Ăn uống (từ một bữa tiệc linh đình ở khách sạn đến một bữa cơm thân mật, ấm cúng tại nhà riêng) cũng là dịp giao tiếp rất có hiệu quả. Vấn đề ăn một bữa ăn ngon hơn những bữa ăn hàng ngày chỉ là vấn đề rất phụ, thậm chí không thành vấn đề. Trong giao tiếp bạn bè, sự ăn uống với nhau là một dịp để tỏ lòng quý mến nhau, chúc mừng nhau và để cởi mở cho nhau những điều thầm kín mà hàng ngày trong cuộc sống đời thường ta không có dịp nói cho nhau biết.
Khi được mời đến dự bữa ăn thì phải cố gắng đừng đến trễ, vì khi mọi người đã ngồi vào bàn rồi thì chủ cũng lúng túng và ta cũng áy náy trong việc xếp và nhận chỗ ngồi, nhưng cũng không nên đến quá sớm, sợ chủ chưa chuẩn bị xong hoàn toàn. Như vậy nên đến đúng giờ theo giấy mời hoặc sớm chừng 5 hay 10 phút là tốt nhất.
Khi vào phòng ăn, người dưới phải nhường bước cho người trên đi trước và chờ chủ nhà xếp chỗ ngồi cho mình.
Khăn ăn trải trên đùi mình, đừng đeo lên cổ như trẻ em. Nếu không muốn hoặc không biết uống rượu, khi người tiếp rượu tới, ta đặt vài ngón tay che miệng ly là được.
Người lịch sự ăn uống khoan thai, thong thả. Đừng há miệng ra khi đang có thức ăn trong miệng. Nhai thức ăn sao cho êm, đừng có tiếng kêu “chóp chép”. Đừng kén chọn, xáo trộn thức ăn trong đĩa, đừng gắp lên rồi bỏ xuống vì chê, nên gắp miếng nào gần tay nhất. Húp canh cũng cho êm, không để tiếng kêu “soàn soạt”. Uống rượu từng hớp một và không nên vừa nhai thức ăn vừa uống. Không nên hút thuốc lá trong khi ăn nếu bàn ăn có người không biết hút thuốc lá. Ăn xong chờ người trên và chủ nhà đứng dậy thì ta mới rời bàn ăn.