Trang chủ Tâm lý học Sự cố kết là gì?

Sự cố kết là gì?

by Ngo Thinh
653 views

Khái niệm và vai trò của sự cố kết

Khái niệm sự cố kết

Trong Tâm lý học xã hội có nhiều cách tiếp cận và nhiều quan niệm khác nhau về sự cố kết nhóm. Tuy nhiên có thể khái quát thành 3 cách tiếp cận chính như sau:

* Cách tiếp cận thứ nhất: Coi nhóm là một hệ thống các quan hệ liên nhân cách được hình thành trên cơ sở xúc cảm. Do vậy, sự cố kết được hiểu là sự cố kết về mặt xúc cảm. Những xúc cảm tích cực giữa các thành viên trong nhóm có tác dụng liên kết, ràng buộc họ với nhau. Ngược lại, những xúc cảm tiêu cực là rào chăn cản trở các quan hệ liên nhân cách và thậm chí phá hủy các mối quan hệ đó. Đây là quan điểm phổ biến trong Tâm lý học xã hội phương Tây. Từ cách tiếp cận này có một loạt các phương án định nghĩa sự cố kết nhóm khác nhau:

Phương án thứ nhất – quan điểm trắc đạc xã hội – coi sự cố kết đồng nhất với các quan hệ xúc cảm, thể hiện sự ở thân thiện hay không thân thiện giữa thành viên. Để xác định mức độ cố kết, các nhà nghiên cứu thuộc trường phái này sử dụng trắc đạc xã hội và từ đó tính chỉ số cố kết nhóm. Hạn chế lớn nhất trong phương pháp này là nội dung và động cơ của sự lựa chọn giữa các thành viên trong nhóm bị bỏ qua.

Phương án thứ hai, coi sự cố kết nhóm đồng nhất với sự hấp dẫn giữa các cá nhân và được quy định bởi sự hấp dẫn giữa các thành viên. A.Lot & B.Lot định nghĩa sự cố kết nhóm: “Là thuộc tính của nhóm, là kết quả của số lượng và chất lượng của các thái độ đối xử tích cực lẫn nhau giữa các thành viên nhóm” (Lot & Lot, 1976). Bên cạnh đó, một loạt các biến số tạo nên tổ hợp các nguyên nhân của sự cố kết được xác định bao gồm: tần suất tác động qua lại giữa các cá nhân, tính chất hợp tác trong sự tác động qua lại, phong cách lãnh đạo nhóm, sự hụt hẫng và nguy cơ từ các nhóm khác… Bản thân tác giả của cách định nghĩa này cũng thừa nhận định nghĩa chỉ đề cập tới một khía cạnh của sự cố kết nhóm. Rõ ràng, định nghĩa sự cố kết nhóm chỉ dựa vào sự hấp dẫn liên nhân cách là chưa dầy đủ và chưa chỉ ra được bản chất thực sự của nó. Sự cố kết nhóm theo cách lý giải này chỉ đơn thuần là một hiện tượng xúc cảm. Nó không đủ để lý giải sự thống nhất của một nhóm xã hội.

Phương án thứ ba do L.Festinger đề xuất. L.Festinger cho rằng: “Sự cố kết nhóm là tổ hợp các lực tác động đến các thành viên để giữ họ lại trong nhóm” (Myer D.G. 1996). Các lực được hiểu là sự hấp dẫn của nhóm đối với cá nhân hay là sự hài lòng của cá nhân đối với nhóm. Tất cả các nhân tố tạo ra sự hấp dẫn cá nhân đều đóng góp cho sự cố kết nhóm. Sự cố kết nhóm là sức mạnh của sự hấp dẫn nội nhóm. Trong cách hiểu này sự cố kết nhóm cũng chủ yếu được khai thác ở khía cạnh xúc cảm.

* Cách tiếp cận thứ hai: Coi sự cố kết nhóm đồng nhất với sự hấp dẫn giữa các thành viên nhưng lý giải sự hấp dẫn đó không phải dựa trên các xúc cảm giữa các cá nhân đơn thuần mà dựa trên tổ hợp các động cơ thúc đẩy cá nhân tiếp tục duy trì là một thành viên của nhóm. Quan điểm này do D.Cartwright đưa ra, được gọi là cách tiếp cận nhu cầu động cơ đối với nhóm. Trong mô hình của D.Cartwright sự cố kết nhóm được quy định bởi một tổ hợp các biến số như: các nhu cầu và giá trị của chủ thể, sự kì vọng hay chờ đợi của chủ thể về những điều kiện thuận lợi hay khó khăn mà nhóm đem lại, đánh giá chủ quan về hệ quả của việc tham gia vào nhóm, các tính chất của nhóm có ý nghĩa đối với nhu cầu và động cơ của chủ thể (Zaden J.V. 1994).

