
[6] V.I.Lênin. Sđd ,t29, tr 305.
[7] V.I.Lênin. Sđd, t29, tr 309.
[8] Arixtốt. Sđd, tr 126-128.
[9] Arixtốt. Sđd. tr 125,128
[10] Arixtốt. Sđd. tr 141,257
[11] Arixtốt. Sđd. tr 141,257
[12] Arixtốt. Sđd. tập 2, tr 55
[13] C. Mác, Ph.Ăngghen. Sđd,t 20, tr 489
[14] C. Mác và Ph. Ăngghen. Sđd, T 20, tr 34

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net