Trang chủ Tâm lý học Phép lịch sự khi Chào hỏi, xưng hô, tự giới thiệu, xin lỗi và cám ơn

Phép lịch sự khi Chào hỏi, xưng hô, tự giới thiệu, xin lỗi và cám ơn

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 690 views

Phép lịch sự trong giao tiếp, Chào hỏi, xưng hô, tự giới thiệu, xin lỗi và cám ơn.

Lịch sự khi chào hỏi

Chào một người nào đó mà ta chưa quen biết có nghĩa là ta tỏ ý cho người đó biết rằng ta kính trọng họ. Đối với người mà ta đã quen biết thì sự chào của ta có ý nghĩa là vẫn tiếp tục mối quan hệ quen biết giữa ta và họ.

Có thể chào bằng lời nói khi ta và người mà ta chào ở gần trước mặt nhau. Nhưng nếu xa hơn, ví dụ, người bên này đường, người bên kia đường, thì ta chào bằng cách đưa bàn tay lên vẫy (vẫy chào) hoặc ngã nón ra khỏi đầu (nếu người ta chào là người trên thì ta còn thêm cái cúi đầu nữa).

Gặp người quen thân không những ta chào mà ta còn bắt tay, hoặc hơn nữa, ôm nhau, tay vỗ vào lưng hoặc vai nhau, thậm chí còn hôn nhau nữa. Vấn đề chỉ là ở chỗ mối quan hệ giữa ta và người ta gặp là mối quan hệ như thế nào, người đó và ta thân thiết với nhau đến mức nào, là người trên, “người bằng vai phải lứa” hay người dưới, lâu lắm mới gặp hay vẫn gặp nhau hằng ngày, là nữ giới hay nam giới….

Cái bắt tay cũng nên vừa phải: thân mật lắm thì nắm bắt chặt hơn, lâu hơn; đừng thờ ơ, yếu ớt quá và cũng đừng bóp mạnh quá làm đau tay người ta.

Sự hôn nhau với tính chất là tỏ lòng quý mến khi gặp nhau cũng có cách khác nhau. Các đại biểu hôn nhau trước sự chứng kiến và hoan nghênh của những người chung quanh tại sân bay, hoặc tại hội trường , hoặc tại phòng khách… thường là hôn nhẹ vào má của nhau (thường là ba lần). Bạn bè, anh em gặp lại nhau vui vẻ cũng hôn nhau một cách tự nhiên, thật tình chứ không mang tính thủ tục, xã giao, ngoại giao, như các đại biểu, các quan chức hôn nhau. Người lớn thường cúi xuống để hôn lên trán, lên đầu cũng như lên má trẻ, hoặc bế đứa trẻ lên rồi hôn.

Ở nước ta, sự hôn nhau có tính chất lễ tân, xã giao giữa đại biểu nam giới và đại biểu nữ giới cũng bình thường nhưng trong những tình huống khác thì rất ít, hoặc không thực hiện, nếu chỉ là sự gặp nhau giữa hai cá nhân, không phải là đại biểu đại diện cho một tổ chức, một lực lượng nào của xã hội hay của Nhà nước .

Nếu người quen biết, nhất là những người quen thân, những người bà con họ hàng, những người cùng làm trong một nhiệm sở, những người bạn bè và những người là cấp trên của ta, mà ta quên chào hoặc cố ý không chào thì đó là một điều rất không bình thường. Người ta có thể nghĩ rằng ta giận họ hoặc ta không muốn quan hệ gì với họ nữa.

Lịch sự trong xưng hô

*Xưng hô như thế nào cũng là vấn đề quan trọng trong giao tiếp. Xưng hô đúng thì người giao tiếp với mình sẽ thấy bình thường hoặc vui lòng, hoặc cảm động hay sẽ quý mến mình. Còn xưng hô sai thì có thể làm cho người mình giao tiếp bất bình, ngượng nghịu, áy náy và hiểu lầm. Phép lịch sự trong xưng hô là phải xưng hô như thế nào đó để người nghe vui lòng, cảm động, phấn khởi vì cảm thấy được kính trọng, yêu thương, được coi như là người bạn, người nhà. Vì thế phải căn cứ vào mức độ thân sơ, tuổi tác, thứ bậc, giới tính, lạ hay quen, tính chất của quan hệ tình cảm, hoàn cảnh và tình huống cụ thể của giao tiếp mà xưng hô cho thỏa đáng, phù hợp. Trong một lúc nào, một nơi nào đó, đã xưng hô như thế nào thì cứ như thế mà xưng hô, đừng có một chốc lại đổi cách xưng hô (ví dụ: đang xưng anh, gọi em lại chuyển qua xưng hô tôi gọi cô, hay xưng tao gọi mày,… )

Đối với nữ giới, vấn đề xưng hô là một vấn đề nhạy cảm và tế nhị. Phải xưng hô như thế nào để tỏ được thái độ kính trọng của nam giới đối với nữ giới và tôn trọng của nữ giới trước nam giới. Đừng gọi một phụ nữ còn trẻ bằng bà và cũng đừng để phòng quá mức mà gọi một người đàn ông còn trẻ bằng chú và xưng cháu, khi mình là một cô gái đã lớn tuổi, cũng như đừng gọi một cô gái bằng em và xưng anh khi mình là một người đàn ông già.