Theo mô hình nêu trên, động cơ trở thành thành viên nhóm chủ yếu được quy định bởi các đặc điểm nhân cách của cá nhân chứ không phải được quy định bởi các thuộc tính của nhóm. Các đặc trưng của nhóm chỉ có thể có tác dụng lôi cuốn, thúc đẩy cá nhân ở lại với nhóm khi các đặc trưng đó đáp ứng được các nhu cầu tương ứng của cá nhân. Một gợi ý rất quan trọng cho việc nghiên cứu sự cố kết nhóm từ ý tưởng này của D.Cartwring là cần nghiên cứu sự tương ứng giữa 2 dãy biến số: đặc trưng của nhóm và đặc trưng nhu cầu của cá nhân.

Tiếp tục phát triển quan điểm này, M.Robert và F.Tilman cho rằng: một thành viên tham gia tương tác với các thành viên khác khi họ có được sự thỏa mãn từ sự tương tác đó. Sức mạnh lôi cuốn của nhóm chính là ở chỗ nhóm có thể giúp cá nhân thỏa mãn cả những nhu cầu riêng và các nhu cầu chung.

Từ đó có thể hiểu như sau: Sự cố kết là sự bền chặt của các mối quan hệ giữa các thành viên nhóm như một chính thể được tạo thành bởi sự hấp dẫn xúc cảm lẫn nhau sự thống nhất các giá trị, mục đích nhóm, được quy định bởi hoạt động cùng nhau của nhóm.

Khái niệm này coi sự cố kết như là một chỉnh thể. Sự cố kết không phải là sự cố kết theo một loại quan hệ riêng lẻ, độc lập tách rời với các quan hệ khác trong tập thể. Trong tập thể đồng thời tồn tại các quan hệ công việc và quan hệ liên nhân cách. Mỗi kiểu quan hệ đều có sự bền chặt (hoặc ít bền chặt hơn) của nó. Các quan hệ đó trong tập thể không tồn tại tách biệt, song song mà đan xen vào nhau, thâm nhập vào nhau. Trong quan hệ công việc có quan hệ liên nhân cách, trong quan hệ liên nhân cách không loại trừ yếu tố công việc. Chính sự đan xen các quan hệ khác nhau này tạo nên một nhóm nhỏ với tư cách là một chỉnh thể Tâm lý sống động. Do vậy, sự cố kết nhóm phải được coi là một chỉnh thể, là sự bền chặt của các quan hệ trong nhóm nhỏ. Đồng thời chính sự bền chặt của các loại quan hệ khác nhau tạo ra sự tương tác, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các thành viên nhóm. Điều này tạo ra một “ranh giới” nhóm nhỏ – như là 1 hệ thống – tương đối độc lập với các nhóm nhỏ khác. Cách hiểu này không quy sự cố kết nhóm nhỏ về một loại quan hệ cụ thể, cho nên nó tạo điều kiện để có thể thấy được “tính trồi” của sự cố kết nhóm mà sự cố kết của các loại quan hệ riêng lẻ trong nhóm không có được.

Bên cạnh đó, khái niệm này cũng đã đề cập đến các phần tử (các yếu tố) tạo ra sự cố kết chỉnh thể. Có thể gọi đó là các thành tố của sự cố kết, bao gồm: sự hấp dẫn xúc cảm giữa các thành viên, sự thống nhất các giá trị và sự thống nhất mục đích. Mỗi thành tố này tạo ra một sức mạnh riêng để lôi cuốn, duy trì, giữ các thành viên lại với nhóm. Với tư cách là các cố kết thành phần, chúng có tính chất, vai trò không giống nhau trong việc tạo ra sự cố kết chỉnh thể. Nhưng điều quan trọng cần nhấn mạnh là chúng tác động qua lại, chuyển hóa và bổ sung cho nhau để tạo ra chất lượng mới mà từng cố kết thành phần không thể có.

