Khái niệm Tri giác xã hội
Tri giác xã hội là sự cảm nhận, hiểu biết và sự đánh giá của chủ thể tri giác về các đối tượng xã hội: các cá nhân, nhóm người, bản thân mình, hoặc các hiện tượng xảy ra có sự tham gia của con người.
Tri giác xã hội đó là hiện tượng nhận biết xã hội. Nó phụ thuộc vào đối tượng mà chúng ta đang tri giác, đặc biệt là phụ thuộc vào mục đích, kinh nghiệm, nguyện vọng của chúng ta. Nó còn phụ thuộc vào hoàn cảnh, bối cảnh của chúng ta. Thực chất của tri giác xã hội là tri giác những người và kiểu người trong xã hội.
Tri giác xã hội có nghĩa là thông qua các biểu hiện và hành vi bên ngoài kết hợp với một vài đặc điểm nhân cách của người đó (do chúng ta cảm nhận được) để hiểu được mục đích, phương hướng hành động hoặc để hiểu được người khác.
Tri giác xã hội khác với tri giác vật thể ở chỗ đối tượng tri giác là một thực thể tích cực, có tình cảm và thái độ riêng của mình.
Cấu trúc của bất kỳ một quá trình tri giác xã hội nào cũng bao gồm: chủ thể tri giác, đối tượng tri giác, quá trình tri giác và kết quả tri giác, sự ảnh hưởng của tri giác xã hội tới sự điều chỉnh hành vi và hoạt động của cá nhân, của các nhóm xã hội.
Các cơ chế tri giác xã hội
Các công trình nghiên cứu đã cố gắng chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng của quá trình tri giác xã hội. Đó là: ấn tượng ban đầu, quy gán xã hội, định kiến xã hội.
1. Ấn tượng ban đầu
Ấn tượng ban đầu là hình ảnh tổng thể mà chúng ta có được về một người khác hoặc về nhóm xã hội dựa trên một sự nhìn nhận, đánh giá một cách chung chung thông qua những biểu hiện về diện mạo, lời nói, cử chỉ, tác phong, ánh mắt,… Sau lần tiếp xúc ban đầu ta sẽ có một ấn tượng nhất định về đối tượng của mình.
Thông thường sau lần gặp gỡ đầu tiên (tri giác, nhận thức), về mặt vô thức, trong đầu chúng ta hiểu về người đó: liệu có chơi được hay không? người này có thích mình không?… Chúng ta quy lại một nhân cách chung, do đó nó chi phối rất nhiều trong quá trình tri giác lần sau.
Ấn tượng ban đầu được hình thành trên cơ sở:
a. Đặc điểm trung tâm
Trong quá trình ứng xử xã hội, giao tiếp thông thường ở mỗi cá nhân có nổi lên một đặc điểm nào đó và chúng ta đã lấy nó để suy luận về họ.
Nhà tâm lý học Mỹ, Asch Solomon, nghiên cứu về ấn tượng ban đầu đã tiến hành thí nghiệm như sau:
Cho hai nhóm sinh viên hai bảng ghi các đặc điểm tính cách. Nội dung của hai bảng như nhau, chỉ khác một điểm: “tính nồng nhiệt” của người A thay thế bằng “tính lạnh lùng” của người B.
Người A — Người B
Thông minh — Thông minh
Khéo léo — Khéo léo
Cần cù — Cần cù
Nồng nhiệt — Lạnh lùng
Kiên quyết — Kiên quyết
Thực tế — Thực tế
Thận trọng — Thận trọng
Ông yêu cầu hai nhóm sinh viên đưa ra nhận định của mình về người có những đặc điểm trong bảng. Các sinh viên nhận xét người A là một người tin tưởng vào những điều đúng đắn, muốn mọi người hiểu quan điểm của mình, chân thành khi tranh luận và mong ý kiến, quan điểm đó được thừa nhận.
Nhóm sinh viên thứ hai cho rằng người B là một kẻ lừa dối, thấy mình thành công, thông minh đã tưởng là khác người, đó là người tính toán, lãnh cảm.
Từ thí nghiệm này ông kết luận: chính cặp đặc điểm trung tâm “nồng nhiệt – lạnh lùng” là yếu tố chính trong quá trình hình thành ấn tượng. Nếu thay đổi cặp đặc điểm này thì ấn tượng chung cũng bị ảnh hưởng. Các cặp đặc điểm trung tâm không chỉ đem lại những ấn tượng khác nhau mà còn gợi thêm những cảm tưởng khác nhau như tính nồng nhiệt đã làm 90% sinh viên đánh giá người A là hào hiệp, 75% sinh viên đánh giá là hài hước. Còn tính “lạnh lùng” chỉ có 10% sinh viên nhận định người B là hào hiệp hoặc hài hước.
Ấn tượng ban đầu được hình thành trên cơ sở một vài đặc điểm biểu hiện ra ngoài mang tính nổi bật trong một hoàn cảnh nào đó. Đặc điểm ấy thường gọi là đặc điểm trung tâm. Nó quyết định, khống chế cách thức và chiều hướng suy nghĩ cảm nhận của người tri giác. Vì thế, không phải lúc nào chúng ta tri giác cũng đúng.
b. Sơ đồ nhân cách tiềm ẩn.
Trong cuộc sống, do tiếp xúc ứng xử, chúng ta thường có một cách thức hay gán ghép các yếu tố với nhau thành một nhân cách.
