Trang chủ Sinh học Tế bào là gì? Cấu tạo, đặc tính sinh lý của tế bào

Tế bào là gì? Cấu tạo, đặc tính sinh lý của tế bào

by Ngo Thinh
828 views

Tế bào là gì? Đặc điểm cấu tạo, đặc tính sinh lý của tế bào trong cơ thể.

Khái niệm tế bào

Tế bào là đơn vị sống nhỏ nhất, có những đặc điểm cơ bản của cơ thể sống như trao đổi vật chất, tính chịu kích thích, lớn lên, sinh sản và chết.

Ở động vật đơn bào cơ thể là một tế bào.

Ở động vật nói chung cơ thể gồm nhiều tế bào hợp thành tổ chức, bộ phận, bộ máy. Các bộ máy tạo nên thể hữu cơ hoàn chỉnh là cơ thể.

Theo trình độ tiến hóa của sinh vật, các tế bào động vật được biến hóa ra thành nhiều loại, mỗi loại có hình thái, chức năng riêng. Ví dụ: Có tế bào hình đĩa như hồng cầu, có tế bào hình đa giác như tế bào gan, tế bào có đuôi như tinh trùng, có lông rung như tế bào niêm mạc đường hô hấp, có loại tế bào sinh sản rất nhanh như tế bào sinh dục, có loại không sinh sản như tế bào thần kinh.

Kích thước của tế bào khác nhau, có thể từ 5- 7µ hoặc từ 20- 30µ.

Cấu tạo tế bào

a. Màng tế bào

Bao bọc mặt ngoài của tế bào, có tính thẩm thấu chọn lọc, không chứa celluloza như ở tế bào thực vật.

b. Chất nguyên sinh

Gồm có.

  • Chất nguyên sinh căn bản: Là chất keo vô định hình thuộc loại albumin giống như lòng trắng trứng gà.
  • Chất nguyên sinh biệt hóa : Bên cạnh chất nguyên căn bản , thường có những bộ phận có hình rõ rệt được biệt hóa để làm cho tế bào có chức năng mới như thể golghi, tiểu vật, bào tâm…

c. Nhân tế bào

Nằm trong tế bào, nhân có hình dạng thay đổi tùy theo loại tế bào. Ví dụ: Nhân tế bào hồng cầu gà có hình bầu dục , nhân tế bào gan có hình tròn , nhân của tế bào bạch cầu có loại hình tròn, có loại chia nhiều thùy.

Nhân có thể nằm giữa hay lệch về một bên. Trong nhân có những hạt bắt màu gọi là nhiễm sắc chất. Trong thời kỳ tế bào phân chia tập hợp thành nhiễm sắc thể, có chứa gen

Nhân đóng vai trò quan trọng trong đời sống của tế bào, đặc biệt trực tiếp tham gia vào việc sinh sản của tế bào (trừ tế bào thần kinh).

Cấu tạo tế bào động vật

Cấu tạo tế bào động vật

Cấu tạo hóa học của tế bào

Tế bào động vật được cấu tạo bởi nhiều nguyên tố hóa học (khoảng 40 nguyên tố) chủ yếu là C, H, O, N, S, P, Ca, Mg, Na, K, Cl, Fe… Những nguyên tố này chiếm 99% khối lượng chất nguyên sinh và chia ra thành hai loại hợp chất: Vô cơ và hữu cơ.

– Hợp chất vô cơ: Gồm nước, muối khoáng: Ca3(PO4)2, Mg3(PO4)2, Na2CO3, NaHCO3, K2CO3, KHCO3, NaCl, KCl…ngoài ra còn một ít Fe và I2.

– Hợp chất hữu cơ: Chia ra 3 nhóm:

+ Nhóm gluxit gồm ba loại đường: Đường đơn (C6H12O6), đường đôi (C12H22O11), đường đa (C6H10O5)n.

+ Nhóm lipit gồm những chất lipit chính như: Olein, Stearin, Butirin…

+ Nhóm protit là chất căn bản của sự sống, là chất xây dựng nên tế bào, gồm đủ 4 nguyên tố C, H, O, N và thêm S, P, K tham gia cấu tạo rất phức tạp.