Khái niệm này cũng được xây dựng trên nguyên tắc hoạt động, coi nhóm là một chủ thể hoạt động và là một chỉnh thể tâm lý. Trong Tâm lý học xã hội, nhóm cũng như nhân cách, được xem xét với tư cách là chủ thể lựa chọn các mục đích, các giá trị. Sự cố kết nhóm nhỏ được hình thành và phát triển cùng với hoạt động của nhóm. Điều này phù hợp với quan niệm của tâm lý học hoạt động về sự hình thành và phát triển của các hiện tượng tâm lý. Nếu coi nhóm là một chủ thể hoạt động rõ ràng cố kết nhóm là một hiện tượng tâm lý nhóm chứ không phải là các hiện tượng tâm lý cá nhân và hiện tượng tâm lý đó sẽ được hình thành và phát triển trong hoạt động của chủ thể – nhóm nhỏ. Cách hiểu này giúp hạn chế được sự phụ thuộc thái quá vào trắc đạc xã hội như một cách thức duy nhất để có được sự cố kết cao trong nhóm. Đồng thời nó gợi ý một hướng tác động đến nhóm để có được sự cố kết thực sự bền vững – tác động thông qua hoạt động nhóm.

b) Vai trò của sự cố kết

* Cố kết nhóm và cấu trúc nhóm: Nếu coi cấu trúc nhóm là mối liên hệ giữa các thành phần để tạo ra một nhóm thống nhất, bền vững và cấu trúc nhóm có thể có nhiều thành tố khác nhau thì rõ ràng không thể thiếu sự cố kết nhóm. Nếu không có sự cố kết, nhóm không thể có một cấu trúc ổn định và bền vững, sự cố kết giúp gắn các cá nhân vào các cấu trúc quan hệ. Ngược lại sự cố kết chính là cố kết theo các mối quan hệ liên nhân cách, không có cố kết nằm ngoài các mối quan hệ liên nhân cách. Điều cần nhấn mạnh ở đây là sự thống nhất giữa cố kết nhóm và cấu trúc nhóm. Cố kết nhóm làm cấu trúc nhóm trở lên chặt chẽ, biến cấu trúc đó thành một chỉnh thể sống động.

* Sự cố kết và các chuẩn mực nhóm: Các nghiên cứu cho thấy những đặc trưng của nhóm như tính thân thiện, sự hấp dẫn giữa các thành viên có ảnh hưởng đến các hành vi tuân theo chuẩn mực nhóm của cá nhân. Sự cố kết nhóm làm tăng ảnh hưởng xã hội của nhóm đối với cá nhân (tăng tính lệ thuộc nhóm) (Festinger, Gerard, Kelley. 1952). Ngược lại một trong những nguyên nhân tạo ra những hành vi lệch chuẩn là sự thiếu hấp dẫn của nhóm đối với cá nhân. Đề cập tới mối quan hệ giữa chuẩn mực nhóm và sự cố kết nhóm, G.M.Anđrêeva cho rằng nghiên cứu quá trình một tập hợp các cá nhân biến thành một nhóm, cần phải nghiên cứu quá trình hình thành các chuẩn mực nhóm, quá trình các cá nhân chia sẻ các mục đích chung của nhóm. Sự phân tích đó lại dẫn tới việc nghiên cứu sự hình thành cố kết nhóm. Như vậy sự cố kết nhóm không tách rời với các quá trình hình thành chuẩn mực nhóm và việc thực hiện chức năng của hệ thống chuẩn mực nhóm. Một mặt nó cùng với quá trình hình thành các chuẩn mực nhóm và hệ thống chuẩn mực nhóm đảm bảo cho sự thống nhất, ổn định của nhóm. Mặt khác nó thúc đẩy sự tuân thủ chuẩn mực nhóm của các thành viên.