Trong công tác tại cơ quan, trong cuộc họp, người ta gọi nhau bằng đồng chí, dù gọi là gì cũng xưng tôi, không nên gia đình hóa nhiệm sở.

Đối với các vị lãnh đạo và cán bộ có chức vụ trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước, trong các đoàn thể và các tổ chức xã hội, cần phải gọi đúng chức danh, chức vụ, cấp bậc trưởng hay phó của họ và phải xưng là tôi.

Lịch sự trong tự giới thiệu

Khi mình đến với một người lạ để hỏi hay để nhờ giúp một việc gì đó, thì mình phải tự giới thiệu ngay với người đó họ và tên, chỗ ở, nghề nghiệp, nơi làm việc và chức vụ của mình, tùy theo từng trường hợp để giới thiệu sơ sài, khái quát hoặc đầy đủ, cụ thể. Nếu cần ta phải trình thêm giấy chứng minh nhân dân hay tờ đăng ký hộ khẩu. Nói chung, chỉ nên tự giới thiệu rất ngắn gọn về bản thân mình, đừng để cho người đối diện hiểu lầm là ta khoe khoang hay hù dọa họ. Cũng có thể giới thiệu bằng một tấm danh thiếp.

Nếu ta đi với ai đó, rồi gặp và chào một người quen biết, thì ta nên giới thiệu người cùng đi với ta với người quen. Làm như thế có hai cái lợi: một là, tỏ ra quý trọng người cùng đi với ta, không để họ lâm vào tình thế “bị bỏ rơi” hay “bị gạt sang một bên”; hai là người ta gặp biết ta đi với ai, với quan hệ như thế. Nếu ta gặp một người quen biết, hay một người bạn và ta thấy cùng đi với người nào đó mà ta không quen, thì ta không nên hỏi người đó là ai, quan hệ với người quen biết, hay với bạn ta, như thế nào, vì như thế là không tế nhị, có thể làm cho người mà ta quen biết hay bạn ta lúng túng vì chưa tiện trả lời.

Lịch sự trong lời cám ơn và lời xin lỗi

Lời cám ơn và lời xin lỗi là hai lời nói thông thường và phổ biến nhất trong giao tiếp hằng ngày, từ việc lớn đến việc nhỏ. Đặc biệt trong trường hợp ta là một người bán hàng hay một người làm nghề dịch vụ nào đó, một khi nhận tiền của khách ta đều phải cám ơn người khách.

Phép lịch sự này (lời nói cám ơn) trong đời sống xã hội cộng đồng đã đi vào cả trong đời sống gia đình: con cám ơn bố mẹ mỗi khi bố mẹ cho con một cái gì đó hoặc làm cho con một việc gì đó và bố mẹ cũng cám ơn con khi con cho bố mẹ một cái gì đó hoặc làm cho bố mẹ một việc gì đó, không phải do bố mẹ yêu cầu, mà do sáng kiến và tình cảm của con.

Cũng thông thường và phổ biến như lời “cám ơn” là lời “xin lỗi”. Trong gia đình, ngoài đường phố, nơi nhiệm sở, mọi người đều phải biết nói lời “xin lỗi” khi mình có lỗi thực sự với ai đó, do đã có một lời nói, một cử chỉ, một điệu bộ, một hành động xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự và long tự trọng của người đó, hoặc do đã có hành động gây hậu quả xấu, có hại cho thân thể, cho sức khỏe, cho tài sản, cho đời sống và cho hạnh phúc của người đó.

Trong giao tiếp thông thường, người ta cũng nói lời “xin lỗi” vì những việc rất nhỏ, thậm chí không đáng kể. Ví dụ, ta vô ý chạm vào người cô gái, ta xin lỗi; hoặc ta hỏi một người trong hai người khi họ đang ngồi nói chuyện với nhau ta cũng phải xin lỗi; hoặc ta vô ý nhầm cái nón, hoặc cái áo mưa, hoặc cái bút của người khác, ta cũng phải xin lỗi.

Điều cần nhớ là phép lịch sự, tình thân ái giữa người và người cũng đòi hỏi người được xin lỗi phải tỏ thái độ và tỏ ý với người nói lời xin lỗi rằng việc đó không đáng gọi là lỗi, hoặc không đáng phải xin lỗi, tức là người được xin lỗi phải nói ngay lập tức với người xin lỗi rằng: “không có chi” hoặc lễ phép hơn “dạ không có chi”.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]