Đặc tính sinh lý của tế bào

a. Sự trao đổi chất của tế bào

Một hoạt động căn bản của tế bào là trao đổi vật chất giữa tế bào với ngoại cảnh. Tế bào lấy những chất dinh dưỡng từ bên ngoài vào để tồn tại và sinh trưởng. Một số chất bị oxy hóa sinh ra năng lượng duy trì hoạt động của tế bào. Quá trình trao đổi chất của tế bào có sản sinh ra một số chất có hại, được thải ra ngoài.

Tất cả những phản ứng sinh lý , sinh hóa xảy ra trong tế bào g ọi là sự trao đổi chất của tế bào . Sự trao đổi vật chất được tiến hành dưới hai quá trình đồng hóa và dị hóa.

Quá trình đồng hóa: Là phản ứng xây dựng nên vật chất của tế bào. Ví dụ: Sự tổng hợp chất gluxit thành mỡ, tổng hợp chất protit từ các axit amin, tổng hợp glycogen từ glucoza.

Quá trình dị hóa : Là những phản ứng phân hủy các chất sẵn có trong tế bào và những cặn bã được thải ra ngoài . Ví dụ : Oxy hóa glucoza thành năng lượng, CO2 và H2O.

Khi quá trình đồng hóa mạnh hơn dị hóa thì cơ thể phát triển.

Khi hai quá trình ấy tương đương thì cơ thể giữ cân bằng dinh dưỡng.

Khi quá trình dị hóa mạnh hơn đồng hóa thì cơ thể suy yếu.

b. Tính thích ứng và trạng thái hưng phấn của tế bào

Trạng thái hưng phấn:

Những hoạt động của tế bào phản ứng với kích thích của ngoại cảnh gọi là trạng thái hưng phấn của tế bào. Tế bào sống luôn luôn chịu tác động của ngoại cảnh như: Nhiệt độ, ánh sáng, thức ăn, tiếng động… Vì thế để có thể thích nghi tế bào phải có những hoạt động đối phó lại gọi đó là sự phản ứng. Mỗi loại tế bào có một kiểu phản ứng riêng.

Ví dụ: Tế bào cơ phản ứng bằng cách co rút.

Tế bào tuyến phản ứng bằng cách tiết dịch.

Tính thích ứng:

Do ngoại cảnh luôn thay đổi nên tác động đến tế bào mỗi lúc mỗi khác nhau. Để kịp thời chuyển biến cho phù hợp với ngoại cảnh, tế bào có khả năng thích ứng, gọi đó là tính thích ứng. Sự thích ứng có khi là tạm thời. Ví dụ: Tế bào thượng bì sinh ra các sắc tố đen và phân tán chúng, da sẽ trở nên đen lúc ra nắng. Khi ở trong râm mát lâu ngày thì sắc tố đen mất đi, da trắng lại. Sắc tố đen có tác dụng ngăn chặn bức xạ để bảo vệ da.

Sự thích ứng khi qua nhiều thế hệ được duy trì mãi và trở nên có khả năng di truyền.

c. Sự sinh sản của tế bào

Tế bào phát triển đến một mức độ nhất định thì phân chia thành nhiều tế bào, đó là sự phân bào. Có hai hình thức phân bào: Trực phân và gián phân.

Hình thức trực phân: Nguyên sinh chất và nhân kéo dài ra, rồi thóp lại ở giữa, sau cùng đứt thành hai phần tương đương là hai tế bào mới. Trực phân có thể thấy khi bạch cầu cần phân chia gấp.

Hình thức gián phân: Là sự phân chia phức tạp của tế bào trải qua nhiều giai đoạn trung gian, bắt đầu là sự phân chia của nhân, rồi đến chất nguyên sinh, cuối cùng cũng phân thành hai tế bào mới.

Riêng tế bào thần kinh không có khả năng sinh sản, khi bị tổn thương chúng không hồi phục được.

Tóm lại: Tế bào là đơn vị sống nhỏ nhất của cơ thể nhưng nó mang đầy đủ tính chất của một cơ thể sống. Hiểu được đặc tính sinh lý của tế bào giúp ta hiểu được đặc tính sinh lý của cơ thể.

Nguồn: Giáo trình giải phẫu sinh lý động vật

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]