* Mối quan hệ giữa sự cố kết nhóm và tính hiệu qua của nhóm dường như rất rõ ràng. Ngay trong những nghiên cứu của trường phái “Động thái nhóm” đã chỉ ra những đặc trưng chung của tính hiệu quả của hoạt động nhóm: tính hiệu quả của hoạt động nhóm phụ thuộc vào sự cố kết nhóm, vào phong cách lãnh đạo, vào phương thức ra quyết định nhóm… Tính hiệu quả ở đây, liên quan đến các thực nghiệm trong phòng thí nghiệm, chủ yếu được xem xét ở phương diện giải quyết nhiệm vụ đặt ra trước nhóm và do vậy sau này tính hiệu quả của nhóm bị quy về hiệu quả hoạt động. Một số tác giả khác coi một nhóm là hiệu quả khi: “Các thành viên trong nhóm cùng thảo luận các mục tiêu, đánh giá các ý tưởng đưa ra các quyết định và làm việc theo những mục tiêu đã định”. Cách hiểu như vậy là chưa đầy đủ nếu coi nhóm là một chủ thể hoạt động. Tính hiệu quả của nhóm cần được xem xét cả hai ở hai phương diện: kết quả của công việc cùng nhau (kết quả của hoạt động) và sự hài lòng của các thành viên nhóm đối với hoạt động chung của nhóm (phương diện liên nhân cách).

Như vậy theo cách nhìn nhận coi cố kết nhóm là một quá trình chứ không chỉ là kết quả thì tính hiệu quả nhóm (thể hiện ở kết quả) là kết quả cuối cùng của toàn bộ các quá trình nhóm đó, trong đó có sự đóng góp của cố kết nhóm. Việc sử dụng trắc đạc xã hội để hình thành các nhóm cố kết cao với mong muốn có được một nhóm hoạt động có hiệu quả cao trong hoạt động của nhóm (thể hiện ở kết quả cụ thể của hoạt động cùng nhau) là một minh chứng cho mối quan hệ giữa cố kết nhóm và tính hiệu quả nhóm.

Trên phương diện quan hệ liên nhân cách, E.Shaw cho rằng thành viên của các nhóm cố kết cao nhìn chung thỏa mãn cao hơn với hoạt động chung của nhóm so với thành viên của nhóm cố kết thấp. Các tác giả khác khẳng định cố kết nhóm làm tăng tương tác và giao tiếp giữa các thành viên nhóm, đặc biệt là tăng chất lượng các tương tác (Lot & Lot. 1951, Moran 1966). Theo quan điểm hoạt động, sự hài lòng với hoạt động cùng nhau không chỉ là biểu hiện của tính hiệu quả mà ý nghĩa quan trọng hơn của nó là ở vai trò gắn kết các thành viên và thúc đẩy sự phát triển nhóm. Sự cố kết nhóm do vậy làm tăng tính hiệu quả nhóm ở 2 khía cạnh: 1) Tăng sự hài lòng trong công việc chung; 2) Tăng hiệu quả lao động.

Sự cố kết trong tập thể

Tuy sự cố kết nhóm (biểu hiện rõ nhất là sự đoàn kết, sự nhất trí, sự phối hợp hành động là một chỉ số quan trọng đánh giá sự phát triển của nhóm) không phải là chỉ số quyết định sự khác nhau giữa nhóm và tập thể. Nhưng là một chỉ số quan trọng đánh giá sự phát triển của nhóm.

Nhóm càng phát triển cao thì sự liên kết càng chặt chẽ, hiệu quả của hoạt động  chung càng cao. Biểu hiện quan trọng nhất của sự liên kết nhóm là sự đoàn kết nhóm.

a)  Khái niệm sự cố kết với tư cách là sự thống nhất giao tiếp nhóm

Cố kết là một thông số quan trọng phân biệt nhóm phát triển thấp và tập thể – quan điểm này được thể hiện rõ trong Tâm lý học xã hội Mỹ.

* Quan niệm về sự cố kết trong Tâm lý học Mỹ.

Đây là vấn đề được các nhà tâm lý học xã hội phương Tây chú ý nhiều. Các tác giả Mỹ quan niệm “cố kết” với hai biểu hiện cơ bản sau:

  • “Cố kết” là hiệu quả của sự tác động của nhóm tới các thành viên, sức lôi cuốn của nhóm với các thành viên trong nhóm củng cố mối liên hệ giữa các thành viên làm cho các thành viên có ý thức về nhóm của mình.
  • “Cố kết” biểu hiện trong hiệu quả công việc, trong tính “cộng đồng” trong hoạt động, lôi cuốn mọi người vào hoạt động

Từ đó, các chỉ số của sự cố kết được xác định bởi:

  • Mức độ giao tiếp trong nhóm, tần số (số lần giao tiếp trong một đơn vị thời gian và cường độ giao tiếp trong nhóm).
  • Số lượng và tính chất qua lại của sự lựa chọn lẫn nhau kể cả tích cực và tiêu cực.