-Trong mỗi con người đều có sẵn một sơ đồ liên hệ giữa các tính cách của con người với nhau. Chúng ta hay gán ghép những nét tính cách, phẩm chất giống nhau lại. Khi tiếp xúc với các cá nhân trong xã hội, thì mối liên hệ nét tính cách tốt hay xấu nó được hoạt hoá và chúng ta dùng để đánh giá người khác. Sự hoạt hoá – liên kết giữa các nét tính cách đã ảnh hưởng đến việc chúng ta đánh giá người khác dựa vào kinh nghiệm của chúng ta, nghĩa là chúng ta đặt con người bằng phạm trù sơ lược, bằng kinh nghiệm.
Khái niệm sơ đồ nhân cách tiềm ẩn: nhằm mô tả một biểu tượng tinh thần sơ lược có chức năng hiểu biết hiện thực bằng cách giản lược những phức tạp của đối tượng, thực tế, dự đoán được các phản ứng hành động của đối tác, định ra cái chuẩn có khả năng nhờ đó có thể kiểm tra được người khác và hành động của họ.
Sơ đồ nhân cách ngầm ẩn nó phụ thuộc vào:
+ Kinh nghiệm (những ý niệm, tri thức của chúng ta có về người khác), chúng ta sẽ có phản ứng tích cực hay tiêu cực về các nhóm xã hội khác.
+ Động cơ (lý do hành động), đó là hoạt động của chúng ta hướng vào để đạt được mong muốn, ý đồ của chúng ta.
+ Hoàn cảnh, bối cảnh cụ thể. Nó quy định cách thức chúng ta nhìn nhận người khác, quy định chuẩn mực của sự đánh giá.
c. Thông tin đầu tiên
Là những tri thức, cảm xúc của con người, trật tự của những thông tin quy định cách chúng ta đánh giá người khác.
Thứ tự thông tin rất quan trọng trong việc quan sát người khác, những thông tin đến sớm nhất, đầu tiên bao giờ cũng tác động gây cho người ta có sự tri giác gây ấn tượng lớn. Nó tạo nên sự áp đặt, nó chi phối làm sai lệch cách chúng ta cảm nhận người khác.
Thông tin ban đầu có tính quyết định khi tri giác người lạ, còn đối với người quen thì thông tin cuối cùng lại có ý nghĩa hơn cả.
Như vậy, ấn tượng ban đầu mang tính chủ quan khó xác định, bị nhiều hiệu ứng tác động không dễ xoá nhoà. Nó quyết định nhiều thái độ ứng xử tiếp đó của chúng ta đối với đối tượng.
2. Quy gán xã hội
Việc chúng ta giải thích các sự kiện xã hội hay nhận định về người khác bằng cách gán những nguyên nhân ổn định nằm trong kinh nghiệm của bản thân, gọi là quy gán xã hội.
Quy gán xã hội, đó là quá trình suy diễn nhằm hiểu ý nghĩa hành động của người khác bằng cách tìm những nguyên nhân hợp lý để giải thích cho các sự kiện, hành động luôn biến đổi trong xã hội.
Quy gán xã hội tuân theo những nguyên tắc:
– Nguyên tắc tâm lý ngây thơ: chúng ta luôn tìm cách khám phá nguyên nhân hành vi để hiểu và dự đoán sự kiện sắp tới, với mong muốn có thể giám sát được môi trường và mọi vật xung quanh. Heider (nhà tâm lý học Mỹ) gọi xu thế này là tâm lý ngây thơ vốn có ở mỗi người.
– Nguyên tắc suy diễn tương ứng: Khi quan sát hành vi của người khác, ta luôn tìm cách suy diễn ý nghĩa của hành vi đó tương ứng với những gì ta thấy. Nếu chúng ta có nhiều thông tin về mục đích hoạt động của đối tượng thì sự suy diễn tương ứng càng chính xác. Sự suy diễn tương ứng nhằm đi đến một quy gán nào đó bị ảnh hưởng bởi 3 yếu tố sau:
+ Chuỗi hành vi không thống nhất
+ Hành vi xã hội được mong đợi hay hành vi không được mong đợi
+ Những hành vi được tự do lựa chọn dễ suy diễn hơn hành vi bắt buộc.
Cách suy diễn tương ứng để tìm nguyên nhân hành vi không phải lúc nào cũng chính xác. Sự suy diễn tương ứng chỉ phản ánh được lượng thông tin chúng ta có về đối tượng. Khi cá nhân không có thông tin chi tiết, cụ thể nên hay dựa vào một điều bất kỳ mà người đó biết để quy gán hoặc cho là thế này, hoặc thế kia.
– Nguyên tắc suy diễn nhân quả: thường biểu hiện bởi 3 yếu tố: Chủ quan, khách quan, đối tượng.
Theo một quy luật chung: khi cá nhân thành công thì thường quy gán nghiêng về bản thân theo xu hướng quy gán vào nâng cao năng lực, phẩm chất của mình.
Ngược lại, khi thất bại cá nhân thường đổ lỗi cho khách quan. Còn đối với người khác khi thành công chúng ta hay quy gán cho là khách quan, khi họ thất bại lại quy gán do chủ quan của họ.
Trong quá trình quy gán chúng ta hay cho thái độ và hành vi của mình là chuẩn, hành vi của người khác là không chuẩn. Từ đó, chúng ta nhìn nó để chiếu theo người khác, ép người khác theo chuẩn của mình.
Một trong những nhược điểm của con người khi quy gán nguyên nhân hành vi là ảo tưởng rằng mình có khả năng kiểm soát được mọi yếu tố quyết định thành công hay thất bại. Ví dụ: như trò chơi xổ số, người ta có cảm tưởng rằng có nhiều cơ hội thắng cuộc nếu tự do lựa chọn vé số.