Ví như, G.Hoffman cho rằng phải xác định sự cố kết bằng tần số giao tiếp, số lần  tiếp xúc và cả thời hạn của giao tiếp. Vì ông cho đó là kết quả của sự thống nhất bên trong nhóm, tăng số lần giao tiếp (một cách nhân tạo cũng được) sẽ làm cho nhóm từ ít cố kết  đến chỗ cố kết. Theo ông, có tiếp xúc thường xuyên sẽ dẫn đến sự thống nhất chuẩn mực nhóm.

Trong khi đó J.Moreno thì cho rằng: muốn cho nhóm có sự cố kết tốt thì phải loại   bỏ những thành viên bị từ chối trong nhóm, bổ sung bằng những người được nhóm lựa chọn.

Như vậy sự cố kết được xem là một cộng đồng xúc cảm tâm lý. Các tác giả đưa ra  hai thành phần của sự cố kết đó là: sự “đồng thuận” và “sự hấp dẫn”: T.Newcomb đưa ra thuật ngữ “đồng thuận” nhưng làm thế nào để đo được sự hài lòng thì lại đo bằng tần số những tác động qua lại. Ông đã đồng nhất sự đoàn kết với những đặc điểm xúc cảm tâm   lý: “Một hình thái giao tiếp bất kì có kết quả của nó là sự tăng cường mức  độ “đồng  thuận”. Ông cho rằng “đồng thuận” là kết quả của sự  giao tiếp trước đó và quy định sự  giao tiếp sau đó.

Sự “đồng thuận” là một trong những cơ chế hình thành chuẩn mực nhóm, là một trong những phương thức truyền lại những phong tục, tập quán của thế hệ này cho thế hệ khác.

Thành phần thứ hai là “sức hấp dẫn” của nhóm với các thành viên. Biểu hiện của nó là ở sự thỏa mãn các nhu cầu cá nhân khi nhu cầu này chỉ có thể thỏa mãn trong giao tiếp trong nhóm.

Chỉ số để đo sức hấp dẫn của nhóm đối với các thành viên cũng được đo bằng  sự  lựa chọn lẫn nhau: “Sức hấp dẫn” gắn chặt với “sự đồng thuận”. Mức độ “đồng thuận” cao sẽ dẫn đến “sức hấp dẫn” lớn.

Tóm lại: Sự cố kết trong tập thể đặc trưng bằng sự gắn bó qua lại  giữa các thành  viên – bằng mức độ cao hay sức mạnh của sự hấp dẫn lẫn nhau và sức hấp dẫn của nhóm với các thành viên, bằng sự đồng thuận trong thái độ đối với người xung quanh và ý thức  về sự đồng thuận đó.

* Quan điểm trong tâm lý học Xô viết:

Những đặc trưng về cố kết do các nhà tâm lý học xã hội Mỹ đưa ra có vẻ đúng và khó bác bỏ. Nhưng các tác giả này đã không chỉ rõ được mặt chất lượng của các đặc trưng giao tiếp nhằm mục đích gì, do động cơ nào chi phối. Nếu chỉ xét về tần số giao tiếp và sự đồng thuận là chưa đủ.

Nhưng nó có hạt nhân hợp lý là trong giao tiếp bao giờ cũng có màu sắc xúc cảm: từ ác cảm đến thờ ơ và đến thiện cảm. Nhưng đó chỉ là cơ chế là con đường dẫn đến cố kết.  Sự cố kết trong tập thể phải tính đến: Mức độ thống nhất của tập thể về mục đích, nhiệm  vụ, lý tưởng chung, có ý nghĩa thế nào. Trong quan hệ liên nhân cách thể hiện tình đồng  chí và sự giúp đỡ lẫn nhau.

Đến nay, nhiều tác giả khẳng định rằng giao tiếp trong tập thể là tiền đề cho sự cố kết, là cơ chế hình thành sự cố kết. Nhưng bản chất cố kết trong tập thể là gì vẫn là vấn đề chưa được chỉ rõ.

b)  Đoàn kết với tư cách là sự thống nhất định hướng giá trị

Nói đến sự cố kết trong nhóm là phải nói đến biểu hiện của nó về mặt chất lượng trong hoạt động chung: sự thống nhất định hướng giá trị. Đây là một chỉ số của sự cố kết nhóm.

Sự thống nhất định hướng giá trị biểu hiện như là những đặc trưng liên kết của hệ thống các mối liên hệ bên trong nhóm. Sự liên kết này chỉ rõ trình độ và mức độ trùng hợp những ý kiến, sự đánh giá, tâm thế trong quan hệ và quan điểm của nhóm về các đối tượng có ý nghĩa đối với nhóm.

Chỉ số của sự cố kết tập thể là tần số trùng hợp có ý kiến hay quan điểm của các thành viên với quan điểm chung, ý nghĩa của chỉ số này là ở chỗ:

  • Chỉ số này có thể cho phép so sánh mức độ tính có tổ chức của các loại nhóm hoặc mức độ phát triển chính nhóm đó trong các thời kì khác
  • Khi hiểu được các chỉ số này chúng ta hiểu sâu sắc hơn tính chất các mối quan hệ qua lại trong nhóm, tập thể.

Mức độ trùng hợp (thống nhất) ý kiến, đánh giá quan điểm của các cá nhân không  chỉ do giao tiếp trong nhóm, tập thể, mà là kết quả của hoạt động cùng nhau một cách tích cực – hoạt động cùng nhau đòi hỏi hợp tác, thống nhất tâm thế, định hướng giá trị, động cơ hoạt động.

Nhưng sự thống nhất định hướng giá trị với tư cách là chỉ số của sự cố kết hoàn toàn không có nghĩa là các thành viên phải có sự đánh giá,  có quan điểm giống nhau trong tất  cả mọi lĩnh vực, mà trong đó mỗi cá nhân vẫn còn những quan điểm, có cách đánh giá  riêng. Đặc biệt trong những vấn đề không đụng chạm đến các giá trị chung của tập thể. Thống nhất định hướng giá trị trước hết là sự gần gũi trong cách đánh giá về lĩnh vực đạo đức, về công việc, về quan điểm đối với mục đích và nhiệm vụ của hoạt động chung.

Sự thống nhất định hướng giá trị chỉ bắt đầu có ở tầng thứ hai trong cấu trúc theo tầng của tập thể và chỉ thật chắc chắn ở tầng thứ ba. Đó là tầng cá nhân có cùng một thái   độ đối với đối tượng của hoạt động. Có thể nói tầng thứ ba là hạt nhân của tập thể.

c)  Những quá trình đồng nhất hóa trong tập thể

Một trong những hình thức biểu hiện quan trọng của sự cố kết trong tập thể là sự  giao lưu tình cảm của cá nhân với tập thể. Sống trong tập thể, cá nhân hoặc có ý thức, hoặc không có ý thức đồng nhất mình với tập thể.

Đồng nhất với tập thể là thái độ đồng cảm với mọi người trong mọi biến cố thành công hay thất bại trạng thái tình cảm chung của tập thể nhằm hoàn thành nhiệm vụ đã đặt ra. Biểu hiện của đồng nhất với tập thể là: hoà mình với trạng thái chung của tập thể, biến thái độ thành động cơ hành động. Đây là một tiêu chuẩn nói lên mức độ phát triển quan hệ cá nhân trong tập thể và mức độ đoàn kết trong tập thể.

Sự phát triển của sự đồng nhất này từ chỗ lây lan xúc cảm bình thường đến mức có nhu cầu cùng thể nghiệm các xúc cảm (đồng  cảm) và nó phát triển trong quá trình sống  của cá nhân trong tập thể.

Tập thể là nơi có các quan hệ gần gũi nên là điều kiện thuận lợi cho việc nảy sinh sự đồng nhất xúc cảm mà trong nhóm phân tán không có. Vì thế, hiện tượng đồng nhất xúc cảm là một thông số đặc biệt của mức độ phát triển quan hệ liên nhân cách trong tập thể. Đồng nhất xúc cảm bắt đầu có ở lớp thứ hai của cấu trúc quan hệ liên nhân cách trong tập thể.

Như vậy, cùng với các chỉ số khác như: đồng nhất xúc cảm, thống nhất định hướng giá trị cho phép phân biệt mức độ phát triển nhóm để xác định xem nhóm đã là một tập thể thực sự chưa.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]